'Tàu ngầm' thu nhỏ - Canon D10
Được thiết kế là máy ảnh chống nước nhưng không vì thế mà Powershot D10 không có một hình dáng bắt mắt và chất lượng vượt trội.
Với ý tưởng máy ảnh chống nước ngay từ trong thiết kế nên phiên bản đầu tiên D10 của Canon khá ấn tượng với lớp vỏ ánh xanh kim loại, các viền bo tròn múp míp như một chiếc tàu ngầm thu nhỏ. Theo hãng, D10 có khả năng chịu nước sâu tới 10 mét, được ra đời nhằm cạnh tranh với các đối thủ đã có nhiều kinh nghiệp trong thế hệ máy ảnh này, như Panasonic Lumix DMC-FT1/TS1 và Olympus Tough 8000.
Toàn bộ lớp vỏ bao quanh D10 chỉ có hai cửa và đều được thiết kế chống nước. Một cửa bên tay phải che cổng USB và video, còn cổng kia che ngăn chứa pin và thẻ nhớ. Một ưu thế của Canon là mặc dù được thiết kế rất kín khít để ngăn nước nhưng các cửa trên D10 vẫn không gây khó khăn khi mở ra mở vào như trên các model tính năng tương tự.
D10 không pin nặng chừng 190 gram, đủ đầm để cầm chắc trên tay kể cả trên cạn lẫn dưới nước. Khi ở trên cạn, lớp vỏ kín này đảm bảo cho máy không bị ảnh hưởng bởi bụi, mưa hay hơi ẩm, đồng thời còn bảo vệ chống rơi ở độ cao khoảng 1,2 mét. Về nhiệt độ, D10 có thể chịu được dải từ -10 – 40 độ C.
Sắp xếp các menu điều khiển trên D10 khá tương tự với các máy compact khác của hãng, nhưng một sốt nút được thay đổi vị trí để phù hợp với môi trường phải chụp ảnh trong nước hơn. Ví dụ, nút bấm chụp được thiết kế to hơn, vòng zoom được thay bằng hai nút to phía sau dễ bấm hơn và các nút điều chỉnh bù sáng, đèn, chụp tự động và lấy nét ở xung quanh nút trung tâm func/set. Tất cả đều được làm bằng nhựa nâu, được thiết kế to bản và khắc chữ rõ ràng giúp nhìn dễ hơn khi phải chụp dưới nước.
Đèn flash của D10 được thiết kế cố định ngay trên phần ống kính, có khả năng chụp xa tới 3,2 mét. Pin 1.000 mAh giúp chụp tới khoảng 220 ảnh mới phải xạc lại. Máy sở hữu cảm biến 12 triệu điểm ảnh, ống kính tương đương 35 - 105 mm, màn LCD rộng 2,5 inch.
Dải zoom của PowerShot D10
35 mm.
105 mm.
Với zoom 3x, độ mở f/2,8 – 5,9, ống kính D10 trùm dải zoom khá thông dụng 6,2 – 18,6 mm (tương đương 35 – 105 mm), được trang bị tính năng chống rung quang học của hãng và có khả năng chụp macro với khoảng cách gần nhất tới 3cm.
Một điều ấn tượng đối với phiên bản chống nước đầu tiên của Canon này là tốc độ sẵn sàng chụp rất nhanh, chỉ mất chưa đến một giây. Ống kính do được thiết kế cố định nên dù zoom vẫn không bị "thò thụt", tránh tối đa mọi nguy cơ hỏng hóc do va đập từ bên ngoài.
PowerShot D10 hỗ trợ nhiều tính năng tự động lấy nét kết hợp với nhận dạng khuôn mặt.Ở chế độ Face AiAF, D10 có thể nhận dạng tới 9 khuôn mặt với dộ chính xác khá cao nhờ vào bộ xử lý DIGIC 4 cải tiến hơn. Khi không nhận thấy sự hiện diện của khuôn mặt nào, chế độ này sẽ tự động chuyển thành 9 điểm lấy nét trên khuôn hình.
Tuy nhỏ gọn nhưng D10 còn có thêm tính năng lấy nét chỉnh tay vốn chỉ có trên các máy compact bán chuyên hơn. Tính năng chỉnh tay sử dụng các phím mũi tên lên xuống để chỉnh khoảng cách (có thể điều chỉnh theo m hoặc cm tùy đối tượng lấy nét đang ở xa hay gần). Hỗ trợ thêm cho chế độ lấy nét tay, màn hình ở giữa khuôn hình sẽ được phóng to hơn bình thường. Tuy nhiên, chế độ này có vẻ không mấy hữu dụng, nhất là khi phải chụp dưới nước.
Một điều lưu ý là khi chụp dưới nước, tốt nhất nên chuyển về chế độ Underwater thay vì để ở các chế độ tự động như Auto hay Program vì khi đó phần xử lý hình ảnh sẽ chọn được các thông số tối ưu mặc định sẵn hơn là để máy tự nhận diện điều kiện môi trường.
Tất cả các nút bấm đều làm bằng nhựa nâu, thiết kế to. Ảnh: iTechnews.
Về quay phim, D10 có hai chế độ 640 x 480 (VGA) điểm ảnh và 320 x 240 điểm ảnh. Ở chế độ VGA, phim được ghi tối đa tới 4 GB, mã hóa chế độ MPEG-4 và lưu vào thẻ dưới dạng file phim .mov của QuickTime.
Ở chế độ chụp ảnh liên tục, bộ xử lý hình ảnh mới nhất cho phép D10 chụp liên tiếp ở tốc độ 1,1 khung hình một giây. Ảnh có độ phân giải tới 4.000 x 3.000 điểm, lưu dưới dạng file JPG. Tiếc là định dạng RAW chuyên nghiệp hơn lại không được hỗ trợ.
D10 được thiết kế như một máy ảnh chống nước. Ảnh: Dpreview.
Điều đầu tiên cần phải ghi nhận là mặc dù được thiết kế là một máy ảnh chống nước, tuy nhiên D10 hoạt động không thua kém gì các máy ảnh compact dân dụng. Các hình ảnh cũng cho độ sắc nét và màu sắc như những máy ảnh thông thường của Canon khác.
So với D10, Lumix DMC-FT1/TS1 cũng cho hình ảnh không kém phần sắc nét, độ tương phản cao, cân bằng màu sắc tốt và khó có thể nói chất lượng máy nào hơn máy nào. Còn với Olympus Tough 8000 lại có vẻ yếu thế hơn một chút. Các chi tiết của Tough 8000 mờ hơn và sự khác biệt về chất lượng càng ngày càng hiện rõ khi chụp ở góc rộng và tốc độ cao. Về tổng thể, có thể nói chất lượng ảnh của Tough 8000 chưa bằng được D10 và DMC-FT1/TS1.
Về chế độ khử nhiễu ISO, D10 hoạt động khá tốt, tuy nhiên, lại chưa tốt bằng các phiên bản có cùng cảm biến và bộ xử lý hình ảnh khác không chống nước của Canon như PowerShot A2100 IS. Ảnh chụp bởi D10 có xu hướng hơi tối. Ở ISO thấp nhiễu hạt gần như rất ít. Tăng lên ISO 200 bắt đầu có hạt nhưng vẫn rất khó nhận biết, chỉ lên đến ISO 400 mới thấy được rõ ràng.
Trong lĩnh vực khử nhiễu, Lumix DMC-FT1/TS1 lại theo sát nút D10 với kết quả hình ảnh và độ nhiễu hạt gần như tương đương ở các mức ISO khác nhau. Còn Tough 8000 xử lý nhiễu ở ISO từ thấp tới 200 khá tốt, gần như không nhận ra, tuy nhiên, điều này lại khiến hình ảnh trông mờ hơn hai model kia. Từ ISO 400 trở lên thì máy của Olympus lại bị nhiều nhiễu hạt hơn.
Canon D10 có giá 7 triệu đồng. Ảnh: Digitalcamerareview.
Theo Cameralabs, khi chỉ nhìn vào cấu hình và tính năng, có thể thấy D10 không thua kém nhưng cũng không nổi trội so với các máy compact thông dụng khác với cảm biến 12 triệu điểm ảnh, zoom quang 3x, màn hình LCD 2,5 inch, bộ xử lý hình ảnh tiên tiến DIGIC 4. Nhưng khi nhìn vào khả năng chụp dưới nước sâu tới 10 mét, chống sốc, chống bụi, nhất là một thiết kế tuy hơi mũm mĩm nhưng rất chắc chắn và khá thẩm mỹ, mang đậm chất công nghệ cao.
Với giá khoảng 7 triệu đồng và chất lượng ảnh xuất sắc, PowerShot D10 xứng đáng đồng hành trong những chuyến đi nghỉ mát tắm biển hay đi bơi mà không phải lo lắng quá nhiều về bảo quản.
Theo Sohoa