Hận mãi kiếp này
Một buổi tối, tôi vừa mở email đã thấy có thư mới. Lôi vội ra đọc thấy lạ làm sao: “A di đà Phật! Chào Tâm. Bấy lâu em có khỏe không? Lạy đức Phật từ bi nhân đức phù hộ độ trì cho em, xua đi ma tà ma ám trong căn nhà em ở. A di đà Phật!”.
Tôi thừ người ngồi nghĩ. Tên địa chỉ người gửi lạ hoắc:
hanmaikiepnay@yahoo.com. Chồng tôi từ trong nhà tắm sạch bong đi ra nhòm ngay vào màn hình vi tính. Lão gằn giọng: “Á à! Lại thằng nào gửi thư đấy?”. Đoạn lão túm chặt bàn tay tôi như một gọng kìm quyết không cho tôi đóng máy.
Hắn cười khảy: “Cô lòi cái đuôi con đàn bà lẳng lơ ra chưa? Hóa ra dạo này hay vào máy “chát” là để hẹn hò với giai chứ học hành nâng cao cái nỗi gì”. Tôi giật tay lại và đẩy mạnh lão chồng ra. Tôi cãi: “Anh đừng vu khống. Đây là tin vu vơ của ai đó, tôi biết ai mà hẹn hò”.
Đúng thế, có giết tôi cũng không tài nào đoán ra ai. Hậm hực từ đó đến khuya không ngủ được, tôi ra phòng khách pha tách cà phê uống cho tỉnh táo. Quyết thức đến sáng để nghĩ lại mình.
Gần sáng, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của cái Thành, hồi ấy cách đây vài năm tôi về quê, nó đã kể với tôi: “Tao đi thăm quan, tình cờ ghé vào một ngôi chùa, thấy có vị sư đang xuống núi ngược chiều với đoàn tao lên. Vừa nhìn vị sư, tao giật thót mình tưởng gặp ông Quyết của mày. Cặp mắt nhìn giống ơi là giống. Chỉ mỗi tội người gầy gò, má hóp, đen đúa, đầu trọc lốc, mặc cà sa vàng. Đi qua rồi, tao định chạy lại hỏi nhưng thấy vô lý. Lão Quyết ra người thiên cổ từ lâu còn hỏi làm gì? Đoạn tao sợ không dám nghĩ đến lão nữa”.
Bây giờ nhớ lại lời kể của Thành cộng với những dòng thư điện tử kia, tôi hoang mang, sờ sợ thế nào. Chả nhẽ Quyết còn sống viết thư cho tôi? Hay đó là ma hiện về trêu trọc tôi? Trời ơi, nếu tôi kể lại bây giờ chắc bạn đọc sẽ không tin nổi chuyện của tôi và Quyết ngày nào.
Bấy giờ, chúng tôi đang học cấp ba trường huyện. Tôi được bạn bè tôn vinh là hoa khôi vùng bãi bởi sắc đẹp mơn mởn như bờ bãi xanh non miền châu thổ, còn Quyết thì được mệnh danh là “Quyết ma quái” bởi anh vừa xấu trai vừa nghịch như quái vật của vua Thủy Tề.
Thấy tôi và Quyết ở hai thái cực như thế, bọn con trai liền nghĩ ra cách gán ghép hai đứa với nhau để trêu đùa cho vui. Tôi bị gán thì tức lắm, còn Quyết lại có vẻ thích chí nên tôi càng ghét cay ghét đắng anh ta.
Một lần trên đường đi học về, tôi bị hỏng xe đạp nên phải dắt bộ giữa trời nắng trưa gay gắt. Bạn bè lúc đó lao xe vun vút mặc tôi nhễ nhại mồ hôi với chiếc xe trên đường cát. Chỉ có Quyết là phanh xe đến và dừng lại hỏi han xem xe tôi bị làm sao.
Tôi nói chỏng lỏn: “Chẳng sao”. Quyết cười: “Chẳng sao mà dắt bộ đi giữa nắng trưa?”. Tôi vẫn chỏng lỏn: “Thích thế”. Quyết bỗng chuyển giọng đặc sệt phim trưởng: “Muội không thương mình thì thôi, phải thương cái xe chớ, nó có tội tình chi mà bắt nó chịu nhục hình với mình?”. Tôi tức quá bảo: “Nó với tôi là bạn cố tri. Tôi khổ, nó phải khổ cùng”.
