Cơn sốt 3D trên thế giới tạm lắng
Dù 3D vẫn đang được các hãng sản xuất TV trên thế giới chăm chút, nhưng hiện tại, khách hàng không còn quá hào hứng với công nghệ này nữa.
Việc thiếu thốn nội dung đã khiến khách hàng ít quan tâm tới TV 3D. Ảnh: Sony.
Đầu năm nay, 3D đã trở thành một đề tài thu hút được rất nhiều quan tâm của khách hàng và giới công nghệ trên khắp thế giới. Ngay tại triển lãm CES 2010 đầu năm, hầu hết các hãng sản xuất TV trên thế giới đều lần lượt công bố và giới thiệu hàng loạt mẫu HDTV có hỗ trợ công nghệ 3D. Tiếp sau đó, mẫu Plasma Panasonic VT20, chiếc HDTV 3D đầu tiên thế giới được bán ra đã bị "cháy hàng" chỉ sau một tuần phát hành tại Bắc Mỹ. Còn tại Hàn Quốc, nhà sản xuất TV đứng đầu thế giới thông báo, họ đã tiêu thụ được 10.000 chiếc TV LED 3D chỉ trong vòng một tháng rưỡi.
Tuy nhiên, bước vào thời điểm giữa năm 2010, khi mà TV 3D không còn là đề tài nóng, mới mẻ và thu hút sự chú ý của nhiều người, còn HDTV 3D hiện có trên thị trường cũng có nhiều model hơn, cơn sốt về TV 3D đành tạm lắng.
Theo nghiên cứu của hãng thống kê bán lẻ GfK, tính đến cuối tháng 5 vừa rồi, tại châu Âu mới chỉ có 25.000 sản phẩm 3D được bán ra. Trong khi đó, hãng nghiên cứu cũng đưa ra dự đoán, sản lượng TV nói chung trên toàn thế giới dự tính sẽ tiêu thụ 252 triệu sản phẩm trong năm nay. Như vậy, doanh số TV 3D sẽ chỉ chiếm một số lượng rất ít ỏi so với tổng sản lượng TV nói chung.
Cũng trong nghiên cứu của GfK, tại Anh, sự thay thế công nghệ 2D bằng 3D diễn ra khá chậm chạp. Nguyên nhân chính của điều này nằm ở việc có quá ít nội dung 3D cung cấp cho người xem, khiến họ cảm thấy không hứng thú với nhu cầu sở hữu một thiết bị trình diễn hình ảnh 3D. Nếu không tính đến bộ phim Monsters vs Aliens được bán kèm với TV 3D Samsung, các khách hàng tại Anh chỉ còn mỗi tựa phim 3D Cloudy with a Chane of Meatballs để lựa chọn. Trong khi kế hoạch lên sóng của kênh truyền hình Sky 3D lại bị trì hoãn đến cuối năm.
Công nghệ 3D vẫn đượ các nhà sản xuất TV và truyền hình chăm chút. Ảnh: Gizmodo.
Tại Nhật, một quốc gia sở hữu nền công nghệ tiên tiến và các hãng điện tử hàng đầu thế giới như Sharp, Panasonic, Sony... thì HDTV 3D cũng không gây nhiều ấn tượng. Thay vì cháy hàng, hay có con số tiêu thụ lớn, thị trường TV 3D của Nhật trong nửa đầu năm nay chỉ được đánh giá ở mức "không quá tệ", theo bản báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường BNC thực hiện tại Nhật. Tính từ thời điểm Panasonic chính thức phát hành TV 3D tại Nhật cho đến nay, doanh thu về mặt hàng TV tại cả thị trường này chỉ tăng từ 0,9 cho đến 1,5 %, trong đó, doanh số sản phẩm tiêu thụ chỉ tăng từ 0,2 đến 0,3 %.
Nếu như ở thời điểm mới có mặt trên thị trường, Panasonic tin tưởng các sản phẩm 3D với kích thuớc 40, 50 inch sẽ là những sản phẩm chủ đạo của thị trường 3D trong năm 2010 thì mới đây, hãng sản xuất TV Plasma hàng đầu của Nhật đã phải bổ sung thêm các sản phẩm 3D có kích thước 46 và 42 inch ra thị trường. Theo nhà sản xuất, việc họ nâng số lượg các model 3D phát hành ra thị trường giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được một sản phẩm 3D ưng ý.
Một thống kê nhỏ của Electronics House về nhu cầu xem World Cup 3D. Ảnh: Electronicshouse.
Trong khi đó, theo một khảo sát nhỏ của tạp chí Electronics House, dù giải đấu World Cup 2010 năm nay là giải bóng đá thế giới đầu tiên được truyền hình trực tiếp dưới công nghệ 3D, người dùng tại Mỹ có thể thưởng thức các trận đấu qua kênh truyền hình 3D ESPN, nhưng chỉ có 28 % số người được hỏi tỏ ra háo hứng với việc xem World Cup qua TV 3D, trong khi đó, 55 % tuyên bố sẽ không vội sắm TV 3D vào thời điểm này, họ sẽ chờ xem World Cup 3D vào giải đấu lần sau, năm 2014.
Theo Sohoa