Thâm nhập chợ iPad “nhái”
Cứ ngỡ, iPad nhái chỉ có một vài loại, đi vào thực tế và tìm kiếm thêm thông tin từ những cá nhân rao bán trên mạng mới hay là có cả một “rừng” iPad. Từ những chiếc iPad “nhái” cách sử dụng, nhái hình thức bên ngoài khá giống đến cả những chiếc iPad được sản xuất khéo léo như hàng thật.
Có rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tham gia vào thị trường này và mang đến cho iPad muôn hình muôn vẻ. Tháng 5/2010, nhà sản xuất Caszh ở Thâm Quyến công bố giá iPad “nhái” chỉ có giá khoảng 1,5 triệu đồng. Đây là một trong số ít nhà sản xuất công bố thông tin rộng rãi. Đa phần còn lại vẫn là hàng “chui”, hàng “no name” không tên tuổi. Và lẽ dĩ nhiên, những mặt hàng này khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã khiến cho người dùng hết sức bối rối.
Một trong những mẫu iPad nhái
Loạn tên gọi, hệ điều hành, cấu hình
ePad, iPao, Winpad, Z10, iPed, iRobot, Npad, Shenzhen P88... là những tên gọi của các mẫu iPad “nhái” với kích thước màn hình từ 7-10 inch đều có đủ. Cấu hình máy cũng cực kỳ phong phú, từ những CPU chỉ có xung nhịp 300MHz cho đến CPU Atom tiên tiến của Intel. Hệ điều hành cũng “trăm hoa đua nở” theo. Các máy có cấu hình yếu từ 600MHz trở xuống thường sử dụng hệ điều hành Android 1.6 hay 2.2. Các máy sử dụng CPU Atom thường là hệ điều hành Windows 7. Đây đều là các dòng được bán rộng rãi tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số dòng khác sử dụng hệ điều hành Snow Leopard (Báo tuyết, của Apple) hay Meego của Intel hợp tác cùng Nokia.
Các mẫu này có mức giá thiên biến vạn hóa. Với hàng chục cái tên và hệ điều hành, cấu hình đi kèm, chúng tôi không sao nhớ xuể. Khi muốn mua, chúng tôi chỉ nhớ giá, chứ tên thì chịu vì mỗi người bán mỗi mẫu khác nhau. Từ khoảng 2,5 triệu đồng đến khoảng 8 triệu đồng và cả những dòng cao cấp với giá hơn 450USD.
Tuy nhiên, các mẫu đắt tiền không phổ biến tại Việt Nam vì mức giá cao gần bằng với iPad thật (từ 600 – 800USD). Hơn nữa, giá 8 triệu là đã mua được chiếc máy tính bảng hiện đang rất được ưa thích như Archos 7-9 inch. Phổ biến nhất là loại 2,5 triệu đồng thường “nhái” cách sử dụng là chính vì kích thước bên ngoài của chúng nhỏ hơn iPad thật, màn hình 7 inch. Loại này, người bán không công bố chi tiết CPU để đánh lừa người dùng không am hiểu (máy chỉ sử dụng CPU 300 MHz). Tầm giá 4 triệu đồng trở lên thì nhiều mẫu phong phú, kiểu dáng và cả chất lượng có khá hơn. Chúng “nhái” iPad thật khá giống, đạt khoảng 80%, CPU cũng từ 600MHz trở lên. Điển hình là ePad có hệ điều hành Android, màn 10 inch, CPU ARM Core Rtex A8 1GHz, bộ nhớ RAM 256MB, ROM 1GB, kết nối mini USB, Ethernet, Wi-Fi, Bluetooth, Webcam.
Nhìn sơ qua, các cấu hình có vẻ rất ổn bởi đầy đủ các kết nối, tiện nghi như Webcam, Wi-Fi. Có những mẫu còn có cả bàn phím QWERTY. Ổ cứng tương đối, RAM và ROM cũng tạm chấp nhận được. Điểm yếu của iPad “nhái” giá rẻ nằm ở CPU quá yếu không đáp ứng được các tác vụ. Mỗi lần thực hiện một tác vụ, người dùng phải có thời gian chờ. Cảm ứng lại không mượt mà nên nhiều khi chạm rồi mà không biết là chạm hay chưa, không biết vì màn hình cảm ứng không mượt hay vì CPU chưa kịp xử lý ứng dụng. Còn các mẫu dùng CPU Atom thì lại có giá quá cao (khoảng 400USD). Các mẫu có CPU Atom tuy chúng tôi chưa có điều kiện thao tác thật sự nhưng đây là vi xử lý của netbook nên chắc chắn sẽ tốn nhiều pin.
Đơn cử như mẫu iPad “nhái” (không có tên cụ thể) đang được chào bán rộng tại Sài Gòn có giá từ 400-450USD, bảo hành một tháng có CPU Atom 1,66GHz, RAM 1GB, HDD 160GB, card đồ họa Intel GMA 3150, màn hình 10inch, độ phân giải 600x1024 multi touch. Điểm đặc biệt của dòng này là có multi touch (cảm ứng đa điểm), cấu hình netbook, chạy hệ điều hành Window 7 Ultimate. Điều chúng tôi quan tâm là với cấu hình của netbook nhưng pin lại của máy tính bảng như vậy, không biết thời gian pin sử dụng được bao lâu, chất lượng sản phẩm có tương xứng với giá thành hay không?
iRobot – Một trong số mẫu iPad ‘nhái’
Tưởng rẻ mà không rẻ
Đa số khách hàng chọn iPad “nhái” vì giá rẻ. Nhưng chúng có thật sự rẻ hay không lại là một vấn đề cần được bàn bạc kỹ. Mẫu iPad “nhái” có giá 2,5 triệu đồng nhưng giá thực bán tại Trung Quốc chỉ có 1,3 triệu đồng.
