HuynhThanh
New Member
Quản lý truyền hình trả tiền: nhiều điểm mới, lắm phân vân!
Việc thiếu vắng một văn bản pháp quy chính thức để đưa hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vào khuôn khổ đã gây ra nhiều phiền toái nơi người dùng, kìm hãm sự phát triển lành mạnh, chính đáng của một thị trường mới, được đánh giá là vô cùng tiềm năng.
Truyền hình trả tiền: quản lý chưa theo kịp thực tế!
Những điểm mới
Một điểm mới nổi bật của Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền là việc Bộ TT&TT đã phân tách rạch ròi giữa 4 đối tượng: Nhà cung cấp hạ tầng mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nhà cung cấp nội dung và người sử dụng cuối cùng. Hiện tại, ba khái niệm đầu tiên đang bị lẫn lộn, nhầm lẫn với nhau, dẫn tới việc rất khó để quản lý.
Tuy nhiên, theo cách định nghĩa mới, nhà cung cấp hạ tầng mạng sẽ phải chịu sự quản lý của Luật Viễn thông, nhà cung cấp nội dung chịu sự "kiềm tỏa" của Luật Báo chí, trong khi nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền được nhìn nhận như một doanh nghiệp phát hành. Việc bổ dọc trách nhiệm như thế này được ban soạn thảo quy chế hy vọng sẽ giúp cho công tác quản lý được hiệu quả và dễ dàng hơn.
"Xu hướng xã hội hóa lĩnh vực truyền hình là một chủ trương mà Chính phủ đang khuyến khích. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực tư tưởng văn hóa, do đó, dù xã hội hóa thế nào thì đài truyền hình vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các kênh chương trình trả tiền đang và sẽ được cung cấp", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn giải thích thêm với báo giới.
Để thị trường truyền hình trả tiền có thể phát triển nhanh, mạnh mẽ, Việt Nam cần huy động nguồn lực của các đơn vị bên ngoài có năng lực khai thác chương trình. Thế nhưng khi động tới vấn đề trách nhiệm, các giám đốc, tổng biên tập các đài PT-TH vẫn phải là người "đứng mũi chịu sào" đầu tiên. Chỉ cần buông lỏng quản lý, các nhà đài sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đối tác liên kết lợi dụng hoặc gây ra tình trạng "bát nháo" về dịch vụ cung cấp. Chẳng hạn như trong vụ lùm xùm của SCTV thời gian qua thì chính Đài Truyền hình VN, theo ông Doãn, mới là nơi cần bị thổi còi, chứ không phải SCTV.
Để tạo ra một sự liên kết gắn bó, chặt chẽ và hiệu quả giữa các đài truyền hình, nhà cung cấp nội dung và các mạng hạ tầng, ông Lưu Vũ Hải đã đề xuất việc thành lập một hiệp hội truyền hình trả tiền. "Đây không còn là câu chuyện riêng của các kênh truyền hình cáp nữa. Các đơn vị cung cấp nội dung cũng có thể tham gia thị trường nếu tìm thấy cơ hội kinh doanh tốt. Hiệp hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác với nhau, đồng thời, đó cũng là nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp với giới quản lý".
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Xã hội hóa lĩnh vực truyền hình là một chủ trương mà Chính phủ đang khuyến khích. (Ảnh: Trần Vỹ)
Một đầu mối quản lý duy nhất?
Một điểm rất mới và thu hút sự chú ý của các đại biểu trong Dự thảo Quy chế là việc lập ra một đơn vị đầu mối về nhập, biên dịch, biên tập và phân phối các nội dung chương trình truyền hình của nước ngoài. Đơn vị này sẽ hoạt động theo mô hình sự nghiệp, phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm đàm phán về vấn đề bản quyền với các hãng truyền hình quốc tế.
Sau đó, chính đơn vị này sẽ tiến hành biên dịch, biên tập các nội dung chương trình, trước khi phân phối và bán lại cho các đài truyền hình, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước. Mức phí mà các đài phải trả cho đơn vị đầu mối chính bằng mức phí mà các hãng truyền hình nước ngoài nêu ra, đồng nghĩa với việc đơn vị đầu mối không được phép hưởng bất cứ một khoản chênh lệch nào.
