• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

Thông tin thiết bị số và công nghệ ngày 11-09-2012

Status
Không mở trả lời sau này.
LG liên minh với Phillips và Toshiba để chống lại Apple


LG Electronics sẽ cùng Toshiba Corp và Royal Phillips Electronics liên minh để tạo ra một “hệ sinh thái” TV thông minh thống nhất nhằm chống lại Apple đang tiếp cận một thị trường mới: TV thông minh (Smart TV).



Các sản phẩm TV thông minh của LG - Ảnh minh họa: Internet

Sự trỗi dậy và thống trị của Apple và Google trong lĩnh vực smartphone đã góp phần đẩy các tên tuổi truyền thống như Nokia hay Research in Motion (RIM) đến bờ vực thẳm. Giờ đây, đến lượt giới sản xuất TV đang lo sợ kịch bản tương tự sắp tái diễn với họ.

Cụ thể, tại sự kiện công nghệ lớn nhất châu Âu IFA 2012 ở Berlin (Đức) vừa qua, nhiều nhà sản xuất điện tử bao gồm Toshiba, LG và Phillips đã tuyên bố về việc thành lập một hệ thống chung nhất, cho phép người tiêu dùng nghe nhạc, xem phim và lướt web trên các dòng TV thông minh (Smart TV) do các hãng này sản xuất.

Apple TV



Apple, “mối đe dọa” của nhiều ông lớn trong lĩnh vực sản xuất TV dân dụng, đang có những cuộc thương thảo với ít nhất một trong các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp lớn nhất Hoa Kì, nhằm cho ra đời một gói sản phẩm cung cấp nội dung giải trí, truyền hình và Internet đến sản phẩm Apple TV của người dùng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Jefferies & Co, từ nay đến hết tháng 12 năm nay, Apple có khả năng sẽ tiêu thụ được 2 triệu đơn vị sản phẩm Apple TV.

Sony Bravia

Apple không phải cái tên duy nhất trong thị trường TV thông minh, nhiều nhà sản xuất khác, chủ yếu đến từ châu Á cũng đã và đang phát triển các nền tảng cho riêng mình, và Sony là một trong số đó.

Dòng TV Bravia của Sony có khả năng truyền tải trực tuyến (stream) phim ảnh và âm nhạc thông qua mạng giải trí online Sony Entertainment Network, vốn cũng liên kết trực tiếp cùng thiết bị chơi game Play Station và dòng smartphone Xperia của Sony.

Cuộc chơi của các ông lớn châu Á



Gian hàng TV Phillips tại triển lãm IFA 2012 (Đức) - Ảnh minh họa: Internet

Một "ông lớn" điện tử khác của Nhật là Panasonic đã biểu diễn tại triển lãm IFA 2012 khả năng chia sẻ và dịch chuyển dữ liệu giữa dòng TV Viera và các máy tính bảng. Còn hệ điều hành cài sẵn trong các Smart TV của LG (Hàn Quốc) thì cho phép người xem mua phim trực tiếp từ dịch vụ trực tuyến Netflix và Lovefilm của Amazon.com.

Đối với Samsung Electronics, nhà sản xuất TV thông minh lớn nhất thế giới với hơn 30% thị phần toàn cầu, nhận xét liên minh sắp ra mắt giữa Toshiba, LG và Phillips là mô hình tương đối phù hợp với các hãng điện tử có “thị phần khiêm tốn”.

“Các nhà sản xuất TV nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc giành được các nội dung giải trí cho sản phẩm TV thông minh của họ, do đó việc cùng liên minh để tạo ra một nền tảng chung nhất nhằm chia sẻ nội dung qua lại có thể là giải pháp khôn ngoan cho ngành công nghiệp sản xuất TV, song hiện Samsung chưa sẵn sàng cho việc này” - ông Hyun Suk Kim, giám đốc mảng TV của Samsung, trả lời trong một buổi phỏng vấn.

