HuynhThanh
New Member
Những xu hướng thời trang nổi bật trong làng case PC
Nội thất sơn đen, đi dây gọn gàng hay thiết kế lộn ngược... là những điểm nhấn mới trong làng case PC.
Đóng vai trò như bộ mặt của toàn hệ thống, diện mạo của chiếc case (vỏ máy tính) đang ngày càng được gamer chăm chút hơn. Trải qua nhiều năm phát triển, không khó để chúng ta nhận ra những xu thế thiết kế nào đang trở thành điểm nhấn hấp dẫn người dùng.
To và rộng và chắc chắn hơn
Case ngày càng to, rộng và có lớp khung vỏ chắc chắn hơn để phù hợp với độ bành trướng của các linh kiện bên trong. Ví dụ như các bộ nguồn công suất cao, card đồ họa thế hệ mới (rất dài), bo mạch chủ hay quan trọng hơn là bắt kịp trào lưu chơi tản nhiệt nước đang có dấu hiệu sôi động trở lại.
Người dùng thường quyết định tìm đến các sản phẩm thuộc phân lớp kích thước middle tower, full tower hoặc nằm giữa hai chủng loại này. Mặc dù giá tiền của chúng không rẻ nhưng hầu hết khách hàng khi đã mua về đều tỏ ra hài lòng. Case to rộng, chắc chắn, trước hết đã giúp không khí lưu thông bên trong được tối ưu hơn, giảm thiểu hiện tượng rung, lắc.
Nội thất sơn đen
Nếu như trước đây, người chơi thường có xu hướng quan tâm chủ yếu đến vẻ ngoài của dàn máy thì bây giờ, ngay cả màu mè nội thất bên trong cũng được đưa lên bàn cân để đánh giá kỹ lưỡng.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm được nhà sản xuất sơn đen cả mặt trong luôn được khách hàng chú ý, dù giá của nó bao giờ cũng nhỉnh hơn các đối thủ cùng loại. Theo lý giải của nhiều người mua, mặt trong của case được sơn đen góp phần làm nổi bật màu sắc của các linh kiện như bo mạch chủ, thiết bị tản nhiệt, card đồ họa…
Hơn thế nữa, việc sơn cả trong lẫn ngoài case sẽ giúp sản phẩm tránh được hiện tượng rỉ sét hoặc nếu lớp sơn tốt, dày, còn hạn chế hoàn toàn nguy cơ rò điện.
Hoán đổi vị trí lắp PSU
Trong thiết kế của một chiếc case truyền thống, PSU (bộ nguồn) bao giờ cũng được lắp ở phần trên case, tiếp giáp với mặt sau. Tuy nhiên, các sản phẩm ngày nay đang có xu hướng chuyển vị trí đặt PSU xuống bên dưới (như hình vẽ).
Thiết kế này có duy nhất một nhược điểm: nếu PSU của bạn có dây nguồn 20/24 pin ngắn thì nhiều khả năng sẽ không kéo tới chấu cắm trên bo mạch chủ (phải mua thêm dây nối). Còn lại, người dùng có thể bắt gặp hàng loạt ưu điểm nổi trội.
Các bộ nguồn cao cấp khá nặng, nếu lắp ở trên case và chỉ được giữ bởi hệ thống ốc thông thường sẽ kém an toàn. Chính vì vậy, chuyển thiết bị xuống dưới, nằm lên sàn case xem như giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, việc lắp nguồn ở dưới với quạt hút tiếp xúc trực tiếp với môi trường ngoài sẽ tốt hơn việc lắp ở trên, khi đó, quạt phải hút cả khí nóng do CPU, card đồ họa tỏa ra, không có lợi cho vấn đề tản nhiệt của PSU.
Thiết kế lộn ngược
Thiết kế lộn ngược tức là chiều của bo mạch chủ được xoay ngược lại so với kiểu lắp bình thường. SilverStone luôn được người dùng biết đến như nhà sản xuất đi đầu theo đuổi trào lưu đầy phá cách này.
Tuy nhiên, thiết kế lộn ngược không mang nhiều ý nghĩa lắm về mặt kỹ thuật, hiệu quả sử dụng, nó chỉ tiện cho người dùng trong việc dấu đi dây nhợ, các linh kiện như ổ cứng, PSU và nhất là khoe được hệ thống card đồ họa (lắp theo cách thông thường, người dùng nhìn vào case chỉ thấy mặt lưng của card).
Đi dây gọn gàng
Thay vì kiểu chơi mod UV cho dây nguồn rồi để trực tiếp dưới ánh đèn UV như những năm trước, một chiếc case được đánh giá thật đẹp, thuận mắt bây giờ bắt buộc phải đi dây gọn gàng. Tức là người dùng cần tìm mọi cách để giấu đi các loại cáp nguồn, dây dẫn tín hiệu xuất hiện bên trong case.
Với những sản phẩm cao cấp, việc này có thể thực hiện tương đối dễ dàng vì nhà sản xuất đã khoan sẵn các lỗ ở vị trí hợp lý cũng như dành một khoảng không gian đủ rộng ở đằng sau tấm giữ bo mạch chủ, hỗ trợ tối đa trong việc luồn lách và cất giấu dây nhợ.
Theo PLXH