Năm điều nên biết về DSLR
Khi chọn mua máy ảnh, điều đầu tiên bạn cần làm là quan tâm đến thương hiệu sản xuất.
Phần lớn người dùng máy ảnh hiện nay đều coi DSLR là sự lựa chọn hàng đầu khi muốn nâng cấp dàn thiết bị "bắt hình" của mình. Những chức năng chuyên sâu và hệ thống nút rắc rối trên các thế hệ DSLR giờ đây không còn là vấn đề do các hãng bắt đầu chú tâm xây dựng hệ thống menu ngữ cảnh trực quan và những tính năng dành cho người dùng nghiệp dư như ngắm ảnh sống, chụp tự động, lấy nét cảm ứng...
Chỉ trong một vài năm, thị trường đã xuất hiện vô số model đến từ những thương hiệu khác nhau như Canon, Nikon, Sony, Pentax... Mức giá máy ảnh hạ nhiệt khá nhanh làm cho người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng cũng không khỏi bối rối trước một "ma trận" DSLR với hàng loạt những thông số phức tạp.
Dưới đây là một vài gợi ý giúp tìm mua DSLR phù hợp với nhu cầu và khả năng của người sử dụng.
1. Thương hiệu
Khi chọn mua máy ảnh, điều đầu tiên cần làm là quan tâm đến thương hiệu sản xuất. Ảnh: Cnet.
Khi chọn mua máy ảnh, điều đầu tiên cần làm là quan tâm đến thương hiệu sản xuất. Lưu ý rằng, khi đã sử dụng DSLR thì chất lượng ảnh luôn phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, không nên để những chiếc máy ảnh nhỏ nhẹ, bóng bẩy làm "mờ mắt" như dòng camera du lịch tầm thấp. Các thương hiệu lớn, tất nhiên, sẽ có những sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, khi gắn bó với một thương hiệu, người dùng sẽ phải tốn thêm chi phí cho một số hoặc toàn bộ các phụ kiện của hãng đó như ống kính, đèn flash, báng pin... Phụ kiện quá ít hoặc quá đắt sẽ hạn chế nhu cầu nâng cấp sau này. Có thể chọn sản phẩm từ hãng thứ ba, nhưng vẫn bị một số nhược điểm về chất lượng cũng như khả năng tương thích. Ngoài ra, cũng phải để ý đến hệ thống bảo hành sản phẩm của hãng tại địa phương để đề phòng trường hợp chiếc máy ảnh "con cưng" gặp trục trặc.
2. Chống rung
Cơ chế chống rung quang học trên một ống kính Canon. Ảnh: Chrysis.
Hệ thống ổn định ảnh (Image Stabilizer) sử dụng cảm biến và motor điện từ để bù trừ những rung lắc của thân máy trong quá trình chụp. Công nghệ hiện tại cho phép tăng thời gian phơi sáng lên tới 2,5 tới 4 stop so bới bình thường mà bức hình thu được vẫn không hề bị nhòe. Sony, Pentax, Olympus tích hợp chống rung ngay trong thân máy nên cơ chế này vẫn có thể hoạt động tốt với tất cả các ống kính tương thích. Trong khi đó, một vài hãng như Canon và Nikon lại chỉ trang bị ổn định ảnh quang học trên các ống kính cá biệt nên gây khá nhiều gò bó cho người dùng. Rất may, hai "ông lớn" cũng đang có các động thái tích cực trong việc bình dân hóa công nghệ này trên một số dòng ống kính giá rẻ của mình. Khi mới ra đời, cơ chế chống rung quang học tỏ ra trội hơn hẳn chống rung cảm biến do hoạt động rất êm, độ chính xác cao và không bị hiện tượng trôi ảnh trong các trường hợp chụp lia máy. Tuy nhiên, sự phát triển của kỹ thuật chế tạo đã giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa hai công nghệ chống rung và giờ đây, việc chọn hệ thống nào phần lớn do sở thích và nhu cầu cá nhân.
3. Quay video
Quay phim cũng là một tính năng thú vị trên DSLR. Ảnh: Cameralabs.
