• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

Thông tin thiết bị số và công nghệ ngày 10-03-2010

Status
Không mở trả lời sau này.

HotelHoangMinh

New Member
Việt Nam không nằm ngoài “cuộc chơi” 3D

Chưa tiết lộ giá cả cũng như thời điểm chính thức bán các sản phẩm 3D trên thị trường, song các đại gia công nghệ đều tiết lộ sẽ bán TV 3D tại Việt Nam trong vài tháng tới.

0.jpg


Năm nay, Samsung sẽ “phổ cập” tivi 3D.
3D nở rộ trên thế giới

Theo các website công nghệ của thế giới, năm nay Samsung sẽ “phổ cập” TV 3D. Hãng tuyên bố sẽ bán TV LED 3D series 7 và 8 tại thị trường châu Âu ngay trong tháng 3 này. Đặc biệt, một mẫu TV 3D nữa của Samsung là TV LED 3D series 9 được đánh giá có độ mỏng kinh ngạc – chỉ 7 mm. Đây là mẫu TV LED 3D mỏng nhất thế giới. Ngoài Samsung, các hãng sản xuất TV nổi tiếng khác trên thế giới như Panasonic, Philips, Sony cũng được đưa tin đã và sẽ phát triển các dòng TV 3D. Điều đáng mừng là nhiều nguồn tin cho biết các hãng sẽ đưa TV 3D đến các thị trường châu Á vào cuối năm nay.

Không chỉ TV, hiện nay trào lưu 3D đang lan rộng sang các thiết bị số khác, như máy tính, máy in ảnh, máy chiếu, ĐTDĐ. Đại gia ĐTDĐ Nokia tiết lộ sẽ sản xuất điện thoại thông minh có màn hình “biết” hiển thị hình ảnh 3D. Thậm chí, lãnh đạo Nokia còn cho rằng công nghệ 3D đến sớm với điện thoại di động hơn so với TV. Ngoài Nokia, LG cũng đang “dấn thân” vào công nghệ 3D với chiếc điện thoại 3D đầu tiên LU2300 sử dụng hệ điều hành Android của Google. Được biết, chiếc điện thoại 3D của LG sẽ bán tại Hàn Quốc trong mùa hè năm nay và sẽ có mặt tại các nước khác ngay sau đó.

Hãng máy tính Đài Loan MSI cũng đưa tin giới thiệu mẫu máy tính tất cả trong một (All-in-One) mới có khả năng trình chiếu phim độ nét cao Full HD và phim hình ảnh công nghệ 3D. Hiện nay, màn hình máy tính 3D đã thực sự có bán trên thị trường. Đó là chiếc màn hình 3D 23 inch OptX AW 2310 của hãng Alienware, đặc biệt thích hợp cho các game thủ. Sản phẩm đã được bán trên website của hãng với giá khởi điểm 698 USD, bảo hành 3 năm. Tuy nhiên để trải nghiệm cảm giác 3D, người dùng phải mua thêm bộ công cụ hỗ trợ 3D của hãng Nvidia có giá 199 USD.

Tại Nhật Bản, hãng sản xuất máy ảnh Fujifilm tung ra chiếc máy in ảnh 3D đầu tiên trên thế giới. Chiếc máy in ảnh này tương thích với máy ảnh Fujifilm Finepix Real 3D. Kết hợp hai sản phẩm, người dùng sẽ có những bức ảnh chất lượng sống động, có chiều sâu rõ nét. Giá bán của chiếc máy in ảnh này chưa được công bố, nhưng trang PC World cho biết sản phẩm sẽ được bán tại Anh vào tháng 4 tới.

Máy chiếu 3D cũng đã xuất hiện với việc hãng Acer chính thức ra mắt 2 mẫu máy chiếu mới cho phép tạo hiệu ứng hình ảnh 3D. Hai mẫu máy chiếu 3D Acer H5360 và Acer X1261 đều có khả năng phát hình ảnh 3D thông qua hệ thống Nvidia 3D Vision. Ngoài Acer, hãng chuyên sản xuất máy chiếu Optoma cũng tham gia thị trường 3D với 2 sản phẩm máy chiếu 3D.

Rục rịch đưa TV 3D đến Việt Nam

Mặc dù các sản phẩm 3D chưa chính thức được bán tại Việt Nam song chúng đã được các đại gia công nghệ của thế giới trưng bày và giới thiệu để người dùng Việt Nam trải nghiệm. Đầu năm 2010, hãng sản xuất TV TCL đã có cuộc trưng bày mẫu TV LCD 3D tại các siêu thị điện máy ở Hà Nội và TP. HCM. Hãng TCL cho biết đây là chiếc TV LCD 3D đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Kết quả từ cuộc roadshow cho thấy người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm đến mẫu TV công nghệ mới 3D. Sản phẩm giới thiệu là mẫu TV LCD 3D 42 inch, không cần dùng kính chuyên dụng. Đại diện hãng TCL tiết lộ đang có kế hoạch sẽ bán TV 3D tại Việt Nam vào khoảng tháng 8/2010. Mức giá cụ thể của sản phẩm chưa được công bố, tuy nhiên theo một số người từng chiêm ngưỡng mẫu TV 3D của TCL những ngày đầu năm vừa qua, sản phẩm sẽ có mức giá dự kiến khoảng 300 triệu đồng.

Trao đổi với PV, đại diện Samsung cho biết, TV 3D Samsung sẽ có bán tại Việt Nam vào khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2010. Trong khi đó, đại gia Sony cũng tiết lộ sẽ bán TV 3D vào tháng 6 này. Tuy nhiên, hiện nay các hãng đều chưa công bố chi tiết giá cả cũng như đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.

Công nghệ 3D cũng từng được giới thiệu ở Việt Nam trong triển lãm Vietnam Comm & Vietnam Electronic 2009 diễn ra hồi tháng 11/2009. Gian hàng của France Telecom đã thu hút rất nhiều khách tham quan. Tại đây, khách tham quan được chụp ảnh bằng máy ảnh số 3D, sau đó truyền dữ liệu vào khung ảnh số qua công nghệ Bluetooth, xem các bức ảnh 3D, và được đeo kính để xem hình ảnh trận thi đấu quần vợt trên TV 3D.

Ông Lê Văn Khương, Phó Tổng giám đốc của VTC nhận định, năm 2010 là năm bùng nổ về công nghệ TV 3D và cho biết VTC sẽ xây dựng riêng một kênh truyền hình phát sóng nội dung chương trình 3D. Hiện nay, bộ phận kỹ thuật của VTC đang ráo riết triển khai các công đoạn chuẩn bị, lựa chọn giải pháp kỹ thuật để thực hiện. “Nếu không có gì thay đổi, khoảng quý 3/2010, VTC sẽ ra mắt truyền hình công nghệ 3D”, ông Khương nói và cho biết về mặt thiết bị, khán giả không cần phải sắm hẳn TV 3D mới xem được truyền hình 3D của VTC mà chỉ cần có TV hỗ trợ chuẩn HD là đã có thể thu được sóng truyền hình 3D. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải mua thêm kính xem 3D.

