Nguy cơ từ những phần mềm giả mạo số điện thoại
Hiện nay trên Internet có nhiều trang web hoặc phần mềm cho phép người sử dụng nhập số điện thoại bất kỳ để nhắn tin miễn phí hoặc gọi điện với giá rẻ, tuy nhiên chúng đang bị người có mục đích xấu lợi dụng.
Một số người sử dụng điện thoại phàn nàn rằng họ nhận được SMS với lời lẽ thô tục hoặc hàng chục cuộc gọi nhỡ từ bạn bè nhưng đến khi gọi lại thì người kia quả quyết họ không hề nhắn tin hoặc gọi điện mà cả hai không biết rằng họ đang trở thành nạn nhân của các dịch vụ mạo danh số di động như:
Nhắn tin miễn phí qua web
Hiện nay có khá nhiều trang web cung cấp dịch vụ gửi SMS miễn phí tới số thuê bao ở trong và ngoài nước. Một số site cho phép nhắn tin trực tiếp nhưng cũng có trang yêu cầu người dùng phải điền một số thông tin cá nhân như quốc gia, số điện thoại, nhà cung cấp dịch vụ, loại hợp đồng thuê bao, loại máy di động, địa chỉ e-mail, ngày tháng năm sinh, tên tuổi, mật khẩu truy cập... Tuy nhiên, người sử dụng không nhất thiết phải khai báo trung thực (tương tự khi đăng ký tài khoản e-mail).
Trên Internet có rất nhiều dịch vụ nhắn tin miễn phí.
Những dịch vụ này thường không có xuất xứ rõ ràng và tồn tại trong một thời gian ngắn. Nhiều người lo ngại chúng ra đời nhằm thu thập dữ liệu cá nhân, đặc biệt là số điện thoại, với mục đích bán lại cho những công ty chuyên quảng cáo sản phẩm qua tin nhắn.
Về phía người dùng, họ có thể khai thác dịch vụ trên để trêu chọc người khác, như giả vờ là người yêu của ai đó rồi 10h đêm nhắn tin với nội dung: "Em bị hỏng xe, đang ở gần Trung tâm hội nghị quốc gia. Điện thoại sắp hết pin, anh đừng gọi lại" khiến người nhận vội vàng lao đến rồi mới biết mình bị lừa. Hoặc một số người lại spam tin nhắn để quấy rối người mà họ không ưa.
Phần mềm nhắn tin
Đầu tháng 3, trên một số diễn đàn trong nước xuất hiện lời rao: "Đã bao giờ bạn nhận được tin nhắn từ chính số điện thoại của bạn hoặc từ một số bao gồm cả chữ cái mà bạn không thể hồi âm lại được, hoặc tệ hơn nữa là từ số điện thoại của một người bạn nhưng đến khi hỏi thì người đó cam đoan rằng họ hoàn toàn không biết gì về tin nhắn đó? Những điều tưởng chừng không thể bây giờ lại quá dễ dàng với phần mềm...".
Phần mềm này cho phép soạn tin sau khi nhập bất kỳ số điện thoại nào. Khác với dịch vụ nhắn tin miễn phí trên web, người sử dụng chỉ có thể dùng thử 1-2 SMS và nếu hài lòng, họ phải bỏ ra khoảng 50.000 đồng để mua gói 250 tin nhắn.
Gọi điện từ số giả
Hai hình thức nêu trên đã xuất hiện từ lâu và khá phổ biến nhưng mới đây cộng đồng mạng lại xôn xao về một phần mềm có khả năng giả số điện thoại để gọi trực tiếp sang một máy khác.
Bản chất của các dịch vụ tin nhắn, cuộc gọi giả mạo số đều là sử dụng giao thức VoIP.
Qua kết nối Wi-Fi, ADSL..., máy tính hoặc điện thoại sẽ gửi SMS đến máy chủ cung cấp dịch vụ VoIP và máy chủ đó sẽ kết nối tới dịch vụ trong nước để chuyển tin nhắn đến số điện thoại của người nhận. Nguồn:
Bkis. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc an ninh mạng thuộc Công ty an ninh mạng Bkis, cho biết chương trình có tên Friend... này thực chất là hình thức đàm thoại qua Internet (VoIP), có thể gọi điện trực tiếp qua trình duyệt hoặc dưới dạng ứng dụng cài đặt trên điện thoại iPhone và máy nghe nhạc iPod Touch (biến iPod thành điện thoại trong vùng có sóng Wi-Fi). Ứng dụng này cũng hoàn toàn có thể được chỉnh sửa để chạy trên điện thoại Symbian, Android, Windows Mobile...
Sau khi đăng ký tài khoản, phần mềm Friend... cho phép người sử dụng nháy máy nhưng không thực hiện được cuộc gọi. Để gọi điện, họ phải nạp tiền với cước phí rất thấp, như gọi đi Mỹ chỉ khoảng 0,1 USD/phút. Chưa kể, một số diễn đàn còn rao bán những tài khoản hack trị giá vài trăm USD chỉ với 100.000 đồng.
Gọi điện bằng chương trình Friend... trên iPhone và iPod Touch với số điện thoại giả.
Quản trị một diễn đàn cho biết rất nhiều người cài ứng dụng này, chủ yếu với mục đích tiết kiệm chi phí gọi điện. Số khác đăng ký tài khoản miễn phí để nháy máy trêu ghẹo bạn bè bằng số đẹp như 0999999999 hoặc số của giám đốc để người kia phải vội vã gọi lại cho "sếp".
Hiện vẫn chưa phát hiện trường hợp nào lợi dụng phần mềm Friend... để lừa đảo, tống tiền... nhưng ông Nguyễn Minh Đức nhận định, số điện thoại di động bị mạo danh sớm muộn sẽ gây nhiều nguy hiểm khó lường vì người nhận không thể phân biệt được đâu là số điện thoại thật, đâu là số giả.
Đại diện của một số nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước cho biết hệ thống của họ có thể phân biệt được đâu là cuộc gọi qua sóng GSM và CDMA (từ điện thoại tới điện thoại) và đâu là cuộc gọi qua ADSL, Wi-Fi. Từ đó, nhà mạng sẽ lọc và vô hiệu hóa tính năng giả mạo số. Người nhận được cuộc gọi từ các phần mềm trên thông qua giao thức VoIP sẽ chỉ thấy xuất hiện các số như 041740000 hoặc Caller 1, 2... (Người gọi 1,2...) thay vì một số di động cụ thể.
Theo Sohoa