Theo TTCN.
 
Nghi vấn Apple “nhái” những thiết kế có từ 60 năm trước


Những nét tương đồng kì lạ giữa thiết kế sản phẩm của Apple và một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại Đức đã làm dấy lên nghi vấn Apple "nhái" những thiết kế có từ 60 năm trước..

Thành công không tưởng của Apple trong suốt 15 năm qua có đóng góp không nhỏ đến từ các thiết kế độc đaó trên những sản phẩm mà họ bán ra thị trường. Tuy nhiên, gần đây mọi người đang đặt một dấu hỏi rất lớn xung quanh việc liệu Steve Jobs – nhà đồng sáng lập và cựu CEO của Apple, và Jonathan Ive – Phó chủ tịch phụ trách thiết kế công nghiệp của công ty, có sử dụng theo những thiết kế trên sản phẩm của nhà sản xuất hàng tiêu dùng Braun ở Đức được bán vào những năm 1950 và 1960 hay không?



PowerMac G5 và iMac 2007.

Những bức ảnh so sánh dưới đây đã thu hút sự chú ý xem xét của mọi người vì sự tương đồng khá lớn giữa các sản phẩm của Apple với những thiết kế của Braun cách đây hơn 60 năm. Chúng ta vẫn biết chiếc iPod đầu tiên được ra mắt vào năm 2001, tuy nhiên nó lại khá giống với mẫu radio bỏ túi Braun T3 có từ năm 1958. Một số bức ảnh khác còn cho thấy sự tương đồng không chỉ giữa mẫu PoweMac G5 của Braun với iMac 2007 mà còn cả cách bố cục giống một cách kì lạ trên ứng dụng máy tính của iPhone năm 2007.

Sự giống nhau kì lạ giữa 2 thiết bị này, đặc biệt ở chỗ Clickwheel.



Cả ứng dụng máy tính trên iOS cũng vậy.

Được biết Phó chủ tịch Ive chịu ảnh hưởng khá lớn từ Dieter Rams – người đứng đầu nhóm thiết kế tại Braun trong gần 30 năm. Cũng vào năm 2011 thì Ive đã viết tựa đề cho cuốn sách “Thiết kế càng ít càng tốt” của Dieter Ram với nội dung ca ngợi những thiết kế mà Rams và đội ngũ thiết kế của mình đã làm được.



Dieter Rams và Jonathan Ive.

Tuy nhiên, dẫu Apple có học theo ý tưởng thiết kế của Braun hay không có lẽ không quá quan trọng bởi việc ảnh hưởng trong thiết kế không có gì là khó hiểu.





Theo TTCN.
 
NVIDIA ra mắt card màn hình Quadro K5000 cho người dùng MacBook Pro


Đối với hầu hết người dùng Mac, việc nâng cấp các bộ phận trong phần cứng máy tính của họ là rất khó khăn. Ngoài nâng cấp RAM, khái niệm nâng cấp phần cứng chỉ có thể đúng với một số máy tính Mac.

Tuy nhiên, người dùng Mac Pro có thêm một lựa chọn để nâng cấp. NVIDIA đã công bố card màn hình mới nhất với tên gọi Quadro K5000 hứa hẹn sẽ có hiệu suất ấn tượng.



Card màn hình mới này dựa trên kiến ​​trúc Kepler, NVIDIA tuyên bố rằng đây là GPU chạy nhanh nhất và hiệu quả nhất vào thời điểm hiện tại. K5000 sẽ hỗ trợ Cinema 4K với độ phân giải 4096 x 2160 pixel.

Quadro K5000 hỗ trợ lên đến bốn màn hình cùng một lúc. Với bộ nhớ 4 GB, việc thao tác đồ họa để sáng tạo hay thiết kế nội dung mới hoặc chơi game sẽ mượt hơn rất nhiều và việc tương tác với các ứng dụng cũng sẽ nhanh hơn. Kiến trúc Kepler của NVIDIA cũng sẽ tiêu thụ điện năng thấp hơn so với Quadro 4000 cho Mac.

