Cùng đi với bác rể Phan Văn Đồng (lấy bác gái ruột của Bình) và cậu em trai cùng mẹ khác cha Lê Văn Kiến là đại diện công an huyện Vĩnh Tường, chính quyền xã Chấn Hưng.
Mặc dù gặp người thân nhưng Bình tỏ ra khá thờ ơ.
Theo lời kể của ông Đồng, mẹ Bình đã bỏ quê đi từ nhiều năm trước. Mặc dù gia đình biết thông tin Bình làm việc tại một quán phở ở Thanh Xuân nhưng vì không có địa chỉ cũng như tin tức về Bình nên vẫn nghĩ rằng cháu gái làm việc ổn định. Ngày 8/11, theo dõi tivi, gia đình ông Đồng mới biết rõ hoàn cảnh của Bình.
Đại diện Công an huyện Vĩnh Tường cho hay, sau khi biết thông tin về vụ hành hạ một người có hộ khẩu ở Vĩnh Tường, công an huyện đã tiến hành xác minh. Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh ngày 12/8/1983 tại thôn Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng, do ông ngoại Nguyễn Văn Đức làm thủ tục khai sinh. Bà Nguyễn Thị Quảng, mẹ của Bình (tức Thông), hiện không rõ tung tích, có nguồn tin cho biết bà lấy chồng, sinh con bên Trung Quốc.
Theo công an huyện Vĩnh Tường, bà Nguyễn Thị Quảng có quan hệ với người đã có vợ và sinh ra Bình nên bố em đã không dám thừa nhận. Trong giấy khai sinh, phần tên bố bị bỏ trống. Hơn 1 năm sau khi sinh ra Bình, mẹ em lại về làm vợ lẽ một người khác và năm 1985 sinh ra cậu em trai Lê Văn Kiến. Sau đó, bà Quảng và Bình đã phiêu bạt xuống Hà Nội làm thuê cho vợ chồng chủ quán phở Đức Phương, để lại cậu con trai cho người bố nuôi.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hơn 1 năm sau, bà Quảng đã bỏ đi, để lại cô con gái. Ba năm sau, bà Quảng trở lại đón Bình nhưng vợ chồng Đức Phương không đồng ý.
Bình vui vẻ khoe quà với chị Thủy, người đã cưu mang em. Ảnh: VTC.
Mặc dù gặp lại người thân sau hơn chục năm xa cách nhưng Bình lại không hề biểu lộ cảm xúc. Bình nói với VnExpres: "Em không thể nhận ra những người này. Hai người trước đây em hay gặp nhất thì giờ lại không thấy".
Sau bữa cơm trưa 9/11, Bình và người thân vội vã chia tay. Hiện Bình vẫn ở trụ sở công an quận Thanh Xuân để phục vụ công tác điều tra. Mặc dù nhiều doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn được đón em về nuôi dưỡng nhưng Bình cho biết: “Em chưa có dự định gì cả”.
Tối 9/11, Trung tá Đào Văn Hoàn, Đội trưởng Đội điều tra về tội phạm trật tự xã hội Công an quận Thanh Xuân cho VnExpress biết, sau khi về Vĩnh Phúc xác minh, công an Thanh Xuân khẳng định, ông Đồng và em Kiến đúng là có quan hệ họ hàng với Bình.
Trước đó, sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Một ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua.
Trao đổi với báo chí chiều 9/11, thượng tá Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng công an quận Thanh Xuân, cho biết: ba ngành: Công an, Tòa án và Viện kiểm soát, đã thống nhất sẽ khẩn trương điều tra và đưa ra xử điểm vụ hành hạ em Bình.
Video vụ bắt giữ vợ chồng chủ quán phở đã hành hạ Nguyễn Thị Bình
Theo vnexpress.
Điều 110: Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.
Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.