Những ngày sống với máy tính điện tử Minsk-32...
Nhân kỷ niệm 48 năm ngày Truyền Thống của trung tâm Toán – Máy Tính Quân Đội 15/4/2008, GS Nguyễn Lãm, một chuyên gia CNTT gạo cội chia sẻ một hồi ức dài…
Những gì tôi viết là tâm tư, trằn trọc suốt quá trình dài ở 1 tập thể thân yêu, gắn bó với quãng đời thật lắm ước mơ… “Nhân vật” trung tâm là chiếc Minsk-32 nổi tiếng một thời…
Nguyễn Lãm
Trong quãng thời gian thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, giám đốc trung tâm Khoa Học Kỹ Thuật Công Nghệ Quân Sự (TTKHKTCNQS) làm viện trưởng viện CNTT - TTKHKTCNQS, tôi có vào thăm lại cơ sở cũ của Minsk-32 ở toà nhà 34A Trần Phú - Hà Nội. Ngay cửa chính tầng 1 có trưng bày bàn điều khiển của máy tính điện tử IBM360/50 với bức ảnh phóng to trên tường. Có mặt một số anh trong đơn vị... Máy Minsk-32 trước đây đặt ở tầng 2 đã được đưa đi đâu đó từ nhiều năm trước và bây giờ không còn lấy một chi tiết nào nữa để lưu giữ làm vật kỷ niệm!
Chuẩn bị tiếp nhận…
Cố Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng thăm máy tính Minsk-32. Từ trái sang: trung tướng Trần Sâm, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, đại tá Hoàng Đình Phu, đại uý Nguyễn Lãm.Trong tạp chí Nghiên Cứu Khoa Học Kỹ Thuật và Công Nghệ Quân Sự số chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống TTKHKTCNQS (12/10/1960 - 12/10/2005), anh Nguyễn Quang Bắc có 2 bài, bài “Viện Công Nghệ Thông Tin những chặng đường xây dựng và phát triển” và bài “Nghiên cứu ứng dụng CNTT phục vụ chỉ huy, tham mưu và quản lý qua các thời kỳ và định hướng trong 10 năm tới (2005-2015)”.
Anh Bắc đã ghi lại những mốc hình thành và phát triển khá đầy đủ của đơn vị ở thời kỳ là phòng Toán - Máy Tính, trung tâm Toán – Máy Tính và thời kỳ là phân viện Toán – Máy Tính với ngày tháng, tên cán bộ, các sự kiện và định hướng chiến lược phát triển của đơn vị. Nhờ bài viết của anh Bắc, tôi nhớ lại năm 1984, trung tâm Toán - Máy Tính được tặng thưởng huân chương Chiến Công hạng nhì và năm 1985 được thưởng huân chương Chiến Công hạng nhất và nhiều sự kiện khác.
Năm 1962, tôi và anh Nguyễn Tâm (cán bộ viện Kỹ Thuật Quân Sự (KTQS), kỹ sư cơ khí ĐH Bách Khoa khoá I (đã mất vì bệnh từ nhiều năm trước) được Quân Đội cử ra ủy ban Khoa Học Kỹ Thuật Nhà Nước (UBKHKTNN) để học tiếng Nga, chuẩn bị đi thực tập về máy tính điện tử ở Liên Xô. Đoàn đi còn có 1 giảng viên của ĐH Tổng Hợp (nay là ĐHQG), 1 giảng viên của ĐH Bách Khoa (Hà Nội) và 1 cán bộ bộ Công Nghiệp Nặng. Học về, anh Tâm trở lại quân đội (về sau, anh làm thư ký cho đại tướng Võ Nguyên Giáp); tôi được biệt phái ra UBKHKTNN.
Khoảng năm 1972, tôi và anh Vũ Hồng Sơn (người của quân đội đã được Nhà Nước cử đi học ở Minsk – Belarussia để tiếp nhận máy Minsk-22 cho UBKHKTNN) biệt phái ở UBKHKTNN và là cán bộ thuộc phòng Toán Học Tính Toán (chịu trách nhiệm vận hành, tổ chức khai thác chiếc máy tính điện tử đầu tiên Minsk-22 ở nước ta). Đang lúc đó, cục Cán Bộ - tổng cục Chính Trị - bộ Quốc Phòng cử người ra thông báo cho chúng tôi biết bộ Quốc Phòng chuẩn bị mua máy tính, chúng tôi cần trở lại quân đội.
