Hoạt động truyền hình trả tiền sẽ vào khuôn khổ
(VnMedia) - Ngày 1/10/2009, bản dự thảo lần 6 Quy chế đầu tiên dành riêng cho truyền hình trả tiền đồng thời là vấn đề lớn trong quản lý Nhà nước về phát thanh truyền hình đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến đại diện đến từ các cơ quan truyền hình trong cả nước. Bên lề hội thảo, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn về mục đích cũng như ý nghĩa của Quy chế này khi được ban hành.
Quản lý truyền hình trả tiền: Còn nhiều bất cập
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn.
Hiện nay, núp dưới hình thức xã hội hoá các dịch vụ truyền hình, nhiều đài hiện nay đã thực hiện việc bán kênh chương trình truyền hình. Bộ nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn:
Thực ra xu hướng xã hội hoá là một việc chúng ta rất khuyến khích, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình. Xã hội hoá giúp huy động các nguồn lực khác góp phần nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình nhằm phục vụ tốt cho nhân dân.
Nhưng chúng ta cũng phải hiểu dịch vụ truyền hình là một lĩnh vực tư tưởng văn hoá nên dù có xã hội hoá như thế nào đi nữa thì đài truyền hình vẫn là đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các nội dung chương trình kể cả chương trình đó được liên kết để thực hiện sản xuất.
Thấy được tình hình như vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng một văn bản để điều chỉnh hoạt động này. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh truyền hình. Đây là một văn bản quan trọng, bước đầu điều chỉnh các hoạt động liên kết sản xuất trong sản xuất chương trình phát thanh truyền hình.
Còn với dự thảo Quy chế hoạt động truyền hình trả tiền, mục tiêu của nó là gì? Hiện nay, để sản xuất một chương trình truyền hình cần phải có chi phí phục vụ cho phương tiện kỹ thuật, xây dựng nội dung… rất tốn kém. Trong lúc nguồn ngân sách của các đài truyền hình lại chỉ có mức độ.
Do vậy việc huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân có năng lực để làm là rất cần thiết, nhưng phải xác định tất cả các nội dung chương trình truyền hình này, Ban biên tập, Ban giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập… phải chịu trách nhiệm. Nếu buông lỏng thì rất dễ bị những đối tác tham gia liên kết lợi dụng đưa những vấn đề đôi khi ngoài tầm kiểm soát.
Hiện nay, hầu hết các chương trình truyền hình trả tiền chủ yếu phát chương trình giải trí như phim truyện, ca nhạc, hay bán hàng… Quan điểm của Thứ trưởng về hiện trạng này?
Hiện nay tính chuyên biệt của các kênh truyền hình được xác định rất rõ. Các hệ thống truyền hình trả tiền rõ ràng sẽ có những kênh chuyên về giải trí, kênh chuyên về thể thao, chuyên về mua bán, hay chuyên về phim truyện… Quan trọng là phải quản lý được những nội dung đó có đảm bảo đúng những yêu cầu đề ra hay không.
Theo tôi với loại hình dịch vụ này nên hiểu ở khía cạnh nội dung. Tính chuyên biệt, tính đặc thù của mỗi kênh đã được xác định. Chỉ trong trường hợp lợi dụng tính chuyên biệt này để làm những việc vượt quá giới hạn cho phép, vượt quá phạm vi nội dung giấy phép mà cơ quan quản lý nhà nước cấp thì phải xử lý.
Khi xử lý thì sẽ “nắm anh có tóc” là Ban biên tập, Giám đốc, Tổng biên tập đài truyền hình đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép chứ không phải là đối tác hợp tác với họ.
Dự thảo Thông tư đưa ra ý kiến nên có một cơ quan chuyên biên tập nội dung các chương trình nước ngoài. Việc này có dẫn đến độc quyền và giảm khả năng cạnh tranh giữa các đài truyền hình hay không?
Đó sẽ phải là một đơn vị sự nghiệp phi lợi nhuận, chịu sự quản lý rất chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông muốn có một đơn vị đứng ra làm đầu mối để không còn tình trạng mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy phát triển.
Hiện nay, mỗi đài truyền hình để phát được chương trình nước ngoài đều cần phải đầu tư nhân lực cho bộ phận chuyên làm về vấn đề thương thuyết bản quyền với đối tác, một bộ phận chuyên lo biên tập… dẫn đến sự tốn kém. Có khi còn xảy ra tình trạng anh nọ chèn anh kia.
Nếu như có một doanh nghiệp như thế tôi tin rằng các đơn vị như đài truyền hình địa phương sẽ rất ủng. Vì họ sẽ không còn phải lo lắng gì về vấn đề nội dung nữa.
Để cung cấp được dịch vụ truyền hình trả tiền, các đài phải xin giấy phép thiết lập hạ tầng viễn thông. Nếu các doanh nghiệp đã có hạ tầng viễn thông, nghiễm nhiên họ được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền?
Hạ tầng mạng và nội dung là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hiện nay đang có sự lẫn lộn giữa cung cấp hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Việc quản lý nội dung, kinh doanh dịch vụ, cũng như mạng truyền hình và mạng viễn thông chưa có sự thống nhất.
Các nhà cung cấp hạ tầng cần phải có sự tách bạch ra khỏi nội dung và phải có giấy phép thiết lập mạng viễn thông.
Với quy chế này, chúng ta sẽ có sự tách bạch 4 đối tượng.
Thứ nhất là nhà cung cấp nội dung chính là đài truyền hình và việc quản lý nội dung sẽ theo Luật Báo chí.
Thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật mạng truyền hình trả tiền là các doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông và sở hữu mạng viễn thông, sẽ bị quản lý theo các các quy định của pháp luật về viễn thông.
Thứ ba là các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Cuối cùng là đối tượng người tiêu dùng.
Với quy chế mới này, ba đối tượng trên trừ người tiêu dùng, mỗi đối tượng sẽ bị điều chỉnh theo những quy định riêng, sẽ không còn sự “lẫn lộn” trong việc xử lý như hiện nay. Và chúng ta cũng sẽ quy rõ trách nhiệm của mỗi bên trong lĩnh vực này, nhất là khâu sản xuất nội dung và khâu cung cấp dịch vụ...
“Anh” cung cấp nội dung sẽ phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của Luật báo chí. Cung cấp hạ tầng mạng sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Viễn thông còn kinh doanh phải theo Luật Thương mại, Luật cạnh tranh…
Loại hình dịch vụ truyền hình Internet IPTV hiện nay khá mới mẻ nhưng cũng đã có những doanh nghiệp tham gia như VNPT/VASC, FPT... Theo Quy chế này, khi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền họ sẽ phải tuân thủ những quy định gì?
Những doanh nghiệp này chỉ cung cấp hạ tầng mạng, và kinh doanh dịch vụ truyền hình. Còn nội dung mà các chương trình truyền hình IPTV cung cấp đều phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Khi doanh nghiệp xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình Internet, phải đăng ký những chương trình nào sẽ phát trên đó.
Theo dự thảo Quy chế này, phần nội dung sẽ bị điều chỉnh rất chặt chẽ. Hoàn toàn theo luật Báo chí. Còn phương tiện truyền tải không liên quan đến quy định về nội dung mà chịu quy định bởi Luật Viễn thông.
Theo kế hoạch, bao giờ Bộ có thể ban hành Quy chế này?
Càng sớm càng tốt. Dự kiến cuối năm nay sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền gồm 8 chương, 38 điều quy định việc quản lý, cung cấp, sử dụng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ truyền hình trả tiền và nội dung thông tin trên truyền hình trả tiền.
Chương I: Quy định chung
Chương II: Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.
Chương III: Quản lý, cung cấp nội dung trên truyền hình trả tiền.
Chương IV: Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.
Chương V: Quản lý, cung cấp hạ tầng mạng truyền hình trả tiền.
Chương VI: Phí và lệ phí trong quảnlý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.
Chương VII: Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Chương VIII: Điều khoản thi hành.
Hiện nay dự thảo này đã được đưa lên Trang thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi. Bạn đọc có thể góp ý cho dự thảo tại đây.
Theo VnMedia