Phim truyền hình Việt đã thua trong "cuộc chiến giờ vàng"???
Khi thương hiệu giờ vàng phim Việt chưa kịp sáng thì đã bị lu mờ bởi sự lên ngôi của dòng phim giải trí, thần tượng và cuộc đổ bộ của làn sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc... Liệu những đạo diễn, diễn viên tâm huyết với nghề có đủ khả năng để vực dậy tên tuổi cho phim truyền hình Việt?
Phim giờ vàng đã... mất thiêng
Thương hiệu giờ vàng phim Việt được khán giả biết đến qua hàng loạt những bộ phim tên tuổi thuộc dòng phim chính luận, chính trị, xã hội. Những bộ phim như Đất và Người, Chạy An, Gió Làng Kình, Ma Làng... từng gây nên những làn sóng phản hồi tích cực trong dư luận ngay cả trước và đặc biệt là sau khi bộ phim được trình chiếu trên làn sóng truyền hình.
Nhiều người khi đó đã nghĩ rằng "đặc sản" của VTV là dòng phim chính luận phản ánh được những vấn đề xã hội đương đại vừa mang tính thời sự lại vừa mang tính nhân văn sâu sắc mà khó có kênh truyền hình nào cạnh tranh được. Một thời gian dài phim truyền hình Việt đã tạo được những tình cảm trong lòng người hâm mộ và nhiều người coi đó là một tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt. Thế nhưng đó là chuyện quá khứ.
Cảnh phim Gió Làng Kình.
Hiện tại có cả những điều đáng mừng và đáng lo nhưng mừng thì ít còn lo lại chất thành... đống. Sự "lui về cánh gà" của phim chính luận thay thế cho dòng phim giải trí: Bỗng Dưng Muốn Khóc, Lập Trình Cho Trái Tim... có thể coi là một tín hiệu mới của phim truyền hình Việt khi có sự tham gia của các hãng phim tư nhân.
Tuy nhiên, nếu để nói là thành công thì chỉ Bỗng Dưng Muốn Khóc của đạo diễn Vũ Ngọc Đăng là bộ phim duy nhất nhận được tình cảm của khán giả mặc dù càng về cuối bộ phim càng bộc lộ không ít những hạn chế. Lập Trình Cho Trái Tim thời gian đầu tạo được những tình cảm đặc biệt của khán giả nhưng càng về sau thì bộ phim càng chứng minh chân lí "đầu voi đuôi chuột" khi mà bộ phim kéo dài và kết thúc trong nhạt nhẽo.
Cảnh phim Bỗng Dưng Muốn Khóc.
Thành công nhỏ bé của các phim giải trí, thần tượng không đủ khả năng vực cả dòng phim này lên và lấy lại tình cảm của khán giả. Bằng chứng là, những bộ phim sau này dù quy tụ những chân dài đình đám, những tên tuổi được nhiều người biết đến, những hotboys, hotgirls thì hiệu quả dường như đi ngược lại.
Sự thất bại về lượng người xem đối với Có Lẽ Nào Ta Yêu Nhau mà nhiều người vẫn đùa là "Có lẽ nào lại hành hạ nhau" rồi Xin Lỗi Tình Yêu (có khán giả gọi là Xin lỗi phải tắt) đã gây nên một phản ứng dây chuyền: khán giả bắt đầu chán và quay lưng lại với phim truyền hình Việt. Việc gây dựng thương hiệu giờ vàng cho phim Việt trên VTV đã khó nhưng việc không được đầu tư cho thế mạnh này dường như là một điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, điều nguy hại nhất đó là việc đánh mất hứng thú của người xem phim Việt. Những phim tình yêu tay ba, tay tư bắt chước Hàn quốc sự thất bại của khá nhiều phim Việt hóa gần đây đã phản ánh rõ nếu tình trạng này cứ kéo dài chắc chắn sẽ không có lợi cho dòng phim truyền hình "made in" Việt Nam
Thêm một điều mà báo chí cũng tốn không ít giấy mực khi giờ vàng của phim Việt cũng là giờ vàng của quảng cáo. Các thương hiệu quảng cáo lớn nhỏ cả trong nước và nước ngoài đều muốn chen chân vào giờ này để quảng bá thương hiệu của mình. Dĩ nhiên số tiền họ bỏ ra là rất lớn và người có lợi ở đây ai cũng biết nhưng người phải hứng chịu sự "bực dọc" này lại chính là khán giả.