Lập luận của các nhà soạn thảo là đơn vị đầu mối sẽ giúp hạn chế tình trạng phân tán của công tác biên tập, cung cấp nội dung nước ngoài trên truyền hình trả tiền hiện nay. Thay vì 47 ban biên dịch/biên tập của 47 kênh truyền hình trả tiền đang có, chúng ta sẽ chỉ còn lại một đơn vị duy nhất - từ đó tiết kiệm chi phí, nhân lực một cách đáng kể.
Chia sẻ bên lề với báo giới, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng đây là một sáng kiến hay và sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đài nhỏ, vốn không dư giả về tiềm lực tài chính cũng như hạn chế về năng lực dịch thuật/biên tập chương trình. Nhưng đương nhiên, điều luật này sẽ động chạm đến một số "ông lớn" trên thị trường truyền hình trả tiền hiện nay.
Mặc dù vậy, ý tưởng về một "đơn vị đầu mối" đã gây ra khá nhiều phân vân bên dưới cử tọa. Đại diện của Truyền hình Cáp Hải Phòng băn khoăn liệu "nếu chỉ có một đơn vị duy nhất, thì có xảy ra tình trạng độc quyền hay không?". Trong dự thảo không nhắc đến việc chi phí biên dịch/biên tập chương trình là bao nhiêu, cũng như tiến độ biên dịch/biên tập là bao lâu?
Cũng theo một số ý kiến đại biểu, thì do chỉ có duy nhất một đơn vị độc quyền, chất lượng của khâu biên dịch/biên tập liệu có được đảm bảo. "Nếu như sản phẩm quá chán mà chúng tôi lại không có sự lựa chọn nào khác, không có cách nào khác để cải thiện, vậy sẽ phải giải quyết như thế nào? Chúng tôi vẫn phải cậy lụy họ, vì họ là nguồn cung chương trình duy nhất", một đại biểu giấu tên chất vấn.
Còn nhiều trăn trở
Đại biểu Mai Sông Bé của Đài Phát Thanh - Truyền hình Đồng Nai thì thắc mắc về vai trò, thẩm quyền của sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh. Họ sẽ chỉ quản lý hạ tầng hay phải kiêm luôn cả việc quản lý nội dung? Ông Bé cũng cho rằng Dự thảo đề ra quá nhiều loại phí như, lệ phí cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (hoặc cung cấp nội dung); Phí biên dịch/biên tập chương trình nước ngoài, phí mua bản quyền chương trình (cả trong nước lẫn nước ngoài), phí thẩm định chương trình truyền hình, phí thuê bao, phí lắp đặt thiết bị đầu cuối...
"Những khoản phí này, suy cho cùng, lại đổ hết lên đầu các thuê bao dịch vụ, bởi mức phí thuê bao sẽ bắt buộc phải tăng theo. Trong điều kiện thu nhập đầu người còn chưa cao như hiện nay, đây sẽ là một thách thức ngăn cản sự phát triển và phổ cập của truyền hình trả tiền", ông Bé phân tích.
Một số ý kiến khác thắc mắc về các chế tài xử lý khi chất lượng tín hiệu dịch vụ không tốt, cũng như việc Dự thảo mới chỉ đề cập một cách sơ lược đến phương thức quản lý quảng cáo tin nhắn trên truyền hình trả tiền.
Điểm đáng chú ý nhất ở điều 13 (Thông tin quảng cáo, tin nhắn) là đơn vị cung cấp nội dung chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung quảng cáo và tin nhắn trên chương trình do mình cung cấp. Điều này có nghĩa là một khi đã đưa lên sóng thì các đài sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung chứ không thể đá quả bóng sang các bên liên quan khác nữa, một trong những thực tế nổi lên trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, việc quy định tin nhắn phải nằm dưới chân màn hình và không được vượt quá 1/10 diện tích màn hình vẫn bị coi là chưa đủ cụ thể. Liệu quảng cáo, tin nhắn có được xuất hiện trong tất cả các chương trình? Liệu những chương trình mua từ nước ngoài có bị chen quảng cáo một cách thô bạo? Đó là những câu hỏi vẫn còn đang để ngỏ.
Theo Vietnamnet