Bán hàng qua mạng từ sự tình cờ
Từ một lần mang máy tính xách tay từ nước ngoài về, bán thấy có lãi, cả nhóm bắt tay vào kinh doanh.
Đã có nhiều đêm mất ngủ đợi hàng về, đã có lúc bị thâm hụt vốn. Lúc đầu, khách hàng là người quen kết hợp rao bán qua mạng; giao hàng và nhận tiền trực tiếp. Sau gần 1 năm, mọi việc của ATIN_group đang dần ổn định.
Bắt đầu từ sự tình cờ
ATIN_group là nhóm của 5 chàng trai vốn là dân chuyên Tin học, lớp A Trường THPT chuyên ĐHKHTN Hà Nội gồm: Phan Xuân Cảnh, ĐH Ngoại thương; Nguyễn Bình Minh, ĐH Công nghệ; Lê Quyết Thắng, ĐH FPT, Ngô Ngọc Thành, ĐH Điện lực và Phùng Hữu Trang, ĐH Quốc tế Bắc Hà. Họ đã lấy địa chỉ nhà riêng của một thành viên trong nhóm làm “trụ sở chính”, Phòng 104, ngõ 9 Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội.
Lúc đầu không ai trong nhóm có ý định kinh doanh nhưng thật tình cờ, Lê Quyết Thắng, nhớ lại: do một người bạn học ở Nhật mang 2 “con” laptop về, cũng tình cờ, bán đi vẫn có lãi. Thế là làm thử, thành lập nhóm ATIN_group, và hàng chủ đạo là Kim từ điển (KTD), lấy hàng xách tay về bán.
Từ tháng 2/2009, nhóm đã bắt tay vào việc. Có một vài người bạn đang du học tại Nhật và Mỹ là nguồn cung cấp hàng và 5 thành viên trên là người “phân phối trong nước.
Bọn em chọn mặt hàng KTD Anh - Nhật làm chủ đạo vì mặt hàng này không phổ biến tại Việt Nam, ít người làm và sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy KTD là ổn định nhất, bọn em quyết định làm cái người ta không làm với hy vọng “dễ ăn” hơn, Nguyễn Bình Minh chia sẻ.
Mỗi người có 1 poster chịu trách nhiệm đăng thông tin ở một vài trang rao vặt, gửi thông tin cho tất cả bạn bè và cả 5 người đều là kênh tiếp nhận thông tin đặt hàng từ người mua. Khi giao dịch, ai có thời gian thì đến gặp khách hàng, chủ yếu bán lẻ ở Hà Nội, giao hàng trực tiếp. Nhóm chưa có web riêng vì chưa có nhiều mặt hàng.
Cũng đôi lúc có tình trạng ỷ lại hay đùn đẩy nhưng cơ bản là không nhiều lắm vì tinh thần trách nhiệm của các thành viên khá cao, và ai có công trực tiếp trong việc quảng bá, bán được hàng, nhận hàng... thì sẽ có % thưởng luôn, nên có khi còn tranh nhau làm, Thành vui vẻ nói.
Vì công việc của mọi người tương tự nhau, không ai chuyên về 1 phần nào cả nên lượng khách hàng riêng của mỗi cá nhân có thể như nhau nên hiện tại tách nhóm là “die – chết” ngay, Thành bộc bạch. Hơn nữa, tất cả còn đang học và mục đích chính là lấy kinh nghiệm và tiền lãi góp thành vốn. Cứ như thế, vốn to dần lên để có thể làm to dần lên.
Thắng tâm sự: là sinh viên nên có người trong nhóm bắt đầu khởi nghiệp chỉ vài triệu đồng, thậm chí không có vốn. Ai có nhiều, góp nhiều rồi chia lãi theo tỷ lệ vốn góp, 60% chia theo vốn còn 40% là chia theo công sức đóng góp. Cuối mỗi đợt hàng thì ngồi lại đánh giá lẫn nhau và chia công, chỉ phân công rõ 1 người quản lý tài chính, thu chi trong nhóm.
