'Lên đời' máy ảnh
Máy ảnh dù cũng mang tính thời trang nhưng không dễ thay như quần áo, nên để khỏi lãng phí, trước tiên, bạn nên tìm cách "sang tên" chiếc máy ảnh cũ của mình.
Sau một thời gian làm quen với nhiếp ảnh, sẽ đến lúc bạn nhận ra chiếc máy mình cầm đã "cổ lai hy" và mình cần phải nâng đời lên một tầm mới.
Nhu cầu nâng đời rất đa dạng, từ việc bạn đang chụp máy phim chuyển sang máy số, hay đang chụp máy du lịch chuyển sang DSLR, hoặc có thể đã dùng DSLR sẵn rồi nhưng muốn đổi một đời máy cao cấp và hiện đại hơn… Nhưng dù cho nhu cầu có là gì đi nữa, thì việc nghiên cứu kỹ những gì cần chuẩn bị khi nâng cấp cũng luôn cần thiết, bởi quá trình này không chỉ dừng ở riêng bản thân máy ảnh.
Máy ảnh dù cũng mang tính thời trang nhưng không dễ thay như quần áo. Vì thế để khỏi lãng phí, trước tiên hãy tìm người bạn có thể cho chiếc máy cũ để tận dụng tối đa, hoặc nếu bán được nó thì lại càng tốt nữa.
Sơ đồ phân khúc giá tham khảo của những máy thông dụng. Ảnh:
Digital Photography School.
Trên đây là sơ đồ các phân khúc giá cả những máy ảnh thông dụng. Nhìn vào đó bạn sẽ biết túi tiền của mình có thể đi đến đâu với mỗi lần nâng cấp. Tùy từng sở thích cũng như thị trường mà bạn có thể tự tìm thông tin về giá cả và lập một biểu đồ tương tự để so sánh. Nếu chuẩn bị nâng cấp lên những phiên bản có giá trên 500 USD, hãy nghĩ tới việc "nâng đời" lên DSLR. Đừng tiêu tốn quá nhiều tiền vào các phiên bản máy ảnh du lịch. Nếu thích mua, chỉ nên mua loại vừa tiền. Những tiêu chí quan trọng cần được cân nhắc trước khi mua máy ảnh du lịch bao gồm:
- Kích cỡ to hay nhỏ, mỏng hay dày.
- Zoom quang, lưu ý hiện có những máy sở hữu siêu zoom tới trên 20x.
- Chất lượng, thiết kế, độ khó dễ khi sử dụng, các chế độ chỉnh (tự động hay chỉnh tay).
- Tốc độ lấy nét, tốc độ chụp và thời gian hồi pin.
- Chất lượng hình ảnh, hỗ trợ ảnh RAW, độ mở tối đa ống kính khi chụp ở điều kiện thiếu sáng.
- Khả năng quay video, định dạng video hỗ trợ (chuẩn nén, tốc độ khung hình, độ phân giải…).
Độ phân giải giờ không còn là yếu tố quá quan trọng, bởi hầu hết máy ảnh đời mới hiện nay đều vượt qua 6 Megapixel, một mốc quá đủ cho mọi nhu cầu bình thường. Một số các máy tuy thân xác du lịch nhưng chất lượng đỉnh cao như phiên bản đứng đầu danh sách máy ảnh bán chạy châu Á cả năm trời Panasonic Lumix DMC-LX3 hay bản hoài cổ mới ra Canon S90.
Hãy dành thời gian xác định mình hay chụp gì nhất, từ đó mới khoanh vùng các loại máy cần lựa chọn thông qua việc tìm kiếm thông tin, bình luận về các phiên bản trên các trang công nghệ hoặc các diễn đàn.
Các phiên bản máy ảnh số thay thế ống kính không sử dụng gương lật nhỏ gọn hơn rất nhiều so với DSLR. Ảnh:
Digital Photography School.
Nếu quyết định "lên đời" DSLR thì nghĩa là không có khái niệm gọn nhẹ. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn thể loại thay thế được ống kính, bạn có thể thử nghiệm các phiên bản Micro Four Thirds của Olympus và Panasonic. Những máy này nhỏ gọn bởi đã loại bỏ hệ thống gương phản chiếu, thay vào đó là chế độ xem sống LiveView và màn ngắm điện tử. Ống kính của chúng cũng nhỏ hơn vì cảm biến nhỏ hơn hẳn. Ngoài ra, khả năng quay video không kém DSLR, thậm chí, chất lượng đôi khi còn nhỉnh hơn.
Một vài mẫu có thể để mắt tới gồm Olympus (E-P1, E-P2) và Panasonic (GH-1 và GF-1). Gần đây có thêm Samsung với máy ảnh mirrorless NX10 cảm biến APS-C và theo chân là Sony dù chưa chính thức có sản phẩm cụ thể trên thị trường.
Mặc dù gọn nhẹ nhưng các máy này lại khá đắt, phụ kiện bổ sung cũng không rẻ và không phải dễ kiếm. Khung ngắm điện tử đôi khi không chuẩn, tốc độ lấy nét chậm và kích cỡ thì "lỡ cỡ", nhỏ hơn DSLR nhưng chưa đủ gọn để nhét trong người. Gần đây Olympus đã bổ sung thêm mẫu E-PL1 giá rẻ hơn với một số cải tiến mới để giành thêm thị phần cho định dạng mới mẻ này. Ricoh cũng nhăm nhe bước chân vào thị trường máy ảnh nhỏ gọn thay thế ống kính, nhưng chọn một giải pháp khá khác người, đó là máy ảnh thế hệ GXR thay cả ống kính và cảm biến.