Quyết phản ứng: “Muội hay nói ngược nhỉ? Vậy cho phép cái xe của đệ đây khổ cùng muội được không?”. Tôi muốn cho anh chàng lằng nhằng này một bài học nên bảo: “Được, anh đưa cái xe của anh đây và dắt chiếc xe của tôi đi”. Quyết chỉ đợi có thế là phăm phăm đến giằng lấy ghi đông từ tay tôi, còn tôi cũng liều trêu tức một phen, lấy ngay xe đạp của Quyết rồi nhảy lên xe phóng thẳng.
Tối hôm ấy, cả nhà tôi vừa cơm nước xong thì bố Quyết dắt chiếc xe của tôi đã sửa tốt lành đến trả gia đình tôi và kể rằng vì thằng Quyết con ông bị cảm nặng nên ông phải mang sang trả hộ nó và xin chiếc xe kia về.
Tôi nghe thế tự nhiên thấy chạnh lòng thương anh ta. Cũng vì tôi mà anh ta phải chịu nắng suốt buổi trưa nay để bây giờ bị ốm. Nhưng điều đáng kể là sau khi hàn huyên rất cởi mở với bố tôi, bố Quyết ra về đã phóng thẳng chiếc xe sang làng bên bán lấy tiền uống rượu.
Từ hôm đó, Quyết phải lủi thủi đi bộ đến trường. Nghĩ mình là nguyên nhân chính gây cho Quyết phải chịu cảnh khổ này nên tôi đã chủ động mời Quyết đi cùng xe mỗi buổi đến trường, âu cũng là để trả ơn anh.
Một lần đang chở tôi, Quyết bảo: “Tâm phiền lòng làm gì với những chuyện gán ghép của lũ bạn. Cho họ chế, tôi biết chẳng bao giờ Tâm yêu người xấu trai như tôi nên mặc kệ. Cứ để thế sau mới thành kỷ niệm”.
Tôi thấy mủi lòng cho Quyết nên bảo: “Bạn có gì xấu, ai yêu được bạn thì hạnh phúc quá”. Quyết nháy mắt bảo: “Thế không yêu được tớ thì sao?”. Tôi đấm cho Quyết một quả vào lưng và bảo: “Không yêu được “ông” thì phí của trời”.
Không ngờ Quyết dừng hẳn xe, quay ngược lại nắm lấy tay tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi bảo: “Tâm nhớ lấy lời hôm nay, đừng để phí của trời nghe chưa”. Tôi cười khanh khách như để xí xóa lời vừa nói.
Từ đó, chúng tôi tâm đầu ý hợp nhau lắm. Dọc đường đi học bao giờ chúng tôi cũng tranh luận với nhau về một vấn đề gì đó như tình bạn, tình yêu, chân lý, hạnh phúc, cái đẹp... Quyết nói hay và mở mang cho tôi nhiều điều vì anh đọc nhiều sách vở, vì thế tôi phục anh lắm.
Lần ấy, mẹ Quyết bị mổ phải đi bệnh viện nên Quyết nghỉ học mấy ngày. Tự nhiên tôi thấy người chống chếnh, nhớ nhung đến thẫn thờ. Buổi tối, tôi ăn cơm sớm rồi vào viện ngay thăm mẹ Quyết. Đêm ấy, tôi ở với anh đến sáng để trông mẹ. Sáng sớm, Quyết đi mua xôi cho tôi và mẹ rồi anh giục tôi về sớm để đi học...
Tình yêu có lẽ bắt đầu từ hôm ấy. Chúng tôi cảm thấy thương nhau và có trách nhiệm với nhau nhiều lắm. Quyết bảo: “Nếu không lấy tôi, Tâm sẽ rất khổ bởi tôi tin trên đời này không có ai chiều em hơn tôi”.
Thật thế, sáng nào Quyết cũng hỏi han tôi ăn sáng chưa, nếu chưa thì dù có muộn học anh cũng đèo tôi vào quán phở cho tôi ăn cái đã. Trên đường, bao giờ anh cũng đeo cặp sách để tôi đi không cho đỡ nặng, guốc tôi đứt, anh đóng ngay trước mặt bạn bè chẳng sợ dèm pha...
Một lần sinh nhật tôi, anh nhảy vào vườn trường bẻ hết sạch hoa phượng đem về cắm đầy vào xe đạp để hai đứa đi cho đẹp. Nhà trường đã kỷ luật anh về tội đó và bắt cuốc đất vườn trường trong một tuần.