Nếu các game thủ lo ngại về việc chơi game đỉnh cao, chỉ với một card màn hình là không đủ thì vấn đề này đã được giải quyết bởi Quadro K5000 sẽ hỗ trợ tới 2 card màn hình chạy song song trong 1 máy Mac.
Giá bán lẻ của Quadro K5000 bắt đầu ở mức 2249 USD.

Theo TTCN.
 
HP ra mắt loạt máy tính tất cả trong một chạy Windows 8


HP vừa công bố một loạt máy tính để bàn chạy hệ điều hành Windows 8, tất cả sản phẩm này đều là loại máy tính "tất cả trong một" và sẽ có mặt trên thị trường trong quý 4 năm nay.



Dẫn đầu là sản phẩm mới SpectreOne. Máy sở hữu màn hình 23,6 inch với độ phân giải 1920 x 1080 pixel, CPU Intel Ivy Bridge, card đồ họa Nvidia 1 GB, hai cổng USB 2.0, hai cổng USB 3.0, cổng HDMI, chuẩn kết nối Gigabit Ethernet và chuẩn Wi-Fi 802.11n. HP sẽ bán SpectreOne kèm với hai phần mềm Adobe Photoshop Elements và Premiere Elements của hãng Adobe.



SpectreOne sử dụng công nghệ truyền thông NFC, được gọi là HP TouchZone. Cho phép người dùng kết nối với máy tính thông qua một chiếc điện thoại có sử dụng công nghệ NFC.

Đi kèm với SpectreOne là bàn phím và touchpad không dây. Sản phẩm có giá từ 1299 USD và sẽ được bán ra từ tháng 11.

Trong đợt này, HP cũng nâng cấp dòng sản phẩm TouchSmart Envy và Pavilion của hãng.



Với dòng TouchSmart Envy, sẽ có thêm hai sản phẩm mới là HP TouchSmart ENVY 20 (màn hình 20 inch) và TouchSmart ENVY 23 (màn hình 23 inch). Cả hai đều được trang bị màn hình cảm ứng, CPU Intel Ivy Bridge, cùng với công nghệ Beats Audio và công nghệ webcam HP Truevision. Tất cả các thiết bị kèm theo đều được kết nối từ xa như: bàn phím, chuột.



HP TouchSmart ENVY 20 sẽ có giá bán dự kiến là 849 USD và HP TouchSmart ENVY 23 có giá từ 1099 USD tùy vào cấu hình lựa chọn. Cả hai sản phẩm đều sẽ có mặt trên thị trường vào cuối tháng 10.



Sản phẩm cuối cùng trong đợt này là HP Pavilion 20. Người dùng có thể lựa chọn VXL Intel hoặc AMD, ổ cứng có thể lên tới 2 TB. Đi kèm với máy là một bàn phím và chuột với kết nối không dây. HP Pavilion 20 sẽ lên kệ vào ngày 23/10 với giá khoảng 500 USD tùy theo cấu hình lựa chọn.
Theo TTCN.
 
Nỗi buồn của máy tính bảng “thương hiệu Việt”


Nhiều dự án sản xuất máy tính bảng với mác “Việt” dự kiến có mặt trên thị trường ngay từ những ngày đầu nhưng đã bị bỏ rơi giữa chừng, trong khi nhiều sản phẩm từng gây tiếng vang đang vật lộn với bài toán tồn tại.


Từ "lặn một hơi"

Điển hình cho kế hoạch ấp ủ máy tính bảng "thương hiệu Việt" vào những ngày dòng sản phẩm công nghệ này mới gây sốt ở Việt Nam là dự án của Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) và Tập đoàn Công nghệ CMC. Đáng chú ý, đây đều là những thương hiệu lớn về điện tử và công nghệ thông tin của Việt Nam.