Cảnh phim Có Lẽ Nào Ta Yêu Nhau.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: "Mỗi bộ phim dù doanh thu quảng cáo có lên đến hàng trăm triệu thậm chí hơn nhưng mỗi tập phim thù lao của một vị đạo diễn như ông cũng khó vượt qua con số 3 triệu". Thử hỏi rằng, với số tiền ít ỏi như thế ngay với những người tâm huyết đã khó chấp nhận thì với những đạo diễn trẻ mới vào nghề liệu có vượt qua rào cản đó để đầu tư vào những bộ phim chất lượng.
Cuộc đổ bộ của phim Hàn
Dường như việc bị "thất sủng" của phim truyền hình Việt là cơ hội để các bộ phim truyền hình Hàn Quốc có cơ hội "trỗi dậy" mạnh mẽ tại thị trường Việt nam. Đặc biệt khi phim Hàn từng có tiền sử đã thâm nhập vào thị trường trong nước từ hàng chục năm nay, nhất là khi những bộ phim được khai thác là những phim có tỉ lệ rating cao tại nước sở tại.
Cảnh phim Boys Over Flower.
Dẫn chứng cho những bộ phim thành công vang dội này phải kể đến Boy Over Flower (BOF). Bộ phim thuộc dòng phim thần tượng với tên gọi tại Việt Nam - Vườn Sao Băng từng được khán giả "nhớ mặt đặt tên" qua phiên bản Đài Loan đã gây nên cơn sốt khi nó được trình chiếu tại Hàn Quốc. Và khi về đến Việt Nam, dù phát sóng sau vài tháng nhưng khán giả Việt vẫn "chết mê, chết mệt" bộ phim này. Thuộc thể loại phim thần tượng nhưng khả ăng hút khách của BOF không chỉ là khán giả thuộc thể loại tuổi teen mà thậm chí nhiều khán giả ở độ tuổi trung niên cũng say mê và không bỏ qua bất kì tập phim nào. Nếu để nói, BOF là một bộ phim hòan hảo từ kịch bản đến diễn xuất của các diễn viên không hẳn đúng. Lí do mà ai cũng dễ dàng nhận ra đó là bộ phim quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp đánh trúng tâm lí và thị hiếu của người xem. Và cũng không khó để có thể mọi người đều nhớ mặt đặt tên những: chàng Xoăn, chàng Gốm...
Khi sức nóng của BOF chưa kịp giảm thì một bộ phim lẫy lừng khác của Hàn Quốc lại đổ bộ lên làn sóng phim truyền hình Việt. Bộ phim được đầu tư 25 tỉ won nhân dịp kỉ niệm 47 năm thành lập đài MBC - East of Eden (Phía Đông vườn địa đàng) cũng đặt chân đến Việt Nam rất đúng thời điểm. Không chỉ thu hút khán giả bằng hình ảnh của những nam thanh nữa tú, Phía Đông Vườn Địa Đàng đã thực sự là một bộ phim đáng xem xét trên nhiều phương diện. Phim quy tụ dàn diễn viên đã quen mặt với khán giả Việt như Song Seung Heon, Lee Dae Hee, Han Ji Hye... Kịch bản phim trải dài suốt chiều dài 40 năm từ quá khứ đến hiện tại được miêu tả qua những chi tiết sinh động và lôi cuốn. Nhiều khán giả xem một tập, dường như không thể không háo hức để chờ đợi tập tiếp theo, bởi đơn giản bộ phim thường đặt dấu chấm lửng giữa các tập với những tình tiết được đẩy lên kịch tính. Nhiều phim Việt cũng vận dụng cách thức này nhưng dường như hiệu quả không được như mong đợi.
Cảnh phim Phía Đông Vườn Địa Đàng.
Tuy nhiên, một nhân tố khiến phim Hàn Quốc tại Việt Nam như con sóng ngầm luôn trỗi dậy đó là nó được khai thác trên nhiều sóng của truyền hình Việt. Nếu BOF làm nên làn sóng của Đài truyền hình Hà Nội, Phía Đông Vườn Địa Đàng khiến khán giả háo hức mỗi 22 giờ trên VTV3 thì còn vô số những bộ phim Hàn Quốc khác được khai thác tại Việt nam. Sau BOF, Đài truyền hình Hà Nội lại khai thác thêm một bộ phim cổ trang ăn khách khác là Nàng Hwang Ji Ni. Tất nhiên sự so sánh giữa hai bộ phim là khập khiễng nhưng bộ phim cổ trang này cũng tạo được những ấn tượng và những tình cảm đặc biệt của khán giả.
Cảnh phim Nàng Hwang Ji Ni.
VTC tuy là đài truyền hình "sinh sau" nhưng cũng không chịu kém cạnh khi mang về cho mình: Em Là Định Mệnh Đời Anh - bộ phim từng có tỉ lệ rating đạt đến 30-40% tại Hàn Quốc. Bộ phim từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng tại xứ sở Kim chi cũng như giành không ít các giải thưởng lớn nhỏ cho cả phim và diễn viên chính trong phim tuy khó có thể so sánh với BOF hay Phía Đông Vườn Địa Đàng nhưng nó thêm một lần chứng minh: khán giả Việt dù đã biết tỏ tường kịch bản phim nhưng cũng không thể rời bỏ một tập phim, thậm chí là một tình tiết phim.
Sự khác biệt ở đây phải chăng chính là khả năng diễn xuất, khả năng đánh vào tâm lí của khán giả Việt nhất là trong bối cảnh những bộ phim nội vốn đang đi xuống về chất lượng chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu. Đó dường như cũng là một hệ quả tất yếu.
Bao giờ vàng thôi sợ... lửa?
Trong khi tên tuổi giờ vàng phim Việt đang đứng ở giữa ba đường khi chưa tìm cho mình một hướng đi thế mạnh vốn đã tạo dựng được thì khán giả đang có cơ hội tiếp cận thêm khái niệm phim giờ vàng khác: Phim vàng và giờ vàng. Đó là những bộ phim điện ảnh nổi tiếng trên thế giới hiện đang được trình chiếu trên sóng đài Truyền hình Hà Nội lúc 20 giờ thứ sáu hàng tuần. Thật dễ dàng để những bộ phim từng làm mưa làm gió trên bảng các xếp hạng, thu về những doanh số ngất ngưởng và dĩ nhiên nó luôn quy tụ dàn diễn viên hạng A ở Hollywood. Do đó việc thu hút khán giả không còn là chuyện lạ. Nhưng đó không phải là giờ vàng "made in" Việt Nam.
Đoàn phim Cảnh Sát Hình Sự.
Khán giả Việt đang háo hức chờ đợi sự trở lại của dòng phim chính luận khi phần tiếp theo của Series Cảnh Sát Hình Sự đang chuẩn bị rục rịch phát sóng. Tuy nhiên nếu chỉ là một bộ phim thôi sẽ thật khó lấy lại được tất cả. Một đạo diễn trẻ tâm huyết với phim truyền hình từng tâm sự: "Khi khung giờ phát sóng của phim truyền hình nội được sản xuất ở nhà đài bị hạn chế, khi đời sống của anh em làm phim và kể cả diễn viên sẽ mãi như thế này thì khó có thể nói giờ vàng sẽ còn giữ được vàng nguyên chất như những ngày đầu nó mới được gây dựng".
Tìm lại chỗ đứng cho giờ vàng phim Việt liệu có phải "mò kim đáy biển?".
Theo Vietnamnet