Nhà văn và 'giấc mộng IT'
Đến bây giờ thì giấc mộng IT của các nhà văn đã vỡ. Họ ngộ ra rằng, Internet chỉ là phương tiện hỗ trợ công bố tác phẩm, chứ không phải là công cụ sáng tác.
Cách đây dăm năm, hàng loạt nhà văn từ Nam chí Bắc đua nhau mở web và blog, có mặt ở hầu hết các mạng Vn.360.yahoo.com, Blogspot.com, Wordpess.com, Vnweblogs.com... Những ngày đó đi đến đâu cũng nghe các nhà văn nói đến “oép”. Nhà văn trẻ thì hào hứng coi website như một cứu cánh.
Từ đây những sáng tác của ta sẽ không bị bất cứ cản trở nào nữa, không cần ai phải biên tập, thẩm định nữa. Với một trang web cá nhân, một mình ta vừa là người sáng tác, vừa là thư ký toà soạn và làm luôn chức… tổng biên tập! Internet muôn năm! Từ đây, khoảng cách giữa nhà văn và độc giả chỉ là một cú click. Viết trực tiếp trên mạng, công bố ngay, năng suất lao động nghệ thuật sẽ gấp mười phương thức cũ...
Và thế là hàng vạn vạn bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết viết còn sống sít vội vã được tung lên mạng, nhận được những comment khen vống lên, các nhà văn mừng hú ngỡ mình đã là văn hào thi bá. Có nhà văn trẻ còn mạnh miệng tuyên bố rằng, trong tương lai không xa, Internet sẽ “chôn sống” các ban biên tập và nhà in!
Các nhà văn “già” vốn thờ ơ với công nghệ, nhưng khi thấy dư luận xôn xao thì cũng mày mò đọc thử, đa số đều coi văn chương trên mạng là những thứ “rác rưởi”. Có người sau khi đọc một số sáng tác được tung lên mạng thì thẳng thừng nhại câu thơ của Cao Bá Quát để chế giễu: Ngán thay cái mũi vô duyên/ Câu thơ “bờ lốc” - con thuyền Nghệ An… Một bên thì tung hô hết lời, một bên thì dè bỉu không thương xót. Sự “xung đột thế hệ” này đã dẫn đến một cuộc tranh luận ồn ào trên báo chí xung quanh câu hỏi “Có hay không một nền văn học mạng?”. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình đã vào cuộc. Người tự tin thì bảo có, người hoài nghi thì bảo không. Cuộc tranh luận không ngã ngũ và đành để cho… thời gian trả lời.
Và bây giờ, thời gian đã đủ. Trong hàng trăm trang web của các nhà văn Việt Nam lập ra theo bệnh phong trào, đến nay chỉ còn một vài trang trụ được nhờ chủ nhà biết “nuôi oép”: Nhà văn Phong Điệp “nuôi” trang phongdiep.net bằng nguồn bài từ hai tờ báo lớn là Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ cùng nhiều thông tin cập nhật từ các báo; nhà văn Trần Nhương nuôi trang trannhuong.com bằng các thông tin thời sự chính trị; nhà thơ Lê Thiếu Nhơn “nuôi” trang lethieunhon.com bằng những bài châm chích các nhà văn, các giải thưởng văn chương; nhà thơ Văn Công Hùng “nuôi” trang vanconghung.vnweblogs.com bằng những bài báo dí dỏm viết về vùng đất Tây Nguyên; vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân nuôi trang thanngan.tk bằng những bài báo phản biện xã hội sắc sảo; nhà văn Nguyễn Quang Lập “nuôi” trang quechoablog.wordpress.com bằng những câu chuyện moi ra từ kí ức...
Những nhà văn này dùng thủ thuật “rau kèm thịt”, cứ post vài entry ngắn, hình ảnh sinh động để tạo không khí, thu hút độc giả ghé thăm rồi kèm tác phẩm văn học (đã viết trước đó) của mình. Do có nhiều thông tin nên số lượt truy cập ở những trang này rất lớn, có trang đã lên tới vài triệu. Nhưng nhìn số hiển thị lượt truy cập ở từng bài cho thấy độc giả vào những trang này chủ yếu đọc các mục tin tức - sự kiện, những entry ngắn, vui vui, còn tác phẩm văn học của chủ nhà thì… bỏ qua.
So với các nhà văn “già”, tham vọng của lớp trẻ lớn hơn nhiều. Một vài nhà văn trẻ thấy Trung Quốc có tác giả Bảo Thê viết trực tiếp trên mạng mà thành nổi tiếng nhờ truyện Xin lỗi em chỉ là con đĩ thì ào ạt bắt chước. Mỗi ngày gõ một đoạn truyện, vội vã post lên công khai ý tưởng, hướng phát triển truyện… để độc giả cùng tham gia. Tiếc rằng họ không phải là Bảo Thê nên tác phẩm của họ chỉ nhận được những comment kiểu hehe, hihi, haha, hay wé, đọc mún chít lun… của những người bạn blog khen lấy lệ, còn độc giả văn chương thì… “xin lỗi em chỉ là… bắt chước!”.
Cho đến giờ, người thành công nhất trong việc sáng tác trực tiếp trên Internet là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ngày mạng Yahoo 360 còn hoạt động, blog của Nguyễn Quang Lập mỗi ngày post lên một entry ngắn, chuyện văn chuyện đời được kể bằng giọng hài hước, suồng sã của một nhà văn có tài nên được cư dân mạng đón đọc hàng ngày, hàng giờ. Mỗi entry ấy có tới hàng trăm comment. Thấy thế, Nguyễn Quang Lập bèn tập hợp những entry này và in thành một cuốn mang tên Kí ức vụn, lập tức trở thành sách hot, cho dù nội dung cuốn sách cũng chỉ là những câu chuyện vụn vặt có văn mà thôi.
Vì bài vở nhạt dần nên hầu hết website, blog của các nhà văn Việt Nam đang trong tình trạng “thoi thóp”. Một số nhà văn cố gắng cầm cự bằng cách đưa những thông tin chính trị nhạy cảm, những tranh cãi ngoài luồng, những thông tin lá cải về đời tư văn nghệ sĩ, thậm chí cả hình ảnh khiêu dâm lên để câu khách. Nhưng những cư dân mạng ưa chuyện giật gân, tình ái, chính trị… thì không phải là độc giả văn chương, nên họ luôn thờ ơ trước những tác phẩm văn học mà chủ nhà dọn ra miễn phí.
Đến bây giờ thì giấc mộng IT của các nhà văn đã vỡ. Họ ngộ ra rằng, Internet chỉ là phương tiện hỗ trợ công bố tác phẩm, chứ không phải là công cụ sáng tác. Những cuốn sách được viết bằng sự nghiền ngẫm, qua nhiều khâu biên tập kĩ lưỡng, được in ấn đẹp vẫn là một sản phẩm văn hoá không và chưa thể thay thế được.
Theo ICTNews