Truyền hình trả tiền: Cần chế tài giám sát chặt hơn
Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm đầu kỹ thuật số DTH của VTC.
Truyền hình trả tiền, một lĩnh vực khá mới mẻ ở VN, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là khu vực đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng ban Biên tập Truyền hình cáp (VCTV), Đài Truyền hình VN đã trao đổi với BĐVN về lĩnh vực này.
Ông đánh giá thế nào về nhận thức của người dân đối với truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, với sự tồn tại song song của cả truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền, đặc biệt là khi truyền hình trả tiền giới thiệu những nội dung đặc sắc mà truyền hình quảng bá không có thì dần dần trong xã hội đã hiểu được chức năng nhiệm vụ và sự khác nhau giữa 2 hệ thống này. Người dân không còn nghĩ rằng cứ mắc ăng ten lên nóc nhà là có truyền hình như ngày xưa nữa mà họ bắt đầu hiểu thế nào là truyền hình cáp, thế nào là vệ tinh, thế nào là số và cũng có sự lựa chọn sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào.
Một vấn đề nữa là với mô hình kinh doanh khác nhau của các đài, nơi thì trông vào thuê bao, nơi thì trông vào việc bán thiết bị giải mã, nơi khác lại đặt vào mục tiêu quảng cáo... thì gọi là truyền hình trả tiền cũng vừa đúng, vừa sai. Ví dụ như VTC có thời gian chỉ kinh doanh đầu set top box chứ không kinh doanh kênh truyền hình, tức là người dân không trả tiền hàng tháng để xem kênh. Vì thế, người dân rất khó phân biệt gói nào là miễn phí, gói nào phải trả tiền. Ngay cả với phương thức trả tiền thuê bao hàng tháng thì khách hàng cũng không biết mình đang phải trả tiền để xem những kênh nào trên hệ thống này bởi với công nghệ truyền dẫn vệ tinh, cáp… mỗi gói kênh chương trình lại được đồng thời cung cấp cả kênh quảng bá và kênh trả tiền.
Nhưng các đài chắc chắn phải có một tiêu chí nào đó để đo lường được khách hàng có quan tâm đến gói dịch vụ của mình hay không?
Một trong những yếu tố khiến cho người dân định hình rõ truyền hình trả tiền khác với truyền hình quảng bá là ở những gói dịch vụ, thậm chí là những gói dịch vụ giá trị gia tăng mà họ được hưởng khi quyết định trở thành thuê bao của một hệ thống truyền hình trả tiền. Nếu như trước đây với truyền hình quảng bá, người dân được xem truyền hình không mất tiền và đổi lại phải xem quá nhiều quảng cáo (vì quảng cáo là nguồn thu duy nhất đối với truyền hình quảng bá) thì khi xem truyền hình trả tiền với hình thức đóng góp sẽ được hưởng chất lượng chương trình, số kênh, những gói chương trình khác truyền hình quảng bá.
Tiêu chí rõ ràng, dễ nhận biết nhất là số lượng thuê bao. Tôi cho rằng, sự lựa chọn của người dân hiện nay không chỉ dựa trên chất lượng nội dung của kênh truyền hình vì một số mạng của truyền hình trả tiền cung cấp một số kênh gần như nhau, đặc biệt là kênh nước ngoài. Người dân chưa phân biệt được rõ ràng. Vì thế, họ thiên theo hướng phân biệt về giá cả, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, hậu mãi... Nếu lấy đó làm tiêu chí thì rõ ràng người dân đã hiểu truyền hình phải trả tiền thì có nhiều kênh và truyền hình miễn phí thì chỉ có vài kênh thôi.
Nghĩa là nội dung các kênh không phải là tiêu chí then chốt trong sự lựa chọn của người dân đối với truyền hình trả tiền hiện nay, thưa ông?
Tôi không khẳng định như thế. Nhưng phải thấy rằng, nội dung ở trong truyền hình trả tiền không chỉ là bản thân chương trình mà còn là chất lượng kỹ thuật, độ phân giải hình ảnh, âm thanh... Song khả năng phân biệt được sự hơn kém giữa các gói kênh khác nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ lại không phải dựa trên nội dung bởi các nhà cung cấp dịch vụ thường có những kênh tương tự nhau. Do đó, việc khách hàng tìm đến sự chăm sóc chu đáo là tất yếu.
