Đánh giá Toshiba R700, nhẹ, gọn, mạnh, ồn và nóng
Thị trường máy tính xách tay siêu di động trung và cao cấp luôn là một trong những phân khúc cạnh tranh nhất với hàng loạt đối thủ nặng ký như Lenovo Thinkpad T, Thinkpad X hay Sony VAIO Z, VAIO S.
Toshiba cũng là một tên tuổi lớn vói dòng sản phẩm Portégé. Portégé R600 là một bước đi đáng nhớ của Toshiba khi tích hợp màn hình 12,1 inch vào thân máy có trọng lượng khoảng 1kg. Tuy nhiên, R600 lại bị than phiền vì mức giá khởi điểm quá cao cũng như cấu hính yếu dùng CPU ULV. Khi mà đối thủ chính Sony VAIO TT đã được nâng cấp lên thành VAIO Z màn hình 13,1 inch dùng CPU Core i, Toshiba cũng thực hiện bước đi tương tự khi cho ra mắt Portégé R700 màn hình 13,3 inch với CPU Core i và mức giá rẻ hơn rất nhiều. Chúng ta hãy cùng xem xét liệu R700 có đạt được mong muốn của Toshiba hay không?
Cấu hình, cấu trúc và trọng lượng:
Chiếc Toshiba R700 mà Tinh Tế có dịp cầm trên tay sử dụng vi xử lý Core i5 520M tốc độ 2.4GHz, 4GB RAM và ổ cứng 500GB 7200 vòng, chip đồ họa là chip tích hợp Intel. Có một điều khá kỳ lạ khi RAM, ổ cứng của R700 lần lượt do Samsung và Hitachi sản xuất trong khi Toshiba lại là nhà sản xuất danh tiếng bậc nhất trong lĩnh vực này. Toshiba không công bố giá chính thức nhưng theo “tin đồn” thì R700 cấu hình như trên sẽ có giá khoảng 1400$ ở Việt Nam. Ngoài ra còn có 1 phiên bản Core i7 và ổ SSD giá khoảng 2000$.
Trọng lượng R700 khá nhẹ so với một máy tính xách tay 13,3 inch, đạt khoảng 1,4kg, tức là ngang ngửa với 1 số netbook 10,1 inch. Thực tế cho thấy việc cầm R700 trên tay hoàn toàn thoải mái và dễ chịu, không nhẹ bẫng nhưng cũng chẳng nặng. Máy rất chắc chắn, có lẽ phần yếu nhất chính là nắp đóng mở ổ DVD!
Toshiba cho biết đã sử dụng hợp kim nhôm-magiê để giữ cho trọng lượng R700 nhỏ nhất nhưng vẫn phải bảo đảm sự chắc chắn tối đa của máy. Ngoài ra thì đây là sản phẩm được sử dụng thiết kế tổ ong ở một số thành phần bên trong, giúp giảm trọng lượng xuống khá nhiều so với thiết kế đặc. Một số nguồn tin cho biết R700 có thể chịu được trọng lượng 100kg và rơi từ khoảng 0,7m xuống đất mà vẫn không hề hấn gì.
Thiết kế tổ ong trong R700
Thiết kế, các cổng kết nối:
[video=youtube;saedm6HNslM]http://www.youtube.com/watch?feature=player_profilepage&v=saedm6HNslM[/video]
Màn hình:
Toshiba R700 có màn hình 13,3 inch, độ phân giải khá cao 1366x768. Đây là màn hình chống chói (matte, anti-glare) tức là loại màn hình không gương thay vì màn hình gương (glossy) mà chúng ta thường thấy. Việc sử dụng màn hình không gương luôn được đánh giá rất cao, tuy nó không sáng bằng nhưng lại cho góc nhìn rộng hơn và đặc biệt là không gây chói khi ra ngoài nắng.
Về mặt thông số cùng với tên tuổi của Toshiba, đây là một màn hình tuyệt vời. Tuy nhiên, sự thật lại chưa được như thế, màn hình không gương nhưng góc nhìn của R700 khá kém, chỉ đạt mức khá. Màu sắc trên màn hình anti-glare cũng không bóng bẩy như màn hình glossy mà nghiêng về sự thật nhiều hơn, đây là một ưu điểm mà những người làm đồ họa rất thích.
Nhìn một cách tổng thể, màn hình R700 không thật sự gây được ấn tượng như những dòng sản phẩm khác của hãng, nó không tốt nhưng cũng chẳng kém, chỉ ở mức trung bình.
Khả năng nhập liệu:
Bàn phím R700 vừa có ưu mà cũng có khá nhiều nhược điểm. Ưu ở chỗ nó có thể chống chất lỏng nên bạn không phải lo sợ việc đổ cafe vào máy. Nhược điểm là khả năng nhập liệu khá kém. Bàn phím R700 có chiều ngang hơi rộng trong khi chiều dọc lại hẹp, bạn sẽ phải mất rất rất nhiều thời gian để làm quen với nó. Hơn thế nữa, các phím có độ cao thấp, khi đánh sẽ phát ra những tiếng kêu to và cảm giác không tốt, gần như không có độ nảy, điều tối quan trọng để đánh giá một bàn phím.
Ngược với bàn phím thì touchpad của R700 được đánh giá tốt, nó có kích thước lớn và khá nhạy. Việc chia cắt 2 phím chuột phải, trái và chèn vào giữa là đầu đọc vân tay cũng làm giảm thao tác bấm nhầm của người dùng.
Sức mạnh:
Việc sử dụng vi xử lý Core i mạnh mẽ thay cho ULV yếu ớt đã làm tăng khá nhiều sức mạnh của Portégé dòng R. Thử nghiệm bằng hàng loạt phần mềm khác nhau cho thấy R700 nhanh hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm. Đây là kết quả PCMark Vantage, PC Mark 05 và điểm Windows Experience Index của máy.
Điểm thử Super PI
Điểm PCMark 05
Điểm PCMark Vantage
Điểm Windows Experience Index
So sánh PCMark Vantage với máy mạnh nhất thế giới
Nhiệt độ:
Với khu vực dày nhất chỉ chưa đến 2cm, việc tản nhiệt cho R700 là một vấn đề rất đáng để quan tâm. Toshiba đã sử dụng kiến trúc tổ ong và 1 loạt thiết kế tản nhiệt mới với tên gọi AirFlow Cooling nhằm giúp máy tản nhiệt tốt hơn. Thiết kế này cho phép không khí đi qua toàn bộ các linh kiện trước khi thoát ra ngoài, tức là luồng không khí cuối cùng sẽ rất nóng.
Nhiệt độ khi tải 100% trong thời gian dài
và khi mới tải
Chưa cần biết AirFlow Cooling có hiệu quả hay không nhưng cảm nhận đầu tiên của người dùng khi cầm R700 lên là máy khá nóng ở phần bên trái, tức là khu vực đặt khe tản nhiệt của máy. Bạn có thể hình dung ra phương thức hoạt động của AirFlow Cooling khi mà nhiệt độ máy tăng dần đều từ phải qua trái, đặc biệt là khi chạy Full Load. Cảm nhận này hoàn toàn có thể thấy bằng tay chứ không cần thông qua các chương trình thử nghiệm. Như hình mình thử nghiệm thì bạn có thể thấy nhiệt độ R700 có thể lên tới 89 độ, CPU lên tới gần 70 độ khi tải 100% trong thời gian dài.
Nhiệt độ chạy không tải
Có lẽ hiệu quả của AirFlow Cooling chỉ thật sự phát huy tác dụng khi máy chạy không tải, lúc này thì nhiệt độ khá ổn định, CPU giao động từ 23 đến 27 độ, khá mát. Tuy nhiên, đó là phần bên trong còn bên ngoài thì R700 vẫn hơi ấm ở khu vực tản nhiệt do thiết kế AirFlow.
Độ ồn:
R700 khá ồn ào ngay cả khi máy chạy không tải. Bạn có thể nghe rõ tiếng quạt quay trong điều kiện môi trường hơi yên tĩnh, còn khi máy tải năng thì tiếng ồn trở nên rất rõ. Đặc biệt sau khi tắt chế độ tiết kiệm điện eco, sức mạnh quạt được giải phóng hoàn toàn thỉ tình trạng còn trở nên khó chịu hơn. Dù sao đi nữa, lợi điểm là khu vực kê tay không nóng lắm.
Pin:
Sử dụng pin có dung lượng 5800mAh, Toshiba cho biết R700 có thể dùng liên tục 8 giờ liên tiếp. Thử nghiệm cho máy chạy full load, CPU luôn ở mức 100%, màn hình sáng 4/8 thì R700 chạy được khoảng gần 3 tiếng ở chế độ eco, và 2 tiếng khi tắt eco. Như vậy, khi dùng bình thường thì máy sẽ chạy từ 4-5 tiếng. Nếu dùng pin 9 cell thì theo Toshiba, thời lượng pin có thể lên tới 14 tiếng.
tắt eco
và kích hoạt eco
Ngoài ra, R700 còn có một phiên bản dùng pin SCiB (Super Charged ion Battery có khả năng sạc từ 0 lên 90% chỉ trong vòng 10 phút. Tuổi thọ của loại pin này là 10 năm. Tiếc là mình không được dùng thử, đây chắc chắn là bước tiến lớn của ngành công nghiệp pin thế giới. Được biết pin SCiB dùng để chế tạo xe điện và đã được ra mắt từ năm 2007 nhưng đây là lần đầu tiên được dùng trên máy tính xách tay.
Phần mềm:
Nếu như phần cứng không thật sự ấn tượng thì tính hấp dẫn của R700 lại nằm ở phần mềm. Toshiba trang bị cho máy hàng loạt phần mềm hữu ích và thú vị, các công cụ quản trị hệ thống của họ thậm chí còn có thể thay đổi thứ tự boot máy từ ngay trong Windows, cho phép tắt mở thành bất cứ thành phần nào của máy, cho dù đó là tính năng Turbo Boost, Memory Perfomance Mode hay xử lý nhiều nhân... Ngoài ra, tính năng kiểm tra máy cũng rất hay với hàng loạt tính năng như mạng, USB, ổ CD, ổ cứng, màn hình hay RAM, CPU....
Quản lý phần cứng chi tiết, có nhiều tính năng nâng cao
Tính năng sạc qua cổng USB khi tắt máy
Quản lý card đồ họa và màn hình
Kiểm tra tình trạng máy tính
Toshiba Reeltime
Intel My WiFi
Toshiba eco Utility
Quản lý máy
Kiểm tra các linh kiện
Thông tin về R700
Kết luận:
Có nhiều người cho rằng R700 là một chiếc máy tính xách tay 13,3 inch tuyệt vời nhất hiện nay, là 1 “VAIO Z killer”, đủ sức hạ bệ vị trí dẫn đầu trong dòng 13 inch mà Sony đã dày công xây dựng. Tuy nhiên, mình không nghĩ vậy vì Toshiba đã đào sâu hơn vào phân khúc giá laptop siêu di động bình dân với phiên bản rẻ nhất dùng Core i3 giá chỉ khoảng 900$ tại Mỹ trong khi chiếc máy rẻ nhất của Z giá gần 2000$ với CPU Core i5 và ổ SSD chạy RAID. Hơn nữa, màn hình Z cũng có độ phân giải tối đa FullHD, ổ Bluray và card đồ họa GeForce 330M, những tính năng mà R700 không bao giờ có.
Đối thủ của R700 chính xác hơn là chiếc VAIO dòng trung, VAIO S, Thinkpad X201 (12,1 inch), hay cao hơn một chút là Dell Latitude. Có thể R700 còn thua kém một chút về sức mạnh so với các đối thủ trên nhưng ưu điểm của nó là thân máy siêu nhẹ, bàn phím chống nước và đặc biệt là viên pin độc quyền SCiB (nếu được trang bị).
Hình ảnh:
Theo tinhte