1001 kiểu thưởng thức HD không-giống-ai
Sự bùng nổ của các thiết bị giải trí độ phân giải cao (HD – Hi-Definition) tạo nên một luồng sinh khí mới trong lĩnh vực giải trí. Bên cạnh những thiết bị xem HD dựng sẵn, giới dân chơi công nghệ luôn thể hiện bằng những cách chơi phim HD khác lạ.
Phim HD đang trở thành trào lưu mới của giới trẻ, đặc biệt là với những tín đồ của điện ảnh. Để sở hữu một bộ thu phát HD tầm trung hiện nay không quá cao nếu không muốn nói ở Việt Nam, thưởng thức HD là “nhanh-bổ-rẻ” so với các nước khác trên thế giới.
Với người dùng bình thường, chỉ với khoảng 15 triệu đồng, bạn đã có thể sắm cho mình một đầu phát HD giá rẻ khoảng 2,5 triệu, TV LCD 32 inch 7 triệu, ổ cứng lưu phim 2 triệu và một bộ loa rạp chiếu giá hơn 4 triệu đồng.
Có được mặt bằng giá như vậy phải kể đến các thiết bị HD box có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang được bán đại trà trên thị trường với chất lượng tương đối ổn định.
Khi dân chơi thể hiện
Trong một vài bài viết trước đây, PV Vietnamnet đã giới thiệu các cách chơi HD từ nghiệp dư cho tới “pro”. Nhưng bên cạnh đó, giới dân chơi HD kiểu không-giống-ai đang thể hiện một đẳng cấp mới đầy khác lạ trên nền tảng giái trí thời thượng này.
Trong một lần tới chơi nhà Dũng, một “con nghiện” phim đồng thời là một tay “độ” máy tính có hạng. PV VietNamNet thực sự bị ấn tượng bởi cách thưởng thức HD của anh. Với một máy tính cấu hình “khủng” theo lời Dũng nói, anh đã đầu tư hơn 3.000 USD (khoảng 55 triệu VNĐ) để ráp một chiếc HTPC “chất” theo đúng nghĩa.
Thiết lập một hệ thống HD tại gia ưng ý cũng lắm công phu (Ảnh: Youtubeshottest).
Ngoài việc là một máy tính cấu hình cao, lắp đồng thời 4 ổ cứng loại 1,5 TB lưu đầy chặt phim HD, Dũng còn “thửa” nguyên một bộ chia ra 4 cổng HDMI cùng 4 dây tín hiệu dài hơn 15 mét, mạ vàng, chuẩn 1.3. Lẽ dĩ nhiên, giá thành cho những thiết bị chuyên dụng này cao gấp 4 lần so với những dây thông thường nhưng theo lời Dũng, là để ngồi phòng nào cũng…xem được phim HD.
Ngoài việc sử dụng HTPC chuyên dụng, những fan HD kiêm game thủ còn truyền tai nhau các cách biến dòng máy điện tử console của mình thành đầu phát HD.
Sự xuất hiện của các dòng máy điện tử thế hệ mới như Xbox 360 hay Sony PlayStation 3 trở thành những công cụ hữu hiệu giúp giới nghiền phim “thỏa nhãn”.
Tú, một cậu nhóc 9x có thâm niên chơi game gần... 20 năm hớn hở khoe với PV: ”Tháng rồi em ’cày’ game và phim HD nhiều quá thế là đèn-đỏ (lỗi phát sinh do nhiệt độ tăng cao khi máy hoạt động quá lâu) một em Xbox 360 anh ạ. Ra Tết vừa đủ tiền mừng tuổi nên phải tậu ngay một ‘em’ mới không thiếu game, thiếu phim em không sống nổi”.
Với giá thành khoảng 6 triệu một máy, xem ra cũng không phải quá cao tiền đối với một thiết bị vừa chơi game vừa xem phim như Xbox 360. Tuy nhiên, cứ xem cái kỳ công để xem được phim trên thiết bị này cũng không phải là nhỏ.
Đầu tiên người xem phải tải về các tệp tin HD định dạng .mkv sau đó dùng công cụ trên PC để chuyển sang các định dạng video thông dụng trên nền Windows như .wmv, .avi. Cái khó của công việc này chính là việc chọn sao cho đúng codec (mã hình ảnh) để chất lượng tệp tin thành phẩm được giữ nguyên so với tệp tin HD gốc cũng như phải gán cùng phụ đề do các dòng máy này không hỗ trợ chạy phụ đề tiếng Việt.
Thông thường, quá trình chuyển định dạng này mất từ 1 tiếng đến 4 tiếng tùy cấu hình PC cũng như độ dài, độ phân giải của phim.