Và vấn đề đặt ra đối với các đài là phải tạo nên sự chuyên biệt của các gói dịch vụ cung cấp?
Cái đó thì chắc chắn rồi. Nhưng tôi xin đặt ngược lại vấn đề. VN không phải là một thị trường quá lớn, lại đang được chia sẻ bởi nhiều nhà đài khác nhau. Ở một nơi nào đó trên lãnh thổ, người dân chỉ có 1-2 sự lựa chọn nhà cung cấp chứ không phải lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất thì việc chuyên biệt lại là giải pháp vừa không có lợi cho các đài, vừa không có lợi cho cả người dân. Bởi việc ra đời các kênh chuyên biệt sẽ làm nhỏ đi số lượng độc giả xem chương trình, do đó suất đầu tư để một kênh truyền hình đến được với người dân là rất cao, chi phí này dân phải trả.
Tôi nghĩ rằng vấn đề chuyên biệt đặt ra ngay từ đầu thì phải có tầm nhìn và một chiến lược lớn thì mới có thể đi đến tận cùng được. Chứ còn như tình trạng hiện nay mỗi nhà mạng có một vài kênh sản xuất trong nước có thể đánh giá là xem được, lại không có sự chia sẻ thì người dân cũng thiệt, nhà mạng cũng thiệt, nhà đầu tư làm kênh cũng thiệt. Vấn đề chuyên biệt đúng về mặt tuyệt đối, lâu dài nhưng trong giai đoạn hiện nay, sẽ khó nếu các đài không trao đổi “hàng hóa” với nhau.
Trong truyền hình trả tiền việc khai thác các kênh nước ngoài cũng đang đặt ra những vấn đề về xã hội. Theo ông, những chính sách quản lý hiện nay đã là đủ?
Đánh giá chung về công tác quản lý Nhà nước thì không thể nói là lạc hậu được vì có 1 Bộ chủ quản để quản lý. Nhưng theo tôi, có những mảng phải làm chặt hơn. Chúng ta mới chỉ quan tâm tới khía cạnh chính trị và kinh tế nhưng sản phẩm truyền thông ảnh hưởng tới cả đời sống tinh thần và giáo dục đối với rất nhiều thế hệ khán giả cho dù là truyền hình quảng bá hay trả tiền. Vậy nên, nhiều vấn đề phải đưa vào nội dung quản lý nhà nước với những chế tài giám sát chặt hơn. Chẳng hạn như những chương trình truyền hình cho các lứa tuổi khác nhau phải được quản như thế nào. Cần có quy định chung về tính phù hợp của một chương trình truyền hình đối với những nhóm khán giả phân biệt theo lứa tuổi hoặc các tầng lớp trong xã hội. Việc này không phải tự nhà đài làm mà phải do cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra. Thậm chí, việc này phải làm thành một tiêu chuẩn VN và phải hình thành một cơ chế giám sát.
Hơn nữa, hiện nay nếu một chương trình được đánh giá không phù hợp thì được xử lý bằng cách không giới thiệu tới công chúng bằng những biện pháp kỹ thuật. Nhưng về lâu dài khán giả cũng đủ trình độ để phân tích và họ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi tiêu dùng của mình.
Nên nhớ rằng quản lý chặt không phải để cấm đoán mà là cùng nhau đưa ra hệ thống các chuẩn mực được xã hội chấp nhận, được các đài chấp hành. Và làm sao để những người thụ hưởng cũng hiểu những tiêu chí đó và cùng tham gia vào công tác quản lý. Cơ quan QLNN sẽ quá tải nếu nghĩ rằng cái gì cũng tự mình làm, nhưng nếu tin tưởng các đài, mà bản chất cũng là các cơ quan có trách nhiệm, uy tín xã hội rất lớn, thì sẽ tốt hơn là làm một mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTnews