Ngành in đối đầu với thế giới ảo
Thời hoàng kim của ngành công nghiệp in đã không còn nữa khi mà Internet, viễn thông di động và các dịch vụ giá trị gia tăng của nó đã làm thay đổi lối sống.
Dây chuyền in báo ở Nhà in Trần Phú, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.
Nhu cầu sụt thê thảm...
Trong hơn một thập kỷ qua, công nghiệp in luôn là ngành ăn nên làm ra với doanh thu bình quân tăng trên dưới 15%/năm. Cũng vì thế mà ngành in đã một thời có hấp lực to lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội In Việt Nam, chỉ trong chưa đầy 10 năm, nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực và các quy định về thành lập nhà in được nới lỏng, số công ty in ở Việt Nam đã tăng tới sáu lần, lên đến hơn 3.000 doanh nghiệp. Trong đó, chỉ riêng TPHCM đã có hơn 1.000 đơn vị. Tuy nhiên, thời hoàng kim của ngành này đã không còn nữa và thủ phạm đang đe dọa “nồi cơm” của các doanh nghiệp in ấn chính là Internet, viễn thông di động và các dịch vụ giá trị gia tăng của nó.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết công nghiệp in bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2008, thời điểm nền kinh tế Việt Nam rơi vào giai đoạn lạm phát cao, rồi tiếp đến là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Doanh thu của toàn ngành năm 2008 giảm 5-10% và tiếp tục giảm sút mạnh trong những quí đầu của 2009. Đến 70% số doanh nghiệp in thường xuyên đói việc làm. Nhưng nếu sự suy thoái của ngành in chỉ xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế thì không có gì đáng ngại.
Đáng lo hơn cả chính là ngành này đang bị sự cạnh tranh quyết liệt từ các dịch vụ trên thế giới ảo, như Internet, báo điện tử và truyền thông không dây. Trong cuộc đối đầu này, ngành công nghiệp in ấn truyền thống xem như đã nắm chắc phần thua trong tay. Ông Dòng nhìn nhận: “Đọc sách, báo trên mạng, thay cho sách và báo in truyền thống là xu thế không thể đảo ngược trong tương lai”. Xu hướng này đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực xuất bản và báo chí truyền thống, qua đó ảnh hưởng dây chuyền đến công nghiệp in từ năm ngoái. “Trong nửa đầu năm ngoái, số lượng in sách, báo và tạp chí của Việt Nam giảm tới 20-30%. Số phát hành của nhiều tờ báo lớn giảm mạnh”, ông cho biết thêm.
Sụt giảm mạnh nhất là các loại sách. Ngoại trừ sách giáo khoa còn giữ được ổn định, sức mua các loại sách đã giảm thê thảm. Đã một thời, có những loại truyện tranh thiếu nhi đạt số lượng in đến hàng trăm ngàn bản, nhưng nay nhà xuất bản chỉ dám in 10.000-20.000. Sách văn học, sách chuyên khảo còn thê thảm hơn.
Ông Dòng nói: “Chỉ in vài trăm đến 1.000 bản, nhưng bán mãi không hết. Giờ đây người đọc có thể tìm thấy tất cả trên mạng. Những loại sách tra cứu truyền thống, chẳng hạn như từ điển, đang ngày một biến mất dần trên danh mục sản phẩm của nhà in”. Ngay cuốn danh bạ điện thoại, một trong những sản phẩm một thời có số lượng in rất lớn, nay cũng đang giảm rất mạnh.
Không chỉ có sách, báo và tạp chí, lĩnh vực in sản phẩm quảng cáo cũng đang bị thế giới ảo lấn lướt.
Điều may mắn cho các doanh nghiệp in truyền thống là vẫn còn một lĩnh vực lớn mà thế giới ảo vẫn chưa thể xâm nhập, đó là in bao bì và nhãn sản phẩm. Trong hơn 700 tỉ trang in tiêu chuẩn mà ngành này sản xuất trong năm ngoái, bao bì và nhãn sản phẩm chiếm tới 65%, sách chỉ còn lại 10% (hai phần ba là sách giáo khoa), báo 15% và 10% còn lại là sản phẩm quảng cáo, lịch.
...Trong khi năng lực tăng mạnh
Sự phát triển của Internet, viễn thông không dây và các dịch vụ kèm theo, thay thế dần các sản phẩm in truyền thống là xu thế không thể đảo ngược. Điều này đã được dự báo từ nhiều năm qua. Vì vậy, vấn đề của ngành in không phải là cưỡng lại xu thế chung đó, mà phải tìm cách thích nghi. Chỉ đáng tiếc là Việt Nam đã không sớm nhận ra xu thế này để có thể cập nhật vào quy hoạch phát triển của ngành in, xuất bản, nên đã góp phần để cho tình trạng nhập khẩu ồ ạt thiết bị in sản phẩm truyền thống, dẫn đến tình trạng thừa công suất quá lớn như hiện nay, gây lãng phí.
Cuối năm 2002, quy hoạch phát triển ngành in ấn, xuất bản và phát hành được phê duyệt, với mục tiêu tăng trưởng số lượng sách 15-20%/năm, đạt bình quân sáu cuốn sách/người dân vào năm 2010. Lúc đó, không ít giám đốc nhà in đã cho rằng đây là mục tiêu không tưởng, nhưng nó vẫn được đưa vào triển khai. Đến nay, số sách bình quân trên đầu người của Việt Nam đạt chưa đầy ba cuốn, trong đó hơn hai cuốn là sách giáo khoa.
Trong khi đó, năng lực của ngành in lại phát triển mạnh. Trong giai đoạn 2001-2005, nhiều doanh nghiệp chạy đua nhập máy in với suy nghĩ đơn giản, chỉ cần thu hút được một hoặc hai tờ báo lớn ký hợp đồng là đã sống khỏe. Nhưng điều này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Sau đó đến lượt nhiều cơ quan báo tự đầu tư xây dựng nhà in.
Có những báo không chỉ đầu tư một, mà đến hai, ba nhà in ở các địa bàn khác nhau, để có thể đưa báo đến tay người đọc nhanh nhất. Kết quả là nhiều nhà in không tìm đủ khách hàng, thiết bị ngừng hoạt động hàng loạt. “Số lượng sách, báo, tạp chí... hiện chỉ đủ cho ngành in hoạt động một nửa công suất”. Không chỉ có các doanh nghiệp hoạt động in chuyên nghiệp, ngay nhà in của một số báo cũng đang lao đao. Có báo nhập nguyên một dây chuyền in hiện đại, công suất lớn, nhưng mỗi ngày chỉ in được hơn 17.000 bản.
Tương lai của ngành in là ở lĩnh vực bao bì và nhãn sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện cuộc cải tổ để chuyển hướng sản phẩm. Bên cạnh đó, thị trường cho ngành in kể từ cuối năm ngoái đến nay đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn khiêm tốn. Nhưng về lâu dài, sự phát triển của ngành in vẫn phụ thuộc nhiều vào khả năng phát triển ổn định của các ngành công nghiệp khác, nhất là xuất khẩu.
Nếu các ngành chế biến lương thực, thực phẩm như gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, thủy sản... có thể chuyển đổi thành công sang xuất khẩu sản phẩm chế biến có thể tiêu thụ trực tiếp, thay vì xuất nguyên liệu thô đóng trong bao PP thì ngành in bao bì mới có cơ hội phát triển nhanh.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online