Xử lý khi ảnh bị chỉ trích
Sẽ có lúc bạn trong tình trạng bối rối, nhụt chí vì ảnh đưa lên diễn đàn bị các thành viên chỉ trích thậm tệ hay thậm chí không có lấy một lời khen.
Lúc mới chụp ảnh, sau khi đẩy ảnh lên một trang web hay diễn đàn nào đó, điều mong muốn nhất của bạn lúc này hẳn là nhận được nhiều comment để học hỏi nhiều hơn. Nhưng sẽ có trường hợp bức ảnh của bạn không hề có một lời khen, khiến bạn cảm thấy bối rối, nhụt chí, hay thậm chí đẩy bạn về phía cực đoan: cãi nhau với các thành viên khác và không tiếp nhận gì cả.
Trang web Digital Photography School đưa ra một số phân tích về cách tiếp nhận và phản hồi comment trên các diễn đàn ảnh để người chụp mang tính học hỏi và tích cực hơn.
Ngẫm lại
Khi post ảnh lên diễn đàn, điều mong mỏi nhất là nhận được nhiều comment. Ảnh: About.
Trước tiên, có thể những người comment không hay, không chỉ trích cá nhân bạn. Kể cả khi lời chê hơi khiếm nhã, thì cũng nên nhớ rằng khó có thể hiểu đúng mức độ của những lời chê bai này nếu chỉ nhìn vào câu chữ mà không tiếp xúc thực tế.
Ngoài ra, nhiếp ảnh vốn mang tính chủ quan. Một người không thích thứ gì đó trong bức ảnh thì không có nghĩa là bức ảnh đó tồi. Rất có thể có hãng trăm người khác lại thích chính cái điều mà một người ghét.
Luôn ghi nhớ rằng, dù là một nhiếp ảnh gia tốt đến đâu, chắc bạn cũng chưa trở thành nhiếp ảnh gia hoàn hảo nhất thế giới được. Hãy học lấy điều đó để thấy rằng tất cả chúng ta đều phải bắt đầu từ một đâu đó, rồi bạn sẽ thấy mình sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn sau mỗi lần thực hành.
Ai bình luận
Nhiều khi những lời chỉ trích không mong muốn lại đến từ những người ít hiểu biết về nhiếp ảnh. Một nhiếp ảnh gia từng chia sẻ rằng anh ta có một người bạn rất thân, chả bao giờ chụp ảnh ngoại trừ những lần tiệc tùng với một chiếc máy du lịch bé xíu. Thế nhưng sau khi được cho xem ảnh, anh ta lại thản nhiên nhận xét rằng bức ảnh sẽ tốt hơn nến như ống kính được lắp thêm hood. Nhiếp ảnh gia này đã rất băn khoăn không hiểu tại sau lại phải lắp hood và bức ảnh sẽ tốt hơn như thế nào. Nhưng sau đó nhiếp ảnh gia này nhận thấy rằng anh bạn cũng nói chỉ mà nói chứ không quá quan tâm đến vấn đề này. Từ đó về sau, khi nghe những lời nói từ những người không hiểu biết về nhiếp ảnh, anh chỉ cười, gật đầu rồi nhanh chóng quên đi.
Tuy nhiên, nếu gặp những người thực sự có kiến thức về cái đẹp và nhiếp ảnh, chỉ một lời chỉ trích của họ cũng khiến bạn phải suy nghĩ. Nhưng đừng sa đà trong suy nghĩ là ta còn kém cỏi hay ta còn lâu mới bằng họ, mà hãy nghĩ rằng họ đang muốn chỉ cho ta chụp ngày một đẹp lên.
Đừng "bật" lại
Khi gặp những người không hiểu biết về nhiếp ảnh mà vẫn bình luận, cứ gật đầu và mỉm cười. Mặc dù đôi lúc thật khó còn thể kìm giữ việc nói ra cho người đó biết rằng nhận xét của anh ta hoàn toàn sai lầm. Nhưng hãy nghĩ lại, thái độ "bật" lại đó của mình đem lại được cái gì?
Luôn nhớ rằng, nhiếp ảnh mang tính chủ quan, bạn không thể chứng tỏ với mọi người rằng cách bạn chụp ảnh và lấy khuôn hình là tốt nhất, bởi lẽ không có cách nào là tốt nhất cả. Nếu bạn cứ muốn cố chứng tỏ là mình đúng và giải thích hết thứ này đến thứ kia, mọi người sẽ không bình luận ảnh của bạn nữa bởi họ nghĩ bạn không đủ mở để đón nhận nó. Dù gì, bạn vẫn luôn cần những lời chỉ trích hay bình luận để trở thành một tay máy chuyên nghiệp hơn.
Học hỏi
Những lời chỉ trích thường liên quan đến cách bố cục, liệu có nên cho cây vào ảnh không, hay chủ thể xuất hiện thế nào cho đẹp. Ảnh: Leetsoftware.
Hầu hết những lời chỉ trích thường liên quan đến bố cục: cách lấy đường chân trời, cho cây vào hay không, phần chủ thể xuất hiện trong ảnh bao nhiêu là vừa... Mặc dù khá là mệt mỏi vì phải nghe đi nghe lại, nhưng bạn sẽ thấy theo thời gian nó sẽ ngấm dần và bạn nhìn ảnh với bố cục chặt chẽ hơn.
Bình luận chi tiết hơn
Nếu bạn cũng hay bình luận ảnh người khác, hãy cố gắng chi tiết hơn một chút. Những lời bình luận chung chung, kiểu như "ảnh này không hay lắm", "bố cục không hợp lý lắm"… thường không mấy giúp ích người chụp. Hãy bình luận chỉ tiết hơn, kiểu như, ảnh không hay do đối tượng làm sao, bố cục cần phải đổi như thế nào để ảnh đẹp hơn…
Thêm vào đó, cố gắng dùng những từ mang tính khích lệ, như "lần sau bạn hãy thử chụp theo kiểu…" hay "nếu tôi là bạn, tôi sẽ chụp…" thay vì "bạn phải làm thế này thì mới tốt hơn…" hay "tôi chả bao giờ chụp kiểu đó"… Mặc dù về thực tế, không khác nhau nhiều, nhưng nói kiểu thứ nhất khiến người nghe cảm thấy bức ảnh đã tốt rồi, và người bình luận đưa ra thêm cách nhìn mới để tham khảo, trong khi nói kiểu thứ hai khiến người nghe nghĩ rằng cách của họ không hay bằng cách của người kia. Cách này sẽ lại đẩy người chụp trở nên chống đối và tự cho rằng nhiếp ảnh mang tính chủ quan, từ đó bỏ ngoài tai mọi lời bình luận.
Đúng là không có cách chụp ảnh nào là tốt nhất, bố cục chỉ là do ý thích mỗi người, nhưng không phải chụp ảnh đẹp là không cần học hỏi.
Theo Sohoa