Nhiều vi phạm về bản quyền phần mềm
Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra hàng trăm máy tính và hàng loạt công ty trong chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Chính phủ trong tháng cao điểm cuối năm 2009 này. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp bị thanh tra đột xuất đều có vi phạm về bản quyền phần mềm.
Một vụ vi phạm bản quyền phần mềm mà thanh tra liên ngành vừa phát hiện mới đây.
Nằm trong tháng cao điểm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính trên toàn quốc, Đoàn thanh tra liên ngành, dưới sự chủ trì của Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), cuối tuần trước đã tiến hành thanh tra đột xuất ba cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh bao gồm:
1.Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C Co. Ltd.), có địa chỉ ở số nhà 229, phố Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, bị phát hiện có 4 máy chủ, 25 máy tính bàn và 37 máy tính xách tay cài phần mềm không bản quyền;
2.Cửa hàng iCafe Hưng Vinh (tên đăng ký là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Vinh), địa chỉ tại số nhà 75, phố Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, TPHCM, bị phát hiện có 60 máy tính chứa các phần mềm trái phép.
3.Chi nhánh Công ty CP Truyền thông Kim Cương (Diamond Media JSC), địa chỉ tại 33 phố Lê Trung Nghĩa, Phường 12, Quận Tân Bình, TPHCM, bị phát hiện có 3 máy chủ và 140 máy tính bàn cài phần mềm vi phạm.
Kết quả của đợt thanh kiểm tra này cho thấy cả ba công ty trên đều đã thừa nhận hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền và ký vào biên bản thanh tra.
Đây là những hoạt động tiếp theo ngay sau đợt thanh tra Công ty TNHH Phần mềm Á Châu, TPHCM, một công ty dịch vụ trò chơi trực tuyến vào cuối tháng 11 vừa qua. Mọi công ty dù quy mô lớn hay nhỏ, trong nước hay nước ngoài, tư nhân hay nhà nước, sẽ đều chịu sự thanh tra và xử lý của nhà nước. Ngoài những công ty trên, trong mấy tháng qua đã thanh tra được một số công ty khác như:
*Cty TNHH Yumeshin Việt Nam, địa chỉ tại 6/2 đường Bình Thới, Phường 8, Quận 11, TPHCM, có 30 máy tính bị phát hiện vi phạm
*Tổng Công ty Lilama Việt Nam, địa chỉ 124 Minh Khai, Hà Nội, có 20 máy tính bị phát hiện.
* Tổng Công ty Kính xây dựng và Gốm sứ Việt Nam (Viglacera), địa chỉ Tầng 16-17, Toà nhà Viglacera, số 1 đường Láng Hoà lạc, Quận Từ Liêm, Hà Nội có 17 máy tính bị phát hiện.
*Công ty CP xây dựng Petrovietnam, địa chỉ tầng 8, Tháp Cao ốc CT, 60A Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM, có 70 máy tính bị phát hiện.
*Công ty TNHH xây dựng Indochine Việt Nam, địa chỉ tầng 5, Cao ốc FaFilm, 6 Thái Văn Lung, Quận 1, TPHCM, có 7 máy tính bị phát hiện.
*Công ty TNHH Officience Việt Nam, địa chỉ 117B Nguyễn Đình Chính, Quận Phú Nhuận, TPHCM, có 13 máy tính bị phát hiện.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra BVHTTDL cho biết: “Hi vọng hoạt động thanh tra này sẽ là sự cảnh báo hữu hiệu đối với mọi doanh nghiệp trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực phần mềm máy tính, cũng như bảo đảm không sử dụng phần mềm không có bản quyền. Theo chính sách của chính phủ, Bộ đã và đang quyết tâm xử lý vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về bản quyền tác giả trong lĩnh vực phần mềm máy tính.”
Hai ví dụ điển hình về các công ty phần mềm trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nạn vi phạm bản quyền phần mềm là công ty Lạc Việt và Bkis. Hai công ty này đều đã gia nhập BSA với hy vọng cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền đối với sản phẩm của mình sẽ đạt được thành công, từ đó nâng cao những lợi ích mà họ đáng được hưởng cũng như đẩy mạnh nhu cầu đầu tư cho nghiên cứu, triển khai.
Phát biểu thay mặt BSA, Giám đốc phụ trách hoạt động chống vi phạm bản quyền BSA khu vực Châu Á, Ông Tarun Sawney đánh giá cao các chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm của các cơ quan thực thi của Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo ông Tarun, Chính phủ cần áp dụng cơ chế thực thi hiệu quả, trong đó cần có sự đầu tư đầy đủ trong đào tạo cán bộ thực thi cũng như phải có một nền tư pháp có hiệu lực sẵn sàng có biện pháp xử lý phòng ngừa thích đáng, kể cả xử lý hình sự đối với những đối tượng vi phạm.
“Nếu duy trì được thường xuyên các biện pháp tích cực này thì Việt Nam sẽ có thể hạ thấp tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Và khi đó Việt Nam sẽ khuyến khích được cả đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp phần mềm, từ đó tạo thêm công ăn việc làm, tăng sức cạnh tranh và tăng nguồn thu từ thuế cho nhà nước” - ông Tarun nói.
Theo VnMedia