Ngành công nghiệp game và những ý tưởng "chuối cả nải"
Nhìn lại lịch sử ngành công nghiệp game, người ta dễ dàng tìm ra cho mình một danh sách dài những sáng kiến đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh thành công luôn song hành vô số ý tưởng thất bại.
The Power Glove
Năm 1989, Nintendo hợp tác Mattel cho ra đời thiết bị tay cầm cảm ứng The Power Glove. Được giới thiệu rầm rộ trong The Wizard, bộ phim công chiếu cùng thời điểm, mà theo nhiều chuyên gia đây đơn thuần là đoạn quảng cáo dài hơn 100 phút dành cho những sản phẩm chơi game của Nintendo.
Thế nhưng, kết quả The Power Glove mang lại thực sự khiến người ta phải thất vọng. Thời gian trễ quá lâu, chưa kể kiểu dáng kém phù hợp mà khách hàng phản ánh gây mẩn ngứa ở tay đã khiến sản phẩm không thành công như mong đợi.
The Virtual Boy
Một ý tưởng của nhà thiết kế Gumpei Yokoi - cha đẻ của hệ máy Game Boy - và nhóm làm việc của ông, Virtual Boy mang vóc dáng kết hợp giữa máy cầm tay và console.
Virtual Boy nổi bật công nghệ ứng dụng 3D. Với 2 màn hình LCD được đặt vào 2 bên mắt, người chơi sẽ cảm giác như đang là nhân vật chính trong game, có thể cảm nhận mọi thứ diễn ra xung quanh.
Tuy nhiên, giá thành cao chót vót và cần 1 phòng riêng để thao tác đã khiến sản phẩm nhanh chóng rơi vào quên lãng, buộc phải ngưng phát triển 1 năm sau đó. Virtual Boy cũng là thiết bị cuối cùng mà Gunpei Yokoi thiết kế cho Nintendo.
Philips CD-I
Chơi điện tử trên đĩa CD-ROM là ý tưởng thú vị và Philips CD-I được giới thiệu năm 1991. Cùng với đó, Philips sáng tạo chuẩn đĩa CD mới để ghi nội dung chơi game và cấp bằng sáng chế nền tảng này cho các nhà sản xuất khác.
Đáng tiếc, thiết kế cồng kềnh, phần mềm hỗ trợ kém, chất lượng hình ảnh ít hấp dẫn và tay cầm điều khiển chưa thuận tiện khiến cho Philips CD-I chẳng thể tiến xa hơn.
Sega Activator
Sega đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức vào việc phát triển mô hình cảm ứng hành vi. Kết quả của những nỗ lực đó là Activator, một thiết bị hình bát giác. Để sử dụng Activator, bạn đặt nó xuống đất, đứng trong vòng và thực hiện các động tác đấm đá đối thủ ảo.
Nghe cũng rất hấp dẫn đấy, nhưng do giá bán cao ngất và thiếu chính xác toàn tập nên Sega phải ngừng sản xuất. Và sau khi hệ máy Genesis tàn lụi, cũng chẳng còn ai nhắc tới Activator nữa.
Sega 32X
32X thực chất không phải sản phẩm độc lập mà giống phụ kiện dành cho chiếc máy Sega Genesis. Cắm vào khe cắm băng trên Genesis, 32X tăng cường sức mạnh đồ họa (từ 16 lên 32 bit) và âm thanh cao hơn. Tuy nhiên, khi vận hành, người chơi không thấy cải tiến nào đáng kể ngoại trừ màu sắc trông có vẻ đẹp mắt.
Hơn nữa, không phải chiếc máy Genesis nào cũng chạy tốt khi cắm 32X vào, cùng với đó là những vấn đề tương thích với một số loại TV.
Với những khuyết điểm như vậy, Sega 32X khó tồn tại được lâu. Người ta đã quyết định thay thế 32X bằng một dòng sản phẩm mới tên gọi Sega Saturn.
Gizmondo
Lên kệ năm 2005, chiếc máy chơi game video cầm tay Gizmondo được ví như đối thủ nặng ký với những ông lớn như Sony hay Nintendo. Bên cạnh chuyên môn chơi game, thiết bị còn hỗ trợ các tính năng giải trí khác như xem video, nghe nhạc, lướt web, e-mail, định vị toàn cầu... Sản phẩm chào giá 400 USD vào thời điểm ra mắt nhưng doanh thu đạt được khá thấp.
Một trong những nguyên nhân thất bại chính là kế hoạch tiếp thị quá “khuyếch đại và phô trương”. Đến tháng 2/2006, Gizmondo ngừng hẳn sản xuất và công ty tuyên bố phá sản. Đầu năm 2008, cựu giám đốc tại châu Âu của Tiger Telematics tuyên bố sẽ khôi phục Gizmondo, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin cập nhật về kế hoạch này.
Theo PLXH