Chiều 19 tháng 10, 2011 vừa rồi, Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp bàn phương án huy động tổng lực để bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Theo dự kiến, tổ chức NewOpenWorld sẽ công bố kết quả cuộc bầu chọn này vào ngày 11 tháng 11, 2011. Ðúng là nhàn rỗi và vớ vẩn, vì việc bầu chọn này lại làm kinh động đến chóp bu - chắc cũng là chóp bu duy nhất trong các quốc gia có kỳ quan được bầu chọn lần này - đứng ra làm việc này.
Cuộc họp rình rang này có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Trung Ương MTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại Giao, Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Trung Ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ðương nhiên cũng không thể thiếu Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Ðọc và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều báo đưa tin về buổi họp này như sau: “Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị xã hội cùng với địa phương động viên cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT... trong cả nước tích cực tham gia bầu chọn cho kỳ quan Vịnh Hạ Long, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho kiều bào ở nước ngoài tham gia bầu chọn để tạo ra sức mạnh tổng lực mang lại kết quả cao nhất bầu chọn cho vịnh Hạ Long.”
Ðây mới là bề nổi, còn bề chìm, từ tháng 8, 2007, Việt Nam đã có nhiều chiến dịch phát động rầm rộ và tốn kém. Thậm chí, họ còn dùng cả mạng Internet và điện thoại để làm kỹ thuật bầu chọn; có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng dùng tin tặc để tăng chỉ số bầu chọn. Ðơn cử như tỉnh Tiền Giang từng khởi động chiến dịch 10 tháng bầu chọn, trong đó có việc hỗ trợ đường truyền Internet tốc độ cao miễn phí cho 35 trường trung học phổ thông trong tỉnh để giáo viên và học sinh tham gia bầu chọn nhiều lần.
Cỡ phó thủ tướng mà đứng ra làm việc này, thì quả là nhàn rỗi và kệch cỡm; đúng là không còn giữ thể diện quốc gia gì cả, chẳng lẽ dân tộc Việt Nam lại hám danh như vậy sao? Chẳng lẽ cái tổ chức NewOpenWorld này lại đủ khả năng tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam vậy sao? Chẳng lẽ phó thủ tướng không còn việc nào có ích để làm hay sao?
Vậy mà truyền thông nội địa lại xiển dương như đây là việc làm của lòng yêu nước, là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Ví dụ báo Tuổi Trẻ đã lập hẳn chuyên mục với khẩu hiệu: “Bầu chọn Việt Nam: Lá phiếu của lòng yêu nước.” Việc làm mông muội và gian dối này mà là yêu nước ư? Chẳng lẽ bản sắc Việt là vì hám danh mà làm bậy?
Tại sao làm bậy?
Bởi đáng lý đây là việc của những người làm du lịch, những chuyên gia lữ hành, khi mà họ có đủ trải nghiệm và thông tin về các kỳ quan, rồi bình chọn. Chứ người dân Việt Nam thì có mấy người biết đến các kỳ quan (trong 28 kỳ quan ứng viên) là như thế nào đâu mà bầu chọn? Thậm chí, phần đông cũng chưa biết Hạ Long là thế nào, vì chưa có dịp đến đó. Vậy là vì vô minh, vì háo danh mà bầu chọn bậy bạ. Ðiều này khiến ta liên tưởng đến việc bầu cử tại Việt Nam, người dân cũng bầu đại như vậy, chẳng mấy khi biết ai là ai.
Việc bầu chọn bậy bạ này riết rồi trở thành thói quen cẩu thả, đánh mất tự trọng, vì xúi giục và tuyên truyền mà làm, chứ không làm vì hiểu biết, phân tích.
Theo Wikipedia thì NewOpenWorld chỉ cần: “Mỗi địa danh tham gia phải có một ủy ban hỗ trợ chính thức, có đủ tư cách pháp lý, phải ký hợp đồng và được công ty NOW chấp thuận, và phải đóng lệ phí là 5,000 USD mỗi tháng.” Ðiều kiện đơn giản như thế này thì cần chi tới phó thủ tướng và các bộ ban ngành phải ra mặt?
Bộ Trưởng Văn Hóa Farouq Hosni của Ai Cập phê phán cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn”; phê phán Weber - nhà sáng lập NOWC - là “tự quảng cáo,” chỉ nhằm đánh vào sự háo danh để trục lợi.
Xét về dân số, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới, nếu người dân ai cũng vì cái danh hão và vì vô minh mà bầu một lần thôi, thì Hạ Long rất có thể là kỳ quan Top Ten của nhân loại - nếu nhân loại cũng chơi cách này giống như Việt Nam.
