Hành hương giỗ Tổ
7h sáng mai, tại đền Hùng (Phú Thọ) sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Vài ngày nay, dòng người đổ về khu di tích này đông nghẹt, các dịch vụ ăn theo cũng được dịp nở rộ.
Trên khắp các ngả đường ở thành phố Việt Trì, đâu đâu cũng treo cờ, băng rôn mang dòng chữ: "Chào mừng khách thập phương về dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương", "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba"... Thậm chí, nhiều cửa hàng, quán ăn cũng đua nhau tung ra chương trình khuyến mãi nhân dịp này.
9h sáng, con đường vào khu di tích Đền Hùng tấp nập người và xe. Để tránh ùn tắc, ngay tại cổng chính, Ban tổ chức lễ hội đã cấm xe ôtô vào khu vực đền. Ngại đi bộ, hành khách phải trả 5.000 đồng cho một cuốc xe ôm đi vào hoặc đi ra. Theo lời những lái xe ôm, mấy ngày qua, lượng khách đổ về đây khá đông.
Trong sân đền, đập vào mắt du khách là dãy quán được bố trí quy củ, gọn gàng với đủ loại hàng hóa từ hoa quả, nước giải khát cho tới bánh kẹo... Ly cà phê lớn nhất thế giới cũng được trưng bày tại đây để khách thập phương chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm.
Tại khu vực trò chơi, nằm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, âm thanh từ các hàng quán đều được phát hết công suất. Tiếng nhạc xập xình, tiếng loa choang choảng, tiếng chào mời... vang lên tứ phía, tạo ra thứ âm thanh hỗn tạp khiến bước chân của du khách như vội hơn.
"Năm nay hàng quán được bố trí gọn gàng hơn nhưng khu trò chơi moi tiền này thì vẫn vậy. Lời lẽ phát ra trên loa thiếu văn hóa, âm nhạc toàn tiền hết tình tan", Hùng Quân, sinh viên năm thứ hai ĐH Sư phạm Thái Nguyên nói.
Dù ban tổ chức cấm việc đeo bám, chèo kéo khách nhưng hiện vẫn có không ít người bán khánh, vòng cổ... bám riết lấy khách để bắt mua. Trên loa phát thanh, chốc chốc lại có thông báo tìm giấy tờ của những người bị mất ví.
Trong đền Thượng, hiện có một số cụ ông mặc áo the, đeo thẻ của nhà đền đứng khấn thuê. Đặt tờ 20.000 đồng của khách lên chiếc đĩa đang cầm trên tay, ông lão dõng dạc khấn, chốc chốc lại quay sang hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp của người đi xin lộc. Trong vòng chưa đầy 15 phút, đã có tới 3 người được khấn xong, trên tay ông lão là một xấp tiền mệnh giá lớn nhất là 50.000 đồng.
Do lượng người đổ về đông, trưa 13/4, các thảm cỏ, bãi đất trống trong khu vực đền đều được người dân địa phương trải chiếu cho thuê chỗ ngồi và bán hàng ăn uống. Các bộ ghế đá để khách nghỉ chân cũng bị dùng làm nơi bán hàng.
Sau khi làm lễ, hàng trăm người vui vẻ ngồi thụ lộc, xong việc, rác được xả la liệt tại chỗ. Nhìn đống rác do khách bỏ lại, Nguyễn Văn Công, sinh viên năm thứ hai CĐ Hóa chất (Phú Thọ) lắc đầu ngao ngán. Cậu sinh viên này cho biết đã cùng nhóm bạn tình nguyện đi dặn mọi người ăn xong để rác gọn vào túi nhưng cuối cùng đâu lại vào đó.
"Nhiều người chưa có ý thức nên nhóm của chúng em mỗi ngày thu cả chục bao tải rác mà chẳng thấy ăn thua gì. Giá mà những chiếc loa quảng cáo sản phẩm kia chốc chốc lại lưu ý du khách giữ gìn vệ sinh công cộng thì tốt biết mấy", Công vừa dứt lời, tiếng loa gần đó lại văng vẳng vang lên đoạn quảng cáo cho sản phẩm chè củ mài.
Theo Ban tổ chức lễ hội, dù là năm lẻ và lễ giỗ Tổ do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì nhưng quy mô cũng không hề kém so với những năm trước.
Giám đốc Khu di tích Đền Hùng Nguyễn Tiến Khôi, cho biết, năm nay, không gian lễ hội được mở rộng từ Việt Trì - Phú Thọ đến các huyện lân cận với các lễ hội truyền thống như Hội Phết (Tam Nông), Hội rước voi (Thanh Thủy)... trong thời gian hơn 2 tháng.
Sân lễ hội (sức chứa chừng một vạn người) vừa xây xong và được lắp đặt màn hình 50 m2 để giúp du khách tìm hiểu thêm thông tin về đất Tổ. Ban tổ chức bố trí thêm 100 thùng rác, 10 bồn chứa nước, 2 khu vệ sinh... Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, trông giữ ôtô, xe máy... đều phải niêm yết giá, đảm bảo chất lượng.
"Để chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng vào sáng 10/3 (âm lịch), chúng tôi đã bố trí đội hình đoàn hành lễ, vật phẩm, các nghi thức đảm bảo trang nghiêm, thành kính, thể hiện lòng tri ân công đức tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Phú Thọ và đồng bào cả nước", ông Khôi cho biết thêm.
Ngày 14/4 sẽ có Lễ hội bơi Chải trên sông Lô, Biểu diễn nghệ thuật của Hàn Quốc, bắn pháo hoa tầm thấp... Ngày 15/4 sẽ có thi bóng chuyền, cờ tướng, đánh trống đồng, hát Xoan, múa sư tử, liên hoan diễn xướng dân gian...
Trước đó, ngày 13/4 đã diễn ra cuộc thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày của 16 tỉnh, thành trong cả nước. Đội giành được giải nhất trong cuộc thi sẽ vinh dự được chọn là địa phương dâng lễ vật trong giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.
Hội Đền Hùng là dịp để người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, nhớ lại sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ và ghi nhớ công lao dựng nước, mở nước của 18 đời vua Hùng ở vùng đất Phong Châu.