Trước khi chọn mua DSLR, bạn nên suy nghĩ chọn hãng vì bạn gần như phải sử dụng đồ nghề, phụ kiện của hãng đó. Ảnh:
Digital Photography School.
DSLR do cũng phải cạnh tranh nhau quyết liệt nên giờ không còn là sân chơi độc quyền cho giới chuyên nghiệp nhiều tiền nữa. Nikon D5000 bình dân có giá chỉ tương đương như Olympus E-PL1, trong khi lại tận dụng được kho ống kính vô cùng phong phú của Nikon. Canon EOS 500D hay Pentax K-x cũng là những lựa chọn sáng giá cho người mới chơi với nhiều tính năng tiên tiến cùng lợi thế hỗ trợ về ống kính và phụ kiện từ các hãng mẹ.
Trước khi chọn mua DSLR, bạn nên suy nghĩ về việc chọn hãng. Hãng nào cũng có những phiên bản từ bình dân đến cao cấp, với các tính năng chẳng ai thua kém ai. Vì thế, không nên băn khoăn về việc chọn phiên bản nào, mà là chọn hãng nào, bởi khi chọn hãng nghĩa là bạn gần như sẽ phải dùng tất cả các đồ nghề, phụ kiện của hãng đó, mà cái dễ thấy nhất là ống kính. Không phải là không thể đổi hãng, nhưng hãy thử nghĩ xem sau một thời gian chụp ảnh, bạn đã đổ một "mớ" tiền để nâng cấp lên một vài ống kính đẳng cấp (có những ống tới vài ngàn USD), thì việc đổi sang một hãng khác cũng không phải là một quyết định dễ dàng gì. Đối với Canon hay Nikon việc bán lại hàng cũ có thể không phải là một vấn đề gì lớn, nhưng với các hãng khác, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian rao bán hơn và đôi khi bạn sẽ nản lòng.
Khi đã quyết định sắm DSLR, nếu ngân sách eo hẹp, bạn có thể lựa chọn nâng cấp ống kính từ các hãng thứ ba (như Sigma, Tamron, Tokina), thay vì dùng ống chính hãng đắt đỏ. Một lưu ý khi mua ống kính là phải để ý chấu dùng cho máy số với chấu thời máy phim. Về cơ bản, chấu ống kính vốn cho các máy phim có thể lắp lên các máy số không vấn đề gì (như hệ thống EF của Canon hay AF của Nikon), tuy nhiên, ống được làm chuyên cho định dạng số (EF-S của Canon) thì chỉ lắp được trên máy số, hay các ống AF-S của Nikon với mô-tơ lấy nét tích hợp có thể lắp lên các loại máy khác nhau, trong khi AF chỉ hoạt động tự động trên những thân máy có mô-tơ nét tích hợp.
Sony Alpha A850, máy ảnh full frame giá hợp lý. Ảnh:
Digital Photography School.
Nếu là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hãy cố lên full-frame. Với lợi thế cảm biến lớn, tốc độ nhanh, thân máy chắc chắn, chống thời tiết, khai thác tối đa lợi thế của ống kính mà không lo thông số nhân hình, các máy DSLR full-frame đủ hoàn hảo trong mọi trường hợp. Nếu chuyên nghiệp hơn nữa, bạn có thể nghĩ đến các máy ảnh medium-format như Hasselblad với cảm biến lớn hơn full-frame, độ phân giải có thể lên tới 60 triệu điểm, nhưng giá thành cũng vì thế mà mắc hơn nhiều.
Nếu cũng là dân ham mêm nhiếp ảnh thì tùy tiền mà có thể sắm full-frame để tận dụng kho ống kính từ thời máy phim nếu đã từng chơi. Chỉ với khoảng 2.000 USD bạn đã có thể sở hữu một full-frame 24 triệu điểm ảnh kiểu như Sony Alpha A850. Nếu thêm khoảng 500 USD là đã có thể nghĩ tới Canon EOS 5D Mk II hay Nikon D700. Các hãng khác như Pentax và Olympus hiện vẫn chưa có các phiên bản full-frame.
Nếu là người mới chơi, mới nâng cấp từ máy du lịch thì cũng không cần nghĩ tới phải đầu tư quá lớn cho nhiếp ảnh vội làm gì. Hãy bắt đầu từ những máy APS-C tầm dưới 1.000 USD như Canon 500D, Nikon D5000, Sony A350 hay Pentax K-x. Cùng với ống kit, các máy này là một lựa chọn hữu hiệu để làm quen với thế giới nhiếp ảnh với chất lượng và tốc độ hoạt động đủ khiến những người mới chơi tha hồ khám phá.
Càng đi sâu vào con đường nhiếp ảnh, bạn sẽ càng thấy túi đồ của mình nặng lên, mà góp phần không nhỏ trong đó là các phụ kiện phụ trợ cho ảnh, như chân máy, ba lô, đế pin, kính lọc, các loại đèn, đầu đọc thẻ, ổ cứng copy ảnh… Tùy túi tiền và mức độ cần thiết mà bạn chọn phụ kiện, bởi cùng một thứ nhưng tùy từng hãng mà giá cả sẽ chênh nhau rất nhiều, như có chân máy (Manfrotto) hay túi máy ảnh (Lowepro) giá cả triệu bạc, trong khi cũng những thứ đó mà của Trung Quốc lại rẻ hơn nhiều.
Theo Sohoa