HuynhThanh
New Member
Thư viện trong túi áo
Internet, sách điện tử và điện thoại thông minh đang đe dọa cả những thư viện lâu đời nhất thế giới. Thêm các thiết bị đọc kỹ thuật số chuyên dụng, người yêu thích sách đang phân vân trước nhiều ngã rẽ văn hóa đọc của kỷ nguyên số.
Travis Bryant và con gái Ivey đang đọc cuốn “The Chinatown Death Cloud Peril” trên chiếc iPhone tại nhà ở bang Alabama, Mỹ.
Với Kindle của Amazon, người đọc có thể gom hàng trăm cuốn sách để “nhét” vào một thiết bị có kích thước nhỏ hơn hầu hết các cuốn sách tồn tại trên hành tinh này. Nhưng với một số người, nhỏ như vậy vẫn chưa đủ.
Nhiều người muốn đọc sách điện tử đã phát hiện ra rằng họ có thể làm vậy trên những chiếc smartphone sẵn có trong túi quần, mang lại một khái niệm mới: “phone book” (sách điện thoại). Và họ muốn tiết kiệm được từ 250 USD đến 350 USD khi không phải tìm đến một thiết bị đọc khác.
“Người đọc sách điện tử có thể bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng chỉ cho một thứ”, Keishon Tutt, một dược sĩ 37 tuổi ở Texas, nói. Ông thường xuyên mua 10 đến 12 cuốn sách mỗi tháng để đọc trên iPhone từ Apple. “Tôi muốn có một thiết bị đọc đa chức năng. Tôi còn muốn xem phim và nghe nhạc nữa”.
Tám tháng qua, Amazon, Barnes&Noble và một loạt các hãng nhỏ hơn đã giới thiệu phần mềm đọc sách điện tử trên iPhone và các thiết bị khác. Theo hãng nghiên cứu xu hướng di động Flurry, cứ mỗi 5 ứng dụng trên iPhone xuất hiện trong tháng vừa rồi thì có 1 ứng dụng là sách điện tử.
Sự phát triển này làm dấy lên một câu hỏi: Liệu tương lai của việc đọc sách sẽ chuyển hướng sang các thiết bị chuyên dụng kiểu Kindle hay sang các thiết bị đa năng như điện thoại di động?
Cho đến nay, trên điện thoại di động, phần mềm sách điện tử vẫn chưa tách ra thành một nhu cầu chức năng riêng của người đọc. Theo Codex Group, một hãng tư vấn cho ngành công nghiệp xuất bản, khoảng 1,7 triệu người đã sở hữu một thiết bị đọc, và con số này có thể sẽ tăng lên 4 triệu vào cuối kỳ nghỉ đông tới.
Nhưng, chỉ tính riêng ở Mỹ, hiện đã có tới 84 triệu chiếc điện thoại thông minh có thể chạy được các ứng dụng đọc sách (số liệu của IDC). Apple đã bán hơn 50 triệu chiếc iPhone và iPod Touche, cả hai đều có phần mềm sách điện tử.
Ngay chính Apple cũng không coi iPhone là thiết bị đọc cuối cùng của hãng. Năm tới, có khả năng thị trường sách điện tử sẽ sôi động hơn nữa nếu hãng giới thiệu chiếc máy tính bảng - một thiết bị lớn hơn chiếc iPhone nhiều khả năng sẽ chạy phần mềm đọc sách điện tử song song với các phần mềm khác.
Mọi người đã từng chế giễu ý tưởng đọc một quyển sách trên một màn hình di động rộng 3,5 inch. Nhưng với người đọc, dù sao, sự tiện lợi vẫn quan trọng hơn mọi thứ khác.
“iPod Touch luôn ở trên tay tôi”, Shannon Stacey, người đã viết nhiều cuốn tiểu thuyết điện tử lãng mạn, nói. “Nó là lịch của tôi, nó là tất cả mọi thứ, vậy nên những cuốn sách sẽ luôn ở bên cạnh tôi”. Cô Stacey, người cũng sớm sở hữu một thiết bị đọc điện tử của Sony, nói rằng cô mua hai lần những cuốn sách điện tử, 1 cho iPod Touch và 1 cho chiếc Sony.
Kindle và iPhone.
Kindle, Reader có nhiều điểm hạn chế như hiển thị nội dung màu xám-trắng và không truy cập được hoặc chỉ truy cập được một phần Internet. Nook - thiết bị đọc của Barnes & Noble mới được giới thiệu ra thị trường có tính năng màn hình tiêu hao rất ít năng lượng và gần với kích thước một trang bìa sách thương mại - cũng có những hạn chế tương tự.
