HotelHoangMinh
New Member
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trọn đời vì nước vì dân nhưng những dịp sinh nhật của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người thầy của Cách Mạng Việt Nam lại rất đỗi giản dị.
Sáng 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội), lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ. Người đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ Người. Trong buổi sinh nhật ấy, đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: ''Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc...''.
Hồ Chủ tịch về thăm ngôi nhà cũ ở quê nội tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961). Ảnh tư liệu TTXVN
Năm 1948, Bác đã viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã gửi thư chúc mừng nhân ngày sinh của Người. Bức thư có đoạn: "Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn...".
Do không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, trước ngày 19/5/1948, Người đã làm bài thơ "Không đề” trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:
''Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta''.
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta''.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 63 (năm 1953), Bác đã bí mật sang thăm lớp mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội ở Định Hóa, Thái Nguyên, vừa để tránh việc chúc tụng, vừa để thăm các cháu nhi đồng. Nhắc lại sự kiện này, cô Phan Thanh Hòa, là giáo viên của lớp khi đó - người vinh dự 5 lần được gặp Bác, không giấu nổi xúc động: “8 giờ sáng, tôi đang dán bích báo để mừng sinh nhật Bác lần thứ 63, tự nhiên nghe thấy tiếng Người hỏi đằng sau: "Cô đang làm gì đấy"? Tôi ngoảnh lại, bàng hoàng: "Cháu thưa Bác, cháu đang dán bích báo”. Tôi kính mời Bác vào trong trường, lúc ấy, cả trường mới biết, ùa ra đón Bác. Người ân cần thăm hỏi, động viên các nhà giáo và các cháu học sinh. 59 năm qua, những điều Bác dạy, tôi không bao giờ quên được”.
Theo Tiến sĩ Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Những dịp sinh nhật của mình, Bác thường hay cùng các đồng chí giúp việc đi ra khỏi cơ quan Chủ tịch phủ. Người đi thăm nông dân, thăm các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh bởi vì những ngày đó, người muốn tránh một sự tổ chức chúc thọ linh đình, tốn kém và lãng phí. Những ngày đó thì chúng ta có phong trào là cả nước viết thư về chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những năm Người đã tự tay thảo thư cám ơn tất cả nhân dân, cán bộ, bộ đội chiến sĩ cả nước đã gửi thư, điện mừng chúc thọ Người”.
Khoảng thời gian từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969, Bác Hồ sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch. Nhưng cứ đúng vào ngày 19/5, Người thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Và lần đầu tiên Bác thực hiện việc đó là ngày 19-5-1955, Bác đi thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - Hà Nội. Người ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, công việc của anh chị em công nhân nhà máy Xe lửa và căn dặn phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất. Vào những dịp sinh nhật khác, Bác thường dành thời gian đến thăm bà con nông dân, thăm các danh lam thắng cảnh hay thảo thư cám ơn cán bộ, chiến sĩ cả nước đã chúc thọ Người.
Là vị lãnh tụ của Đảng, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác căn dặn việc Đảng, việc Nước, việc dân phòng trước khi Người đi xa. Dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh, đúng 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - “Bản Di chúc” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Năm 1968, vào ngày sinh nhật 19/5, Bác xem và bổ sung “Bản Di chúc”. Một ngày sau, tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (20-5-1968), sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo và lời chúc thọ, Bác nói:
..."Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này:
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước, ta cùng con em ta".
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước, ta cùng con em ta".
Đến năm 1969, trọn vẹn ngày sinh 19/5, Bác ở lại Phủ Chủ tịch. Sau khi tiếp các cháu là con của các đồng chí phục vụ đến chúc thọ, Bác xem kỹ lại toàn bộ các bản viết Di chúc của Người vào các năm 1965, 1968 và 1969. Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng giúp việc cho Bác viết: “… ngày 19/5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, đã diễn ra thật ấm cúng thân tình. Bác ngồi ở đầu bàn, Phan Thị Quyên ngồi bên trái Bác, Nguyễn Thị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh anh Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ ba thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam”. Có ai ngờ rằng, đó là ngày kỷ niệm sinh nhật cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ.
Cho đến lúc Người đi xa, mặc dù trên ngực không một tấm huân chương, nhưng tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân cả nước trao tặng cho Người là niềm tin tuyệt đối, là tình cảm kính yêu vô bờ bến, là sự tự hào mỗi khi người dân Việt Nam nhắc đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng hợp từ Internet
Chỉnh sửa cuối: