• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

Lượm lặt khi lướt web

Status
Không mở trả lời sau này.

Bete

New Member
Nhà thông thái & hoa

Nghe tin có một nhà thông thái xuất hiện để giúp mọi ngành thay đổi tư duy trong thời kỳ hội nhập, các ngành thay vì cử người đi gieo quẻ đầu năm từ các ông thầy bói như mọi khi, thì nay họ đổ xô đến tìm nhà thông thái nhờ giúp đỡ.

Nhà thông thái có một độc chiêu là chỉ cần nhìn qua người đại diện, ông đã biết người này làm ngành gì, và dùng hoa để gọi tên ngành đó mà không cần hỏi. Sáng mùng 1, người ta đã thấy có một đoàn cán bộ đến xếp hàng lấy số trước cửa nhà ông. Sau khi tất cả đã vào vị trí, người bắt số 1 đến ngồi vào bàn. Nhìn anh này, ông lấy một nhành mai tặng cho anh ta rồi bảo “Hoa này là ngành của anh!”.

- Vậy ông nói xem tôi làm ngành nào?

- Anh làm về lĩnh vực hành chánh, giải quyết khiếu nại, đúng không? Mỗi lần dân có... chuyện nhờ, các anh hay dùng chữ ngày mai để giải quyết. Mai họ đến, anh lại bảo mai... cứ thế, nên khi vừa gặp anh, tôi biết hoa này là ngành nghề của anh. Tất cả những người có mặt đều vỗ tay rần rần, công nhận ông ta quá hay vì nói đúng phóc.

Đến anh thứ hai ngồi vào, ông rút ngay một cành đào trao cho anh ta. Anh này lại hỏi: - Ông nói xem tôi làm ở ngành nào?

- Thì ngành đào đường chứ ngành nào! Chữ đào là chữ mà ngành anh làm cho người dân ám ảnh nhất. Đường sá hầu như chỗ nào cũng bị mấy anh đào lên lấp xuống, rồi lại đào lên... Dân chúng có ai lạ chữ đào trong ngành, mà anh còn hỏi. Khán phòng lại rộn lên tiếng vỗ tay và tiếng xuýt xoa khen ngợi.

Đến anh thứ ba ra vẻ điềm đạm, ung dung ngồi vào, cố nghiêm nghị để tránh bị ông ta đoán người từ nét mặt. Nhìn anh này hơi kỹ, nhà thông thái lấy một cành hoa hồng trao cho, rồi phán: - Anh làm nghề thầy thuốc đúng không?

- Đúng! - Anh bác sĩ xác nhận - Nhưng hoa hồng thì mắc mớ gì đến ngành nghề của tôi?

- Sao lại không? Gần đây người bệnh thiếu điều muốn tự vẫn khi nhìn những đơn thuốc của anh. Giá thuốc thì cứ tăng vùn vụt trong khi các hãng dược cứ cạnh tranh bằng cách cộng thêm vào giá thành tiền hoa hồng cho mỗi đơn thuốc mà anh kê toa. Hoa hồng không phải là nỗi ám ảnh của người bệnh đối với ngành anh thì là gì!

Cả phòng lại được một dịp cười ồ trước lời phán của nhà thông thái. Thấy ông ta đoán đúng phóc những người đến trước, anh chàng thứ tư ngập ngừng ngồi vào. Không chờ lâu, nhà thông thái rút một cành hoa sen trao cho anh ta rồi nói luôn: - Tôi chắc chắn anh làm ở ngành cấp nước.

- Đúng, tôi là ngành cấp nước, nhưng cấp nước thì đâu có liên quan gì đến hoa sen?

- Sao lại không! Hoa sen ở đây là ý tôi muốn nói đến cái vòi sen ở trong nhà tắm cơ! Mỗi khi nhìn thấy hoa sen là người ta tức đến ứa gan, vì tốn tiền gắn vào mà quanh năm không bao giờ xài tới. Lúc nước yếu thì nó chảy xìu xìu ểnh ểnh, lúc nước mạnh thì nó nghẽn mạch liên tục vì lưới đóng đầy cặn bẩn. Bởi vậy, khi vào nhà tắm, người ta hay ca bài “Vòi là vòi... nhiều lúc có như không”.

Cả phòng lại đồng thanh “Đúng quá, đúng quá!” làm cho anh cấp nước ê mặt đứng dậy, nhường chỗ cho một anh chàng lịch lãm vào ngồi. Anh này vừa ngồi vào đã tỏ ý khen: - Hoa sen là biểu tượng của ngành tôi, nhưng qua tay ông nó lại được cho ngành cấp nước bằng lý giải cực kỳ thông thái.

- Anh muốn nói cho tôi biết là anh làm ở ngành hàng không chứ gì? Tôi biết hoa sen là biểu tượng của ngành anh, nhưng với tôi, anh nên nhận một chậu hoa mười giờ mới đúng.

- Sao lại là hoa mười giờ?

- Vì có một số chuyến bay bị hoãn nhưng không báo trước, nên báo hại hành khách cứ khăn gói ra ngồi chờ, có khi phải mất 10 tiếng đồng hồ mới được bay.

Đến người kế tiếp ngồi vào, lần này nhà thông thái không trao một cành như các người khác, mà ông ta đặt trước mặt anh này cả một bó hoa mẫu đơn. Thấy lạ, anh ta hỏi: - Ông đoán tôi làm ngành gì mà tặng cả bó hoa mẫu đơn thế này?

- Anh là ngành nhà đất, đúng không?

- Đúng, nhưng ông tặng hoa mẫu đơn là sao?

- Để tôi kể cho anh nghe câu chuyện tôi phải làm bao nhiêu cái đơn để có được giấy chủ quyền nhà nhé: đơn xin cấp chủ quyền đất, đơn xin chuyển mục đích sử dụng (nếu đất chưa phải là đất ở), đơn xin phép xây dựng... Xong cái nhà, tiếp tục là: đơn xin xác định ranh giới, đơn xin xác định tình trạng nhà... Đấy, tôi mới kể sơ sơ, anh thấy đã có bao nhiêu loại đơn rồi? Còn nữa, lúc làm đơn thì khi anh bảo làm theo mẫu cũ, khi làm theo mẫu mới, vì chuyện cấp sổ đỏ hay sổ hồng còn chưa ngã ngũ.

Cuối cùng chỉ còn một người duy nhất trong phòng. Anh này liếc mắt sang nơi để hoa thì nhận ra, ngoài các loại hoa được trao cho các ngành kia thì trên bàn chỉ còn duy nhất một loại, đó là hoa lồng đèn. Anh ta không đến ngồi vào chỗ nữa mà xách cặp đứng lên định đi về thẳng. Thấy thế, nhà thông thái gọi lại hỏi: - Anh không định hỏi tôi gì à?

- Nhìn thấy chỉ còn duy nhất một loại hoa lồng đèn trên bàn, tôi biết ông đoán ra tôi là ngành điện rồi, hỏi chi nữa cho ông kể tội, thêm quê.

- Nhưng phần anh ngoài hoa lồng đèn có ý nghĩa kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị sẵn nến và đèn dầu trong nhà, thì anh nên nhận tất cả những loại hoa kia mới đúng, vì muốn có điện xài thì trước mắt dân cần làm một số loại đơn. Sau đó chờ các anh hẹn ngày mai, ngày kia xuống khảo sát. Sau đó, các anh đào đường đi cáp, đào hố trồng trụ. Khi gắn được đồng hồ rồi thì cúp liên miên.

Điện cúp bất tử thì không có nước xài. Cúp định kỳ thì phải chờ đúng 10 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới có lại. Và cuối cùng là mỗi khi đường dây có sự cố mà các anh nhiệt tình đến sửa thì sửa xong chắc chắn người ta sẽ mừng và chi “hoa hồng” cho các anh. Nghe đến đây, anh này sợ nhà thông thái nói nữa nên vội vàng vơ tất cả những thứ hoa có trên bàn rồi quay lưng biến gấp.

Khi tất cả mọi người đã ra về hết, nhà thông thái mới móc điện thoại di động ra để gọi chúc Tết bạn bè thì nghe câu: “Hướng liên lạc này đang bị nghẽn mạch...”. Ông bực mình quăng chiếc điện thoại vào sọt rác, miệng lẩm bẩm: “Hèn gì mình quảng cáo rầm rầm mà cái thằng làm ở lĩnh vực thông tin liên lạc lại không thấy đến!”.
 

Bete

New Member
Em đi... lễ chùa

Tháng giêng - tháng lễ hội chùa, nhiều người đến chùa dâng hương đã bị những kẻ lợi dụng vào chùa, đình, lăng... để kinh doanh buôn thần bán thánh, bói toán, bàn xăm, buôn bán sách báo mê tín dị đoan và bán vật lễ chùa theo kiểu "chặt chém"....

Bói... lá?

Rằm tháng giêng, em theo bè bạn mon men đến chùa xin tí... lộc. Vừa đến Lăng Ông Bà Chiểu, chưa kịp lạy ông, thì đã bị các "cò" bói toán vây quanh lôi đi phán số. Cò lớn, cò nhỏ bao nhiêu là cò cứ túm lấy em, làm em thấy ngại... ghê. Thấy người ta nháo nhào, mình khó thoát, nhưng em không biết chọn "thầy", chọn "bà" nào để “nghe” cho đúng.

Bỗng dưng, xuất hiện một cò bói giới thiệu một ông thầy mặt mũi láng mịn, có thể xuất quẻ đặc biệt: Không cần nhìn người - bói tướng không cần chấm số tử vi, không cần bói bài Tây, mà chỉ cần xem... lá - đoán người. Em và hàng trăm người như em ngày hôm ấy cứ líu ríu theo chân thầy.

Thầy "bói lá", mắt láo liên dẫn chúng em đi vòng vèo quanh Lăng để tránh... công an, sau đó mới chọn một góc khuất, bảo “Em ngồi xuống... bứt lá đi". Thầy cầm chiếc lá, phán được hàng đống chuyện. Nào là năm nay, em sẽ lấy được chồng, sẽ được quí nhân phù hộ, sẽ được tiền vô như nước nếu cúng đầy cúng đủ...

Như thế, cứ 10 phút 1 lần, trong vòng 1 tiếng, thầy "nhai qua nhai lại" dẻo quẹo một nội dung bói gần giống nhau cho hàng chục người, và thu về mấy trăm ngàn đồng. Thầy phán chẳng đúng vào đâu, nhưng ai xem cũng phải đưa tiền. Vừa thoát khỏi thầy bói “lá cây", em lại bị cò bói khác dụ dỗ: "Em cứ xem bói tiếp đi, bà bói mù này có dinh thự đàng hoàng, nếu bói không trúng sẽ... không lấy tiền”.

Bà bói khiếm thị, bói theo kiểu "cổ truyền", trong vòng 20 phút bà cứ khấn lầm rầm, mở ra hàng chục tờ giấy vẽ rồng rắn như... giun, phán rằng em đang gặp “hạn" rất lớn, không nên cúng chùa, mà chỉ nên đốt bùa của bà bán cho và đưa tiền cho bà, bà mua đồ lễ cúng sao đủ 12 ngày liên tục mới giải được "hạn".

Nói xong, bà thầy huơ huơ mấy cái bùa, yêu cầu em về đốt dâng Mẹ Châu Đốc. Bùa của bà thật “độc”. Mất hàng đống tiền bùa, em chỉ nhận được 1 tờ giấy thủ công in màu vàng đỏ vẽ nguệch ngoạc chữ ngoằn ngoèo kẹp theo bên trong 5 tờ giấy thủ công cắt nhỏ khác màu xanh đỏ tím vàng. Bói xong một quẻ, bà hốt trọn 1 người trên 700 ngàn đồng, trong đó nào là tiền dâng sao giá 120.000 đồng, tiền chấm tử vi có lời giải giá 550.000 đồng, và tiền bùa...

Sau một hồi bói và làm giá đủ các loại tiền, chúng em ra về, người "phụ bói" nhanh nhảu tiếp thị luôn một tấm cạc xem tử vi đêm. Đêm đến, bà thầy sẽ khấn tà ma hỏi cho em gia đạo, cầu tài, bổn mạng, tình duyên, thi cử, xem xứng ý mọi sự tại số X, phòng Y, lầu Z, chung cư Phan Văn Trị - từ 9 giờ tối tới 7 giờ sáng... Xem bói xong em lạnh run người vì thấy toàn... điềm gở do bà bói "dọa".

Các kiểu "vặt" tiền trước cổng chùa

Chùa Bà, những ngày cận chính rằm rộ lên việc bán nhang đèn, đồ lễ cúng. Các bàn bán nhang đèn, hoa và các loại lễ vật khác gần 40 quầy từ ngoài vào trong cho đến các đường hẻm thông bên hông chùa nhiều sum suê. Đồ lễ chùa được bán với giá hết sức... trên trời.

Các anh chị xinh đẹp đến lễ chùa bức xúc cho biết: "Hoa giấy sắc vàng hình lá bồ đề hay hình hoa mua bình thường chỉ 10.000đ/hoa là mắc nhất, nhưng giờ đây lên đến 50.000đ/hoa. Nhang dài chừng nửa mét bị nâng giá lên gấp 4 lần thành 200.000đ!”.

Chưa kể xung quanh chùa, em thấy có một đội quân từ người lớn đến trẻ con nắm áo, nắm vai, dấm dúi vào tay bất cứ người đi lễ chùa nào để ép mua nhang, đèn cầy với giá gấp 4 - 5 lần giá bình thường. Còn khu vực xung quanh chùa Bà, chùa Ông (Bình Dương) 1 cây số trở lại, các hộ giữ xe được "vô tư" nâng giá (5.000đ/chiếc trong các ngày thường), ngày lễ thì 10.000 - 20.000đ/chiếc vô chừng, mũ bảo hiểm 5.000 - 10.000đ/cặp.

Tại cổng ra vào, một dãy người mù đứng xếp thành hàng ngang mời chào vé số. Hàng chục trẻ em vừa bán vé số, vừa tổ chức xin tiền... theo qui hoạch. Em lẳng lặng theo các em, mới biết có những kẻ chăn dắt đứng đằng xa. Một số người dân sống gần chùa cho biết, hàng năm cứ đến ngày lễ là có một đội quân "cái bang" ăn xin chuyên nghiệp kéo về.

Trong sân chùa, lại thêm dịch vụ đốt nhang thuê và xin đểu. Quanh sân có vài thanh niên túc trực sẵn, thấy phụ nữ là gạ gẫm... khấn thuê để cho nhà cửa tài lộc đong đầy; không bị xấu người do đông đúc xô đẩy, vận xui người khấn sẽ nhận thay với giá 5.000- 10.000đ/1ần khấn. Em nào mặt hiền lành, ngoan ngoãn bị xin đểu 10.000đ - 20.000đ.

Lực lượng móc túi thì ôi thôi, năm nào loa phát thanh của chùa cũng ra rả nhắc nhở, nhưng không năm nào là không có hàng chục người bị mất của. Có ông anh làm lãnh đạo một cơ quan lớn, đi xin lộc Bà về nghẹn ngào: "Anh bị móc mất bóp và điện thoại di động mà không dám kể với ai, vì ngại và vì sợ người ta cười em à!". Ôi, thôi em hổng dám kể nữa đâu, bởi vì càng kể càng thấy mình mất tiền ngu!
 

Bete

New Member
Hãi hùng siêu thị

Nhiều người bảo, đi chợ thì có văn hóa "trả treo" - người bán nói thách và người mua trả giá. Cùng lắm có thêm màn "hát ráp kiểu hàng tôm hàng cá"!

Nhưng chỉ có vào siêu thị thì mới thấy cả một "tấn trò đời" được phơi bày ở nơi mua bán thuộc dạng hơi bị sang này so với chợ…

Những ngày cuối tuần hay cận lễ Tết, vào siêu thị, ai cũng biết "bi kịch xe đẩy". Nếu chỗ để xe đẩy chỉ còn 1 - 2 chiếc thì y như rằng có một cuộc đua chí tử để giành xe. Chả cần lịch sự “đàn ông nhường đàn bà”, vứt toẹt "kính lão đắc thọ" qua một bên, cứ giành được cái xe là chắc cú! Vậy mà có khi 2 - 3 cánh tay cùng thộp cổ "thằng" xe đẩy ở đích đến, thế là cãi lộn chí choé và bảo vệ phải vào cuộc!

Nhưng đừng chủ quan tưởng bở giành được xe là xong phim, vì cuộc chiến bảo vệ… xe vẫn còn tiếp diễn, nhiều "kẻ thù" vẫn còn rình rập lởn vởn xung quanh xe ta hòng cướp "thành quả" của ta! Nhiều anh chị tưởng cứ chất đầy hàng lên xe, dúi xe vào một xó là có thể tha hồ thả bộ sang khu khác ngắm nghía! Sai lầm to! Có khối người, chỉ chờ có thế, vội vàng nhìn trước ngó sau, ta vừa khuất dạng là ngay lập tức hành động: Hùng hục bốc hàng của ta vứt xuống đất (hoặc cho vào giỏ nhựa), rồi nhanh chân đẩy xe… biến!

Khi khổ chủ tí tởn dạo bước trở về chốn xưa thì hỡi ôi, xe không còn, hàng nằm một đống dưới sàn, chỉ còn mỗi một cách khắc phục hậu quả là… chửi đổng bố thằng nào láo thế! Tuy vậy, "sợi dây oan" giữa ta và xe đẩy của ta vẫn chưa chấm dứt ở đó. Loạng quạng, không đề cao cảnh giác thì vẫn có kẻ làm Ninja rắp tâm ám hại ta trên đường dạo siêu thị. Không ít khách hàng, người - xe liền khúc... dồi, nhưng khi ra quầy tính tiền thì kêu "Trời" rầm rầm bởi có ai đó - do lười biếng trở lại kệ hàng trả lại món đồ không ưng ý, đã thảy luôn "ký gửi" vô xe kẻ lơ đãng.

Kết cục là đôi lúc một con cá vô chủ nhểu nhão nước nằm chình ình trên đống quần áo dày công chọn lựa của ta, hay lọ mắm tôm chính hiệu mắc chứng "rò rỉ thiếu kềm chế " đang đứng "ôm" mấy cái áo lót thơm phưng phức… Siêu thị nào cũng có lắm kẻ ngang nhiên đi chợ ngay trong… xe hàng của người khác! Có khi chỉ vừa rời xe dăm thước, đắm đuối bên chai xịt nách mấy phút, ngoảnh lại đã thấy có cô nàng nọ say mê lục lọi đồ trong giỏ hàng của… ta! Vì tò mò cũng có, mà vì muốn "nẫng" món hàng mình tìm không có nhưng người khác lại có, đôi khi cũng vì làm biếng, của sẵn trước mặt, tội gì đi xa tìm kiếm cho mệt!

Sau mỗi cuộc càn quét của các “thượng đế”, hầu hết hàng họ đều tanh bành té bẹ, nhưng thảm thương nhất vẫn là các gian hàng bán đồ hoa quả, rau củ tươi sống. Nhiều bà chị không thích đứng chọn hàng trên kệ mà khoái chổng mông đút đầu xuống gầm kệ hàng - nơi để hàng dự trữ - để bươi móc cho… sướng! Mà cái "sướng" này, khổ thay lại lây lan rất mạnh, một bà chổng - bươi được thì các bà khác cũng không chịu thua!

Lắm lúc, cảnh tượng thấy được ở gian hàng rau quả là cả một hàng mông chổng lên trời, đều tăm tắp, xoay lắc nhịp nhàng… Nhân viên siêu thị có tới dẹp chợ… chồm chổng thì chỉ được một tẹo, rồi đâu lại vào đó! Mà nhiều bà chị thì rất bạo lực, chọn hoa quả, rau tươi mà cứ như cán bộ địa chất truy tìm khoáng vật, nào bốc, nào ném thùi thụi, móc bên này, thảy bên kia… Nhìn những mớ rau mơn mởn, mớ cà chua tươi roi rói sau khi qua bàn tay "nội soi" của các chị trở nên bầm giập, héo úa đến cả… sâu còn động lòng huống chi là người!

Đến màn thử hàng thì quả thật là không bút nào tả xiết cảnh bát nháo! Mặc dù siêu thị nào cũng trưng tấm bảng to tướng "Xin quý khách vui lòng không xé bao bì, thử hàng", nhưng tỉ lệ tái mù chữ đột xuất của nhiều khách hàng trở nên tăng vọt ở các khu bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ lót, vớ… Các bậc phụ huynh giả lơ để con xé bao kẹo, bánh, “măm” rau ráu ngay tại trận.

Ở gian bán vớ thì nhiều chị ngồi phệt xuống sàn, xé toạc bao bì và thọc luôn chân vào vớ để thử. Có chị ngoáy chân mạnh quá, vớ rách toạc, thế là điềm nhiên quăng tọt "tang vật" vào góc tối dưới kệ hàng rồi vờ vịt như đang chọn hàng…

Gay cấn nhất là khu bán nội y, lắm chị thấy đồ nho nhỏ, "công cụ" lại sờ sờ nên tội gì đi thử cho mệt xác, cứ đứng tại chỗ máng móc vào người là xong! Ông nào lỡ mộng du vào chốn "đào nguyên" này sẽ thấy khối chị đeo "giáp", tròng "khiên" khí thế, coi thiên hạ như… lòi tròng cả! Xong phần lựa chọn, thở phào một tí, kiểm tra hàng họ xem có thằng nào thảy "ám khí" vào không, lại thở khì cái thứ hai.

Nhưng coi chừng ra tới quầy tính tiền, không khéo lại chết nghẹn vì bị "thằng nhãi", "con ranh" nào đó cướp chỗ rành rành ngay trước mắt mình! Ở quầy tính tiền xem ra mọi chuyện đều "không thể và có thể" như trở bàn tay. Cứ tưởng vị trí gần đầu bảng của ta không thể bị cướp được thì chỉ lát sau, qua vài cú hích, ủi, ta đã thấy mình ở… cuối hàng.

Đến lúc này, tự nhiên cô em nõn nà đứng phía sau mình vừa liếc lúc nãy biến thành "mụ mặt dày" khi hất mình một phát rồi ngang nhiên giành đứng trước. Trong cuộc chiến ở quầy tính tiền, thường đàn ông thua trắng. Vì đàn bà không những có lắm tay, mà còn cùi chỏ, bàn toạ để hích, ủi… Thành ra hãy khoan "ca" siêu thị là chợ văn minh thời @, vì những điều mắt thấy tai nghe ở đây quả thật gây nhức nhói cái lòng nhiều "nạn nhân" của văn hóa siêu thị!
 

Bete

New Member
Chồng... hư!

Chiều đầu năm, trên chuyến xe buýt tuyến Bến Thành - ngã tư Thủ Đức, một bà áo tím đậm "nổ" trước: - Mấy bà có coi “Vê-kép Tê Ô" không? Trời ơi, hội họp gì mà ông nào ông nấy đẹp y chang tài tử xi-nê vậy, nhìn lại ông chồng mình, thấy ghê!

Bà áo xanh dương chen ngang: - Đàn ông vậy mới là đàn ông, đúng là "hàng ngoại" có khác! Câu chuyện có thêm "phát thanh viên" khi mấy bà bắt đầu chuyển qua "nội soi" mấy "lão ở nhà". Bà áo bông bức xúc: - Tui phải chịu đựng ông chồng già làm biếng như vịt. Sáng cà phê, chiều đánh đề, tui bệnh cũng phải lết dậy nấu nồi cháo, chờ chả chắc chết đói!

Hồi trẻ, tôi sợ mình sanh đẻ mau già, nên lấy chồng lớn tuổi hơn, bây giờ mới thấy mình… dại, sáng chiều lo cơm nước cho một lão "hết xí quách”! Mấy tiếng thở dài thườn thượt, ai nấy im re mấy phút, rồi áo nâu đen "mồi" lại cuộc bình chồng: - Ông xã tui hổng có nhậu, mà tui cũng đâu thấy vui lên miếng nào. Chồng gì mà như con nít. Hồi hôm, tôi bận nấu nồi mắm, mới nhờ ổng đi họp tổ dân phố.

Sáng nay, đi bộ tập thể dục, bà tổ trưởng ghé tai: "Hôm qua, ông xã bà mặc quần… trái đi họp! Gớm, bà làm gì mà ổng "phê" quá, không còn biết phân biệt phải trái". Thiệt tình, tui muốn độn thổ. Quần áo tui sắm cho ổng đâu có thiếu thứ gì, vậy mà ổng cứ ăn mặc lôm côm, vớ cái gì cũng tròng đại vô người. Đến cái thân mình mà còn lo không xong!

Chồng hư tại… vợ!

Tại các Trung tâm (TT) Tư vấn, số các cô các bà đến rên về ông chồng… hư của mình ngày càng nhiều. Trong một lần đi tư vấn cộng đồng ở trường Đại học Sư Phạm, chuyên viên Nguyễn Thị Thương (TT Tư vấn FDC) cũng gặp không ít ca các nữ giảng viên đại học "kêu" về chồng. Các chuyên viên kết luận: "Chồng hư hay chồng ngoan cũng là do các… chị mà ra!".

Thực tế, với nhiều bà vợ, tiêu chuẩn "chồng khoẻ chồng ngoan" hết sức đơn giản: Chỉ cần không nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái bê tha, là đã cầm chắc 5 điểm; 5 điểm nữa là biết mang lương về nhà, không "giếm" bổng lộc… Thế là đã được "Điểm 10 cho chất lượng chồng trên toàn thế giới!". Còn lại mấy việc "vặt" như chăm con, lo toan nhà cửa… thì các bà vợ ôm hết, chồng có phụ chút chút đã là rất "phe-lay", không làm cũng chẳng sứt mẻ miếng "ngoan" nào!

Các chuyên viên tư vấn cho rằng chỉ vì các ông được vợ… cưng quá nên đâm hư. Hồi đang cưa cẩm thì ông nào cũng "bợ đỡ" bồ hết mức, nhưng lấy nhau rồi thì sự việc lại xoay 180 độ. Mấy ông chễm chệ leo lên vị trí ưu tiên được cưng, nên không bận tâm đến trách nhiệm của mình với gia đình… Đã thế, các bà còn bắc thang cho các ông leo cao hơn bằng cách chủ động lấy dây… cột chân cột tay mình lại khi qui ước với chồng: "Anh lo đối ngoại, em lo đối nội!".

Ai chả biết đối ngoại rất… vi vu, còn đối nội là một đống thù lù công việc rất cụ thể: việc nhà, con cái… Chồng chắc mẩm "mình là số 1", còn vợ thì e ngại lời đề nghị đưa đón con đi học, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa… sẽ trở thành "lời đề nghị khiếm nhã" với chồng, nên cắn răng gồng gánh làm "mặc dù hai vợ chồng cũng đi làm như nhau, thu nhập như nhau, trí thức như nhau…" - như lời than của một cô giảng viên Đại học Sư Phạm.

Mang tiếng là hiện đại trong ăn mặc, đi đứng, nhưng rất nhiều bà tự nguyện lấy keo dán sắt… dán tư tưởng phong kiến cổ lỗ vào đầu mình! Các bà này cho rằng phụ nữ "bắt" chồng làm này làm nọ là làm xấu mặt chồng, tức là xấu mặt mình; chồng làm việc nhà là loại chồng "rùa rụt cổ", sợ "bà"…

Một khách hàng nữ thấy anh bạn chồng mình xách giỏ đi chợ vì vợ bận việc, đã méc với chuyên viên tư vấn: "Thứ đàn bà hư, ông xã nhà em chả khi nào biết mặt cái giỏ đi chợ là cái gì!". Nhưng cũng chính chị này lát sau lại thì thụt với chuyên viên tư vấn: "Làm sao để chồng em chịu động tay động chân chút đỉnh chuyện nhà để phụ em, Tết nhứt sắp tới rồi mà ảnh vẫn tỉnh bơ!".

Qua hàng loạt ca tư vấn chồng hư, các chuyên viên tư vấn rút ra kết luận: Các bà vợ hoàn toàn không có ý thức lẫn kỹ năng chuẩn bị cho chồng làm chủ gia đình. Họ cứ nghĩ đơn giản "Ảnh đương nhiên phải biết chứ!", rồi im re ngóng chồng chuyển biến. Khi thấy chồng không rục rịch gì thì các bà chuyển sang dạng phản ứng tiêu cực: cằn nhằn cử nhử, làm nhà cửa xào xáo và cuối cùng là tức khí đòi ly dị! Khổ nỗi, chính các chuyên viên tư vấn cũng thừa nhận sự… bất lực của mình trong việc phổ biến trách nhiệm gia đình cho các ông.

Bởi những buổi nói chuyện về bình đẳng giới, vai trò vợ chồng trong gia đình… toàn phụ nữ đi nghe, lâm vào cảnh "bà nói, cô gật", chả có tác dụng gì khi hầu hết phụ nữ đều quán triệt 101% nhiệm vụ của mình, còn các ông thì mãi… giả lơ!
 

Bete

New Member
Cậu bé dưới tàn cây

Kỳ nghỉ hè giữa năm thứ nhất và năm thứ hai đại học tôi được mời làm trợ giảng của hội trại tập huấn khả năng lãnh đạo cho học sinh trung học do một trường đại học ở Michigan tổ chức. Vốn rất yêu thích hầu hết các hoạt động ngoại khoá ở trường nên không bỏ lỡ cơ hội tham gia.

Trong khoảng một giờ của ngày đầu tiên dự hội trại, giữa những tiếng ầm ĩ náo động và cả những cuộc tiếp xúc còn nhiều gượng gạo, tôi bắt đầu để ý tới một cậu bé đứng dưới tàn cây. Trông em bé nhỏ và gầy gò, vẻ lo lắng và xấu hổ hiện rõ khiến em càng mong manh, yếu ớt.

Chỉ cách đó hơn một trăm mét, trong khi 200 em khác đang xô đuổi nhau, chơi đùa và trò chuyện thì cậu bé vẫn đứng dưới tàn cây, dường như em muốn tìm cách thoát khỏi chỗ đang đứng. Nét cô đơn đến tuyệt vọng của em khiến tôi gần như không dám tiến lại gần, nhưng rồi tôi lại nhớ tới lời của người giáo viên lớn tuổi hơn, đó là cần quan tâm chú ý tới những trại viên còn chưa hòa nhập.



Tôi tiến về phía em và nói: “Chào em, tên tôi là Kevin và là một trong những trợ giáo ở đây. Rất vui được biết em. Em khoẻ chứ?”. Bằng một giọng run rẩy, ngượng ngùng, em miễn cưỡng trả lời: “Ồ vâng, em nghĩ thế”. Tôi nhẹ nhàng hỏi em có muốn tham gia các hoạt động và gặp gỡ những người bạn mới không thì em chỉ nhẹ nhàng đáp: “Không, em không muốn”.



Tôi có thể cảm nhận được là cậu bé đang lạc trong một thế giới khác và tất cả những gì đang diễn ra đều xa lạ với em. Nhưng vì một lý lẽ gì đó tôi hiểu rằng cũng không nên thúc ép em lúc này. Em không cần những lời động viên, điều em cần bây giờ là một người bạn.



Sau vài giây im lặng, cuộc bắt chuyện đầu tiên giữa tôi và cậu bé dưới tàn cây tạm ngưng. Vào bữa trưa ngày hôm sau, tôi tham gia bắt nhịp rõ to các bài hát ở hội trại cho 200 người bạn mới. Các trại viên đều háo hức nhập cuộc. Nhìn lướt qua đám đông các em đang ồn ã và hiếu động đùa nghịch, ánh mắt tôi lại bắt gặp hình ảnh của em trai đang ngồi dưới tàn cây, em vẫn ngồi một mình, mắt đăm chiêu hướng về phía cửa sổ.



Tôi gần như quên mất lời bài hát định bắt nhịp. Cũng giống như lần trước, tôi lại hỏi: “Em làm gì thế? Em ổn chứ?”. Cậu bé đáp lời: “Vâng, em khoẻ ạ. Em chỉ không muốn tham gia trò chơi này thôi”. Và khi rời khỏi quán ăn tôi hiểu rằng ngay cả việc để có thể hiểu chút gì đó về cậu bé này cũng cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn tôi tưởng.



Ngay buổi tối hôm đó, trong cuộc họp hội đồng giáo viên hàng đêm, tôi đã bày tỏ mối quan tâm của mình với cậu bé. Tôi giải thích với các đồng nghiệp về ấn tượng của mình về em và mong rằng họ cũng sẽ dành nhiều thời gian cũng như sự quan tâm đặc biệt cho em khi có điều kiện.



Những ngày tháng ở hội trại trôi qua rất nhanh và trước khi tôi kịp nhận ra thì đã tới đêm chia tay cuối cùng với các bạn trại viên. Các bạn đã tham gia rất nhiệt tình để tận hưởng nốt những giây phút cuối cùng được ở bên những người bạn mới tốt nhất - những người bạn mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.



Khi chứng kiến giây phút chia tay tạm biệt của các bạn, tôi chợt trông thấy một cảnh tượng mà có lẽ đó là một trong những ký ức sinh động nhất của đời tôi. Cậu bé dưới tàn cây hôm nào còn thẫn thờ nhìn qua cửa sổ nhà bếp thì giờ đây đang say sưa nhảy múa cùng các bạn mà không cả mặc áo sơ mi.



Cậu làm chủ sàn nhảy khi cậu và hai cô gái nữa tiến lên cắt tấm thảm ra làm nhiều mảnh nhỏ. Tôi đã thấy cậu chia sẻ thời khắc thân tình đầy ý nghĩa với những người mà trước đó chỉ vài ngày cậu thậm chí đã chẳng buồn ngó ngàng. Tôi không thể tin đó chính là cậu bé dưới tàn cây hôm nọ.



Vào lúc đêm muộn của một ngày tháng mười năm thứ hai đại học, khi đang đọc cuốn sách hoá học, tôi nhận được cú điện thoại. Qua ống nghe, một giọng nói dịu dàng nhưng lạ lẫm cất tiếng hỏi rất nhã nhặn: “Xin lỗi có phải anh Kevin đang nghe máy đấy không ạ?”



- “Vâng, tôi là Kevin đây. Ai đấy?”.



- “Tôi là mẹ của em Tom Johnson. Anh còn nhớ em Toommy đã từng dự hội trại huấn luyện khả năng lãnh đạo chứ ạ?”.



Đó chính là cậu bé dưới tàn cây. Làm sao tôi có thể không nhớ được? “Có, tôi nhớ chứ”, tôi đáp. “Đó là một thanh niên rất dễ mến. Em Tommy giờ thế nào rồi?”.



Một khoảng im lặng kéo dài bất thường, sau đó một lát, bà Johnson nói: “Tuần rồi khi đi học về, Tommy đã bị đụng xe ô tô và mất rồi”.



Choáng váng trước tin dữ, tôi ngỏ lời chia buồn với mẹ Tommy.



Bà Johnson nói tiếp: “Tôi chỉ muốn gọi cho anh vì Tommy đã nhắc tới anh rất nhiều. Tôi muốn anh biết rằng, sau khi từ hội trại về trường mùa thu này Tommy đã tự tin lên rất nhiều. Cháu đã có thêm các bạn mới. Điểm học cũng cao hơn và thậm chí cũng đã hẹn đi chơi với bạn bè một vài lần. Tôi muốn cảm ơn anh vì đã khiến Tommy thay đổi. Những tháng cuối cùng vừa qua chính là những tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời cháu”.



Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra việc chia sẻ bản thân mỗi ngày sao thật dễ dàng, bởi có thể sẽ chẳng bao giờ bạn biết hết mỗi một cử chỉ của mình có ý nghĩa với người khác như thế nào. Tôi thường kể lại câu chuyện này mỗi khi có dịp với mong muốn, những người khác cũng giống như tôi sẽ tìm ra xung quanh họ một “cậu bé dưới tàn cây” trong cuộc đời của họ.
 

Bete

New Member
Chứng khoán liệt truyện

- Này, cái gì họ cũng mua ! Mọi cái đều bán được. Có những cái công ty chẳng biết làm ăn ra sao, họ cũng mua. Có cái công ty mình biết chắc làm ăn chẳng ra sao, giá cổ phiếu vẫn lên vùn vụt. Ông ơi, chưa bao giờ tôi thấy tiền nhiều thế. Cứ như đi xúc được tiền mang về nhà vậy. Ta không mua thì Tây mua. Rồi ta mua theo Tây ! Tôi thắng vài quả khá lắm, thắng mà cũng không hiểu tại sao nữa !

Mà này, ông giải thích cho tôi nghe: Tây họ vào, họ cười ruồi mà cho điểm kinh doanh của công ty nọ dưới 5/10, nhưng rồi trên sàn thì họ mua ráo cổ phần của nó, giá nào cũng mua. Thế là sao ?... Ông có nghe không đấy, tơ tưởng chuyện gì vậy ?

- Tôi từng chứng kiến chuyện ấy. Lâu rồi. Cái khu tập thể cũ bọn tôi tiếng là ở trong phố, nhưng là nhà cấp 4, gần hai chục gia đình chen chúc, cơi nới, chật chội nhếch nhác, bẩn không thể tả. Ngõ đất quanh năm mọc rêu, trời mưa bước ra sân mười ngón chân phải băm vào đất mới không trượt ngã. Tôi với hai nhà nữa có phần trong cái nhà để xe cũ. Rồi có người đến, cười hề hề, chìa ra hai chục cây vàng mua cái xó của tôi, mấy chục cây nữa cái xó khác, rồi trăm cây cho cái phòng có mặt đường, năm chục cây cho cái quán đầu ngõ. Mấy thằng hút xách mò đến che liếp sau khu vệ sinh tập thể để lấy chỗ vạ vật, dân khiếp mà không dám dây, hắn chìa cho mấy cây vàng, bảo: Chúng mày biến ! Bọn nghiện trố mắt cầm vàng, rồi biến thật !... Cứ thế, hắn xòe vàng, mua tất. Chẳng ai hiểu ra sao cả, ai cũng như xúc được vàng, bán rồi ôm tiền đi mua đất, làm nhà, khang trang hơn hẳn.

- Thì sao chứ ?

- Ít lâu sau tôi về, thấy chỗ cũ mọc lên cái biệt thự như thời Pháp, rộng rãi, có sân trước, sân sau, treo bảng công ty nước ngoài. Quá đẹp. Ra hắn mua nhà bọn mình là để có chỗ đất tốt, mặt phố chính, vị trí đẹp, chứ hắn thèm gì những cái lán của bọn tôi ! Nhẩm cộng toàn bộ tiền hắn trả cho mỗi gia đình trong khu, mới thấy hắn có cái biệt thự ấy với giá chỉ bằng 1/3 so với mua tòa nhà giống vậy trên cùng mặt phố.

- Khổ quá, tôi đang nói chuyện chứng khoán, ông kể chuyện nhà cửa làm chi vậy ?

- Thì tôi cũng đang nói chuyện chứng khoán đấy !

oOo

- Chuyến này chắc tiêu rồi ông ạ. Tôi ôm nhiều quá, bây giờ không bán ra được. Khỉ thật, giá mấy tôi cũng bán để chạy được chừng nào tốt chừng đó, nhưng mà không có người mua ! Ta cũng không mua, Tây cũng không mua ! Một ngày dễ chục lần, tôi phải đấm vào đầu, xem còn có cảm giác không !

- Ăn nhằm gì ! Tào Tháo bị Trương Phi hét dọa ở đầu cầu Tràng Bản, hồn xiêu phách lạc, chạy một thôi, vừa thở vừa hỏi quân sĩ: Đầu ta còn không ? Chúng nó bảo: Còn. Mới chắc sống. Sống rồi lại mưu mô tiếp. Có sao đâu !

- Trời đất ! Ông còn ca Tam Quốc được à. Vấn đề của tôi là... chứng khoán !

- Thì tôi vẫn nói chuyện chứng khoán mà !

oOo

- Đa tạ Trời Phật ! Tôi lại thắng đậm rồi. Một ăn hai ! Có công liều lĩnh, có ngày lên hương ! Thoát nạn rồi ! Thắng lớn rồi. Chuộc lại nhà rồi !

- Chắc tiếp tục lên sàn nữa chứ ?

- Tiền đâu mà lên ?

- ?

- Thì cổ phiếu nó lại lên, tôi thắng gấp đôi, về mua lại suất chung cư của chính mình mới bán hai tuần trước lấy tiền trả nợ nóng cái khoản vay để ôm hàng, thì giá căn hộ cũng lên gấp đôi ! Vừa soẳn cả vốn lẫn lãi !

- Lão đánh cá nói với cá vàng: Lâu đài đối với ta còn chưa đủ, hãy cho ta một cung điện bằng vàng. Cá vàng buồn rầu vẫy đuôi lặn xuống. Lão đợi mãi, đành quay về, thấy ngôi lều cũ và cái máng lợn.

- Ông bảo tôi là lão chăn lợn đi bắt trộm cá vàng à ?

- Không, tôi vẫn nói chuyện ông đi chơi chứng khoán !
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top