Doanh nghiệp máy tính kiến nghị giảm thuế
Doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính Việt đang gặp khó khăn bởi chính sách thuế. Ảnh: (ảnh minh hoạ)
Mặc dù Bộ Tài chính đã có Thông tư 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng, thành phẩm, linh kiện, phụ tùng nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử, CNTT, nhưng thực tế áp dụng từ đầu năm 2010 đến nay cho thấy, phương án này vẫn chưa tháo gỡ được triệt để nhất những cái khó cho DN.
Hưởng lợi từ thuế, khó khăn cũng từ thuế
Theo chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam Lê Ngọc Sơn, hiện giờ, do việc sản xuất các loại phụ tùng, linh kiện trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp hàng điện tử, CNTT nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu nước ngoài.
Tất cả những linh kiện máy tính đều là bộ phận không thể tách rời để tạo nên sản phẩm máy tính để bàn và xách tay hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, ở Việt Nam, chưa có một doanh nghiệp trong nước nào, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc dự kiến sẽ sản xuất được phụ tùng linh kiện máy tính. Một vài năm trước đây cũng đã có doanh nghiệp xây dựng đề án tiền khả thi sản xuất bàn phím và chuột máy tính nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Và nguồn cung vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.
Và thực tế này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính đang phải chịu bất lợi về chênh lệch mức thuế nhập khẩu giữa bộ phận, linh kiện điện tử, máy tính và sản phẩm nguyên chiếc thuộc biểu thuế ưu đãi và biểu thuế ACFTA.
Theo lộ trình CEFT/AFTA mà Việt Nam đang thực hiện, từ năm 2008 đến 2013 cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu của điện tử từ 0% đến 5%, đến năm 2015 là 0%. Lộ trình ACFTAtừ 2009 đến 2011 cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc 20-10% và linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu ưu đãi ít nhất 3-5%.
Với mức chênh lệch giữa sản xuất lắp ráp trong nước với thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ các nước ASEAN không lớn (các nhà lắp ráp máy tính Việt Nam đang phải chịu mức thuế nhập khẩu linh kiện máy tính để bàn và xách tay 3%), để khai thác lợi thế này, một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử, CNTT ở Việt Nam đã chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Và mặt hàng máy tính nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, giá thành hạ từ Trung Quốc và các nước ASEAN được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong nước. Phải nhập khẩu linh kiện, giá thành sản phẩm mà các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp khó có thể ngang bằng chứ không nói là thấp hơn so với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc. Không cạnh tranh nổi, các doanh nghiệp phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất, đa dạng hoá các ngành nghề kinh doanh để tồn tại. Thậm chí một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phải ngưng sản xuất.
Giảm thuế, còn phải chờ!
Buổi toạ đàm về chính sách thuế nhập khẩu linh kiện điện tử, phần cứng vừa được tổ chức chiều thứ 6, 14/5 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp điện tử, CNTT. Tại buổi toạ đàm, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử đã thay mặt các doanh nghiệp thành viên của mình đưa ra kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu linh kiện máy tính cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, không đúng với tính chất của tọa đàm, hầu hết lượng thời gian một buổi chiều được dành cho các doanh nghiệp chia sẻ, kêu khó và đại diện cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu nghe, tiếp thu để tiếp tục có nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới chứ khó có thể trả lời ngay được.
Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc tăng hay giảm thuế có những phản hồi trái chiều từ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất linh kiện thì yêu cầu dần tăng thêm thuế, nhưng doanh nghiệp lắp ráp lại bày tỏ nguyện vọng giảm thuế. Làm thế nào để có thể giải quyết hài hoà cả hai phía là một bài toán không mấy dễ dàng đối với cơ quan quản lý nhà nước và cần phải có thời gian nghiên cứu, cân đối.
Thuế là một công cụ hết sức quan trọng của nhà nước để điều tiết các hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh. Trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, thuế càng có ý nghĩa quan trọng. Những sắc thuế được ban hành luôn có tác động mạnh mẽ tới thị trường sản xuất trong nước. Và lẽ dĩ nhiên, từ thuế, túi tiền của người tiêu dùng sản phẩm Việt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Điều mong mỏi nhất từ phía doanh nghiệp hiện nay đó là làm sao phía cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách thuế hợp lý, đúng thời điểm, giải quyết hài hoà được lợi ích của ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thiết nghĩ, đó là nguyện vọng hết sức chính đáng rất cần phải có sự xem xét và triển khai sớm.
“Với những khó khăn nêu trên, nếu việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện máy tính không được giải quyết sớm thì các doanh nghiệp Việt Nam hoặc phải chuyển sang thuê sản xuất - lắp ráp máy tính ở nước ngoài, hoặc đình chỉ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm máy tính thương hiệu nước ngoài. Và việc làm này sẽ đi ngược lại với chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước” - ông Lê Ngọc Sơn nói.
Được biết, Việt Nam hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp máy tính như CMS, FPT Elead, VTB, Mekong Xanh… và hàng ngàn doanh nghiệp, cửa hàng lớn nhỏ khác đang cung cấp khoảng 60% sản lượng máy cho nhu cầu sử dụng trong nước.
Theo VnMedia