Chúng tôi vui mừng vì quân đội sắp có máy tính điện tử, song cũng không khỏi bịn rịn vì sẽ phải chia tay tập thể Minsk-22 gắn bó thân thiết, đầm ấm đã 5 năm cùng nhau xây dựng. Khi tôi đi thì GS. Phan Đình Diệu (nguyên viện trưởng viện CNTT - viện KHCN Việt Nam) thay tôi phụ trách phòng Toán Học Tính Toán. Phòng này về sau (năm 1976) kết hợp với ban Điều Khiển Học tổ chức thành viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển; rồi đổi tên thành viện Tin Học và nay là viện CNTT thuộc viện KHCN Việt Nam.
Mua và lắp đặt máy
Tập thể trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội gặp mặt nhân ngày Truyền Thống 15/4/2004 (ảnh theo bài do GS Nguyễn Lãm cung cấp).Trở lại quân đội, chúng tôi được biên chế về viện KTQS. Ở Viện đã có một nhóm cán bộ phần lớn tốt nghiệp ngành toán ĐH Tổng Hợp và họ là quân số của phòng Kế Hoạch Tổng Hợp, có nhiệm vụ chuẩn bị ra đời bộ phận máy tính điện tử. Đó là các anh Cận, anh Huân, anh Trình, anh Khuê… Về Viện được một thời gian thì theo chủ trương của bộ Quốc Phòng, tôi và anh Sơn ra làm việc với tổng công ty Xuất Nhập Khẩu Máy để chuẩn bị cho việc mua máy tính Minsk-32.
Bấy giờ, Nhà Nước quyết định cho 2 cơ quan mua máy Minsk-32 là bộ Quốc Phòng và tổng cục Thống Kê. Chúng tôi cùng với 1 cán bộ tổng cục Thống Kê dưới sự chỉ huy của ông Hoàng Trọng Đại, giám đốc tổng công ty Xuất Nhập Khẩu Máy (sau này ông Đại làm thứ trưởng bộ Ngoại Thương) sang Liên Xô (Minsk - Belarussia) ký hợp đồng mua máy tính Minsk-32.
Sau đó là những ngày sôi động nhất: chuẩn bị tiếp nhận, lắp đặt máy tại địa điểm rất quen thuộc ngày nay: 34A Trần Phú (Hà Nội). Cũng cần nhắc lại quá trình chuẩn bị nơi đặt máy. Các anh về trước đã bỏ nhiều công sức liên quan đến việc này cho biết đó là một quá trình gay go, đắn đo trong thời gian dài. Đặt máy ở đâu là một câu hỏi không dễ trả lời. Có nhiều đề xuất: có ý kiến đặt máy ở Lầu Công Chúa (đường Phan đình Phùng, Hà Nội); lại có ý kiến lo ngại địch bắn phá nên yêu cầu đặt máy ở nơi khác cách xa Hà Nội. Cuối cùng là đặt ở 34A Trần Phú và thú vị là mọi người không biết quyết định này của ai! Có phải là của thứ trưởng bộ Quốc Phòng, thiếu tướng Trần Sâm (về sau là thượng tướng) hay không? Chịu…
Ở thời điểm địch đang bắn phá miền Bắc ác liệt, những quyết định liên quan đến một thiết bị hiện đại, máy tính điện tử, lại là chiếc máy đầu tiên của quân đội, là chiếc máy thứ 2 ở miền Bắc nước ta quả là quan trọng. Việc chuẩn bị phòng đặt máy vừa khẩn trương vừa chu đáo. Bao nhiêu việc phải làm: cải tạo lại phòng đã có của toà nhà để đặt máy, làm hệ thống điện, nước, điều hoà nhiệt độ. Công việc này do phòng Hậu Cần viện KTQS đảm nhiệm và các anh Thanh, anh Bạng rất quen thuộc với Trung Tâm đã bỏ hàng bao công sức. Nhờ thế, nên sau khi lắp đặt xong, máy tính làm việc suôn sẻ, có khả năng chuẩn bị cho các đơn vị trong quân đội khai thác tính toán được ngay. Tôi còn nhớ, hôm cuối cùng của thời gian lắp đặt máy, chuyên gia Liên Xô cho máy chạy rà trơn xong, chúng tôi tổ chức một buổi liên hoan với chuyên gia Liên Xô đến tận khuya, hát hò múa nhảy ầm ĩ cả khu vực đến mức sáng hôm sau, đại tá Phùng Thế Tài (về sau là thượng tướng) lúc bấy giờ là phó tổng tham mưu trưởng (nhà của đại tá ở gần chỗ đặt máy) yêu cầu chỉ huy trung đoàn Bảo Vệ Thành đến Trung Tâm kiểm tra!
