Ngôi nhà sàn của Bác Hồ đã ra đời như thế nào?
TP - Nằm khiêm tốn dưới những tán cây xanh trong khu vườn phủ chủ tịch là ngôi nhà sàn Bác Hồ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 11 năm cuối cùng. Ngôi nhà là biểu tượng của phong cách và lối sống giản dị của một vị lãnh tụ hết lòng vì nhân dân.
Sau 4 năm, kể từ ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại khu Phủ chủ tịch, Người vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ, vốn là nơi ở của người thợ điện phục vụ cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Ngôi nhà nằm ở hướng rất nóng, vì vậy, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của Bác. Đây cũng chính là điều mà các đồng chí Trung ương và Bộ Chính trị rất băn khoăn và lo lắng. Đã nhiều lần Bộ Chính trị đề nghị xây dựng một ngôi nhà mới tạo điều kiện cho Bác ở và làm việc, nhưng Bác vẫn từ chối.
Tháng 3 năm 1958, Bác đi Thái Nguyên và đến thăm hợp tác xã nông nghiệp xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh. Sau đó Bác đến thăm trạm bơm Lữ Yên, xã Yên Thịnh, huyện Phú Bình.
Trên đường trở về Hà Nội, Bác rất mừng trước những thay đổi của đời sống đồng bào các dân tộc. Khi nói chuyện về lối sống nhà sàn của đồng bào Việt Bắc, Người nói với anh em cán bộ cùng đi: Vừa rồi các đồng chí Trung ương có đề nghị xây nhà mới cho Bác ở và làm việc, nếu được, thì Bác nghĩ là làm một căn nhà sàn nhỏ ở bên kia bờ ao theo kiểu nhà sàn của đồng bào.
Vào cuối tháng đó, Bộ Chính trị đã quyết định triển khai xây dựng ngôi nhà mới cho Bác và giao nhiệm vụ cho Cục thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thủy lợi và Tổng cục Hậu cần QĐNDVN tiến hành thiết kế và thi công. Người được vinh dự thiết kế ngôi nhà sàn là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, lúc đó, là Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông Thủy lợi.
Trước khi hình thành ý tưởng thiết kế kiến trúc Nguyễn Văn Ninh được các đồng chí thuộc Văn phòng Phủ Chủ tịch bố trí cho đến thăm nơi ở và làm việc của Bác, đó là ngôi nhà Bác ở đầu tiên khi về Phủ Chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Ninh kể lại: “Sau khi xem xét kỹ chỗ ngủ, chỗ làm việc của Bác tôi nảy ra nhiều suy nghĩ, cái lớn lao, cao cả của Bác không những toát ra qua sự nghiệp vĩ đại của Người mà còn toát ra qua những cái tưởng như rất bình thường, gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với Bác không cần tô vẽ gì hết, vì mọi sự tô vẽ, trau chuốt trở nên thừa, ý nghĩ ấy đã giúp tôi phác thảo ra cái hướng chính của việc thiết kế ngôi nhà sàn của Bác…
Tuy vậy, tôi vẫn chưa hết lo. Ý đồ của tôi là muốn làm một ngôi nhà giản dị nhưng vẫn phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông để giữ gìn sức khỏe cho Bác. Nhưng tôi vẫn sợ bản thiết kế của tôi bị gạt bỏ nếu nó tốn kém quá”.
Giữa lúc đang băn khoăn về việc thiết kế thì Bác đã cho mời kiến trúc sư đến để trao đổi, gợi ý và phác thảo những nét chính của ngôi nhà mới, Bác nói: Ngôi nhà mới sẽ làm giống như nhà sàn ở trên chiến khu Việt Bắc. Bác đề nghị không nên làm rộng, như vậy vừa đỡ tốn kém, vừa tránh lãng phí. Về việc chọn gỗ để xây dựng nhà sàn Bác cũng đề nghị nên dùng gỗ thường, không nên dùng gỗ tốt.
Bác gợi ý cho kiến trúc sư là tận dụng vách ngăn hai phòng làm giá sách cho gọn, tiện mà đỡ tốn diện tích không gian trong phòng. Hành lang xung quanh ở tầng hai, làm rộng để có thể ngồi đọc sách và ai cần qua lại đều tiện lợi. Cầu thang, lúc đầu kiến trúc sư thiết kế hẹp chỉ vừa đủ với một người lên xuống, nhưng Bác đã đề nghị làm rộng thêm. Bác nói, để khi có khách quý là nguyên thủ quốc gia đến thăm Bác, hai người cùng bước lên một lúc.
Sau khi bản thiết kế được hoàn thành, ngày 15 tháng 4 năm 1958 ngôi nhà sàn được bắt đầu thi công, phụ trách thi công là đội 5, thuộc Đội kiến thiết cơ bản của Tổng cục Hậu cần, gồm 30 người do đồng chí Nguyễn Kim Toàn làm Đội trưởng.
Với tinh thần làm việc hăng say, khẩn trương, các cán bộ, chiến sĩ đã tranh thủ thời gian làm ngày làm đêm. Ngoài những giờ làm việc trong Phủ Chủ tịch anh em còn tranh thủ làm tại đơn vị để hoàn thành khối lượng công việc trong khoảng thời gian ngắn nhất, với quyết tâm hoàn thành ngôi nhà vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 68 của Bác.
Sau khoảng một tháng, ngày 17 tháng 5 năm 1958, ngôi nhà sàn của Bác được khánh thành.
Ngày khánh thành ngôi nhà sàn, Bác tổ chức một buổi liên hoan nhỏ ngay tại gian dưới nhà sàn, để cảm ơn kiến trúc sư cùng tất cả anh em trong đơn vị thi công, buổi liên hoan diễn ra trong không khí thân tình và đầm ấm. Bác mời mọi người uống nước, ăn bánh kẹo, chụp ảnh chung và bắt tay cảm ơn từng người. Bác khen ngợi: “Các chú làm như thế là nhanh, tốt, đảm bảo thời gian, nhưng còn khuyết điểm là tốn kém”.
Ngôi nhà sàn xây được dựng trong khu vực có nhiều cây cối xung quanh và gần hồ nước vì vậy có rất nhiều muỗi. Khi thiết kế kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh cũng không thể lường trước được điều này.
Tuy đã được quét dọn sạch sẽ, nhưng mỗi khi Bác ngồi làm việc nhất là vào ban đêm khi ánh đèn bật sáng, muỗi từ các lùm cây lại bay vào “làm phiền” Bác. Anh em cảnh vệ kể lại những đêm Bác làm việc khuya nghe tiếng phất muỗi của Bác, trong lòng thương Bác vô cùng.
Biết được câu chuyện ấy, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh vô cùng xúc động và ân hận, sau nhiều lần bàn tính cuối cùng ông đã ra phương án tối ưu là dùng lưới đồng nhỏ căng lên các ô của sổ, như vậy vừa ngăn được muỗi vừa tạo cho căn phòng thoáng mát vào mùa hè. Nhưng lại lo Bác không đồng ý vì tốn kém.
Nhân một chuyến Bác đi công tác vắng, kiến trúc sư và anh em phục vụ đã lặng lẽ thực hiện phương án trên và hoàn thành trước khi Bác trở về. Kiến trúc sư tâm sự: “Không biết hôm về, trông thấy lưới đồng, Bác có phê bình các anh trên ấy không? Nhưng riêng về phần tôi, giá Bác có gọi lên khiển trách, tôi sẵn sàng nhận khuyết điểm trước Bác về sự tốn kém này. Chứ để Bác hàng ngày cứ phải cầm quạt để phất muỗi trong khi làm việc như vậy thật không ai đành tâm được”.
Ngôi nhà sàn, nơi ở và làm việc của Bác Hồ gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, cùng với những đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Sau khi Bác Hồ qua đời, ngôi nhà sàn trở thành một di sản văn hóa vô giá của dân tộc, ngày 15/5/1975, ngôi nhà sàn Bác Hồ được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia. Trải qua gần bốn thập kỷ, từ sau ngày Bác Hồ ra đi đến nay, Di tích nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã đón hơn 50 triệu lượt khách tham quan từ khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam và hơn 150 nước trên thế giới...