Thí sinh 'thở phào' với đề thi môn Văn
Không khí oi bức, cộng với sức ép của môn thi đầu tiên đã khiến không khí ngày đầu thi tốt nghiệp THPT khá căng thẳng. Tuy nhiên, sau buổi thi, nhiều học sinh tại Hà Nội, TP HCM thở phào vì làm bài khá tốt.
Trời Hà Nội sáng nay khá oi bức. Ngay từ đầu giờ sáng, đường phố đã tấp nập cảnh phụ huynh đưa con tới trường. Do ngay buổi thi đầu tiên phải làm bài thi môn Văn nên nhiều học sinh tỏ ra lo lắng. Trong lúc tập trung, thậm chí trong khi chờ gọi vào phòng thi, nhiều em vẫn cầm trên tay cuốn tài liệu Văn để tranh thủ ôn bài.
10h, tiếng trống báo hiệu hết giờ thi môn Văn vang lên nhưng vẫn chưa thí sinh nào bước ra khỏi cổng THPT Hà Nội Amsterdam. Trước cánh cổng đóng im lìm, hàng trăm phụ huynh đứng chờ con em dưới cái nắng gay gắt, khuôn mặt lộ rõ vẻ lo lắng, sốt ruột. 10h5, những thí sinh đầu tiên bước ra.
Phần lớn các em đều tươi cười khi được hỏi về bài thi. Một nữ sinh cho biết, vì ôn khá kỹ bài "Vợ nhặt" (Kim Lân) nên em đã kịp làm xong câu nhiều điểm nhất. Một nam sinh THPT chuyên ngữ Hà Nội lại cho rằng đề thi năm nay bình thường và em cũng chọn đề 2 vì ôn kỹ bài “Vợ nhặt”, bỏ qua phần Văn học nước ngoài.
Trái với số đông, một nữ sinh THPT Chu Văn An lại chọn đề 1. "Từ tối qua, các bạn truyền nhau tin đề thi sẽ rơi vào bài “Vợ nhặt” nhưng vì đã ôn toàn bộ chương trình nên sáng nay em vẫn quyết định chọn đề 1", nữ sinh này mỉm cười nói.
Theo ghi nhận của phòng viên, vào cuối buổi thi, hầu hết các thí sinh đều ra về với tâm trạng vui vẻ. Nhiều em còn tỏ rõ sự vui mừng vì đã hoàn thành tốt môn thi đầu tiên. Cuối buổi thi đầu, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp vi phạm quy chế thi nào.
Tại THCS Tô Hoàng (Hà Nội), trong khi thí sinh làm bài thi môn Văn, tiếng loa đài ở Tiểu học Tô Hoàng nằm sát đó vẫn ầm ầm dội sang. Ảnh: Hoàng Hà.
Trong khi đó, phải 15 phút sau khi hết giờ làm bài, thí sinh tại hội đồng THCS Lê Quý Đôn và THPT Lê Hồng Phong mới ra về. Dù cho biết, đề thi khá sát chương trình lớp 12, nhưng nhiều em không tránh khỏi tâm trạng tiếc nuối vì một vài sai sót.
Thí sinh Thục Anh, THPT An Đông cho biết, không hoàn toàn hài lòng với bài làm, mặc dù trong năm được trên 8 phẩy môn Văn. "Em chọn đề 1, làm hết bài nhưng tự thấy cảm xúc viết trong câu tập làm văn hơi khô khan, nên sợ điểm không cao", nữ sinh này nói.
Còn Hải An, học sinh THPT Hùng Vương tỏ vẻ buồn rầu vì ôn bài không đúng tủ. An chọn đề số 2, có câu phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, trong khi em chỉ tập trung học sâu về nhân vật chính là anh Tràng, con của bà cụ.