Hình thành đội ngũ đầu ngành…
Bấy giờ, toàn thể anh chị em trong đơn vị tràn ngập niềm vui, phấn khởi lao vào công việc từ trực máy đến viết chương trình, mở lớp dạy viết chương trình, phối hợp với các quân binh chủng, với các cơ quan Bộ, các viện nghiên cứu hình thành nội dung tính toán trên máy. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Lê Đức Anh (sau là Chủ Tịch Nước), rồi phó thủ tướng Đỗ Mười (sau là Tổng Bí Thư) khi đó đang chỉ đạo xây dựng công trình Lăng Bác và nhiều tướng lĩnh đã đến tham quan máy.
Quân số Trung Tâm được bổ sung liên tục. Đó là các anh, chị tốt nghiệp các trường ĐH, học viện quân sự ở nước ngoài, các anh nhập ngũ từ các trường ĐH, cán bộ tốt nghiệp học viện KTQS, sĩ quan được điều từ các đơn vị về, nhân viên thao tác máy, xuyên phiếu mà phần lớn là con em cán bộ quân đội. Máy tính Minsk-32 làm việc tốt, 1 ca, 2 ca rồi 3 ca, đã tạo được một bước chuyển biến mạnh mẽ cho việc phát triển ngành máy tính trong quân đội và cũng góp phần tạo bước phát triển ngành này ở nước ta. Và cũng chính từ đây, máy tính Minsk-32 đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, những chuyên gia máy tính điện tử, có thể tiếp quản một cách an toàn hệ thống máy tính IBM của Mỹ ở miền Nam sau ngày giải phóng. Cũng chính từ đây đã đóng góp những chuyên gia có năng lực đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các tổ chức quản lý chỉ đạo cũng như các doanh nghiệp ngành này hiện nay...
Hội thảo "Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở Nam Định và vùng Nam đồng bằng sông Hồng" - những hoạt động "nối dài" của đội ngũ chuyên gia trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội...Dù chuyển công tác về đâu, khi đơn vị tổ chức kỷ niệm ngày Truyền Thống của Trung Tâm, anh chị em đều về gặp mặt. Dạo chúng tôi tiến hành hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở Nam Định và vùng Nam đồng bằng sông Hồng” cuối tháng 11/2006, anh chị em trung tâm Toán – Máy Tính Quân Đội đã đóng vai trò nòng cốt. Số là, phát triển CNTT ở vùng này còn yếu, theo hội Tin Học Việt Nam thì chỉ số sẵn sàng CNTT của vùng thấp, thuộc diện trung bình và dưới trung bình. Nhằm tác động thúc đẩy ứng dụng CNTT ở đây, tôi đề xuất tổ chức hội thảo và trường ĐH Lương Thế Vinh cùng các vị lãnh đạo tỉnh Nam Định rất ủng hộ. Tôi chuẩn bị nội dung, làm tài liệu và mời khách ngoài Nam Định về tham dự.
Khách mời đến với hội thảo đều là cán bộ trung tâm Toán – Máy Tính Quân Đội cũ. Chẳng những về tham dự, mỗi người trong số họ đều có 1 báo cáo rất hay. Anh Hoàng Minh Châu từ TP.HCM ra với báo cáo “Ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh” và 1 buổi giao lưu ấn tượng khó quên với sinh viên. Anh Trần Minh Tiến báo cáo về chiến lược phát triển CNTT-VT. Anh Đặng Đức Mai báo cáo ứng dụng CNTT vào công tác quản lý tài chính địa phương. Anh Vũ Quốc Khánh báo cáo về hoạt động của trung tâm Phản Ứng Sự Cố Máy Tính Quốc Gia… Tỉnh Nam Định và trường ĐH Lương Thế Vinh không biết 1 chi tiết, chỉ những người trước đây từng là quân của trung tâm Toán – Máy Tính Quân Đội mới nhiệt tình cất công từ miền Nam ra, từ Hà Nội về với Nam Định! Đã gần hai chục năm, mỗi người đi một nơi thế mà hôm đó gặp nhau thấy gần gũi chẳng khác gì cùng dự một cuộc họp thường kỳ của đơn vị…
(PC World)