Đủ kiểu bán mua đồ 'đồng nát' thời @
Mua hàng giá hời đã trở thành tâm lý chung của người mua nhưng việc lên mạng tìm mua những món đồ cũ khó kiếm hay giá rẻ lại đang trở thành một xu thế mới của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ngàn người bán, trăm người mua
Dạo qua các chợ điện tử như diễn đàn hay hệ thống TMĐT hoàn chỉnh, một điểm chung có thể dễ nhận thấy là sự đa dạng các mặt hàng trên các quầy hàng trực tuyến. Ngoài những mặt hàng mới được gán những cái tên mỹ miều như "mới 100%", "chưa bóc tem", hay "nguyên seal" thì phần lớn là các hàng secondhand đã sử dụng vài ba lần rồi giảm giá.
Thôi thì đủ chủng loại, từ thỏi son dưỡng môi mới quẹt được vài lần cho tới đôi giày vừa xỏ được vài tiếng đều coi là hàng cũ và rao bán. Giá trị mặt hàng tùy thuộc hình thức do người bán định đoạt bằng những con số khá... "ảo" như mới 99,98%, nguyên bản 100% hình thức 95% (được hiểu là chưa sửa chữa gì và ít xước xát).
Tất nhiên, cái giá định ra cho những mặt hàng này chỉ là tạm tính và sẽ còn phải cân đối nhiều khi khách hàng mặc cả. Nhiều tình huống bi hài đã xảy ra khi cả người mua và người bán đều online và những mặt hàng rao bán đôi khi chính chủ cũng không định giá một cách chính xác.
Diễn đàn đấu giá đồ công nghệ Handheld là nơi diễn ra khá nhiều thương vụ uy tín nhưng cũng vẫn xuất hiện những vụ đấu giá "đồ đồng nát". Một chiếc O2 Mini-S hỏng màn hình hay một chiếc Sony Clié mất sạc, chai pin... cũng có thể vác lên đấu giá. Tất nhiên giá trị quy đổi của những mặt hàng này thường không cao và đa số tâm lý người bán là đem lên đấu giá được bao nhiêu thì được, chứ vứt đi thì... phí. Và cũng chính vì thế, đôi khi người mua và tham gia bỏ giá thì ít nhưng số thành viên "ném đá" thì nhiều vì không ai nghĩ rằng những mặt hàng bỏ đi ấy mà vẫn có giá trị.
Cách đây không lâu, cũng tại diễn đàn này đã có một màn đấu giá có một không hai. Topic được lập nên với một cơ số đồ "cổ" gồm nhiều thứ như vài cái điện thoại hỏng, sạc lâu không dùng, phụ kiện linh tinh được đem lên mở "sới". Bỏ ngoài tai "dư luận", chủ topic vẫn hồn nhiên đưa ra bước giá cụ thể cho từng món và giá bán luôn cho cả mớ. Rốt cuộc những món hàng tưởng như vứt thùng rác ấy vẫn có người mua với giá vài trăm nghìn và hôm sau lại tiếp tục được đưa lên... đấu giá tiếp nhưng tiền thu được sẽ dùng làm từ thiện.
Topic như thế này dễ dàng tìm thấy tại các "chợ ảo" (Ảnh chụp màn hình).
Ngoài chuyện chủ đích bán những món đồ "ve chai", có những người lại chuyên đi mua lại những hàng hỏng hóc để kiếm lời từ đây. Đa số các mặt hàng này là đồ điện tử và người mua cũng là những thợ sửa chữa.
Minh có chiếc điện thoại rơi nước, giá mới trên thị trường chỉ hơn 1 triệu. Bỏ đi thì phí, sửa thì thà mua mới cho xong. Nghĩ mãi cuối cùng cậu đem lên mạng rao bán với giá bèo bọt. Chỉ vài tiếng sau đã có người hỏi mua và sau khi kiểm tra máy, hàng đã được bán với giá 200 ngàn. "Dù không được bao nhiêu nhưng còn hơn là vứt đi", Minh tâm sự.
Cũng tâm lý đó, Tuấn, một sinh viên mê game, chiếc máy PS3 mua cách đây 4 năm đã bị cậu cày "nát" và cuối cùng máy rơi vào tình trạng lỗi đèn vàng không thể sửa chữa. Nhìn cái máy xót xa, thử nhập từ khóa "bán xác máy PS3" thì vô tình tìm thấy địa chỉ mua máy hỏng ở Khuất Duy Tiến. Mặc dù ở Tây Hồ nhưng Tuấn cũng phi thẳng đến bán và thu về được 1 triệu đồng gỡ gạc.
Mua bán vẫn cần có chữ TÂM
Tất nhiên không phải hàng đồng nát nào cũng thuộc dạng "chổi cùn rẻ rách", nhưng bên cạnh những hàng hóa còn giá trị sử dụng thì đôi khi sự nhập nhoạng của người bán cũng là nguyên nhân xuất hiện những món hàng bỏ đi được trưng ra với mục đích lừa đảo.
Chị Hương, một nhân viên văn phòng cho biết: "Có lần đánh liều mua một thỏi son dùng hết nửa trên mạng Muare. Vì màu đấy mình thích mà giờ tìm đâu cũng không còn nên mới cắn răng mua kèm theo đó là cam kết của chủ hàng là đảm bảo. Ấy vậy mà về giở ra thì ôi thôi, son gần hết chứ chả được mới-dùng-50% như quảng cáo. Chưa kể là hàng còn quá đát mà mỹ phẩm quá đát dùng vào rách việc vô cùng. Coi như mua lấy một bài học cay đắng".
Nếu phố Đào Duy Anh, Hà Nội nổi tiếng là chợ "SIDA" thì những chợ ảo trên mạng còn quy mô hơn gấp nhiều lần. Ai cũng có thể bán đồ cũ và hình thức, giá trị chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người bán. Một đôi giày cũ mới đi... 3 năm hiệu Adidas cũng có thể được định giá 100 ngàn bất kể nhiều lời chỉ trích là đem vứt đi cũng không ai nhặt. Quần áo, mỹ phẩm thì nhiều vô kể và việc giao dịch trực tuyến, chuyển hàng qua chuyển phát nhanh sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực nếu người bán bất minh.
Anh Dũng, một chủ cửa hàng sửa chữa chuyên nhập lại các thiết bị điện tử cũ hỏng cho biết anh thường hay lên mạng tìm các topic rao đồ hỏng. Tuy nhiên, nếu thực hiện giao dịch thì phải tới tận nơi và kiểm tra, mở máy dưới sự chứng kiến của người bán. Thông thường hàng lỗi, hỏng do người sử dụng thì vẫn thu mua được và kiếm lời, nhưng đôi khi giới thợ vẫn "chơi" nhau bằng cách đẩy hàng dựng", "mông má" để kiếm chác bằng những thứ đồ vô giá trị.
Theo Vietnamnet