Việt Nam phải có sản phẩm CNTT của riêng mình
Chỉ đạo này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông vừa khai mạc sáng nay, 15/1. Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá lại công tác của ngành trong năm 2009 cũng như đưa ra những chính sách, định hướng phát triển của năm lĩnh vực chủ chốt: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí và Xuất bản trong năm 2010.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cản trở về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đối với doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo những công tác trọng tâm trọng điểm, mang tính đột phá; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trên tất cả 5 lĩnh vực thuộc phạm vi Bộ quản lý.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kết quả đạt được của ngành Thông tin và Truyền thông trên cả 5 lĩnh vực khá toàn diện, đã đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước trong năm 2009.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý
Năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ 12 đề án, trong đó 6 đề án đã được phê duyệt như Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình (PTTH) đến năm 2020; Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) giai đoạn 2009 - 2010; Phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản (thư thường) trong nước đến 20 gram; Đề án bảo đảm mạng lưới thông tin biển, đảo...
Trong một thời gian ngắn, Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Đề án ”Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT”; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các bộ, ngành, các nhà khoa học và các nhà quản lý trong và ngoài nước, các doanh nghiệp CNTT-TT, các thành phần kinh tế, hội nghề nghiệp và nhân dân.
Trong lĩnh vực báo chí, Bộ tập trung nghiên cứu và đưa ra một số tiêu chí đối với cơ quan báo chí: Mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí; thực hiện tự chủ về tài chính; số lượng báo xuất bản và mức hưởng thụ bình quân bản báo tính trên đầu người hàng năm; tỷ lệ phát hành báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngày 10/9/2009, Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí in toàn quốc đến năm 2020.
Ngoài những chính sách, chiến lược đã được trình và ban hành, năm 2009, Bộ còn tiến hành nghiên cứu các đề án về cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch cho các năm tiếp sau như Chương trình cung ứng dịch vụ viễn thông công ích, Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, Quy hoạch hệ thống PTTH toàn quốc, Kế hoạch Ứng dụng CNTT giai đoạn 2011 - 2015, Đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn, Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến Game online, Quy chế chế tổ chức và quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại...
Bưu chính, Viễn thông, CNTT nhiều khởi sắc
2009 là năm Bộ chỉ đạo quyết liệt Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đổi mới phương thức quản lý, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, tăng cường tính chủ động, khai thác tối đa hiệu quả mạng lưới bưu chính, cơ sở vật chất hiện có, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống mạng lưới bưu chính một cách đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của các ngành, địa phương.
Tính đến hết năm 2009, mạng lưới bưu chính Việt Nam có 17.015 điểm phục vụ. Tổng số Điểm Bưu điện - Văn hóa xã 7.969 điểm, 6.040 đại lý, 2.849 bưu cục, 3.162 kiốt. Các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã tiếp tục phát huy được vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân thông qua sách, báo và phương tiện thông tin liên lạc.
Cùng với bưu chính, công tác QLNN trong lĩnh vực viễn thông, Internet tiếp tục đạt được nhiều thành tích. Bên cạnh việc tham mưu xây dựng và trình ban hành Luật Viễn thông, Luật Tần số VTĐ, lần đầu tiên, Bộ đã tổ chức thành công việc cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động tiêu chuẩn IMT-2000 di động thế hệ thứ 3 - 3G thông qua thi tuyển. Đây là hình thức cấp phép mới được Bộ nghiên cứu, chuẩn bị chặt chẽ từ nhiều năm trước và triển khai thành công trong năm 2009, khẳng định hình thức cấp giấy phép mới đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng với năng lực thực tế của doanh nghiệp tham gia thi tuyển.
Với việc tăng cường phủ sóng PTTH, đã phát triển được 28.400 trạm BTS, dịch vụ thông tin di động đã vươn tới các vùng biển và hải đảo. Các dịch vụ viễn thông tiên tiến nhất trên thế giới được triển khai ở Việt Nam như Internet băng thông rộng, dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G), truyền hình IPTV, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình số qua vệ tinh VINASAT-1, truyền hình độ phân giải cao HDTV, truyền hình di động...
Tốc độ phát triển thuê bao điện thoại tăng mạnh, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng hiện có 130,4 triệu máy, thuê bao di động chiếm 85,4%, mật độ điện thoại là 152,7 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 22,47 triệu người sử dụng Internet đạt mật độ 26,2%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2,89 triệu, chiếm khoảng 3,38%. Doanh thu BCVT năm 2009 đạt 143.314 tỷ đồng, tăng gần 61% so với năm trước. Nộp ngân sách nhà nước 13.903 tỷ đồng, tăng17,5%.
CNTT Việt Nam phải có sản phẩm của riêng mình
Năm 2009, lĩnh vực CNTT của Việt Nam được đánh giá có nhiều chuyển biến và phát triển với năng suất, hiệu quả cao. Năm 2009 tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT ước đạt 6,26 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 20%, trong đó công nghiệp điện tử, thiết bị viễn thông đạt là 4,68 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt gần 880 triệu USD, tăng 16% so với năm 2008; công nghiệp nội dung số đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 55% so với năm trước...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng bản đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT. Tuy nhiên, đây cũng là trăn trở của Thủ tướng với mong muốn làm sao đề án sớm được trở thành hiện thực.
Theo Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẳng định lĩnh vực thông tin và truyền thông đóng vai trò là một lĩnh vực mũi nhọn để từng bước xây dựng một nền kinh tế tri thức trong đó CNTT là hạ tầng phải đi trước. Để đưa quốc gia thành quốc gia mạnh về CNTT trước hết phải có nguồn nhân lực mạnh. Đây là yếu tố hàng đầu. Cùng với đó, phải đưa ra mục tiêu, giải pháp về sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin. Đề án phải đưa ra mục tiêu phấn đấu Việt Nam sẽ có sản phẩm CNTT riêng của chúng ta...
Tại Hội nghị, một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2010 đã được nêu ra như: Sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các đề án, dự án, các dự thảo văn bản Luật, dưới Luật, nhất là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Tần số VTĐ; tập trung hoàn thiện Luật Bưu chính để trình Quốc hội…; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử. Triển khai sâu rộng ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử từ Trung ương đến các địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tập trung sản xuất CNTT (phần cứng, phần mềm, nội dung số); triển khai thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT sau khi được Chính phủ phê duyệt…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là doanh nghiệp bưu chính viễn thông đi có những mức chỉ tiêu, doanh thu cao nhất của ngành.
Năm 2009, Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 78.600 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2008, nộp ngân sách nhà nước 7.650 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc chỉ đạo các đơn vị tổ chức lại các lực lượng bán hàng, bám sát thị trường, bám sát khách hàng, tổ chức tốt các đợt khuyến mại; xây dựng các cơ chế nội bộ nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên hoạt động tốt hơn.
Mạng lưới của Tập đoàn tiếp tục được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và tăng sức cạnh tranh, trong đó dự án backbone 80Gb đã lắp đặt xong đưa vào khai thác; tập trung đầu tư mạng 2G, 3G cho 2 Công ty thông tin di động, trong đó mạng Vinaphone đã lắp đặt và đưa vào sử dụng thêm hơn 6.000 trạm BTS; mạng Mobifone đã có thêm hơn 5.000 trạm BTS; mạng Internet tiếp tục khai thác 6 hướng quốc tế và mở rộng sang Lào, Campuchia ...
Theo VnMedia