A-GPS
Trên thực tế, hầu hết các thiết bị cầm tay (điện thoại di động, PDA,…) GPS hiện nay đều ứng dụng công nghệ A-GPS (Assisted GPS).
Trong nhiều điều kiện thực tế, việc truyền dẫn tín hiệu GPS giữa vệ tinh và thiết bị nhận trên mặt đất hoạt động rất kém hoặc thậm chí không thể hoạt động, nhất là trong các thành phố lớn nhiều nhà cao tầng hoặc ở trong không gian kín. A-GPS chính là giải pháp cho vấn đề này.
Đơn giản, thay cho việc truyền tín hiệu trực tiếp với vệ tinh, A-GPS kết nối tín hiệu qua một “trạm trung chuyển” là một hệ thống máy chủ hỗ trợ. Hệ thống trung gian này xác định vị trí của thiết bị so với các trạm thu phát sóng của các mạng điện thoại trung gian trong khu vực và từ đó tính toán ra vị trí trên hệ thống GPS. Có thể nói, nếu không có sự hỗ trợ của các trạm trung chuyển qua mạng điện thoại di động này, thiết bị A-GPS vẫn có thể nhận được tín hiệu từ vệ tinh nhưng không có khả năng giải mã vị trí.
Một thiết bị tích hợp công nghệ A-GPS điển hình cần có các kết nối dữ liệu (qua mạng GPRS, 3G hoặc Wi-fi) để có thể truyền tải dữ liệu qua lại với máy chủ trung gian. Nhiều thiết bị hỗ trợ A-GPS vẫn có thể hoạt động với công nghệ GPS chuẩn không qua hỗ trợ của mạng truyền dẫn, tuy nhiên trong một số trường hợp, việc xác định vị trí theo thời gian thực sẽ gặp nhiều khó khăn do thông tin từ vệ tinh đến thiết bị không ổn định.
Ứng dụng GPS và A-GPS tại Việt Nam
Điện thoại di động tích hợp chip GPS và hỗ trợ công nghệ A-GPS hiện nay có khá nhiều tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hệ thống định vị toàn cầu GPS hiện hoạt động không tốt do vẫn chưa được cập nhật đầy đủ thông tin địa phương. Vì thế, A-GPS gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc định vị, dẫn đường hay tìm thông tin, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Thông qua một số máy chủ (tùy thuộc chương trình sử dụng của người dùng), các điện thoại di động với A-GPS hiện đang được sử dụng nhiều hơn. Các hãng sản xuất cũng rất “chiều chuộng” người dùng khi tích hợp sẵn trong bộ sản phẩm hoặc tặng kèm các phần mềm bản đồ phù hợp. Quen thuộc nhất trên thị trường vẫn là các dòng sản phẩm Nokia Navigator, Communicator hoặc Nseries với bản đồ Nokia Maps tích hợp. Phần mềm bản đồ Vietmap với đầy đủ thông tin về nhiều tỉnh thành trong cả nước và được cập nhật thường xuyên cũng khá quen thuộc với người dùng các dòng PDA phone chạy trên hệ điều hành Windows Mobile như của HTC hay Samsung.
Hiện tại, do hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao nên việc sử dụng A-GPS vẫn phải phụ thuộc vào các kết nối Wi-fi là chính. Tuy nhiên, hạ tầng mạng 3G đang được các nhà cung cấp dịch vụ chuẩn bị khá rầm rộ và hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn cho các ứng dụng với nhu cầu truyền tải dung lượng băng thông rộng này.