Nếu đầu nậu mua với số lượng nhiều thì mức giá còn thấp hơn. Như vậy, đầu nậu và chân rết phân phối chia nhau khoản lãi xấp xỉ 40% sau khi khấu trừ các chi phí đi lại, vận chuyển. Giá 2,5 triệu đồng cũng không phải là giá phổ biến mà có thể tăng, giảm. Nhiều khi muốn đẩy hàng nhanh, các chân rết sẽ chấp nhận bán thấp hơn khoảng vài trăm nghìn. Song, cũng có người bán đến 2,9 triệu đồng vì cho rằng sản phẩm của mình chất lượng hơn như màn hình cảm ứng siêu nhạy, sáng đẹp. Nguồn gốc hàng thì rất nhiều nhưng đa số người bán đều giới thiệu nguồn hàng mình là từ Thâm Quyến, nơi đặt nhà máy Foxconn của Apple. Với mẫu 2,5 triệu đồng mà chúng tôi có dịp trải nghiệm thực tế thì chắc chỉ cầm đi chơi cho vui chứ không thể làm được gì. Chỉ việc khởi động máy đã mất gần 3 phút thì nói gì đến việc chơi phim HD, nghe nhạc như quảng cáo.
Với những mẫu có cấu hình mạnh hơn được bán tại Việt Nam với giá từ 4 triệu đồng trở lên thì CPU xử lý nhanh hơn. Nhiều mẫu còn được cho là dễ dàng nâng cấp lên hẳn 1GHz. Tuy nhiên, liệu có nâng cấp được hay không, sau khi nâng cấp thì dùng có ổn định không thì chưa có lời giải đáp cụ thể.
Theo chúng tôi, dù có nâng cấp thì cấu hình ấy vẫn còn khá chậm mà giá này đã gần đủ để sở hữu netbook, cấu hình tốt, pin lâu, thương hiệu nổi tiếng và làm được nhiều việc hơn. Đương nhiên, vẫn có khách hàng chấp nhận mua hàng nhái vì nhu cầu của họ chủ yếu là để khoe, chỉ quan tâm đến kiểu dáng mà ít chú trọng đến tính năng. Nhưng nếu bạn muốn có một chiếc máy giải trí thời trang thật sự thì lời khuyên là không nên. Chưa kể, đã mua là xem như “mất trắng” vì không thể thanh lý. Khả năng máy gặp trục trặc, sự cố là hoàn toàn xảy ra. Đây cũng là điều mà bạn nên hết sức quan tâm trước khi quyết định mua hàng. Bởi lẽ, nguồn hàng này rất đa dạng, rao một nơi nhưng thông tin lại một ngả. Người bán lại là các cá nhân không có cửa hàng cụ thể, các cam kết bảo hành không rõ ràng, chính xác.
Có một điều thú vị là khi tìm hiểu về doanh số thực của dòng này, chúng tôi thấy có khoảng 4-5 máy được bán mỗi ngày. Chủ yếu rơi vào dòng máy tầm 2,5 triệu đồng là nhiều nhất dù nó không giống iPad thật cho lắm. Một khách hàng không giấu diếm: “Biết là nó cũng chẳng ra cái gì nhưng giá này xét cho cùng cũng chỉ mới bằng con điện thoại Trung Quốc được được. Mà đi chơi đâu đó, mang nó theo cũng thấy vui vui. Nhiều bạn bè mới nhìn có hơi ngỡ ngàng vì thấy nó hơi quen quen mà cũng là lạ”. Đây cũng là tâm lý mua hàng của các teen Sài Gòn, chỉ cần rẻ, chỉ cần nó có “họ hàng” với iPad là “xơi”. iPad đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, không chỉ với dân chơi mà ngay cả những nhà sản xuất nhanh nhạy, nắm bắt thời thế cũng thu lợi lớn từ chiếc máy tính bảng thời trang này.
Lưu ý khi mua iPad nhái
Trước hết là phải test hàng thật kỹ, nhất là khâu chạm vào màn hình, độ sáng màn hình, thời gian chạy và khởi động các ứng dụng. Về pin thì rất khó test vì không có nhiều thời gian test và người bán cũng không cho test quá nhiều.
Nếu muốn mua thì nên chọn loại từ 4 triệu đồng trở lên với CPU khá hơn. Tuy có chậm nhưng vẫn hơn loại 2,5 triệu đồng. Và dù chọn loại nào, bạn cũng cần kiểm tra cấu hình kỹ xem CPU gì, RAM bao nhiêu, những tiện ích khác đi kèm như có Webcam, Wi-Fi... Các dòng rẻ, CPU thường chỉ có 300MHz. Loại tốt hơn thường từ 600MHz trở lên.
Lưu ý nữa là, dù mức giá 2,5 hay 4 triệu đồng đều là cảm ứng điện trở chứ không phải cảm ứng điện dung như iPad thật. Cảm ứng điện trở thì bạn phải dùng lực, ấn mạnh tay, bút hay móng tay, trong khi cảm ứng điện dung thì chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào màn hình, đó mới thật sự là “touch”.
Theo VietNam+