Xu hướng bình dân hóa đang ảnh hưởng rất mạnh đến thiết kế của những chiếc DSLR, thiết bị mà trước kia vốn chỉ dành cho dân chuyên nghiệp. Ngay cả đến tính năng quay video trên các dòng ngắm - chụp rẻ tiền cũng được "lôi tuột" vào những model đình đám như Nikon D90, Canon 5D Mark II hay Pentax K-x... Những ưu thế về cảm biến, ống kính cũng như khả năng chỉnh tay đa dạng đã giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa quay phim trên máy ảnh với các thiết bị ghi hình chuyên nghiệp. Đối với một số người, tính năng này chỉ là "đồ bỏ" và nên bị lược bớt đi để giảm giá thành thân máy. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ghi video bằng DSLR cũng là một nghệ thuật thú vị và đôi khi giúp ích khi bạn muốn trích xuất ra thành những bức ảnh riêng lẻ mà không sợ bị vỡ pixel. Tất nhiên, khi chấp nhận sử dụng tính năng bình dân này, bạn sẽ phải chi thêm một số tiền không nhỏ cho các thiết bị lưu trữ và một dàn máy tính cấu hình mạnh để "xử" các đoạn phim độ nét cao.
4. Những thế hệ máy ảnh 'cầu nối'
DSLR vẫn đứng vững trước các thế hệ máy ảnh "cầu nối" trong một thời gian khá dài. Ảnh: Photoxels.
Máy ảnh siêu zoom được xem là "cầu nối" giữa những chiếc máy ảnh compact với các "đàn anh" DSLR. Mang trên mình một bộ cánh khá đồ sộ nhưng phần lớn máy ảnh siêu zoom đều chỉ được trang bị cảm quang kích thước rất khiêm tốn. Điều này đương nhiên ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng ảnh thu được. Ngoài ra, những chiếc máy ảnh này cũng không có khả năng hoán đổi ống kính linh hoạt như DSLR. Chúng chỉ có những ống kính "tất cả trong một" với dải zoom lớn, nhiều khi lên tới 26x. Nhìn chung, khi dải tiêu cự càng rộng thì độ nét càng giảm, trong khi quang sai lại tăng lên rất nhiều. Với những nhiếp ảnh gia khó tính, DSLR vẫn là con đường duy nhất để thu được những bức ảnh chất lượng do những ưu thế không thể bàn cãi về cảm biến, bộ tính năng và những phụ kiện đi kèm.
Sự ra đời của hệ thống máy ảnh thay thế ống kính không gương lật như Micro Four Thirds và gần đây nhất là máy ảnh "lai (Samsung NX10 và Sony NEX) đã khiến vị trí độc tôn của DSLR bị lung lay đáng kể. Tuy nhiên, những hạn chế nhất định về mặt công nghệ cũng như mức giá quá cao của dòng máy ảnh mới này vẫn sẽ giúp cho DSLR trụ vững thêm một thời gian khá dài nữa!
5. Túi đựng và thiết bị bảo quản
Nên lọc bớt một số thiết bị không quan trọng để tránh phải mang vác quá cồng kềnh. Ảnh: Camera bag.
Khi có được một số lượng đáng kể thiết bị và phụ kiện đi kèm, người dùng sẽ phải tính đến những chiếc túi đựng phù hợp để mang chúng theo trong những chuyến hành trình dài ngày. Balô là sự lựa chọn hợp lý khi cần chứa một lượng lớn đồ đạc mà vẫn phải di chuyển qua nhiều địa điểm. Nếu cần thao tác nhanh, nên chọn những chiếc túi đeo vai nhỏ gọn. Trước khi xuất hành, hãy lọc ra những thiết bị kém quan trọng nhất để tránh phải mang vác quá cồng kềnh. Thông thường, chỉ nên mang theo một ống zoom góc rộng đa năng và một fix tele với tiêu cự trong khoảng 85-135mm cho các nhu cầu du lịch thông thường. Hãy đầu tư một chiếc tủ chống ẩm để bảo quản dàn ống kính đắt tiền trước những điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo Sohoa