Trao đổi với VnExpress, bà Đinh Thị Mỹ Hạnh - giáo viên văn THPT Trần Khai Nguyên nhận định đây là đề thi hay, vừa sức với số đông, đồng thời phân loại được lực học của các em. Tuy nhiên, bà Hạnh cho biết khá nhiều thí sinh tại hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi lúng túng trong cách triển khai câu tập làm văn trong cả hai đề.
"Với câu tập làm văn trong cả 2 đề đều yêu cầu thí sinh phân tích, nhưng nhiều thí sinh trả lời theo kiểu gạch ý đầu dòng, số khác thì triển khai thành đoạn văn hoàn chỉnh. Có lẽ khi chấm thi, giáo viên dựa trên đáp án của Bộ, nên cân nhắc để thí sinh đỡ bị thiệt", bà Hạnh nói.
Theo ghi nhận của VnExpress ở một số hội đồng tại TP HCM, không có hiện tượng thí sinh vứt phao sau buổi thi. Số ít em cho biết, trước đó có chuẩn bị phao thi, nhưng ngay sau lễ khai mạc buổi sáng, biết khó qua mắt lực lượng thanh tra, giám thị nên không sử dụng.
Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Phú Bạc cho biết, buổi thi sáng nay có 22 thí sinh hệ phổ thông vắng mặt, trong đó 12 em hiện chưa có lý do. Có 1 thí sinh trong 10 trường hợp có lý do phải nghỉ thi do gặp tai nạn.
Còn ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ tại thành phố đánh giá, buổi thi sáng nay nhìn chung nghiêm túc, đúng quy chế, chưa phát hiện sai sót nào. Lực lượng giám thị, thanh tra có mặt đầy đủ. Riêng đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tại 5 hội đồng thi trên địa bàn.
Trước đó, 6h sáng, học sinh chuyên ban THPT Phan Đình Phùng và Trần Phú đứng đông nghịt trước cổng trường THPT Trần Phú. Các em tập trung thành nhiều nhóm nhỏ, cầm sách vở tài liệu tranh thủ ôn lại lần cuối. Trong khi đó, số khác lại đứng bàn tán sôi nổi và phán đoán đề sẽ vào bài nào.
Vừa cầm cuốn sách Văn, Nguyễn Tuấn Huy, lớp 12A1 THPT Phan Đình Phùng vừa nhăn nhó: “Vì thi khối A nên em học môn Văn không được tốt. Vì chỉ ôn phần văn xuôi, bỏ mất phần thơ nên em không thấy tự tin lắm”.
Nguyễn Thu Huyền, bạn cùng lớp với Tuấn Huy, cũng có chung lo lắng và hy vọng thi vào đề Vợ nhặt (Kim Lân) vì “em ôn khá kỹ phần này”.
Trong khi đó, Trần Trung Kiên, học sinh THPT Trần Phú lại tỏ ra bình thản. “Em ôn hết các phần, đặc biệt là đọc kỹ các bài đã được thi thử hai lần trước. Hy vọng vào đề Người Hà Nội và Vợ Nhặt”, Kiên mong mỏi.
6h30, khi trường mở cửa cho học sinh vào, nhiều em vẫn đứng trước cổng THPT Trần Phú, khuôn mặt căng thẳng, tay liên tục bấm điện thoại. Khi được hỏi, các em cho biết để quên chứng minh nhân dân và đang chờ người nhà mang tới.
Thầy Đỗ Đức Hòa (Hiệu phó THPT Quang Trung), Chủ tịch Hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi cho biết, điểm thi này có 552 học sinh của 7 trường: THPT Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái, DL Đinh Tiên Hoàng, DL Văn Lang, Bán công Liễu Giai, DL Phan Huy Chú và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Ba Đình.
Sau một vòng đi kiểm tra các phòng thi, thầy Hòa nhận định: "Dù điểm thi này có nhiều học sinh dân lập, lại là buổi thi Văn nhưng chưa thấy các em có 'biểu hiện' gì. Sáng nay, chưa có học sinh nào đến muộn hoặc bỏ thi. Hy vọng là các em làm nghiêm túc".
Sáng nay, Hội đồng thi THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng có 663 học sinh của THPT Chu Văn An, Hà Nội - Amsterdam và Chuyên ngữ Hà Nội. Theo lãnh đạo Hội đồng thi, chưa có học sinh nào đi muộn hoặc vi phạm quy chế thi, các em làm bài nghiêm túc.
Hà Nội có hơn 43.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhiều hơn năm ngoái chừng 5.000 em. Trong 3 ngày thi, Hà Nội sẽ cử 13 đoàn đi kiểm tra 91 Hội đồng thi, trong đó có 4 đoàn lưu động của Ban giám đốc. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ngoài 291 thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT, Hà Nội còn huy động thêm 162 thanh tra Sở cùng hơn 4.000 giám thị.
Tại TP HCM, từ 5h30 sáng, phụ huynh và học sinh đã bắt đầu tập trung đông đảo trước cổng các hội đồng thi. Nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình vì tối 27/5, một số khu vực trên địa bàn thành phố bị cắt điện tới khuya, ảnh hưởng tới việc ôn tập và tâm lý của thí sinh.
Ở hội đồng thi THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, hầu hết thí sinh đều ôm khư khư đề cương ôn tập môn Văn trên tay, cố gắng "nhồi nhét" thêm kiến thức với vẻ mặt khá căng thẳng. Nữ sinh Lý Bảo Châu, lớp 12 A8 trường Hùng Vương cho biết rất lo lắng, dù điểm tổng kết năm môn Văn của em đạt 7,9.
"Em lo nhất phần kiến thức văn học nước ngoài, tiểu sử của một số tác giả khó nhớ. Trong trường hợp đề ra vào phần cảm thụ thơ, thì những câu thơ dịch cũng rất dễ quên", Châu chia sẻ.
Giống như Châu, Lý Văn An, học sinh 12A, Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng cho biết, trong 6 môn tốt nghiệp, em ngại nhất môn Văn. Theo An, hầu hết học sinh chuyên khối A "ngán" Văn vì môn này chủ yếu học theo kiểu thuộc vẹt và lượng kiến thức nhiều.
Sáng nay, lãnh đạo TP HCM và các Sở, ngành trong ban chỉ đạo thi thành phố đã tới 11 hội đồng dự khai mạc cùng thí sinh để động viên tinh thân các em. Riêng tại Hội đồng thi THPT chuyên Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà và Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Công Minh trực tiếp tới dự lễ khai mạc, dặn dò học sinh.
Cùng chung tâm trạng với thí sinh, hầu hết các bậc phụ huynh cũng tỏ ra khá lo lắng. Nhiều người cho biết sẽ đứng chờ con trước cổng các hội đồng trong cả 3 ngày thi.
Bà Tăng Mộng Ngọc giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cho biết là phụ huynh của Bội Du - học sinh chuyên Anh - THPT Lê Hồng Phong. "Du là học sinh giỏi của trường, nhưng trước ngày thi, cháu tỏ ra lo lắng, mất ngủ nên tôi cũng hồi hộp theo", bà Ngọc vừa nói vừa dõi theo bóng cô con gái đang đi vào trường.
Còn ông Phạm Trọng Nghiệp, phụ huynh có con thi tại hội đồng Lê Hồng Phong phản ánh, tối qua, khu vực phường 14, quận 8 bị cắt điện tới 12h đêm. Ông và nhiều phụ huynh có con dự thi tốt nghiệp nhiều lần khiếu nại với công ty điện lực Chợ Lớn nhờ can thiệp nhưng không được giải đáp.
"Thành phố nói đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, nhưng ngành điện lực lại cắt điện vào tối hôm trước các kỳ thi như thế, sẽ khiến tâm lý các cháu bị ảnh hưởng", ông Nghiệp nói vẻ bực bội.
Nhiều phụ huynh kiến nghị ngành giáo dục phối hợp với điện lực để đảm bảo nguồn điện được đảm bảo trong kỳ thi.