Raysonic CD 128 - ánh sáng xanh huyền diệu
Đầu CD/HDCD Raysonic CD 128 cùng một phong cách thiết kế như "đàn anh" CD168, nhưng được bán với giá thành thấp hơn nhiều. CD128 hướng tới đối tượng khách hàng bắt đầu bước vào con đường hi-end.
Raysonic là một tên tuổi mới của làng âm thanh thế giới. Việc thiết kế sản phẩm tại Tonronto (Canada) và lắp ráp tại Hong Kong đã làm cho sản phẩm của hãng này kết hợp khéo léo giữa lợi thế về công nghệ của đất nước lá phong với lợi thế về nhân công và sự khéo léo của người Hương Cảng. Vì thế, những sản phẩm của Raysonic thường rất độc đáo về hình thức, thuyết phục về âm thanh và có giá thành cạnh tranh. Cũng bởi lý do này mà hãng âm thanh còn non trẻ đã sớm gặt hái thành công và bắt đầu tạo dựng được vị thế trong làng thiết bị hi-end thế giới.
Ánh sáng xanh huyền ảo.
Ấn tượng đầu tiên đối với CD128 là vẻ đẹp vừa hiện đại, trang nhã, vừa chứa đựng những ý tưởng hoài cổ. Toàn bộ vỏ máy được làm bằng nhôm phay, nặng trĩu và chắc chắn, được tạo hình tinh xảo trên máy cắt CNC với các cạnh bo tròn mềm mại, mang hơi hướng của một phi thuyền không gian. Mặt trước của máy đơn giản, chỉ có một màn hình hiển thị nhỏ. Toàn bộ nút bấm được đưa lên mặt trên, kết hợp với 4 bóng đèn 6922 ẩn mình khéo léo trong những khoang nhỏ tạo thành một vòng tròn bao quanh cửa đĩa theo dạng "mâm trên" (top-loaded). Mặt sau bố trí các ngõ ra, gồm một đường RCA, một đường Ballance và một đường coaxial để kết nối với bộ DAC ngoài.
Tay điều khiển của CD128 cũng được làm hoàn toàn bằng kim loại, cầm khá đằm tay. Các phím chức năng đơn giản, rất dễ sử dụng. Trên tay điều khiển có phím chuyển đổi 2 chế độ sampling 44,1 KHz và 96 KHz.
Mạch lock - trái tim của đầu đọc.
Thiết kế của CD128 kỹ lưỡng và khoa học.
Nội thất bên trong của CD128 được bố trí rất khoa học, với các bo mạch thành phần được làm tách rời với nhau để chống can nhiễu. Mạch in được làm cẩn thận và bắt chắc chắn vào vỏ máy trên hệ thống các trụ đỡ. Các bó dây được bố trí hợp lý, ngăn nắp, chứng tỏ trình độ "thi công" khá chuyên nghiệp.
Mạch điều khiển servo được đặt ngay phía bên dưới của bộ cơ Sony KSS 213Q. Mạch nguồn được thiết kế khá kỹ lưỡng. Toàn bộ máy sử dụng một biến áp nguồn duy nhất có kích thước tương đối lớn, làm bằng lõi thép C-Core chất lượng cao và được bọc chống nhiễu bên ngoài. Biến áp nguồn có rất nhiều đầu ra, cấp nguồn cho phần servo, mạch hiển thị, mạch analog, mạch tạo xung clock, cao áp cho đèn và đốt tim cho đèn. Tất cả nguồn xoay chiều đều được nắn chỉnh lưu bằng các diode ultrafass và diode schosky loại tốt. Tụ lọc được sử dụng trong phần nguồn đa phần đều là tụ Rubycon trở kháng thấp, là một loại tụ được đánh giá rất cao.
Mạch được làm bằng tay.
CD128 sử dụng IC chuyển đổi tín hiệu số - tương tự (DAC) PCM 1732U của hãng Burr Brown. Đây là loại DAC delta sigma thế hệ mới, có tích hợp mạch lọc số PMD100 và mạch giải mã HDCD. Tín hiệu ra từ DAC được đi qua 2 con khuếch đại thuật toán kép OPA 2604 cũng của hãng Burr-Brown, làm nhiệm vụ lọc dải thông thấp và khuếch đại trước khi đưa tín hiệu tới phần buffer đèn. Thay vì chỉ sử dụng 2 đèn 3 cực kép ở phần output như nhiều đầu CD khác, Raysonic sử dụng tới 4 đèn 6922. Sở dĩ phải dùng tới 4 đèn 3 cực kép bởi mạch buffer đèn này phải đảm bảo giải quyết đồng thời 2 vấn đề. Thứ nhất, đầu vào cân bằng và có trở kháng vào thấp. Thứ hai, đầu ra cân bằng và trở kháng ra thấp. Mạch buffer đèn dựa trên nguyên lý SRPP cũng có tác dụng tăng cường độ động tổng thể và uy lực ở phần trầm của đầu đọc.
