Tự bảo vệ bạn trên mạng xã hội
Những mạng xã hội kiểu như Facebook, Twitter đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của nét văn hóa trực tuyến. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm yếu nhất định, nhất là thiếu khả năng bảo vệ thông tin người dùng. Nếu không để ý, một ngày nào đó bạn sẽ trở thành nạn nhân của chính thông tin mà mình tạo ra.
Cẩn thận những gì bạn chia sẻ
Đầu tháng vừa rồi, chính Tổng thống Mỹ Obama đã cảnh báo giới trẻ đừng nên ỷ lại vào các mạng xã hội như Facebook, cụ thể là không đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên trên đó, nếu không “một ngày nào đó các bạn sẽ phải hối hận” – lời của ông Obama. Từng là vị tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử tận dụng sức mạnh Internet để vận động tranh cử, nên ông Obama nắm rất rõ những mặt mạnh và mặt trái của mạng xã hội. Nếu là một người mới bắt đầu, bạn cũng nên lấy đây là nguyên tắc, không chỉ cho mạng xã hội mà cho cả những hoạt động trên mạng Internet – hãy cẩn thận với những gì (nhất là thông tin cá nhân) mà bạn chia sẻ, vì có thể chúng sẽ bị lợi dụng để chống lại chính bạn.
Ngoài thông tin đưa lên mạng, có 2 nguyên tắc cơ bản khác mà bạn cũng cần phải “nằm lòng”, đó là: Hãy nhớ bạn bè của bạn là ai; và những người bạn của bạn có thể là “kẻ thù giấu mặt”. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng trên thực tế đã có rất nhiều bài học mà người dùng không thể ngờ tới.
Hãy nhớ bạn bè của bạn là ai
Khi bạn viết một thông điệp trên Twitter (gọi là tweet), hoặc cập nhật thông tin trên Facebook, thường bạn đã có sẵn trong đầu đối tượng người đọc những thông tin đó là ai. Có lẽ bạn đã từng nghe những câu chuyện “tai bay vạ gió” kiểu như “bị sa thải vì nói xấu sếp trên mạng xã hội”. Những câu chuyện tương tự như thế ngày càng nhiều, và người ta chợt hiểu ra rằng mạng xã hội là dành cho tất cả mọi người, và thông tin lan tỏa trên đó có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới từng người.
Hậu quả của những comment không “đúng lúc” có thể khiến bạn gặp nhiều rắc rối. Chẳng hạn như đang trong giờ làm việc bạn để status rất vô thưởng vô phạt như “Tôi buồn quá”. Nghe thì có vẻ chả liên quan tới ai, nhưng sếp bạn có khi lại nghĩ bạn không hài lòng với công việc, đồng nghĩa với việc bạn không hài lòng với lãnh đạo…, và vô hình chung mọi rắc rối sẽ “đổ ụp” xuống đầu bạn. Nói chung với những dịch vụ kiểu như Twitter hay Facebook thì bạn khó có thể giấu mình trước bàn dân thiên hạ.
Bạn của bạn của bạn có thể là “kẻ thù” giấu mặt
Lại vẫn câu chuyện nói xấu sếp, bạn muốn dãi bày sự tức giận của mình trước một quyết định vô lý, bạn lên Facebook kiểm tra một thôi một hồi và chắc rằng trong danh sách Friends của mình không có tên sếp. Thế là bạn tha hồ tung hô những lời lẽ chê trách lên mạng, nhưng bạn đâu biết rằng sếp của bạn vẫn có thể đọc được. Chỉ cần đồng nghiệp có nick của sếp trong danh sách bạn bè thì sếp của bạn vẫn có thể đọc được những gì bạn viết.
Từ bài học này, bạn cần rút ra kinh nghiệm sau: Đừng bao giờ post bất cứ thứ gì ảnh hưởng tới người khác lên mạng nếu bạn e ngại người đó có thể đọc được. Bởi dù bạn có cố che giấu thông tin đó đến mức nào đi chăng nữa thì cũng có ngày bị lộ.
Bảo vệ riêng tư
Với mạng xã hội, nơi mà mọi người luôn sẵn sàng “mở lòng” với nhau, có vẻ như vấn đề riêng tư lại tỏ ra … lạc lõng. Vậy làm sao bạn vừa có thể hòa đồng với mọi người, vừa có thể bảo vệ được sự riêng tư của mình? Đó là do cách bạn thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin mà thông. Chia sẻ không có nghĩa bạn công khai tất cả thông tin với mọi người; có những thông tin bạn chỉ muốn chia sẻ với một số người giới hạn mà thôi.
Nếu đã dùng Facebook một thời gian, bạn sẽ nhận ra những vấn đề mang tính riêng tư, chẳng hạn như quảng cáo tràn lan, hay người nọ có thể đọc được thông tin của người kia mà không bị giới hạn bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, nếu để ý một chút, bạn có thể hạn chế được những thứ khó chịu này bởi Facebook có cơ chế kiểm soát riêng tư, cho phép người dùng thiết lập các cơ chế ngăn chặn những tác nhân không mong muốn. Facebook cho phép bạn quy định loại thông tin nào có thể chia sẻ với ứng dụng bên thứ 3.
Phần Privacy Settings trong Facebook cho phép bạn có thể quyết định ai đó được phép truy cập vào xem thông tin của mình. Với mỗi phần thiết lập, bạn có thể chọn mức độ chia sẻ thông tin với tất cả mọi người (Everyone), trong mạng (My Networks), bạn bè (Friends), bạn của bạn (Friends of Friends), hoặc chỉ có bạn mà thôi (Only Friends).
Còn với Twitter, bạn cần sử dụng chức năng “Protect my updates” để bảo vệ thông tin của mình. Trong phần giao diện Twitter cá nhân, bạn vào phần Settings rồi đánh dấu vào nút kiểm “Protect my updates” là ổn. Giờ đây chỉ có bạn bè của bạn mới đọc được các tweet, còn người lạ thì không.
Game có thể làm bạn lộ thông tin
Với nhiều người, một trong những thứ thu hút nhất của Facebook là những kho game và trò chơi giải đó vô tận. Trong game, bạn bè có thể đấu với nhau và đấu với người dùng; còn thông qua phần giải đó, bạn sẽ học được nhiều thứ về bạn bè và thực sự có những giây phút thư giãn sau giờ làm việc. Tuy nhiên, 2 trong số những điểm thu hút nhất này của Facebook lại vô tình quảng bá thông tin cá nhân ra bên ngoài.
Khi chơi trò giải đó, người dùng Facebook sẽ được cảnh báo rằng nếu tiếp tục chơi thì thông tin profile của họ sẽ bị công khai ra bên ngoài. Ngoài phần thông tin cá nhân, ảnh, thông tin bạn bè và các nội dung khác của người dùng cũng được “huy động” để vận hành các trò game và giải đố trên Facebook. Nhiều người băn khoăn tự hỏi tại sao chỉ là chơi game đơn thuần mà lại phải dùng những thông tin cá nhân vào đó, và có động cơ nào khác trong việc làm này hay không.
Phát tán thư rác
Một lẽ rất tự nhiên, mạng xã hội là một cộng đồng chia sẻ, nơi mà người dùng có thể trao đổi thông tin qua lại với nhau, với bạn cũ, bạn mới, đồng nghiệp, và cả những người không quen. Tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản bởi thông tin cá nhân luôn là thứ mà những kẻ “xấu tính” thèm muốn. Địa chỉ e-mail của bạn có thể bị lợi dụng để nhận hoặc phát tán thư rác; thông tin cá nhân của bạn có thể bị đưa vào những chỗ không thích hợp, gây hiểu nhầm; hay thậm chí ảnh hưởng tới hình ảnh và tên tuổi của bạn.
Theo VnMedia