Máy tính bảng BiPad 10 với thiết kế giống hệt với sản phẩm New iPad của Apple.

Đến thời điểm hiện tại, dự án máy tính bảng “thương hiệu Việt” giá rẻ đầu tiên (dự kiến tung ra thị trường vào tháng 11/2010) của Hanel và kế hoạch sản xuất máy tính bảng của Công ty Máy tính CMS thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC (dự kiến ra mắt từ cuối quý 2 hoặc đầu quý 3/2011), có thể coi là đã tắt ngấm.

Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng giám đốc Công ty Máy tính CMS, cho biết, mặc dù CMS sẽ không định trở thành người tiên phong trên thị trường máy tính bảng thương hiệu Việt, nhưng kế hoạch sản xuất máy tính bảng sẽ là một lựa chọn ưu tiên của CMS và cuối quí 3/2011 sẽ có sản phẩm thử nghiệm.

Nhưng mục tiêu này của CMS chỉ còn là… ý tưởng. Ngay sản phẩm “dễ ăn” hơn là điện thoại di động thì tháng 7/2012 vừa qua, Hội đồng quản trị CMC cũng đã quyết định cho Công ty CMC Blue France tạm ngừng hoạt động để cắt giảm chi phí, do sau gần 2 năm hoạt động không đạt kết quả kinh doanh như kì vọng.

So với dự án máy tính bảng của CMS mới dừng lại ở khâu lên kế hoạch, thì sản phẩm tương lai của Hanel đã được giới thiệu đầy đủ các chi tiết. Song, chiếc Hanel Pad này cũng "lặn một hơi". Nhiều nhân viên bán hàng của Hanel cho biết cũng chỉ nghe nói đến chứ vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của Hanel Pad.

... cho tới teo tóp dần

Trên thực tế, thị trường trong nước cũng đã đón nhận không ít sản phẩm máy tính bảng thương hiệu Việt như của Pi Việt Nam, FPT, Công ty TNHH Thương mại Trí Nam. Song, sau một thời gian giành giật thị trường với chiến lược quảng bá rầm rộ và giá siêu rẻ, doanh số các sản phẩm này cũng đang... teo tóp dần.

Công ty TNHH Thương mại Trí Nam, hồi tháng 3 - 4/2012 từng gây ấn tượng mạnh khi đạt doanh số 10.000 chiếc tablet BiPad 9 với giá 1,98 triệu đồng trong chương trình ưu đãi ra mắt sản phẩm.

Việc Trí Nam bán được 10.000 sản phẩm BiPad chủ yếu nhờ chiến lược kinh doanh khá thông minh, là cho khách hàng “đặt tiền trước lấy hàng sau”, gắn với việc tuyên truyền và cam kết bảo hành sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm về sau của BiPad đã ít được người tiêu dùng “ham đồ rẻ” quan tâm hơn.

Trước Trí Nam, tập đoàn FPT cũng từng gây sốc khi loan tin chiếc máy tính bảng của hãng này đã cháy hàng trong lần ra mắt đầu tiên hồi tháng 10/2011 với hơn 1.000 sản phẩm được tiêu thụ. Thế nhưng, trên hầu hết các kệ hàng của các siêu thị, đại lí bán hàng công nghệ thì máy tính bảng của FPT… “tìm mãi không ra".

Theo khảo sát của phóng viên VnEconomy tại nhiều siêu thị, đại lí bán điện thoại, máy tính bảng… gần như không có một người tiêu dùng nào hỏi mua và rất hiếm người biết về sản phẩm máy tính bảng do tập đoàn FPT sản xuất.

Vẫn là tương lai xa

Ông Mai Phú Phong, Giám đốc PhonGee, người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh điện thoại và máy tính bảng cho rằng, có những điện thoại “thương hiệu Việt” ít ra còn “sống” được trong một thời gian ngắn, nhưng với máy tính bảng thì gần như không “sống” nổi.