Quan sát kỹ phần analog của CD128 có thể thấy các kỹ sư của hãng Raysonic quả là có nhiều kinh nghiệm. Họ đã sử dụng giải pháp tối ưu cho phần analog dựa trên một con chip DAC rất thông dụng. Cấu hình PCM1732U đã tích hợp sẵn IC PMD100, kết hợp với opamp và mạch buffer đèn là một phương án rất tốt, mang đậm chất âm của Burr-Brown và có thể so sánh bình đẳng với những mạch DAC đèn sử dụng các IC cao cấp như PCM63, PCM 1702, PCM 1704. Linh kiện sử dụng trong phần analog có chất lượng khá tốt, tụ nối tầng và xuất âm là loại tụ polypropylen của hãng Solen, M-Cap của hãng Mundorf. Riêng phần buffer đèn được hàn theo phương pháp đấu nối trực tiếp chứ không dùng mạch in để đảm bảo độ bền trong quá trình hoạt động.
Để máy vận hành chính xác và chống hiện tượng nhiễu tín hiệu, Raysonic đấu tắt mạch tạo xung (clock) trong IC PCM1732U và dùng clock ngoài, sử dụng dao động thạch anh 4 chân chất lượng cao của hãng Interquip. Mạch clock nằm trên một bo riêng, sát với bo mạch DAC. Phần cấp nguồn cho clock được thiết kế kỹ, dùng các linh kiện tích cực để loại bỏ riple, đảm bảo cấp nguồn điện sạch và ổn định cho clock hoạt động.
Tay điều khiển và cục chặn mâm đĩa.
Sống động và truyền cảm là hai từ ngắn gọn để diễn đạt âm thanh của CD 128.
Khi công tắc nguồn được bật lên, ánh sáng xanh phát ra từ vị trí ổ đĩa, từ các nút bấm và 4 bóng đèn hắt lên bề mặt vỏ máy tạo nên một sự hấp dẫn đầy ma lực, hút hồn những người chứng kiến. Chậm rãi nhấc tấm mica đậy ổ đĩa, chậm rãi đặt một đĩa CD, chậm rãi đặt cục chặn để cố định đĩa rồi lại chậm rãi đóng nắp mica, ấn nút play... Ngần đấy thao tác có vẻ hoài cổ, giống như những thao tác với mâm quay đĩa nhựa, càng làm tăng cái sự háo hức được thưởng ngoạn âm thanh của chiếc đầu đọc này.
Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên vừa cất lên, CD128 đã cho ta có cảm nhận về một đầu đọc cao cấp. Âm thanh dày dặn, có lực và không gian rộng là những thể hiện phẩm chất đầu tiên của một nguồn âm tốt. Với các bản vocal, CD128 đã lột tả được thần thái của từng ca sĩ. Giọng ca của Carmen trong bài
Why can't we live together nghe thật có hồn, đem lại cho người nghe những cảm xúc mới lạ chưa từng gặp trên bộ dàn quen thuộc. Chỉ với một nữ ca sĩ và một nhạc công vừa đệm guitar vừa lấy nhịp bằng cách vỗ tay vào mặt thùng đàn, nhưng đã tạo thành một sân khấu âm thanh tưng bừng trong phòng nghe. Còn trong bài
Guess you had to be there, giọng ca của Janis Ian mang đầy tính tự sự, dẫn dắt người nghe vào câu chuyện của những năm 60, giữa tiếng guitar bass bập bùng lôi cuốn. Trung âm của đầu đọc này ngọt ngào, truyền cảm và hiện hữu. Các nốt âm trầm tròn trịa và dễ nghe. Dải trầm và trung trầm khá dầy dặn, đặc trưng của các đầu đọc sử dụng bộ giải mã của hãng Burr-Brown. Bài số 6 mang tên Gavotte trong đĩa test
Super double bass, tiếng vionloncent xuống thật sâu và rộng mênh mang.
Vỏ máy được làm bằng nhôm phay sang trọng.
Không gian âm nhạc của chiếc đầu đọc này tương đối tốt. Với những bản nhạc tứ tấu đàn dây, hay dàn hợp xướng , người nghe có thể hình dung được vị trí của các nhạc công, của người lĩnh xướng và những bè phụ. Khả năng tái hiện chính xác âm thanh các nhạc cụ của đầu đọc này cũng thật tuyệt vời. Âm thanh của đàn dương cầm là thứ khó thể hiện nhất, nhưng Raysonic CD128 đã dễ dàng vượt qua bài thi này. Tiếng piano ấm áp và có độ ngân do cộng hưởng trong thùng đàn như bản thân nó vốn có. Dải cao cũng là thế mạnh của Raysonic CD128, khá tự nhiên và tinh tế, với những âm thanh ở bè cao lan toả một cách tự nhiên, không bị phô, chói.
Tổng quan, âm thanh của Raysonic CD128 ấm áp và biểu cảm, rất gần với âm thanh analog, trong khi vẫn duy trì độ phân giải tốt và dải động, đặc trưng của âm thanh digital. Người nghe có thể nhận thấy sân khấu âm thanh do CD128 tạo ra hơi lùi về phía sau hai loa chứ không bị đẩy lên phía trước như nhiều đầu đọc có tầng ra bằng đèn khác.
Nếu trả lời câu hỏi điều gì tạo nên sự khác biệt của Raysonic CD128 so với những đầu đọc khác thì đó chính là độ động và khả năng kiểm soát tiết tấu. Khi test thử với những bản nhạc giao hưởng phức tạp, rất nhiều đầu đọc tỏ ra đuối sức ở những đoạn cao trào, hoặc phủ một lớp sương mờ lên bản âm gốc, khiến người nghe không thể có cảm xúc. CD128 xử lý rất tốt đối với các bản nhạc phức tạp. Có thể cảm nhận thấy sự chính xác của từng nốt nhạc. Giữa các nốt luôn có khoảng lặng cho dù rất nhỏ nhưng đủ để nhận ra chứ không bị dính giữa nốt nọ với nốt kia như rất nhiều đầu đọc khác. Có lẽ việc giải quyết tốt phần clock đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Âm thanh của CD128 sống động.
Nhìn chung, Raysonic CD128 là một chiếc đầu đọc dễ nghe và mang lại nhiều cảm xúc mới lạ, giúp ta có thể tận hưởng sự huyền diệu của âm nhạc. Đủ độ chi tiết cần thiết để tránh sa đà vào phân tích âm thanh, truyền cảm nhưng không nịnh tai, sống động nhưng vẫn tinh tế, là những phẩm chất của CD128. Đầu đọc này có thể là sự nâng cấp hợp lý cho những ai đang tìm kiếm sự mới lạ.
Raysonic CD128, cũng như một số đầu đọc CD đời mới xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây, là minh chứng cho sự tiến bộ không ngừng của công nghệ số. Không quá cầu kỳ trong sử dụng linh kiện nhưng với thiết kế tỉ mỉ, bố trí các mạch điện hợp lý và chú trọng tới xử lý phần analog đã đem lại chất lượng âm thanh thỏa mãn những đôi tai khó tính.
Các tin liên quan *Thorens - 3 thế kỷ âm nhạc *Oracle CD 1500, đầu CD mơ ước *Linn Majik một tầm hi-end
Raysonic CD128 ghép với ampli bán dẫn hay đèn điện tử đều phát huy hiệu quả tốt. Nhưng có lẽ khi với ghép ampli bán dẫn và ampli đèn điện tử ráp theo mạch kéo - đẩy thì đầu đọc này sẽ phát huy tối đa độ động. Cũng cần chú ý ghép Raysonic CD128 với một cặp loa có độ phân giải cao và sử dụng dây interconnect chất lượng tốt để đầu đọc có thể bộc lộ tối đa khả năng xử lý tinh tế. Với những người cầu kỳ, thích nâng cấp thì có thể thay bộ đèn 6922 Sovtek đời mới đi kèm theo máy bằng các loại đèn NOS họ ECC88 của Mullard, Amperex, Telefunken... để cải thiện chất lượng âm thanh
Thông số kỹ thuật - Ngõ ra RCA, XLR, coxial; tín hiệu ngõ ra: 0-2,2V.
- Đáp tuyến tần số: 20 Hz - 20 KHz ( 0,1dB).
- Tỉ lệ tín hiệu/ độ ồn (S/N): > 100 dB.
- Độ méo: dưới 0,003%.
- Dải động: 102 dB.
- Tổng công suất tiêu thụ: 43 W.
- Kích thước: 49 x 30 x 13 cm.
- Trọng lượng: 11 kg.
Giá bán tham khảo: 1.890 USD (tại thị trường Mỹ).
Bùi Hưng