Mối tình của chúng tôi đang đẹp như tiểu thuyết thì bỗng đâu người thứ ba xuất hiện. Anh là Khang - chồng tôi bây giờ. Khi đó Khang mới đi học ở Nhật về, đẹp trai, nhiều tiền, có ô tô riêng sang trọng. Bố tôi hồ hởi với anh lắm: “Bác tưởng cháu sẽ lấy người sang trọng bên nước ngoài rồi. Ai ngờ vẫn nhớ tới em Tâm mà trở về. Hồi hai đứa mới đẻ ra, hai nhà đã nhận thông gia với nhau. Bây giờ cháu vẫn thích em Tâm thì bác gả cho đấy”.
Tôi cãi bố tôi và quyết không đồng ý lấy Khang. Thế là cụ cho tôi một trận đòn nên thân. Tôi kiên quyết chống lại, bị cụ bạt tai mạnh quá làm té xỉu. Máu mồm, máu mũi ộc ra, Khang phải bế thốc tôi lên ô tô đi cấp cứu. Hôm sau, thấy tôi còn mệt, Khang liền lái xe ô tô đưa tôi đến tận cổng trường.
Hành động ấy đã lọt vào mắt Quyết. Chiều lại thấy tôi lên xe của Khang về, Quyết chạy ra giật cánh cửa xe, miệng quát: “Trả Tâm cho tao! Mày định cướp người yêu tao à?”, Khang bảo: “Tôi giúp cô ấy đang lúc ốm đau thôi. Nếu cô ấy không muốn thì tự cô ấy đã không lên xe tôi”. Quyết lúc ấy quay sang quát tôi: “Tâm, em nghe thấy gì chưa? Em xuống ngay đi”.
Nhưng tôi không xuống vì tôi nghĩ cả hai người đàn ông lúc ấy đều nóng. Việc bắt người ta xuống hay lên xe để chứng minh tình yêu với người này hay người khác đều là dở hơi. Tôi cứ ngồi trên xe và để Khang nổ máy.
Ngờ đâu xe vừa lăn bánh thì Quyết vụt xông lên trước mũi và lao ngay đầu vào gầm ô tô của Khang. Chứng kiến cảnh ấy, học sinh cả trường kêu thét lên kinh hoàng và bu đến thành một đám đông khủng khiếp. Bọn con trai lấy đá ném vào xe và Khang như mưa. Khang bị một cục đá to trúng đầu gục ngay trước vô lăng.
Công an đến gọi xe đưa Khang đi cấp cứu ngay cùng với Quyết - người bê bết máu me đang nằm bất động dưới gầm xe. Ba tiếng sau, tin trên tỉnh báo về rằng Quyết đã chết ngay trên đường đi cấp cứu, còn Khang đã tỉnh lại. Vụ án trở nên to và nổi tiếng khắp bốn năm huyện trong vùng.
Tôi trở thành tâm điểm của câu chuyện ghen tình kinh khủng cho mọi người khinh ghét. Đa số họ cho tôi là đứa con gái lăng nhăng làm nên cái chết cho Quyết. Tôi nhục quá định tìm đến cái chết cho thoát thân nhưng Khang lúc nào cũng kè kè an ủi và cảnh giác không cho tôi có cơ hội.
Tôi cùng nhà trường và nhiều học sinh ném đá hôm ấy đã phải hầu tòa nhiều phiên. Cuối cùng người ta cũng kết luận cái chết của Quyết là do anh tuyệt tình phẫn uất quá chứ không do ai. Tôi được giải oan nhưng vẫn không thể sống nổi giữa miệng thế cay độc ở làng quê. Thế là tôi đồng ý lấy Khang để theo anh lên thành phố, trốn biệt quá khứ đầy buồn đau kia.
Ngày ấy, thông tin và mọi phương tiện còn khó khăn. Mãi tôi mới được biết việc gia đình Quyết lúc đó xin đưa xác Quyết về quê nội ở miền Trung an táng ngay nhưng bệnh viện không cho vì họ còn phải khám nghiệm tử thi. Hai đêm để ở nhà xác không người trông nom nên có thằng điên đã vào cõng trộm ác Quyết ném xuống sông. Thằng điên này đã từng lấy trộm nhiều lần các xác chết của bệnh viện đó.