Những người ở nước ngoài chịu trách nhiệm mua hàng được cắt % luôn cho bên đó. Vì thế, mọi chuyện xử lý dễ dàng hơn, họ nhiệt tình hơn.
Đã có lúc bê bết
Thành cho biết: cái khó nhất trong quy trình là gì vẫn là nguồn hàng và khách hàng. Nguồn hàng tốt là hàng công ty, đảm bảo chất lượng và khi về Việt Nam đúng thời hạn. Điều đáng sợ nhất là chậm hàng, lúc khách hàng hỏi không có hàng để bán thì dễ mất khách và uy tín
Để có nguồn hàng ổn định thì người nhập hàng ở nước ngoài phải hết sức tin tưởng, qua Hải quan phải chắc chắn. Người ở Nhật mua từ 1 số cửa hàng chính, giá cả được tham khảo trên trang web. Nếu không có người tin cậy ở nước ngoài thì rất khó đảm bảo nguồn hàng chất lượng vì không thể gửi tiền nhờ một người lạ mua hàng hộ vì dễ mất tiền hoặc mua phải hàng kém chất lượng...
Kinh doanh thế này không dễ, thậm chí 3-4 tháng đầu bê bết, hàng về chậm thiệt hại rất lớn, nhất là với những mặt hàng đang sốt. Điển hình là thời điểm “con” vaio P laptop bỏ túi, cách đây vài tháng, lúc “sốt” giá của nó là 1400$, do hàng về chậm 2 tuần, thế là chết hẳn, mua 900$ sau bán đc 8,5tr. May mà lấy 1 con, Thành chia sẻ.
Hàng chậm có nhiều lý do, lúc đầu là do chưa quen hải quan, phải nhờ xách tay về, có lúc người quen định về rồi không về nữa, thế là hàng mua rồi nhưng không cầm về được.
Giai đoạn đầu nguồn hàng rất khó khăn, chậm hàng là chuyện thường xuyên nhưng bây giờ bắt đầu đi vào ổn định. Mỗi tháng có thể bán được 10-15 sản phẩm/tháng.
Với mỗi sản phẩm, tỷ lệ lãi thường khoảng 15%. Riêng KTD là mặt hàng chủ đạo của ATIN_group nên hàng lúc nào cũng sẵn và người mua không phải đặt trước, giá rẻ hơn hàng cùng loại trên thị trường khoảng 10-15 %. Ở Hà Nội chỉ có mình ATIN_group có sẵn KTD và giá tốt, khoảng 4,4 triệu đồng còn lại một số nơi giá trên 5 triệu đồng, hầu như loại nào mới ra là nhóm lấy về, và đều bán rất chạy, loại đang được ưa chuộng là AT-PW790. Một số nơi khác, nếu có hàng giá tương đương thì phải đặt hàng trước cả tuần, có khi 2 tuần, Thành tự tin. Ngoài ưu thế về giá, ATIN_group còn bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 1 tháng nhưng chưa ai phải bảo hành cả.
Ngoài KTD, ATIN_group còn nhận đặt hàng trước tất cả các hàng điện tử như laptop, điện thoại, máy ảnh... những mặt hàng này phải đặt trước từ 20-30% giá trị hàng.
Từ khi bắt đầu đến nay đã bán được khoảng 80 sản phẩm, trong đó KTD chiếm 80%, còn lại là laptop, iphone.
Thành tâm sự, cái khó nữa trong mua bán qua mạng là làm sao tin tưởng nhau, và phải làm nhiều, làm lâu thì mới có uy tín được. Vì khách hàng chủ yếu là từ người mua trước, “mách” cho người sau mua.
Việc công khai điện thoại trên mạng cũng gặp phiền toái như bị nháy máy nhưng may là bị trêu thì ít, lừa thì chưa còn thường là cuộc gọi đến của nhiều người cùng bán hàng, “mạo danh” khách hàng để tìm hiểu thông tin, giá, cả… Cũng may, cả nhóm chưa gặp phải rủi ro nào, Thành tâm sự.
Theo ICTNews