Hủy toàn bộ lệnh phiên giao dịch mở cửa
Chiều 27/5 Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thông báo hủy toàn bộ lệnh đã nhập vào hệ thống giao dịch trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa buổi sáng, do lỗi kỹ thuật khiến 'sập' sàn.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, quyết định hủy bỏ lệnh đã nhập đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho phép. Đây là lần đầu tiên sở giao dịch phải hủy bỏ một phiên giao dịch vì sự cố kỹ thuật được HOSE thừa nhận là bất thường.
Sáng nay, chỉ sau một giờ đồng hồ mở cửa phiên giao dịch, sàn TP HCM đã gặp trục trặc khi lệnh mua bán không thể nhập được vào hệ thống. Không thể xác định được nguyên nhân cũng như khắc phục nhanh lỗi kỹ thuật, HOSE đã phải thông báo ngưng phiên giao dịch.
Cho đến đầu giờ chiều, nguyên nhân sự cố vẫn chưa được xác định. Hiện vẫn chưa biết phiên giao dịch ngày mai có thể diễn ra bình thường hay không. Theo đại diện HOSE, Sở đang tiến hành khắc phục sự cố và thông báo chính thức thời gian giao dịch trở lại.
Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban phụ trách Ban Phát triển Thị trường Chứng khoán tại thời điểm sự cố, các lệnh đều chưa được khớp do đợt khớp lệnh mở cửa chưa kết thúc. Vì vậy lệnh của các nhà đầu tư đều bị hủy và không có giao dịch nào được thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc khối dịch vụ đầu tư của Công ty chứng khoán VnDirect cho biết, việc sàn trục trặc không phải là chuyện hi hữu; tuy nhiên sự cố xảy ra trong thời điểm nhạy cảm hiện nay có thể khiến nhiều người suy diễn theo chiều hướng không tốt.
Ông Phong cho biết thêm, việc phải hủy bỏ tất cả giao dịch vào đầu giờ sáng trước khi sập sàn, cho đến giờ chưa gây ra rắc rối cho phía công ty, cũng như chưa có khách hàng nào khiếu nại. Nhưng công ty cũng chịu thiệt hại từ khoản phí giao dịch bị mất trong ngày hôm nay.
Không tiết lộ mức phí giao dịch đã mất hôm nay, song theo ông Phong, thông thường trong đợt 1 của một phiên giao dịch có 400-500 lệnh được khớp. Tính chung cả thị trường, khoảng 100 tỷ đồng (giá trị) được giao dịch trong một phiên giao dịch, phí của các công ty chứng khoán được hưởng là 0,2% trên giá trị giao dịch, tương đương với 200 triệu đồng.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán khác ở TP HCM thì nhận định, lúc này thị trường đang đi xuống, sự cố "sập" sàn sẽ tạo cho các nhà đầu tư nhiều lo lắng, mất phương hướng. Trong lúc này, tâm lý nhà đầu tư cần được nghe những giải thích rõ ràng, minh bạch từ phía Sở giao dịch tất cả những thông tin liên quan đến sự cố.
Giám đốc một công ty chứng khoán ở quận 1 thì nhìn nhận, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lo không định hướng được, do đó dễ sinh ra hoảng loạn nếu không rõ lý do sự cố kỹ thuật sàn giao dịch hôm nay.
Ông giám đốc này cũng cho rằng, các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp xác định chơi chứng khoán là đầu tư chiến lược, giá lên xuống ngắn hạn không quan tâm, không ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Nhưng trước sự cố sập sàn mà không rõ nguyên nhân, sẽ có nhiều tổ chức tính lại kế hoạch đầu tư. Khi đó thị trường chứng khoán sẽ có những chuyển biến khó lường trước được.
Trong khi đó số ít nhà đầu tư có nhu cầu bán hàng gấp thì tỏ ra lo lắng sốt ruột, còn hầu hết rất thờ ơ với chuyện "sập" sàn HOSE, thậm chí còn mong thị trường tạm hoãn vài phiên để hãm đà giảm điểm suốt thời gian qua.
Ghi nhận của các nhà đầu tư có mặt trên sàn khi xảy ra sự cố, tại thời điểm đó thị trường có vẻ sẽ lại có thêm phiên giảm điểm khi các lệnh bán sàn và ATO vẫn đang "xếp hàng" chờ sẵn.
Ở TP HCM, một nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán ACB cho biết, sáng nay anh dự định đặt lệnh bán ra 1.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, đang lúc đặt lệnh thì hệ thống mạng trục trặc, không thể tiến hành được. Nhà đầu tư này lo lắng, không biết hệ thống mạng của Sở giao dịch bao giờ mới được khôi phục hoạt động trở lại.
Những người do lỗ nhiều quá muốn bán tháo cổ phiếu nhưng không bán được thì dự đoán: "Trong điều kiện sàn giao dịch bình thường đặt lệnh bán ra đã khó, nay xảy ra sự cố tình hình chắc sẽ còn gian nan hơn". Thậm chí có cả dự báo khi giao dịch hoạt động bình thường trở lại, giá cổ phiếu lại càng rớt mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, tại sàn giao dịch Hải Phòng, một nhà đầu tư tên Thành mừng ra mặt: "Tôi không định bán ra số cổ phiếu, hy vọng thị trường sẽ khôi phục trở lại. Vì thế, với sự cố sập sàn, đỡ mất 2%".
"Sập một ngày đỡ mất tiền một ngày", chị Nguyễn Thị Hồng Yến nhà đầu tư trên sàn giao dịch SSI cũng tỏ ra nhẹ nhõm. Chị Yến cho hay, hơn một tháng nay, cứ mỗi ngày chị lỗ mất 3 triệu đồng. "Một tháng giá trị số cổ phiếu giảm 10%, mất gần 100 triệu đồng. Nhà đầu tư đã thực sự hết chịu nổi", chị Yến sốt ruột.
Anh Ngọc Minh, một nhà đầu tư sàn chứng khoán Sacombank nhận định: "Nhìn chung, khi sự cố sập sàn xảy ra, đa số các nhà đầu tư tỏ ra mừng rỡ. Vì trước mắt giá trị số cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn được bảo toàn".
Tại Hà Nội, theo một nhân viên tại Công ty chứng khoán Tân Việt, sáng nay phần đông nhà đầu tư đến sàn chỉ để nghe ngóng thông tin chứ không thực hiện giao dịch, nên sự cố trên mặc dù ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến các công ty chứng khoán nhưng lại không tác động nhiều đến nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Quốc tế cho biết, anh đang nắm rất nhiều cổ phiếu và không hề có ý định bán do đang lỗ nặng. Với sự cố trên, tạm thời thị trường sẽ tránh được một phiên giảm điểm. Thậm chí một số nhà đầu tư còn hy vọng việc tạm ngừng giao dịch trong vài phiên có thể mang lại một tâm lý tích cực hơn cho thị trường.
Dưới tiết trời oi bức của mùa hè, các công ty chứng khoán với không gian vắng vẻ, yên tĩnh và hệ thống điều hòa luôn hoạt động hết công suất đang là điểm đến lý tưởng để... tránh nóng của nhiều nhà đầu tư. Nhân viên bảo vệ của một công ty chứng khoán còn cho biết, nhiều nhà đầu tư có con nhỏ còn tận dụng các công ty chứng khoán làm địa điểm để cho các cháu đến ăn, ngủ.
Tại sàn Hà Nội, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Hastc-Index đóng cửa ở mức 123,17 điểm, giảm 2,29 điểm (1,83%). Đã có 555.900 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt 15,73 tỷ.