Ðó là chưa nói, thử nhìn vào danh sách 27 kỳ quan vào chung khảo sau đây: Rừng Amazon (Nam Mỹ); đảo Bu Tinah (Ả Rập); đảo núi lửa Galapagos (Ecuador), thác Iguazu (Argentina-Brazil); công viên quốc gia Komodo (Indonesia); đảo Milford Sound (New Zealand); núi “chiếc bàn” (Nam Phi); thác Angel (Venezuela); vách đá Moher (Ai-len); hẻm núi Grand Canyon (Mỹ); hang động Jeita Grotto (Li-băng); dải san hô The Maldives; núi lửa bùn (Azerbaijan); núi đổi màu Uluru (Úc); vịnh Fundy (Canada); biển Chết (Israel-Jordan-Palestine); dải đá ngầm Great Barrier (Úc); đảo Jeju (Hàn Quốc); khu vực hồ Masurian (Ba Lan); sông ngầm Puerto Princesa (Philippines); núi lửa Vesuvius (Ý); rừng đen (Ðức); rừng quốc gia El Yunque (Puerto Rico, Mỹ); đỉnh núi Kilimanjaro (Tanzania); núi Matterhorn/Cervino (Thụy Sĩ-Ý); rừng Sundarbans (Bangladesh-Ấn Ðộ); núi Yushan (Ðài Loan)... Rõ ràng, về dân số thì Việt Nam chẳng thua mấy nước, chỉ xếp sau Ấn Ðộ, khu vực Nam Mỹ, Mỹ, Indonesia... nếu mỗi công dân được bỏ một lá phiếu cho kỳ quan nước mình, thì Việt Nam chắc chắn có mặt trong nhóm 7 nước, vì dân số áp đảo.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bầu chọn tự do, ai thích thì bỏ, điều này mới làm lòi sự lố bịch của Việt Nam. Bởi Việt Nam thừa hiểu rằng, với lượng khách du lịch hàng năm đến Hạ Long như hiện nay, chuyện Hạ Long bị loại là có chắc, nên chính quyền mới vận động người dân “lấy thịt đè người” để thắng bằng mọi giá, ngay cả đánh mất thể diện quốc gia.
Khi nhìn vào danh sách các kỳ quan vào chung khảo, sự u mê mang tính a dua cộng đồng của Việt Nam đã quá rõ. Bởi với kiến thức về du lịch hẹp hòi như Việt Nam thì làm sao có sự so sánh đẹp xấu, xứng đáng hoặc không... để mà bầu. Ðiều này dẫn tới tình trạng bầu về du lịch mà do những người không bao giờ đi du dịch hay chẳng biết gì về du lịch... đứng ra làm. Ðây không gọi là gian xảo và kệch cỡm thì còn gì.
Hơn nữa, không biết những tổ chức NewOpenWorld có liêm minh hay không? Nếu quả thật họ liêm minh thì khi đặt chân đến những đất nước thể diện hão và bệnh thành tích như Việt Nam, sự công bằng và liêm minh này đã bị bóp méo kết quả. Nói như ngôn ngữ giang hồ, là bị hiếp dâm ngay trong trứng nước.
Còn theo Wikipedia, thì “NewOpenWorld là một công ty tư nhân (đặt trụ sở tại Thụy Sĩ và do tỉ phú người Thụy Sĩ Bernard Weber điều hành), đứng ra tổ chức toàn cầu tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc bình chọn bảy kỳ quan thế giới mới. Tuy nhiên, cuộc bình chọn này không được tổ chức văn hóa, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) ủng hộ và tất nhiên kết quả 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới cũng không được tổ chức này công nhận.”
”Tổ chức UNESCO cũng cho rằng nếu chỉ đánh giá trên góc độ cảm tính từng địa điểm thôi thì không đủ, mà phải có những đánh giá trên góc độ khoa học và được bảo vệ bằng những biện pháp chế tài đầy đủ. UNESCO đánh giá chương trình của Weber mới chỉ dựa vào ý kiến của những người tham gia mà thiếu các góc độ còn lại. Việc bỏ phiếu bị đánh giá là phần lớn mang tính cục bộ, dân tộc, thiếu các tiêu chí khách quan. Các nhà quan sát cho rằng các nhà tổ chức thiếu các biện pháp để tránh chuyện một người bỏ phiếu nhiều lần,” dẫn theo Wikipedia.
Vậy có một mối dây liên hệ nào không giữa các chóp bu Việt Nam với một tỉ phú người Thụy Sĩ, nơi có nhiều ngân hàng bí mật, chuyên giữ tiền mà không cần biết đến nguồn gốc và nhân thân?