Từ đấy, tôi sống như người thiếu phụ buồn đau thầm lặng trong tim bên cạnh một người chồng rất giàu sang mà chẳng có chút tình yêu nào. Đã thế, lão còn bắt tôi phải phục tùng bởi tôi phải chịu ơn lão trong suốt cuộc đời này. Nỗi khổ ấy dày vò tôi suốt hơn chục năm nay. Bây giờ nhận được dòng tin dù của ai, hỏi đến thân phận tôi thì tôi đều chạnh lòng xa xót.
Sáng hôm sau, đợi chồng đi làm xong, tôi khóa trái cửa ngồi “chát” lại dòng thư của người lạ. Tôi viết: “Ai hỏi tôi đấy? Xin cho biết quý danh và địa chỉ để tôi liên lạc”. Thư gửi đi mấy tháng sau không có hồi âm.
Chán nản gần như tuyệt vọng, tôi viết thư cho Thành bạn tôi ở quê may ra tìm được điều gì. Lại bặt tin vì nó đi lấy chồng ở Tuyên Quang rồi. Tôi hỏi han, tin tức mãi mới liên lạc được với Thành thì nó bảo đã quên chuyện cũ chẳng nhớ gì nữa. Thông tin cuối cùng nó còn nhớ là hồi ấy trường nó tổ chức đi thăm quan ở một cái đảo gì đó tận Quảng Ninh.
Thế là tôi quyết đi du lịch Quảng Ninh một chuyến dài tới một số đảo nổi tiếng. Lần nào đi cũng hỏi han về chùa chiền, lần nào cũng vào thăm một vài ngôi chùa. Nhưng ba năm trôi qua vẫn chẳng gặp được vị sư nào như cái Thành đã kể.
Bây giờ đã ba chục năm trôi qua, tôi lại mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao nên chẳng thể đi được nữa. Tình cờ lại nhận được thư của Thành. Nó bảo đã nhớ ra ngôi chùa ấy và đã đến nơi tìm bằng được nhà sư ấy rồi mặc dù hình như không phải Quyết.
Tôi nghe tin nóng hết ruột gan, quyết lên đường đến nơi ấy cho bằng được. Rồi tôi đã đến nơi và đang ngồi trước tam tòa đức Phật ngắm người sư đang gõ mõ tụng kinh kia. Tôi đợi đến trưa muộn thì vị ấy mới gấp sách, dừng mõ. Tôi đến gần xin gặp để trình bày ý nguyện muốn được giải hạn nhưng lạ quá, vị sư nói với tôi nhưng mặt cứ quay lên niết bàn đức Phật khiến tôi không sao nhìn vào mắt được.
Cuối cùng tôi nói rất nhanh: “Thưa đại đức! Con khổ vì chuyện tình duyên trong suốt mấy chục năm nay rồi. Người con yêu thì đã bỏ con. Người con không yêu thì con phải sống cùng. Vậy xin đại đức có cách nào giải thoát cho con? Hay tí nữa con ra giếng giải oan đâm đầu xuống đó chết để làm ma ăn mày cửa chùa này vậy”.
Vị sư nghe thế sửng sốt quay ngoắt lại nhìn thẳng vào mắt tôi. Bốn mắt nhìn nhau. Trời đất ơi, tôi muốn xỉu vì nhận ra đó là Quyết. Đôi mắt của Quyết đã nhìn tôi ngày nào. Tôi kêu lên: “Anh Quyết”. Nhưng lập tức vị sư chặn ngay: “A di đà Phật, bà hãy bình tĩnh. Đến đây đã có rất nhiều người mắc bệnh ảo tưởng như bà”.
Rồi vị sư chậm rãi khuyên tôi phải thế nào, không thể bế tắc đến như thế vì một người đàn ông trong mộng ngày xưa. Vị sư cho tôi một lá bùa nói rằng nếu để nó trong người thì luôn được thanh thản tâm hồn, bằng lòng với những gì mình có. Người cũng hẹn tôi khi nào thấy bận lòng thì lại lên đây khấn Phật.
Bây giờ, tôi đang ở nhà đây. Cuộc sống vẫn vậy, nhưng không hiểu sao sau lúc gặp nhà sư trên chùa Thiên Trúc về, tôi thấy người nhẹ hẳn. Chỉ có điều tôi chưa bằng lòng với cuộc đời đang sống của tôi.
Điều tôi hy vọng nhất đang ở chỗ tôi nửa tin nửa ngờ về nhà sư ấy. Và trong tôi đã quyết. Nhất định tôi sẽ trở lại chùa ấy nhiều lần nữa, khi nào khám phá được lý lịch nhà sư ấy thì tôi mới yên.