Theo ông Phong, người sử dụng máy tính bảng sẽ nghiêng nhiều hơn về giá trị cảm nhận, mẫu mã, chất lượng của sản phẩm thay vì những tính năng cơ bản như điện thoại. Vì thế, người dùng sẵn sàng mua lại những sản phẩm dùng rồi của các thương hiệu nổi tiếng với giá chênh lệch không đáng bao nhiêu.

Việc cạnh tranh bằng giá rẻ của máy tính bảng "thương hiệu Việt" cũng sẽ không thể kéo dài được mãi, bởi nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài đã và đang bước vào phân khúc máy tính bảng tầm trung như Kindle Fire của Amazon hay Nexus 7 của Google.

“Cách tốt nhất là các công ty nên tập trung tham gia vào một chuỗi cung ứng nào đó thật tốt, thay vì tự làm sản phẩm của mình”, nhiều chuyên gia công nghệ nhìn nhận về thị trường máy tính bảng thương hiệu Việt.

Hiện một số công ty làm máy tính bảng Việt đang chạy đua “hạ giá” những sản phẩm máy tính bảng, xuống còn có 1,69 triệu đồng/ sản phẩm, thậm chí là 1,38 triệu đồng, nhưng xem ra, “mảnh đất” thực sự trên thị trường này vẫn còn làm một tương lai xa.

Theo TTCN.
 
Alibaba muốn so kè với Android tại thị trường Trung Quốc


Giám đốc chiến lược Zeng Ming của Alibaba cho biết, gã khổng lồ trên lĩnh vực thương mai điện tử này đang hi vọng hệ điều hành di động Aliyun của công ty này sẽ sánh ngang với Android của Google tại thị trường Trung Quốc.




Một sản phẩm chạy hệ điều hành Aliyun của K-Touch.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó họ cần thêm nhiều đối tác phần cứng. May mắn cho Alibaba, hiện tại công ty này đã có nhiều nhà sản xuất muốn hợp tác với họ.

Alibaba ra mắt hệ điều hành Aliyun vào tháng 7/2011. Hệ điều hành phát triển dựa trên các giải pháp "đám mây". Aliyun có khả năng đồng bộ hóa dữ liệu cuộc gọi, tin nhắn và hình ảnh thông qua lưu trữ đám mây để có thể truy cập từ một thiết bị khác như máy tính.

Điểm khác biệt giữa Aliyun với iOS và Android là ứng dụng chạy trên nền hệ điều hành này sẽ không được cài đặt trên thiết bị, mà được chạy trên nền web thông qua các máy chủ từ xa. Do đó, các thiết bị sử dụng Aliyun sẽ không cần bộ nhớ trong quá cao như các thiết bị khác. Hệ điều hành cũng có dịch vụ bản đồ và ứng dụng e-mail dành riêng của Alibaba.

Hiện tại Android đang gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc. Nước này đang có những chính sách kiểm duyệt hết sức gắt gao đối với các hãng điện tử nước ngoài.

Google đang mất dần thị phần tìm kiếm và các dịch vụ trực tuyến khác vào tay các đối thủ Trung Quốc. Không chỉ thế, ứng dụng Google Maps và Gmail cũng đang bị hạn chế ở nước này.

Mặc dù có được những thuận lợi như trên, nhưng để Alibaba vượt mặt Google cũng không phải dễ. Chính Zeng cũng thừa nhận rằng công ty ông sẽ phải mất rất nhiều thời và tiền bạc để đưa Aliyun trở thành một hệ điều hành di động lớn, có thể sánh ngang với Android.

Tuy nhiên, công ty vẫn hi vọng và đặt cược vào Aliyun. Gần đây Alibaba vừa công bố bản cập nhật đầu tiên cho Aliyun, bao gồm các chức năng tìm kiếm và quản lí lưu lượng truy cập được nâng cấp.

Theo TTCN.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top