Hình thành các trung tâm trọng điểm về công nghiệp CNTT
Việc thành lập các Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung sẽ góp phần hình thành các trung tâm trọng điểm về công nghiệp CNTT, góp phần định hướng và phát triển toàn ngành công nghiệp CNTT trong cả nước.
Đây cũng là những trung tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản phẩm CNTT; tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực viễn thông, tài chính (thuế, kho bạc, kiểm toán...), ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thành lập các khu CNTT còn nhằm phục vụ cho việc đào tạo chuyển giao CNTT; là nơi ươm tạo doanh nghiệp CNTT Việt Nam; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước,...
Trước những vai trò quan trọng của Khu CNTT tập trung hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về Khu CNTT tập trung.
Việc thành lập các Khu CNTT tập trung sẽ góp phần hình thành các trung tâm trọng điểm về công nghiệp CNTT. Ảnh minh họa.
6 chức năng của Khu CNTT tập trung
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Khu CNTT nên tập trung thực hiện 6 chức năng: 1- Sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNTT và cung ứng dịch vụ CNTT; 2- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển về CNTT; 3- Đào tạo nhân lực CNTT; 4- Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp CNTT; 5- Tổ chức hội chợ, triễn lãm, trình diễn sản phẩm và dịch vụ CNTT; 6- Thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động CNTT.
Trong dự thảo quy định về Khu CNTT tập trung, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng 5 điều kiện thành lập mới Khu CNTT tập trung. Theo đó, điều kiện đầu tiên là phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung, hoặc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT quốc gia đã được phê duyệt, hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra còn đáp ứng các điều kiện khác như: thực hiện các hoạt động phù hợp với chức năng của Khu CNTT; tổng diện tích đất của các khu CNTT tập trung đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 70%; có quy mô thích hợp về diện tích sử dụng, đáp ứng yêu cầu của các hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, cung ứng dịch vụ CNTT, nghiên cứu và phát triển CNTT, ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp CNTT; có địa điểm thuận lợi về giao thông và thuận lợi cho việc liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất về CNTT.
Thẩm quyền thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung cấp trung ương quản lý do Thủ tướng Chính phủ quyết định; cấp địa phương do UBND tỉnh quyết định sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2 loại Khu CNTT tập trung
Dự thảo nêu rõ, Khu CNTT tập trung bao gồm 2 loại.
Loại 1 là khu CNTT tập trung chuyên biệt, có ranh giới địa lý xác định, tập trung các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động phù hợp với chức năng của Khu CNTT tập trung.
Các loại hình bao gồm: Khu công nghiệp, công viên phầm mềm, trung tâm công nghệ phần mềm, trung tâm CNTT và các loại hình khu khác đang hoạt động thỏa mãn các điều kiện sẽ được xem xét công nhận khu CNTT tập trung.
Để được công nhận là Khu CNTT loại 1, ngoài việc phải đáp ứng quy hoạch hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; phải có ít nhất 80% lao động trên tổng số lao động và có tối thiểu 2.000 lao động làm việc chuyên môn về CNTT.
Khu CNTT tập trung loại 1 được tổ chức thành 2 nhóm phân khu chức năng chính gồm: Nhóm phân khu thực hiện các chức năng của khu CNTT tập trung (như: Khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT, Khu nghiên cứu - phát triển và đào tạo - Vườn ươm CNTT - Tư vấn...) và Nhóm phân khu cung cấp các dịch vụ dân sinh cho khu CNTT tập trung (gồm: Khu nhà ở cho chuyên gia, Khu sinh thái và dịch vụ dân sinh, Khu Tài chính hoặc liên kết tài chính...).
Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các Khu CNTT tập trung có thể không có đầy đủ các phân khu chức năng như trên nhưng tổng diện tích Nhóm phân khu thực hiện các chức năng của khu CNTT tập trung vẫn phải đảm bảo chiếm tối thiểu 60% diện tích tổng thể Khu CNTT tập trung. Phân Khu nhà ở cho chuyên gia không được chiếm quá 5% diện tích tổng thể Khu CNTT tập trung.
Loại 2 là khu bao gồm ít nhất 2 cơ sở hoạt động phù hợp với chức năng của Khu CNTT tập trung, nằm tách rời nhau nhưng cùng thuộc một khu vực địa lý (gồm một hoặc một số khu vực địa giới hành chính liền kề) và có sự liên kết hoạt động.
Để được công nhận là Khu CNTT tập trung loại 2, ngoài việc phải phù hợp với Quy hoạch hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; khu này phải có ít nhất 80% lao động trên tổng số lao động và có tối thiểu 1.000 lao động làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin; các cơ sở thuộc cùng một Tổ chức quản lý hoặc có sự liên doanh, liên kết, hợp tác hoạt động.
Theo VietnamNet