Cuộc sống khốn cùng trên bờ đê chạy lũ
Nhà ngập, không còn chỗ trú chân, hàng nghìn người dân rồng rắn kéo nhau dựng lều ở tạm trên đê ngóng con nước xuống. Trời nắng, họ nấu cơm dã chiến trên triền đê, còn trời mà mưa thì cầm hơi bằng mì tôm.
Chiều 19/10, trên tuyến đê tả Lam chạy qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hàng trăm người dân í ới gọi nhau gia cố thêm lều bạt. Dãy lều xanh đỏ dài hàng km chạy dài trên đỉnh đê xếp xen lẫn chuồng gia súc và chỗ người trú tạm.
Dưới chân đê, vài chiếc thuyền nhỏ chốc chốc lại xuôi về phía những ngôi nhà ngập gần lút nóc tìm kiếm đồ đạc hoặc chở rơm mang lên đê phơi khô làm thức ăn cho gia súc. Từng đàn lợn, bò thả rông tràn khắp mặt đường nhựa trên mặt đê.
Từ khi nước lên, người dân phải chạy lên bờ đê tránh lũ.
Buộc chú bò cạnh cột biển báo chỉ dẫn dọc đường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Hưng Lợi cho biết, gia đình ông đã phải “đóng đô” trên đê tả Lam được 5 ngày. “Ngôi nhà mới” của 5 người và 2 mẹ con chú bò là 4 chiếc cọc tre xếp chéo và tấm vải bạt chừng 6 m2 phủ lên.
“Đây là vùng sông nước, dân không lạ chi chuyện lụt lội, nhưng năm nay nước lên to, nhanh quá. Trâu bò thì lùa lên đê kịp chứ không mang được đồ đạc theo. Ban ngày thì thả trâu bò trên đê, người tá túc ở ngoài nhưng ban đêm, cả người và bò đều phải ngủ cùng nhau”, ông Nam nói.
Cũng giống ông Nam, hàng trăm hộ dân của 5 xóm ở xã Hưng Lợi lục tục căng lều chạy lũ từ mấy ngày trước. Ngồi co ro bên tấm bạt, anh Trần Đình Hoàng thất thần nhìn về dòng sông Lam đục ngầu cuộn xoáy cứ táp vào thân đê. “Hôm đó, trời mưa như trút, nước cuồn cuộn dâng cao, dân làng gõ kẻng, hò nhau dậy chuyển đồ. Những cụ già, em nhỏ được ưu tiên lên đê trước, thanh niên và trung niên ở lại sau. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng nước về nhanh quá, bà con hầu như phải tay trắng lên bờ đê”, anh Hoàng kể.
Nghe tin lũ còn kéo dài, người dân í ới gọi nhau gia cố lều bạt cho chắc chắn.
Sau ba ngày ba đêm thì hôm qua mưa bắt đầu ngớt dần, cứ ngỡ nước sẽ rút nhanh, người dân Hưng Nguyên sẽ được trở về nhà, nhưng không ngờ lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến mực nước sông không xuống là bao. Hàng trăm người dân nơi đây đành tiếp tục cố thủ và tá túc trên bờ đê.
Ban ngày, những người trong “xóm lều tạm” tỏa đi các nơi để kiếm ăn hoặc chèo thuyền về nhà đã lút tận nóc để cố gắng tìm kiếm những gì còn sót lại. Chiều đến, họ tụ tập trên bờ đê bàn tán chuyện nước lên, nước xuống, chuyện cứu hộ, chuyện trâu bò… Trong mùi tanh nồng nặc của các loại xú uế mà người và gia súc để lại, thỉnh thoảng câu chuyện chiều tà của những người dân trên đê lại bị ngắt quãng bởi tiếng rống của những chú bò lạc mẹ.
Ngồi tần ngần nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, chị Trần Thị Lan nói như mếu: “Nhà tôi ở ngoài bãi, cách mép sông hàng trăm mét, chưa lúc nào ngập nặng như vậy. Người lớn, trẻ con giờ quần áo cũng không có để thay, mấy đứa con phải đi tránh lũ, hai vợ chồng dựng lều sống với trâu bò mà chưa biết khi nào nước mới rút. Hầu hết người dân trong làng chỉ có mỗi bộ áo quần để mặc, mưa thì ướt, nắng lại khô vì toàn bộ đồ đạc, của cải đều đang ngập trong lũ”.
Một góc xóm lều bạt trên đê.
Chuyện ăn uống của những người dân chạy lũ cũng cơ cực bội phần. Trời không mưa, họ nấu cơm dã chiến trên triền đê, rồi ăn ngay tại chỗ. Còn trời mà mưa thì đành nhịn đói hoặc cầm hơi bằng mì tôm bởi không thể nấu nướng gì được. “Gay go nhất là gạo thóc và nước sạch. Giếng bị ngập sâu trong lũ, bà con phải chèo thuyền đi mấy cây số để xin nước từ các xã miền trên, nhiều người còn phải mua với giá 10-20 nghìn đồng một can”, chị Lan buồn bã. Đến khi ăn thì lại không có bát đũa, nhiều gia đình phải bơi thuyền về nhà, tìm mấy cái bát rồi chuyền tay từ nhà này qua nhà khác. Một số phải ăn bốc vội vàng.
Chuyện ăn uống, đầu vào của người dân đã khó, việc “giải quyết đầu ra” cũng vô cùng khó khăn. Toàn vùng bị ngập nước, chỉ còn sót lại thân đê. Những nhu cầu đại tiện, tiểu tiện được đám trẻ con thực hiện tại chỗ trên thân đê, còn người lớn thì phải chờ đến tối mới giải quyết. “Tối đến, đàn ông, đàn bà lại xuống mép sông để giải quyết, nhiều khi gặp nhau những chỗ ấy mà cứ đỏ mặt”, chị Lan tủm tỉm cười.
Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tháng nhắn tin chung sức vì đồng bào miền Trung, từ 15/10 đến 15/11. Người dân ủng hộ bằng cách soạn tin nhắn với cú pháp: UH gửi 1405 (10.000 đồng/SMS) hoặc UH gửi 1409 (18.000 đồng/SMS). Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến đồng bào miền Trung để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Theo VnExpress