Xbox 360 và PS3 là 2 hệ máy game có khả năng chơi HD mượt (Ảnh: Platformnation).
Cũng “chơi” HD bằng máy điện tử, Quang Linh, một thành viên của diễn đàn HDVietnam lại dùng máy Sony PlayStation 3.
Chí phí cho thiết bị này đắt hơn so với Xbox 360, muốn xem được phim HD cũng cầu kỳ hơn và thậm chí, giá thành cho mỗi đĩa game bản quyền cho dòng máy này chòm chèm 1 triệu đồng. Bù lại, hệ thống ít gặp trục trặc do nóng máy cũng như hỗ trợ phát HD khá mượt với chuẩn âm thanh DTS 5.1. Thêm nữa, Linh cho biết, PS3 có sẵn ổ đĩa Blue-ray và sắp tới có thể còn phát hình 3D nữa nên việc bỏ ra 7 triệu để mua chiếc máy này cũng như hàng tháng “tậu” một đĩa game không phải là không tương đối hợp lý.
Để phát được HD trên PS3, giới dân chơi chia làm 2 cách: cách thứ nhất, dùng phần chuyển đổi định dạng phim FullHD .mkv sang chuẩn .m2ts cùng phụ đề gán sẵn. Tiếp theo là chia nhỏ tệp tin thành 2 hoặc 3 phần để sao cho nhỏ hơn dung lượng 4GB, do hệ máy PS3 nhận bộ nhớ định dạng FAT, không hỗ trợ duyệt file lớn.
Công phu và gian nan, chưa kể mất thời gian chuyển định dạng, Linh đã mày mò và áp dụng phương thức mới bằng cách biến máy tính thành một máy chủ Media, và kết nối PS3 vào để thưởng thức trực tiếp phim HD download về từ các mạng chia sẻ ngang hàng.
Thông qua phần mềm chuyên dụng, máy tính lúc này sẽ như một trạm phát sóng và qua giao thức mạng LAN/WLAN, người sử dụng sẽ kết nối từ PS3 tới máy chủ này để xem phim mà không cần phải chuyển định dạng hay chia nhỏ file.
Lẽ dĩ nhiên, những cách chơi kiểu “dị” kia ngoài việc đòi hỏi tài chính thì cũng cần những người có độ am hiểu về thiết lập hệ thống, sử dụng thông thạo các phần mềm. Kết quả đem lại tương đối khả quan khi chất lượng hình ảnh tốt hơn với đầu phát HD và các thiết bị đều rất đa dụng, vừa chơi, vừa xem.
Những màn “HD bi hài ký”
Bên cạnh đó cũng phải kể đến những “bi hài” của những dân chơi này, ví như trường hợp Tú vừa nêu, hỏng máy Xbox do hoạt động quá lâu, nhiệt độ tăng cao. Mỗi lần như vậy, dù có sửa được thì cũng chỉ được vài hôm là lại “toi”, nhiều nơi còn không nhận sửa lỗi đèn đỏ này, và như vậy là mất đứt gần 6 triệu đồng. Lần mua mới này, Tú chủ động lắp thêm nhiều quạt tản nhiệt xung quanh máy nhưng vẫn lo ngay ngáy vì… chưa biết có ăn thua không.
Còn anh Dũng, đợt mưa bão vừa rồi, ghi nhận thiệt hại khi sét đánh truyền theo đường dây ADSL vào máy tính thông qua modem, từ đó gây chập điện hệ thống và lẽ dĩ nhiên, 2 trong số 4 tivi của anh cùng bộ máy tính bị thiệt hại nặng nề và đau xót hơn, trường hợp này thuộc diện… từ chối bảo hành của hãng.
Linh thì không gặp trục trặc gì trong quá trình thưởng thức thú vui. Tuy nhiên, sau một tháng giải trí, hóa đơn tiền điện của cậu tăng vọt. Chỉ tính riêng hệ thống máy tính với bộ nguồn công suất 680W, máy PS3 là 400W, vị chi mỗi giờ xem phim cậu “đốt” 1 số điện. Nếu mỗi ngày vận hành 3 đến 4 tiếng hệ thống này, số tiền điện hàng tháng dành riêng cho hệ thống đã xấp xỉ 300 ngàn đồng. Phụ huynh còn dọa sẽ lắp công tơ riêng để cậu tự trả nếu còn tiếp tục “hút điện” như vậy nhưng với một tín đồ như Linh thì có... "trời cản". Và với triết lý “dân chơi không sợ mưa rơi”, hàng tháng ngoài các khoản chi phí khác, cậu sẽ phải “cõng” thêm cả tiền điện để xem phim HD.
Theo Phapluat