Phó Tổng giám đốc của VTC Lê Văn Khương nhận định, việc tiếp cận TV 3D với người tiêu dùng Việt Nam còn tương đối khó khăn, đặc biệt về giá cả. Ví dụ, 1 TV 2D hiện nay khoảng 1.000 USD thì TV 3D có thể lên tới 5.000-6.000 USD. Tuy nhiên, theo dự đoán, khoảng 2-3 năm nữa, sự khác biệt về giá giữa TV 2D và 3D sẽ giảm xuống mức có thể chấp nhận được.

Theo Phapluat
 

HotelHoangMinh

New Member
Người Việt Nam mê 3G nhất thế giới

Số người quan tâm tới 3G tăng mạnh vào cuối năm 2009 - đầu 2010 đưa Việt Nam trở thành nước "mê" 3G nhất thế giới.
Đây là kết luận dựa trên khảo sát dữ liệu thực tế từ Google Trend - Website thống kê, so sánh các từ khoá được tìm kiếm trên Google.

Dưới đây là những dữ liệu "biết nói" cho thấy người Việt "say mê" với 3G đến mức nào. Các số liệu này cũng chứng tỏ một điều: Việt Nam đang trở thành thị trường đặc biệt tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng, thiết bị đầu cuối cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền 3G.

3g.jpg


Tìm kiếm 3G trong năm 2009.
Nguồn: Google Trends.​

Trong năm 2009, số lượng tìm kiếm 3G của Việt Nam đã xếp thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc với mức độ chênh lệch không đáng kể.

3g1.jpg


Tìm kiếm 3G từ năm 2004 đến nay.
Nguồn: Google Trends.​

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia tìm kiếm 3G nhiều nhất trên thế giới, xét theo toàn bộ khoảng thời gian từ năm 2004 đến nay.

3g7.jpg


Tìm kiếm 3G trong năm từ đầu năm 2010 đến nay.
Nguồn: Google Trends.​

Có được điều này là do những tháng cuối năm 2009 - đầu 2010, số người tìm kiếm 3G tại Việt Nam tăng đột biến so với các nước khác.

3g2.jpg


Tìm kiếm 3G trong năm 2008.
Nguồn: Google Trends.​

Năm 2008 và những năm trước đó, Việt Nam còn chưa có tên trên "bản đồ" 3G của thế giới.

3g3.jpg


Tìm kiếm 3G tại Việt Nam 12 tháng gần đây.
Nguồn: Google Trends.​

Cụ thể hơn, lượng tìm kiếm 3G tại Việt Nam tăng mạnh từ tháng 12/2009. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm MobiFone chính thức cung cấp dịch vụ 3G, còn Viettel tiến hành kinh doanh thử nghiệm 3G tại TP. HCM và mở rộng vùng thử nghiệm dịch vụ 3G ra 17 tỉnh trên cả nước.

Trước đó, khoảng tăng đột biến vào tháng 10 trên biểu đồ cũng trùng với thời gian VinaPhone chính thức cung cấp dịch vụ 3G. Tuy nhiên, có thể thấy mối quan tâm của người dùng dành cho dịch vụ 3G vào thời điểm đó không duy trì được lâu và lượng tìm kiếm nhanh chóng giảm trở lại xấp xỉ mức trước đó.

3g4.jpg


Tìm kiếm theo "3g vinaphone", "3g mobifone", "3g viettel" tại Việt Nam 12 tháng gần đây.
Nguồn: Google Insights for Search.​

So sánh tìm kiếm 3G theo từng nhà mạng cho thấy dịch vụ 3G của VinaPhone và Viettel được khách hàng quan tâm xấp xỉ nhau và cao hơn nhiều so với MobiFone.

Tuy nhiên, theo biểu đồ, những tháng gần đây dịch vụ 3G của Viettel được tìm kiếm nhiều hơn. Điều này có thể lý giải do Viettel đang mở rộng thử nghiệm và dự kiến chuẩn bị cung cấp chính thức dịch vụ 3G trong tháng tới.

EVN Telecom cũng thông báo sẽ cung cấp dịch vụ 3G vào đầu quý II/2010 tới đây nhưng lượng tìm kiếm "3g evn" hay "3g evn telecom" do Google thống kê được vẫn rất ít (chỉ số bằng 0).

3g5.jpg


Cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất cùng với 3G (tại Việt Nam).
Nguồn: Google Insights for Search.​

Tìm kiếm nhiều nhất liên quan tới 3G vẫn là thiết bị đầu cuối - đặc biệt là iPhone 3G, sau đó mới đến các nhà cung cấp dịch vụ như VinaPhone, Viettel.

3g6.jpg


Cụm từ tìm kiếm tăng trưởng nhất cùng với 3G (tại Việt Nam).
Nguồn: Google Insights for Search.​

Tuy nhiên, tìm kiếm liên quan tới các nhà cung cấp dịch vụ 3G gần đây tăng trưởng đột phá cho thấy khách hàng đang chuyển sang quan tâm tới sử dụng 3G thực tế chứ không còn đơn thuần là thú chơi thiết bị và công nghệ như trước đây.

Theo Phapluat
 

HotelHoangMinh

New Member
Thừa Thiên- Huế coi CNTT là đòn bẩy kinh tế

Mục tiêu trong năm 2010, Thừa Thiên - Huế sẽ phải đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trở lại nhóm dẫn đầu của toàn quốc (từ vị trí 7 - 10), trong đó CNTT được xem là “đòn bẩy” của mục tiêu này.

17764858102.jpg


Ứng dụng CNTT xây dựng Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên- Huế trở thành cầu nối tin cậy giữa người dân, tổ chức và doanh nghiệp với chính quyền.
60% doanh nghiệp lớn dùng TMĐT

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng Thông tin xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với mục tiêu giảm bớt chi phí về thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận thông tin, địa phương đã và đang triển khai đề án phát triển TMĐT, trong đó xác định: cuối năm 2010, khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tiến hành giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT) loại hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp”; 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ biết đến lợi ích TMĐT và tiến hành GDTMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”; khoảng 10% hộ gia đình tiến hành GDTMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” và “người tiêu dùng với người tiêu dùng”.

Hiện tại, đã có hàng ngàn người tiêu dùng và hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã nhìn nhận được vai trò của TMĐT là một trong những công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí trung gian, bán hàng, tiếp thị, giao dịch thanh toán cũng như mở rộng khả năng lựa chọn hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Để gỡ rối cho doanh nghiệp khi tiến hành đẩy mạnh GDTMĐT, ngoài việc hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý đối với hoạt động TMĐT; quan tâm, hỗ trợ bằng việc đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng cán bộ chuyên trách về TMĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang hoàn thiện đề án xây dựng sàn Trung tâm GDTM trực tuyến Bắc miền trung đóng tại Tp. Huế để trình Chính phủ phê duyệt.

Cùng với các doanh nghiệp, Công an TP. Huế cũng đang tích cực ứng dụng CNTT trong việc “thông báo khách lưu trú qua mạng internet” trên địa chỉ www.catphue.vn.

Giải quyết kiến nghị qua cổng thông tin

Ông Phan Ngọc Thọ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với mục đích nâng cao tính minh bạch, giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin, Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế với địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn được xác định là phương tiện thông tin của UBND tỉnh với mục đích thông tin tuyên truyền và định hướng dư luận thông qua việc cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hoá, các hoạt động kinh tế xã hội của Tỉnh và các hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Tỉnh; là đầu mối kết nối hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan hành chính các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Từ nhịp cầu này, rất nhiều chế độ, chính sách, quyết định, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời đến với người dân, doanh nghiệp và ngược lại, những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được kịp thời phản ánh, chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết. Các sự kiện chính trị, văn hoá xã hội... quan trọng của Tỉnh, ý kiến chỉ đạo Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế truyền tải kịp thời, có định hướng rất tốt cho người dân, doanh nghiệp...

Thông qua Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế, người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể phản ánh những kiến nghị, cũng như gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh để được xử lý, giải quyết và phản hồi lại trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế còn có phiên bản tiếng nước ngoài (tiếng Anh và tiếng Pháp) với các nội dung tương tự trang tiếng Việt, đáp ứng được nhu cầu muốn nắm bắt, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế của kiều bào và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong những kỳ họp HĐND tỉnh, huyện vừa qua, Thừa Thiên- Huế đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của các tổ chức cá nhân trong và ngoài địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn là đầu mối kết nối hoạt động và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo Phapluat
 

HotelHoangMinh

New Member
Năm 2010, bảo mật là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp

small_261002.JPG

Symantec vừa chính thức công bố kết quả nghiên cứu toàn cầu về hiện trạng bảo mật doanh nghiệp năm 2010, theo đó 42% tổ chức coi vấn đề bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Đây không hẳn là một điều ngạc nhiên khi có tới 75% tổ chức được khảo sát đều ít nhiều hứng chịu các cuộc tấn công mạng trong vòng 12/2009. Những cuộc tấn công này gây ra mức tổn thất trung bình cho các doanh nghiệp là 2 triệu đô-la Mỹ mỗi năm.

Các doanh nghiệp cũng cho biết vấn đề bảo mật ngày càng trở nên phức tạp do thiếu hụt nhân sự, và những sáng kiến CNTT mới cũng làm tăng thêm các vấn đề về bảo mật và tuân thủ CNTT. Bản nghiên cứu mới này được thực hiện thông qua khảo sát tới 2.100 giám đốc thông tin, giám đốc bảo mật thông tin và các nhà quản trị CNTT từ 27 nước khác nhau trên thế giới vào tháng 1/2010.

“Vấn đề bảo mật thông tin ngày nay trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Nếu triển khai một giải pháp bảo mật toàn diện cho phép bảo vệ hạ tầng và thông tin trong doanh nghiệp, thực thi các chính sách CNTT và giúp quản lý các hệ thống hiệu quả hơn, thì các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của họ trong thế giới thông tin hiện đại”, Francis deSouza, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách mảng Bảo mật doanh nghiệp tại Symantec nhận định.

Tấn công mạng thường xuyên hơn

Bảo mật là mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. 42% các doanh nghiệp coi các rủi ro an ninh mạng là vấn đề quan tâm lớn nhất của họ, hơn cả những vấn đề khác như thảm họa thiên nhiên, khủng bố và kết hợp với kiểu tội phạm truyền thống. Với nhận thức như vậy, CNTT ngày càng chú trọng nhiều hơn vào vấn đề bảo mật doanh nghiệp.

Trung bình, bộ phận CNTT đòi hỏi phải có 120 nhân viên phụ trách mảng bảo mật và tuân thủ CNTT. Các doanh nghiệp đều coi việc “quản lý tốt hơn rủi ro CNTT trong kinh doanh” là một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong năm 2010, và 84% doanh nghiệp coi đây là mục tiêu quan trọng. Gần như tất cả các doanh nghiệp được khảo sát (chiếm 94%) đã dự đoán rằng sẽ có những thay đổi về bảo mật trong năm 2010, và khoảng gần một nửa (48%) trong số đó kỳ vọng có những thay đổi lớn.

Các doanh nghiệp ngày càng phải chịu những cuộc tấn công thường xuyên hơn. Trong vòng 12 tháng trở lại đây, 75% doanh nghiệp cho biết họ đã bị tấn công trên mạng, và 36% doanh nghiệp cho biết những cuộc tấn công đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm tới họ. Tệ hơn nữa, 29% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cuộc tấn công đã tăng cao trong vòng 12 tháng qua.

Tất cả các doanh nghiệp (100%) đều đã phải chịu tổn thất mạng trong năm 2009. Ba loại tổn thất lớn nhất được tiết lộ là mất cắp tài sản sở hữu trí tuệ, mất cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng hoặc những thông tin tài chính khác, và mất cắp thông tin nhận dạng cá nhân của khách hàng. Những tổn thất này gây ảnh hưởng tới năng suất làm việc, lợi nhuận và làm mất niềm tin của khách hàng. Các doanh nghiệp cũng cho biết họ phải chi trung bình 2 triệu đô-la Mỹ mỗi năm để chống lại các cuộc tấn công mạng.

Bảo mật trong doanh nghiệp ngày càng trở nên phức tạp do rất nhiều yếu tố khác nhau. Thứ nhất, bảo mật trong doanh nghiệp thiếu thốn về nhân lực, những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố này là bảo mật mạng (chiếm 44%), bảo mật thiết bị đầu cuối (chiếm 44%), và bảo mật tin nhắn (chiếm 39%).

Thứ hai, các doanh nghiệp hiện đang ứng dụng những sáng kiến, phương thức mới khiến cho việc bảo mật trở nên khó khăn hơn bội phần. Những sáng kiến, phương thức mới được bộ phận CNTT (trên quan điểm về bảo mật) cho là trở ngại lớn nhất bao gồm: hạ tầng là dịch vụ (infrastructure-as-a-service), nền tảng là dịch vụ (platform-as-a-service), ảo hóa máy chủ, ảo hóa thiết bị đầu cuối, và phần mềm là dịch vụ (software-as-a-service).

Yếu tố cuối cùng, tuân thủ CNTT cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Một doanh nghiệp thông thường sẽ phải lựa chọn khoảng 19 chuẩn CNTT hoặc cơ cấu (framework) khác nhau, và họ hầu hết đều đang triển khai 8 trong số 19 chuẩn này. Những chuẩn CNTT hàng đầu gồm có: chuẩn ISO, HIPAA, Sarbanes-Oxley, CIS, PCI, và ITIL.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Các tổ chức cần phải bảo vệ hạ tầng của họ bằng cách bảo mật các thiết bị đầu cuối, môi trường tin nhắn và Web. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên cho việc bảo vệ những máy chủ nội bộ quan trọng và áp dụng phương pháp sao lưu và khôi phục dữ liệu của công ty. Các tổ chức cũng cần phải có khả năng bao quát, bảo mật thông minh nhằm giải quyết những mối đe dọa bảo mật một cách nhanh chóng.

Các nhà quản trị CNTT cần phải bảo vệ thông tin một cách chủ động bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận hướng thông tin nhằm bảo vệ cả thông tin và những hoạt động tương tác tới hệ thống. Ứng dụng phương pháp nhận biết nội dung (content-aware) để bảo vệ thông tin là chìa khóa cho phép nhận biết những thông tin nhạy cảm nằm ở đâu, ai có quyền truy nhập vào thông tin đó và những thông tin đó đến cũng như được đưa ra khỏi tổ chức của bạn bằng cách nào.

Các tổ chức cần phải triển khai và thực thi các chính sách CNTT cũng như tự động hóa những quy trình tuân thủ CNTT của họ. Với việc phân loại những rủi ro và xây dựng chính sách áp dụng trên mọi khu vực, khách hàng có thể áp dụng những chính sách này thông qua trình tự công việc và quy trình tự động hóa được xây dựng sẵn, điều này không chỉ giúp họ nhận dạng ra những rủi ro mà còn giúp họ khắc phục những sự cố khi xảy ra hoặc lường trước các sự cố trước khi chúng xảy ra.

Các tổ chức cần phải quản lý các hệ thống của họ bằng cách áp dụng các môi trường hệ điều hành bảo mật, sắp xếp và triển khai các cấp độ vá lỗi, tự động hóa các quy trình nhằm mang lại hiệu quả thông suốt, và giám sát cũng như báo cáo về hiện trạng hệ thống của mình.

Theo VnMedia
 

HotelHoangMinh

New Member
Top 5 cuộc chiến bản quyền công nghệ

Từ trước tới nay, các cuộc chiến bản quyền luôn làm cho các hãng phải đau đầu vì chúng không chỉ liên quan tới những khoản tiền bồi thường khổng lồ, mà còn liên quan tới sự tồn tại sản phẩm của họ. Bài viết này sẽ liệt kê top 5 vụ kiện bản quyền nổi tiếng nhất trong lịch sử của “thung lũng Silicon”.

img-1268214638-1.jpg

Chúng ta thử tưởng tượng một thế giới, Microsoft không được phép bán Windows hay Word, không ai có quyền sử dụng Blackberry, chip của Intel,… Điều đó thật kinh khủng nhưng khi chúng bị kiện, các nhà sản xuất ra chúng thường tìm đến các vụ dàn xếp, với những khoản tiền bồi thường khổng lồ để được tiếp tục lưu thông. Trong lịch sử công nghệ, các vụ kiện bản quyền nổi tiếng liên quan tới nhiều lĩnh vực, như từ giao diện đồ họa người dùng tới những sản phẩm nổi tiếng như BlackBerry. Nhưng nói chung, các vụ kiện thường là nhắm vào các hãng lớn có “túi tiền nặng” để có thể đáp ứng các vụ dàn xếp với khoản bồi thường khổng lồ. Điển hình nhất phải kể đến các vụ sau:

1. Ai phát minh ra GUI?

Giống như một di vật của quá khứ xa xôi, khoảng 30 năm từ khi Microsoft ra mắt Windows 3.0, hệ điều hành đầu tiên thành công của hãng nổi bật nhờ giao diện đồ họa người dùng (GUI). Chúng đã là một ý tưởng tuyệt vời nhưng ý tưởng đó là của ai?

Theo Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, ý tưởng đó không phải của Microsoft, nó là của Apple. Theo nhà phân tích Nathan Brookwood của Insight 64, Jobs thực sự có ý tưởng này khi ông có một chuyến du lịch Xerox (XRX) PARC nổi tiếng và nhìn thấy một phiên bản ban đầu của hệ điều hành “cửa sổ”.

Nhưng đâu là sự thật. Apple cho biết, mọi người nên “nhìn và cảm nhận” hệ điều hành Macintosh, toàn bộ chúng đã được đăng ký bản quyền và hãng đã kiện Microsoft tại tòa án liên bang Mỹ vào năm 1988. Tuy nhiên, hãng Xeror (Mỹ) đã nhảy vào cuộc xung đột này trước khi tòa án có những quyết định đầu tiên giải quyết vụ việc đó và đã kiện Apple đánh cắp ý tưởng của họ.

Sau 6 năm kiện tụng và cả hai vụ trên đều được kháng cáo lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ nhưng đều bị bác bỏ. Vì Apple không thể chứng minh cho những tuyên bố của họ còn Xerox đã để quá lâu.

2. Linux hay UNIX?

Đầu năm 2003, một hãng phần mềm có tên gọi SCO đã gây sốc cho Thung lũng Silicon với tuyến bố rằng, một phần của mã hệ thống UNIX bị phát hiện có cùng cách thức như trong hệ điều hành Linux của hãng. SCO, vốn không phát minh ra mã, đã từ chối xác định các phân đoạn cụ thể của phần mềm đã bị sao chép. Hãng tuyên bố rằng, đó là một bí mật mà họ sẽ chỉ tiết lộ cho tòa án. Tuy nhiên, theo sau vụ kiện này là khoản yêu cầu thiệt hại 1 tỷ USD chống lại IBM và các vụ kiện chống lại Novell, Red Hat và Daimler Chrysler.

Bên cạnh đó, vụ việc này đã gây lo lắng cho các khách hàng của bên thứ ba. Vì những người sử dụng Linux có thể phải chịu trách nhiệm vì gây thiệt hại lớn cho SCO. Mặt khác, cũng có nhiều lời cáo buộc rằng, Microsoft đã rót tiền cho SCO để giúp họ theo vụ kiện này vì chúng sẽ gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh của Microsoft. Nhưng cuối cùng, các vụ kiện này đều bị tòa án bác bỏ.

3. Blackberry bị kiện với khoản tiền bồi thường khổng lồ

Hầu như bất cứ ai cũng đã nghe về một hãng nhỏ có tên gọi NTP, ở bang Virginia (Mỹ). Tuy nhỏ nhưng NTP nắm giữ rất nhiều bản quyền không dây và đã kiện RIM, nhà phát minh ra chiếc Blackberry được dùng phổ biến hiện nay. Bồi thẩm đoàn của phiên tòa này đã đồng ý rằng, các bản quyền trên có hiệu lực và RIM phải bồi thường cho NTP một khoản thiệt hại trị giá 53 triệu USD. Vụ kiện đã kết thúc ở đây nhưng sẽ kéo theo một vụ kiện khác tắt tiền hơn. Vì thẩm phán đã phán quyết rằng, RIM tiếp tục vi phạm các bản quyền của NTP trong việc vận hành mạng dữ liệu của Blackberry. Ông có thể ban hành lệnh cấm dịch vụ này. Nhưng sau đó xảy ra một sự hoảng loạn khi mọi người từ khu thương mại Wall Street tới các cố vấn cao cấp của Nhà Trắng phải đối mặt với việc mất đi thiết bị điện tử yêu thích của họ. Cuối cùng, RIM đã dàn xếp một khoản tiền trị giá 615 triệu USD. Đây được coi là một trong số những vụ dàn xếp lớn nhất trong lịch sử các vụ kiện bản quyền công nghệ.

4. Chip Intel bị kiện

Intel và hãng sản xuất máy trạm Integraph đã rơi vào một chuỗi rắc rối kiện tụng bản quyền từ năm 1997. Integraph tuyên bố rằng, Intel – nhà chế tạo vi xử lý lớn trên thế giới đã đánh cắp các tính năng then chốt của chip Clipper của Integraph. Từ đó, Intel đã phải chi một khoản tiền 300 triệu USD bồi thường thiệt hại cho vụ liên quan tới thiết kế bộ nhớ. Còn vụ thứ hai, Intel bị báo buộc vì những vi phạm liên quan tới tập lệnh vi xử lý được biết đến như VLIW, với phí tổn dàn xếp là 225 triệu USD. Như vậy, tổng số 525 triệu USD Integraph đạt được là con số bồi thường thiệt hại lớn nhất mà hãng từng chiến thắng trong vụ kiện pháp lý chống lại Intel.

Bên cạnh đó, vụ việc trên còn liên quan tới nhiều hãng sản xuất máy tính. Chẳng hạn như, HP cũng bị liên quan vì đã mua chip từ Intel có chứa các tính năng nhớ mà Intergraph tuyên bố vi phạm bản quyền của họ. Nhưng cuối cùng, những khiếu kiện này cũng được dàn xếp ổn thỏa.

5. i4i kiện Microsoft

Một hãng nhỏ ở Canada có tên gọi i4i kiện Microsoft và buộc tòa phải ra quyết định cấm Microsoft bán Word. Hãng chỉ có 30 nhân viên này tuyên bố rằng, Microsoft đã vi phạm bản quyền về việc sử dụng tính năng của XML. Microsoft chưa bao giờ dừng bán Word nhưng hãng đã phải loại bỏ các tính năng bị kiện khỏi Word 2007 và các phiên bản Office 2010 sắp bán ra thị trường cũng như phải bồi thường một khoản tiền 290 USD cho i4i.

Ngoài những vụ kiện trên, trong thời gian gần đây, thế giới công nghệ còn rộ lên các vụ kiển bản quyền như Apple và Nokia kiện lẫn nhau. Gần đây nhất là vụ Apple kiện HTC, mà mục tiêu chính là nhằm vào Google. Tuy nhiên, các vụ kiện này vẫn chưa được ngã ngũ.

Theo Thongtincongnghe
 

HotelHoangMinh

New Member
Samsung công bố giá bán TV 3D

Hãng điện tử Samsung vừa chính thức công bố bảng giá bán các dòng TV 3D dành cho thị trường Mỹ. Mẫu nhỏ nhất (32 inch) có giá bán thấp nhất là 1.200 USD.

ImageView.aspx

Bắt đầu “nổi sóng” từ triển lãm hàng điện tử tiêu dùng quốc tế (CES) hồi tháng 1/2010 nhưng kể từ khi siêu phẩm điện ảnh 3D Avatar xuất hiện, cơn sốt TV 3D mới thực sự bùng nổ.

Dẫu vậy, người tiêu dùng vẫn phải tiếp tục chờ đợi bởi thị trường chưa chính thức xuất hiện mẫu sản phẩm này. Ngày 9/3, hãng điện tử Samsung đã tiên phong trong việc công bố giá bán và lộ trình ra mắt các sản phẩm TV 3D của hãng.

Theo bảng giá, trong tháng 3 - 4 và tháng 5/2010, Samsung sẽ ra mắt 18 mẫu TV 3D với các kích thước màn hình từ 32 inch đến lớn nhất là 65 inch. Giá bán rẻ nhất của một chiếc 32 inch là khoảng 1.199,99 USD. Mức giá cao nhất thuộc về mẫu 55 inch với 6.700 USD và ra mắt vào tháng 4/2010.

Nhưng chỉ với màn hình TV thì chưa đủ. Khách hàng muốn thưởng thức công nghệ hình ảnh 3 chiều phải có thêm đầu đĩa Blu-ray có khả năng trình chiếu 3D. Samsung cũng sẽ có bán các mẫu đầu phát này với giá bán 400 USD hoặc bộ rạp hát gia đình (home theater) Blu-ray với giá bán 900 USD vào tháng 4/2010.

ImageView.aspx

Dự kiến, ngày hôm nay (10/3) hãng điện tử Nhật Bản Panasonic cũng sẽ chính thức công bố bảng giá TV 3D của mình.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Motorola cam kết tài trợ 300.000 USD cho CNTT VN

Ngày 9/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã tiếp và làm việc với ông Eric Starues, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Motorola.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về chương trình hợp tác giữa Motorola và Bộ TT&TT. Ông Eric Starues cho biết phía Motorola đã có quyết định về chương trình tài trợ phát triển CNTT-TT Việt Nam. Chương trình có thời hạn 3 năm, từ 2010 đến 2012, với tổng giá trị là 300.000 USD.

Nội dung tài trợ dự kiến là học bổng hoặc giải thưởng cho sinh viên CNTT trong các trường đại học hàng đầu của Việt Nam, số tiền là 50.000 USD/năm. Ngoài ra, Motorola sẽ tài trợ cho các sự kiện về CNTT do Bộ TT&TT chủ trì với số tiền 50.000 USD/năm.

Theo ICTNews
 

HotelHoangMinh

New Member
Ngày 20/3 sẽ trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009

Ngày 9/3/2010, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp và các Thứ trưởng đã nghe Báo Bưu điện Việt Nam, Cơ quan thường trực Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam, báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009.

Đây là giải thưởng quy mô quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức, đã bước sang năm thứ hai với nhiều điểm đổi mới, với 30 giải thưởng sẽ được trao tặng cho các tổ chức, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT.

Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức sáng ngày thứ Bảy, 20/3/2010 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Buổi họp báo công bố Lễ trao Giải cũng sẽ được Bộ TT&TT tổ chức ngày 17/3/2010.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định việc tổ chức Lễ trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 cũng là một mặt của hoạt động quản lý Nhà nước và thể hiện vai trò quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh Lễ trao Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 cần phải được tổ chức trang trọng – nghiêm túc – khoa học và văn hóa.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Lại chuyện về “số 1”

Đúng ngày 8/3, mạng di động MobiFone, giống như các chị em phụ nữ, đã nhận được một “món quà” ý nghĩa: Mạng di động xếp số 1 tại Việt Nam về độ nhận biết thương hiệu, mức độ ưa thích và mức độ mong muốn sử dụng.

Bảng xếp hạng này là kết quả từ một cuộc khảo sát về thương hiệu của các mạng di động do công ty nghiên cứu thị trường theo đặt hàng của TNS tiến hành hồi cuối năm 2009 một mạng di động khác là Beeline.

Kết quả cuộc khảo sát cũng như tỷ lệ xếp hạng trong bản nghiên cứu thị trường của Công ty TNS có lẽ là kết quả điều tra độc lập đầu tiên về đẳng cấp thương hiệu, tuổi đời của thương hiệu cũng như những công sức đầu tư bỏ ra gây dựng thương hiệu của mỗi một mạng di động tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Công ty TNS – một công ty điều tra thị trường độc lập – có lẽ sẽ mở màn và đánh dấu cho nhiều cuộc khảo sát thị trường viễn thông di động độc lập tại Việt Nam trong thời gian tới, cũng sẽ chấm dứt một thực tế là mỗi một mạng di động tại Việt Nam thỉnh thoảng lại tự nhận mình là số 1, là nhất ở thị trường thường đua nhau về tăng số lượng mà chưa chú trọng đúng mức yếu tố chất lượng và chăm sóc khách hàng này.

Trong suốt một thời gian dài vừa qua, các mạng di động tại Việt Nam thường xuyên tổ chức các “cuộc đua”, lúc thì là đua cự ly ngắn, khi là chạy việt dã, để hút các thuê bao về mình. Cuộc đua này đã liên tục gây ra các cuộc chiến về giá cước, các chương trình khuyến mãi nhân đôi, nhân ba… gây mệt mỏi ngay cho chính những người trong cuộc. Cuộc chiến giá cước không chỉ làm lao đao những mạng nhỏ, mạng mới, mà còn khiến những lợi thế và khác biệt của các công nghệ viễn thông di động như GMS, CDMA… chẳng thể nào phát huy được tác dụng, gây ra những lãng phí không hề nhỏ nếu xét trên bình diện tổng thể toàn xã hội.

Sau một một trận đua như thế, lại có một mạng đứng lên nhận mình là số 1, mà chủ yếu là tính theo số lượng thuê bao mới phát triển, dẫu chẳng ai bình chọn, vinh danh. Họ dường như quên đi rằng, cái số 1 về số lượng thuê bao chẳng có ý nghĩa gì nếu như những khách hàng của họ không hề được đối xử hay chăm sóc chu đáo. Thương hiệu có thể được nhiều người biết đến, nhưng không bao giờ trở thành một thương hiệu đẳng cấp nếu chỉ tính theo số lượng người dùng. Một hãng hàng không giá rẻ có thể có rất nhiều người muốn bay, nhưng chẳng thể trở thành một hãng hàng không danh tiếng và có chất lượng phục vụ hàng đầu.

Một thương hiệu có được không thể chỉ qua một đêm, nhưng một thương hiệu hoàn toàn có thể suy sụp và biến mất sau một đêm nếu như khách hàng không được coi như thượng đế. Câu chuyện của hãng xe Toyota thời gian vừa qua hẳn là một bài học đáng để cho nhiều doanh nghiệp viễn thông di động Việt Nam soi và ngẫm.

Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty TNS công bố ngày 8/3 vừa qua quả thực mang lại rất nhiều ý nghĩa. Hy vọng rằng, sau những kết quả khảo sát được công bố đó, câu chuyện về mạng di động số 1 tại Việt Nam hẳn sẽ chuyển mình để mang tới những nội dung chất hơn, ý nghĩa hơn cho những khách hàng dùng điện thoại di động, từ các đại gia cho đến những người nông dân “mo-bi giắt cạp quần”.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Tấn công lừa đảo trực tuyến tăng kỷ lục

Hãng bảo mật RSA Security cho biết, riêng trong tháng 1/2010, số vụ tấn công lừa đảo (phishing) trên mạng Internet đã tăng hơn 21% so với tháng 12/2009 đưa tổng số vụ lên mức 18.820 – mức cao nhất từ trước đến nay và cao hơn gấp đôi so với số vụ của 1 năm trước đó.

Trong số này, kiểu tấn công “Fast-flux” (dùng botnet tấn công vào bộ phân giải tên miền) có mức tăng cao nhất với 24% số vụ. Tấn công lừa đảo cơ bản cũng tăng với khoảng 12% so với tháng trước đó.

RSA Security cũng lên tiếng cảnh báo về xu hướng tấn công nhằm vào các trường đại học, cao đẳng, các cổng thông tin điện tử và các hệ thống webmail. Đây là những mục tiêu dễ tấn công và có lượng dữ liệu rất lớn đồng thời cũng dễ lợi dụng để mở rộng vụ tấn công.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Phụ nữ vẫn bị đối xử bất bình đẳng trong IT

ImageView.aspx


Ảnh: minh họa.​

Lĩnh vực IT ngày càng vắng bóng phụ nữ trong khi sự bất bình đẳng về tiền lương vẫn chưa được giải quyết hay cải thiện bao nhiêu.

Đó chính là kết luận được rút ra từ cuộc khảo sát gần đây của Ủy ban liên minh châu Âu (EC). Cũng từ khảo sát này, EC đang lên kế hoạch mang tên “Hành động của EU” nhằm đấu tranh vì sự bình đẳng giới.

Phát biểu trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Cao ủy EU về Xã hội thông tin và Truyền thông Viviane Reding cho rằng châu Âu cần có những hành động nhanh chóng nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong việc trả lương đối với nữ giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Theo khảo sát của EC, phụ nữ làm việc trong ngành IT chỉ nhận được mức lương tương đương 82% của nam giới. Ở nước Anh, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi mức lương mà nữ giới được lĩnh chỉ bằng 79% so với nam giới.

Cũng theo số liệu phân tích của EC, hiện chỉ có khoảng 1/5 số nhân viên chuyên làm về lĩnh vực IT là nữ giới. Trong những năm qua, số phụ nữ tham gia vào lĩnh vực IT đã tăng lên nhưng thực tế là tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với tỷ lệ của những năm 1980.

Theo Sally Davis, giám đốc điều hành của trung tâm nguồn nhân lực Growing Ambitions, số phụ nữ trẻ theo đuổi nghề IT đã giảm tới 40% trong những năm qua.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Luật về TMĐT: Luôn theo sát thực tế doanh nghiệp

ImageView.aspx

Dưới đây là cái nhìn tổng quan của TS Lê Quốc Hưng – Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) về ý nghĩa của các văn bản pháp luật được Nhà nước, Chính phủ ban hành trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng, phát triển CNTT.

Trong thời gian qua, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời nhằm tạo điều kiện khuyến khích việc phát triển ứng dụng CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Có thể kể đến Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật CNTT (năm 2006), Nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT (năm 2006) và nhiều văn bản pháp lý khác… Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra những chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng như Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số191/2005/QĐ-TTg ngày 29/7/2005...

Với Luật CNTT (năm 2006), đây chính là Luật đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực CNTT, tạo hành lang pháp lý cho tất cả các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Tuy đây không phải là một chính sách riêng cho việc ứng dụng CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp, nhưng đã tạo ra cơ sở pháp lý và gián tiếp tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển ứng dụng. Đáng chú ý, trước khi Luật CNTT ra đời một năm thì Luật Giao dịch Điện tử đã được ban hành. Thực tế đó cho thấy sự quan tâm và ưu tiên của Nhà nước đối với hoạt động giao dịch điện tử, đặc biệt, điểm nổi bật là tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử bao gồm chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, bảo mật, giao kết, thực hiện hợp đồng điện tử…

Tuy nhiên, đặt trong thực tế thì dù các Luật nêu trên đã được ban hành thế nhưng việc thực hiện giao dịch trên mạng vẫn còn rất hạn chế. “Mổ xẻ” nguyên nhân, có thể nhận thấy còn vướng ở nhiều lý do như còn thiếu những quy định về giá trị pháp lý của chữ ký số, chứng thực số, thiếu những quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số, khiến cho các doanh nghiệp trong nước còn e ngại trong việc quyết định sử dụng hay không. Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa chính là chúng ta còn thiếu quy định về việc cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nên các doanh nghiệp không thể ứng dụng giao dịch trên mạng một cách đảm bảo. Chính vì vậy, có thể nói khi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ra đời quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì đây chính là cơ sở pháp lý cho việc cấp phép đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số, chứng thực chữ ký số và những quy định có liên quan khác nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật.

ImageView.aspx

Năm 2007, Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được xây dựng dựa trên căn cứ vào Luật Giao dịch Điện tử (năm 2005). Có thể thấy, các nội dung của Nghị định đã tập trung vào việc quy định thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ bao gồm ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, kế toán, kiểm toán và giao dịch điện tử trong các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính. Nghị định này tuy không có nội dung nào nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT, xong nó có tác động khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính với các cơ quan Nhà nước. Thực tế vài năm gần đây cho thấy ngành Tài chính đã có nhiều bước đi phù hợp để hiện đại hóa việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài chính, mà điển hình là việc cho phép doanh nghiệp thực hiện khai hải quan qua mạng, nộp hồ sơ khai thuế qua mạng…

Với Quyết định số 191/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010” ngày 29/7/2005, thì đây là chính sách cụ thể và trực tiếp nhất từ trước tới nay của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ ứng dụng CNTT. Đề án được phê duyệt cho thấy sự ưu tiên của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện tầm nhìn của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập nền kinh tế quốc tế.

Như vậy, có thể nhận thấy các chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT kể từ khi được ban hành ngày càng khẳng định những tác động tích cực đối với việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp. Các văn bản Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc ứng dụng, phát triển CNTT của khối doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân. Đồng thời, điều đó khẳng định sự bình đẳng của Nhà nước trong việc khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào thế giới số để nâng cao hiệu qủa sản xuất kinh doanh, cũng như năng lực cạnh tranh.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Internet có phải là một tác nhân gây nghiện?

ImageView.aspx

Ảnh minh họa của Times​

Internet liệu có tính năng gây nghiện giống như rượu hay ma túy, và liệu chứng nghiện game online có thể được chữa trị theo cách mà người ta cai nghiện ma túy hay không?

Ben Alexander thường xuyên phải vật lộn để thích nghi ở trường học. Từng bị bắt nạt ở khi còn học tiểu học, thậm chí còn bị bạn học đánh ở trường trung học, cậu hướng tới Internet, thế giới mà ở đó chàng trai này có thể tìm thấy cả một thế giới những người bạn mới. Đăng ký tham gia trò chơi trực tuyến rất phổ biến là World of Warcraft, cậu đã gia nhập một thế giới với 12 triệu người, trong đó có cả diễn viên Vin Diesel, người dẫn chương trình Jonathan Ross cùng với vợ là Jane Goldman – trong cuộc truy tìm làm hồi tưởng lại bộ phim nổi tiếng Chúa tể của những chiếc nhẫn của Tolkien.

Trong trò chơi, những người tham gia tạo ra các nhân vật và điều khiển những nhân vật này tham gia ác phường hội cùng với những người khác để đánh nhau hàng giờ liền. “Có rất nhiều người chơi với nhau,” Alexander nói. “Đó là điều làm cho trò chơi trở nên rất hấp dẫn, bởi vì những vấn đề hòa nhập với xã hội là thứ mà tôi thường xuyên phải đối mặt. Làm bạn và hòa nhập trong thế giới online đối với tôi dễ dàng hơn hẳn trong cuộc đời thực”.

Sự quan tâm của chàng trai 19 tuổi đối với trò chơi đã nhanh chóng trở thành một nỗi ám ảnh. Cậu bắt đầu bỏ những bài giảng sinh vật học ở trường đại học và online 17 giờ mỗi ngày để chơi game. Rốt cuộc, cậu đã được chẩn đoán chứng suy nhược và phải dùng thuốc điều trị. Ben cũng đã được chữa trị chứng nghiện Internet. Cậu đã thú nhận rằng mình cần sự trợ giúp: “Tôi không nghĩ rằng tôi có thể tự mình ra khỏi trò chơi đó”.

Mặc dù giới y học đang bị chia rẽ trong việc khẳng định liệu chứng nghiện Internet có tồn tại thực sự hay không, nhưng Online Gamers Anonymous đã đưa ra một chương trình 12 bước để giúp những người nghiện game có thể tự từ bỏ những trò chơi như là World of Warcraft, EverQuest hay là Final Fantasy. David Smallwood, giám đốc chương trình cai nghiện Internet The Priory tại London, thì tin rằng những trò chơi này đặc biệt có khả năng gây nghiện với các nam thanh niên.

Họ càng chơi giỏi trò chơi đó, theo Smallwood, thì họ càng ‘trở nên là một người quan trọng hơn’ trong game, điều mà họ không thể làm được trong cuộc sống thực. Để tiếp tục hưởng thụ địa vị cao cấp này, họ cần phải chơi game giỏi hơn nữa, và dành ngày càng nhiều thời gian cho trò chơi đó.

“Điều xảy ra sau đó là những bạn trẻ trở nên lãnh cảm, việc học ở trường của chúng bị ảnh hưởng bởi vì chúng không làm bài tập về nhà, và chúng có thể có thể mắc chứng nghiện chơi game đáng ghét bởi vì chúng ở trong phòng suốt ngày. Hơn nữa, sẽ có nhưng vấn đề khi chúng không ăn uống thường xuyên vì chúng không có thời gian để ăn uống khi đang ở giữa trận đánh”.

Ba năm trước, một bài báo trên tạp chí Advances in Psychiatric Treatment (Những phát hiện mới trong chữa trị bệnh tâm thần) đã thừa nhận rằng ‘một bộ phận đáng kể’ trong số 46,6 triệu người sử dụng web ở nước Anh – mà theo các chuyên gia khoảng 5-10% - có thể là những người nghiện Internet. Năm 2006, một báo cáo từ trường Y khoa, Đại học Stanford của Mỹ đã ước tính rằng gần 14% trong số 180 triệu người Mỹ dùng Internet đã nhận ra rằng họ rất khó ngừng sử dụng Internet trong vòng vài ngày.

Smallwood nói rằng 10 năm trước, ông không hề gặp bất kỳ ai mắc chứng nghiện Internet, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, ông đã gặp không dưới 10 ca, con số mà ông tin rằng chỉ là “một phần nổi” của một vấn đề trầm trọng hơn nhiều trong thực tế. Ông cho rằng các bậc cha mẹ thường thất bại trong việc chống lại chứng nghiện này bởi vì họ nghĩ rằng “nếu cu Johnny nhà mình đang ngồi trong phòng ngủ của nó và chơi game online, thì nghĩa là nó không ra ngoài với những mối nguy hại của ma túy hay rượu bia, và nó không ở ngoài kia với những đứa trẻ hư khác”.

Đôi khi ngay cả các bậc cha mẹ cũng gặp phải vấn đề. Trêng trang Gamerwidow.com (bà góa của những game thủ), nơi những nửa kia của các tay chơi game bạt tử trút sự bực dọc của họ về những cuộc hôn nhân thất bại. Một “bà góa” mới đây đã viết: “Lúc đầu tôi nghĩ chơi game còn hơn là anh ta đi quán bar, nhưng anh ta bắt đầu trở nên lãnh đạm ngay cả đối với tôi. Nhiều năm trời tôi van xin anh ta hãy đi ngủ, nhưng thi thoảng anh ta mới dừng chơi và chợp mắt trong khoảng 1 giờ đồng hồ”.

Tuần trước ở Hàn Quốc, một cặp vợ chồng đã bị bắt giữ vì bỏ đói con gái mình tới chết. Cặp vợ chồng này đã vô tâm và tàn nhẫn tới mức, liên tục bỏ bê đứa bé sơ sinh 12 tiếng một ngày và sử dụng thời gian đó trong quán café Internet để chơi Prius Online, một trò chơi fantasy trong đó những người chơi sẽ nuôi một cô gái ảo có tên là Anima. Đặc điểm gây nghiện của trò chơi trực tuyến đã thúc đẩy thủ tướng Lee Soung-sun, thành viên của đảng Quốc gia cầm quyền, ra quyết địn sẽ áp dụng một Đạo luật để hạn chế thời gian online của trẻ vị thành niên.

Vậy liệu chứng nghiện Internet có thể được coi là một chứng bệnh rối loạn tâm thần có thể phân loại, giống như chứng nghiện rượu hay ma túy hay không? Hiệp hội khoa học tâm thần của Mỹ (APA) đang soạn thảo ấn bản thứ 5 của Sổ tay thống kê và chuẩn đoán các bệnh rối loạn tâm thần (DSM). Cùng với đó là cuốn Phân loại quốc tế các căn bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được coi là cuốn sách chuẩn được giới y học phương Tây sử dụng để chuẩn đoán xem một bệnh nhân có bị mắc một trong số các chứng bệnh có thể nhận biết được hay không. Ấn bản mới ra đời năm 2012 của nó, sẽ có một chương mới với chủ đề Các chứng nghiện và những rối loạn có liên quan, nhưng chỉ có chứng nghiện đỏ đen là được xếp vào tiểu mục phi chất.

Tiến sỹ Charles O’Brien, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của APA về các chứng rối loạn liên quan đến vật chất, nói rằng việc thiếu các chứng cứ xác thực về mặt sinh học đã khiến cho triệu chứng nghiện Internet không được thừa nhận. Thay vào đó, phiên bản mới của DSM sẽ đề cập tới chứng nghiện Internet trong phần phụ lục với tư cách là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.

Smallwood, người không muốn thuyết phục thêm, coi triệu chứng nghiện là “bất kỳ một biểu hiện hoặc quá trình, mà nó được tiếp diễn mặc dù các hậu quả tiêu cực đang tăng dần. Nghiện nghĩa là làm việc đó ngày càng nhiều”, ông nói. “Vì thế một đứa trẻ chơi Internet game 2 giờ một ngày, rồi 4 giờ một ngày, rồi 8 giờ… Tôi biết nhiều người chơi game liên tiếp 11h, nhưng tôi không cho đó là do lỗi của World of Warcraft – nếu một ai đó bị mắc nghiện, thì nghĩa là họ đã là con nghiện”.

Theo ICTnews
 

HotelHoangMinh

New Member
Cổng TTĐT dành cho cựu học sinh Đức

Với phiên bản tiếng Anh và tiếng Đức, cổng thông tin có nhiều thông tin hữu ích cho các thành viên, trở thành nguồn thông tin để các doanh nghiệp Đức muốn tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 8/3/2010 tại Hà Nội, cổng thông tin dành cho cựu học sinh Đức tại địa chỉ www.alumniportal-deutschland.org (viết tắt là APD) đã chính thức ra mắt tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “Hỗ trợ phát triển các mạng lưới đổi mới thông qua cổng thông tin điện tử dành cho cựu học sinh Đức”.

Được biết, APD là dự án chung của 6 tổ chức của Đức là Tổ chức Di trú quốc tế, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức, Tổ chức Bồi dưỡng và Nâng cao năng lực Đức, Tổ chức AGEF, Viện Goethe và Quỹ Alexander von Humboldt.

Theo ICTnews
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top