Ian Freed, phó chủ tịch bộ phận Kindle ở Amazon, khẳng định khách hàng vẫn mua nhiều sách trên Kindle hơn iPhone, mặc dù ông từ chối đưa ra dẫn chứng cụ thể. Amazon hiện đang xây dựng một phần mềm đọc sách cho BlackBerry và cho máy tính Macintosh; hãng cũng đã ra mắt phần mềm đọc cho máy tính Windows cách đây không lâu.
“Đọc sách trên một màn hình nhỏ là trải nghiệm dễ chịu đáng ngạc nhiên”, Josh Koppel, thành viên sáng lập ScrollMotion, nói. Công ty có trụ sở ở New York này đã xuất bản 25 nghìn ấn phẩm điện tử trên kho ứng dụng App Store của Apple và bán được trên 200 nghìn bản.
Những công ty như ScrollMotion và BeamItDown bán sách theo phương thức từng ứng dụng đơn lẻ. Những cuốn tiểu thuyết như “Chạng vạng” của Stephenie Meyer sẽ hiện lên bên phải App Store. Amazon và Barnes & Noble lại có cách tiếp cận khác: người sử dụng mua những cuốn sách thực tế thông qua trình duyệt trên một chiếc điện thoại hoặc một chiếc máy tính.
Các nhà xuất bản hiện đang gấp rút phát triển các loại hình sách mới và độc giả sẽ được thấy chúng trên những chiếc điện thoại thông minh. Nói cách khác, sách sẽ không đứng quay lưng với người đọc sách điện tử.
Khi Nick Cave, một nhạc sĩ rock, viết cuốn tiểu thuyết thứ hai mang tên “Cái chết của Bunny Munro”, ông và nhà xuất bản Anh Canongate đã làm việc với một công ty truyền thông đa phương tiện để phát triển một ứng dụng cho iPhone, kết hợp chặt chẽ không chỉ text mà còn cả video, nhạc và lời đọc sách của chính tác giả.
“Những gì bạn có thể làm với đồ họa và hình ảnh động có thể tạo ra nhiều khả năng cho một nhà xuất bản mà trước đó chưa từng có”, Jamie Byng, chủ nhà xuất bản Canongate, nói.
“Đọc sách trên một màn hình nhỏ là trải nghiệm dễ chịu đáng ngạc nhiên”, Josh Koppel, thành viên sáng lập ScrollMotion, nói.
Hiển nhiên, người đọc sách điện tử muốn Kindle hay là Nook sẽ tân tiến hơn nữa, như có thêm màn hình đọc hiển thị màu. Nhưng trong thời gian chờ đợi, các lãnh đạo Amazon vẫn “biện minh” rằng các hạn chế có chủ định của Kindle thực sự làm cho việc đọc trở nên hấp dẫn hơn.
“Kindle dành cho người yêu thích đọc sách”, ông Feed nói. “Mọi người sử dụng điện thoại cho nhiều mục đích. Tiêu biểu nhất là để gọi. Tiếp theo là để gửi tin nhắn hoặc e-mail. Cuối cùng trong hàng loạt các mục đích đó, chúng ta mới thấy việc đọc sách”.
Quả vậy, Sarah Wendell, một phụ tá làm việc ở Manhattan (Mỹ), người chuyên viết blog về các tiểu thuyết lãng mạn, cho biết mặc dù dùng iPhone để đọc khi ở tiệm cà phê hay khi ăn trưa, cô vẫn cần đến Kindle trong quãng đường đi làm từ New Jersey.
Đối với những buổi đọc sách lâu, iPhone là “một màn hình bé, và mắt tôi sẽ đau”.
Travis Bryant, giám đốc sản phẩm kỹ thuật số của một nhà xuất bản nhỏ ở Birmingham thuộc bang Alabama, nói rằng ông đã hoàn thành một số lượng đáng ngạc nhiên các tác phẩm trong những lúc chờ đợi trên đường. Ông cho biết mới đọc truyện ngụ ngôn Cơ-đốc giáo bán chạy nhất “The Shack” và cả cuốn sách lịch sử ly kỳ “The Templar Legacy” của Steve Berry, đều là qua chiếc iPhone của mình.
Nhưng ông Bryant thừa nhận rằng, iPhone mặc dù thuận tiện, vẫn không thể thỏa mãn việc đọc sách.
“Tôi có một con gái 3 tuổi ở nhà, và nó cũng sục sạo những cuốn sách ghê lắm”, ông nói. “Tôi nhớ lại mình đã từng chôm chỉa tủ sách của bố mẹ. Nếu như mọi thứ đều nằm trong iPhone, con gái tôi sẽ chẳng có những cám dỗ thị giác nữa. Vậy nên tôi vẫn duy trì việc bổ sung cho cái tủ sách này”.
Theo Dantri
Chỉnh sửa cuối: