5 điều cần cân nhắc khi mua máy ảnh năm 2010
Nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ máy ảnh số trong năm 2010, phần nào giúp được người dùng đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Nhờ thiết kế mới, định dạng Micro Four Thirds sẽ bớt cồng kềnh và trở nên nhẹ nhàng.
Năm 2009, sự ra đời ồ ạt của một loạt công nghệ máy ảnh mới như: chụp hình 3D, tích hợp máy chiếu, trang bị cùng một lúc 2 màn hình trên một thân máy,... khiến không ít người dùng cho rằng sức sáng tạo của các nhà sản xuất sẽ cạn kiệt vào năm 2010.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ vẫn lạc quan đánh giá năm 2010 tiếp tục là năm “bùng nổ” của công nghệ máy ảnh số với những xu hướng chính, được nêu dưới đây. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng phần nào tới người tiêu dùng.
1. Định dạng Micro Four Thirds trở nên phổ biến
Là sản phẩm chung giữa hai hãng công nghệ Panasonic và Olympus, dạng máy ảnh Micro Four Thirds mới chỉ có một vài sản phẩm thương mại hóa vào quý III năm 2009 như Lumix GH1, GF1 (Panasonic) hay E-P1 (Olympus).
Tuy nhiên, thay đổi định dạng mới sẽ kéo theo chi phí đầu tư vào ống kính và phụ kiện.
Đặc điểm trên là lợi thế lớn giúp thế hệ máy ảnh Micro Four Thirds chiếm một vị trí đáng kể trong làng máy ảnh trong tương lai. Điều này càng được khẳng định khi Samsung nối gót Panasonic và Olympus cho ra đời chiếc NX10 có cấu tạo gần giống thiết kế Micro Four vào tháng 1/2010.
Không chỉ vậy, Sony và Fujifilm cũng “lăm le” tung ra các sản phẩm tương tự nhân dịp triển lãm công nghệ tại California vào đầu năm 2010.
Tuy nhiên, các đại gia DSLR như Canon và Nikon có thể sẽ không “tham chiến” trên dòng sản phẩm này vì lo ngại giảm doanh số các sản phẩm truyền thống. Hơn nữa, việc chuyển sang đầu tư cho dòng máy ảnh mới sẽ khiến hệ thống ống kính đồ sộ của hai hãng này trở nên lãng phí.
2. Các hãng máy ảnh chuyển đường đua từ cảm biến sang độ nhạy sáng (ISO)
Từ cuối năm 2008, kích cỡ cảm biến vẫn còn là đường đua của nhiều hãng máy ảnh lớn. Ở dòng máy PnS (ngắm là chụp, không phải chỉnh thông số), các sản phẩm của Canon (SD 990IS) tới Nikon (Coolpix S710) hay Panasonic (Lumix DMC-FX 150) đều có cảm biến ảnh lớn hơn 14Mp, không thua kém dòng máy chuyên nghiệp DSLR.
Tuy nhiên, theo ông Akira Watanabe, lãnh đạo tập đoàn Olympus, 12Mp là thông số “đủ đẹp” cho một chiếc máy ảnh PnS.
Hãy chú ý hơn tới chất lượng hình ảnh trong những bài kiểm tra ISO của các chuyên gia để có lựa chọn phù hợp.
Điều này hoàn toàn hợp lý vì sự gia tăng kích thước cảm biến chẳng có nhiều ý nghĩa với người dùng phổ thông, vì khách hàng ở phân khúc này chỉ chụp ảnh lưu trên máy tính hoặc chia sẻ trên mạng xã hội chứ không nhiều nhu cầu in ấn ảnh cỡ lớn.
Các chuyên gia dự đoán, đường đua mới cho các hãng máy ảnh chính là cải thiện khả năng khử nhiễu ở mức ISO cao. ISO là độ nhạy của cảm biến hình ảnh, giúp người dùng chụp hình trong điều kiện ánh sáng yếu, tuy nhiên, ISO càng cao, độ nhiễu càng tăng.
Trong cuộc đua về độ nhạy sáng, người dùng nên chú ý khả năng xử lý nhiễu của các sản phẩm và lắng nghe trải nghiệm của các chuyên gia nhiếp ảnh hơn là những lời quảng cáo.
3. Máy ảnh số truy cập internet
Sự bùng nổ của các mạng xã hội đang tác động không nhỏ tới chiến lược của các hãng máy ảnh. Sự gia tăng nhu cầu chia sẻ hình ảnh ở người dùng các mạng này thúc đẩy các hãng sản xuất tính tới việc cho ra đời những chiếc máy ảnh có khả năng truy cập internet.
Camera có thể kết nối internet hay không là điểm đáng cân nhắc khi mua máy ảnh trong năm 2010.
Nếu điều đó trở thành hiện thực, khách hàng của họ có thể cập nhật và chia sẻ tức thì hình ảnh vừa chụp, thay vì phải mất thời gian mang máy về nhà, tải vào máy tính và chỉnh sửa. Đây cũng là nhu cầu của không ít các phóng viên ảnh muốn gửi về tòa soạn hình ảnh của các sự kiện nóng bỏng.
Hiện trên thị trường, đã có những chiếc máy ảnh kết nối internet qua mạng wifi như Lumix DCM-TZ50 của Panasonic hoặc thông qua thẻ SD. Cách kết nối internet này cũng xuất hiện ở chiếc EOS 7D mới ra lò của Canon.
4. Sắp xếp lại cấu trúc cảm biến hình ảnh
Hiện một công nghệ mới chế tạo cảm biến đang được nghiên cứu, hứa hẹn đưa ra định dạng mới về điểm ảnh (pixel) nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh theo nguyên tắc: nhiều ánh sáng hơn, ảnh sẽ đẹp hơn. Theo đó, định dạng điểm ảnh BSI sẽ thay thế cho định dạng FSI.
So sánh định dạng điểm ảnh FSI và BSI.
Sự khác biệt nằm ở chỗ, trong cấu tạo của điểm ảnh BSI, các mạch điện nhỏ sẽ nằm dưới lớp nền (cấu tạo từ chất bán dẫn silicon), do đó không cản ánh sáng tới tế bào quang điện như loại sử dụng điểm ảnh kiểu FSI.
Các hãng máy ảnh hứa hẹn, năm 2010 sẽ hoàn thiện công nghệ chế tạo cảm biến mới này. Do đó, đây cũng là một điểm đáng lưu ý mới khi chọn mua máy ảnh.
5. DSLR tích hợp chức năng quay phim
Ngày càng nhiều các hãng máy ảnh đưa tính năng quay phim (định dạng HD) vào các dòng máy trung, cao cấp như Canon, Nikon.
Dù chậm bước với loạt sản phẩm A500, A550, A850 không có chức năng video, nhưng Sony vẫn quyết tâm chạy theo Nikon và Canon và tuyên bố: “Năm 2010, video là cần thiết cho dòng máy DSLR!”
Với những tay máy chuyên nghiệp, đó có thể là tính năng thừa, nhưng với nhà sản xuất, đó là một cách làm mới sản phẩm và hấp dẫn nhiều người mua hàng hơn nữa.
Khả năng quay phim của các máy DSLR không thua kém máy quay phim handy camera.
Tuy nhiên, biến máy ảnh DSLR thành một máy quay không hẳn là sự gượng ép có nguyên nhân từ thị trường.
Theo thống kê không chính thức của Canon, lượng lớn người dùng ở Mỹ mua EOS 5D Mark II để quay phim không kém gì mục đích chụp ảnh. Hơn nữa, đầu tư vào một chiếc DSLR có thể quay phim sẽ tiết kiệm hơn so với việc bỏ thêm tiền mua một chiếc máy quay cầm tay (handy camera). Đó cũng là lý do giúp Canon mạnh dạn đầu từ công nghệ này cho cả các sản phẩm ra đời sau như EOS 1D Mark IV và EOS 7D.
Theo ICTNews