Cơ hội nào dành cho các đối thủ của iPad?
Một số những công ty điện tử lớn nhất thế giới đã sẵn sàng một cuộc đổ bộ vào thị trường máy tính bảng để thách thức iPad của Apple.
Mặc dù Samsung, LG Electronics, Acer, Hewlett-Packard, Asus, Research In Motion và Dell đã tuyên bố hoặc đề cập về những máy tính bảng sử dụng màn hình cảm ứng sẽ ra mắt thị trường trong khoảng thời gian từ nay cho tới tháng 3/2011, nhưng có lẽ họ đã tới ‘bữa tiệc lớn’ chậm hơn so với một đối thủ khác – đó chính là Apple.
Kể từ khi iPad ra mắt thị trường vào tháng Tư vừa qua, Apple đã kịp thiết lập một lợi thế cực lớn ở thị trường còn non trẻ này - ở cả phương diện doanh số bán ra cũng như khẳng định được chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng.
Một danh mục mới ra đời – đó là những thiết bị có màn hình cảm ứng cỡ lớn hơn rất nhiều so với smartphone, chạy trên một hệ điều hành cỡ nhỏ chưa từng được nhắc tới nhiều trước khi iPad xuất hiện – nhưng Apple là người đi những bước tiên phong và họ tiến một bước dài so với đối thủ. Hãng này hiện đã bán ra khoảng 1 triệu iPad mỗi tháng và doanh số của sản phẩm này hiện chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Theo công ty phân tích thị trường IDC, toàn bộ thị trường máy tính bảng phục vụ giải trí được dự đoán sẽ có doanh số bán ra khoảng trên 12 triệu sản phẩm vào cuối năm 2010 và tăng lên tới 25 triệu sản phẩm vào cuối năm 2011. Apple đã bán được 3 triệu chiếc iPad tính cho tới cuối tháng 6, và với tốc độ như vậy, thì cho tới nay hãng này đã bán ra thị trường khoảng 4 triệu sản phẩm. Đây mới chỉ là dự báo thứ 3 của IDC trong năm nay, và mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm vẫn đang còn ở phía trước. Vậy chính xác, ‘những miếng bánh’ còn lại nào sẽ dành cho những người đến sau?
Nhìn chung, các cơ hội dành cho Glaxy Tablet của Samsung hay máy tính bảng chạy hệ điều hành WebOS của HP trong nỗ lực chiếm thị phần hợp lý ở thị trường này từ phía Apple trong ngắn hạn là không thực sự khả quan. Các công ty với phần lớn nguồn lực và sức mạnh của thương hiệu được đem ra để cạnh tranh với Apple hiện mới chỉ đang tìm cách đưa các sản phẩm của mình tới với những cửa hàng phân phối hoặc chuẩn bị đưa các mẫu thiết kế vào sản xuất mà thôi.
Tất nhiên, chẳng có sản phẩm nào trong số đó hoàn toàn nằm ngoài cuộc chơi cả. Vẫn có những khoảng trống cho cạnh tranh, đặc biệt trong một thị trường được thống lĩnh bởi Apple, một nhà sản xuất có xu hướng thu hút được sự trung thành tận tâm của khách hàng, cũng như khích lệ được sự ghen tị tới mức giận giữ của các đối thủ. Nhưng thị trường này cũng chỉ mới xuất hiện, và chúng ta vẫn chưa thấy những khả năng mà các phiên bản máy tính bảng chạy hệ điều hành Android, WebOS, hay BlackBerryOS mang lại.
Sau thời điểm này nửa năm, nghĩa là ngay sau Hội chợ điện tử tiêu dùng hàng năm (CES) được tổ chức ở Las Vegas, thị trường dành cho máy tính bảng sẽ khác xa so với những gì đang diễn ra hiện nay. Hy vọng sẽ có thể được nghe xướng tên nhiều những sản phẩm tương tự như iPad tại hội chợ này.
Nhưng đối với tất cả những sản phẩm mới sắp ra mắt, những điều quan trọng dưới đây cần phải được chú ý nếu họ muốn tạo ra một chút áp lực cho địa vị thống trị của Apple, đó là: tìm một hệ điều hành thích hợp cho máy tính bảng, sau đó là lôi kéo được những nhà sản xuất phần cứng tối tân cùng với những nhà phát triển ứng dụng có khả năng về phía của mình.
Phần mềm
Một trong những nguyên nhân khiến cho các đối thủ phải cần có thời gian để đuổi kịp Apple là họ không có một hệ điều hành sẵn sàng cho máy tính bảng của riêng mình. Trong khi đó sẽ là “khó khăn và tốn nhiều thời gian” cho các đối thủ của Apple có thể kết hợp lại những mảnh ghép khác nhau để xây dựng một thiết bị có khả năng cạnh tranh với iPad, “trong đó yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng thành công, là hệ điều hành”, Susan Kevorkian, chuyên gia phân tích của IDC nhận xét.
RIM và Palm (hiện đã thuộc sở hữu của HP) sẽ tự có những hệ điều hành của riêng họ, nhưng những hệ điều hành đó như thế nào lại là câu chuyện dài phía sau. Hầu hết những máy tính bảng đã được công bố (Dell Streak, Samsung Galaxy, Asus Eee Pad) đều sử dụng hệ điều hành Android, được Google xây dựng cho nền tảng di động. Chúng ta vẫn chưa thấy có một phiên bản nào xây dựng cho máy tính bảng của Android, nhưng có lẽ phiên bản này sắp xuất hiện. Google dự kiến sẽ tung ra Android 3.0, hay với tên gọi “Gingerbread”, vào khoảng thời gian giữa tháng 10 và tháng 12 tới đây.
Michael Gartenberg, nhà phân tích của The Altimeter Group cho rằng: “Google phải làm những gì mà Apple đã từng làm: đó là xác định rõ những điểm khác biệt của đầu vào cảm ứng trong một máy tính bảng như thế nào; bàn phím ảo khác biệt làm sao, và trải nghiệm khác biệt của giao diện người dùng như thế nào”.
Đó cũng là vấn đề mà Windows 7 dành cho máy tính bảng. Mặc dù có những thông tin rằng HP và Asus đã khẳng định sẽ sử dụng hệ điều hành này cho máy tính bảng, nhưng Windows 7 không được tối ưu hóa cho máy tính bảng sử dụng bàn phím cảm ứng. Và thậm chí IDC, cũng không đưa hệ điều hành này vào bản phân tích của mình khi nói đến các đối thủ của iPad. Và ngay khi phiên bản mới Windows Embedded Compact 7 có thể được xây dựng nhằm vào đối tượng là các máy tính bảng, nhưng nó không có không có một chức năng vô cùng quan trọng, là các kho ứng dụng dựng sẵn.
Có một nhân tố quyết định trong việc phát triển một đối thủ có tầm cỡ đủ sức cạnh tranh với iPad và mà Google và các nhà sản xuất phần cứng khác đều không có: đó là lôi kéo được sở hữu những nhà phát triển ứng dụng tầm cỡ trong đội ngũ của mình.
Điều giúp cho iPhone và sau đó là iPad của Apple trở nên “bùng nổ” sau khi được tung ra thị trường là nhờ vào khả năng của công ty này trong việc thu hút và giữ được những nhà phát triển ứng dụng về phía họ. App Store (kho ứng dụng) của Apple hiện có khoảng 225.000 ứng dụng, nhiều nhất trong số những kho ứng dụng kiểu này. Chỉ đến khi App Store của Apple được biết đến, thì iPhone mới thực sự xác lập được tầm ảnh hưởng của mình đối với thị trường điện thoại di động.
Trong khi Android đã tìm thấy động lực với những nhà phát triển ứng dụng làm việc cho nền tảng của hệ điều hành này, thì đó là điều thu hút được sự đề phòng từ phía Apple, một thách thức khác đặt ra là làm thế nào để thu hút những nhà phát triển đó tối ưu hóa 100 ngàn ứng dụng của họ cho những chiếc máy tính bảng sắp ra đời.
Phần cứng
Nhưng có một yếu tố thậm chí còn quan trọng hơn cả những phần mềm và kho ứng dụng tốt, ở mức độ cơ bản nhất, bạn phải có những phần cứng ‘thật sự gây ấn tượng’. Công nghệ màn hình cảm ứng ít ấn tượng, bộ xử lí ‘lỗi thời’ và pin chỉ kéo dài trong 4 giờ chắc chắn sẽ không thể tự khẳng định mình trước một thế lực đang chiếm địa vị thống trị trên thị trường, Gartenberg nhận xét. “Bạn giới thiệu một sản phẩm, mà nó thậm chí còn không thể tốt bằng iPad, thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ không có lấy một cơ hội. Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là làm thế nào để tạo ra một thiết bị tốt như iPad, mà phải là làm sao để sản phẩm đó có sự khác biệt và tốt hơn cả iPad nữa. Trong khi Apple đã đang phát triển tiếp một phiên bản cao cấp hơn rồi”.
Khác biệt hóa có thể diễn ra ở nhiều dạng. RIM được cho là đang phát triển máy tính bảng của mình như là một người đồng hành với BlackBerry, nó có thể thu hút sự chú ý từ những khách hàng trung thành của các dòng BlackBerry từ trước tới nay. Và đưa Flash vào máy tính bảng sẽ thuyết phục được những người đang cảm thấy bực mình vì Apple đã không cho ứng dụng này được sử dụng trong hệ điều hành iOS. Để một hoặc hai chiếc camera (phía mặt trước và mặt sau) cũng là điều mà iPad của Apple chưa có.
RIM và Palm?
Mặc dù cả RIM và HP đều có lợi thế khi sở hữu riêng hệ điều hành của họ, một cách như Apple đã làm, nhưng họ lại chưa chứng minh được rằng các hệ điều hành đó có khả năng sử dụng cho máy tính bảng.
BlackBerry 6 và WebOS đều được phát triển cho riêng smartphone. Apple ban đầu cũng không xây dựng hệ điều hành của mình cho một thiết bị có màn hình lớn, và phải mất một thời gian dài để họ tối ưu hóa nó cho iPad. Và có lẽ RIM và HP cũng có thể làm được điều tương tự, nhưng cũng phải mất thêm nhiều thời gian.
HP còn có những lợi thế tăng thêm khi họ có rất nhiều những nguồn lực đã được đầu tư cho WebOS, nhưng họ cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút những nhà phát triển cho kho ứng dụng của mình với những đối thủ như Apple, Android và BlackBerry.
Mặc dù là một chướng ngại đầy thách thức, nhưng sự thống trị của Apple trên thị trường máy tính bảng màn hình cảm ứng không phải là không thể vượt qua. Và rõ ràng, theo những nhận định của giới phân tích, thì sẽ có rất nhiều những những cú đấm mạnh vào thách thức này trong thời gian tới.
“Apple là nhà sản xuất đầu tiên thành công trên mảnh đất mà chưa một ai đặt chân tới trước đó”, Gartenberg nhận xét. “Nhưng bài học ở đây là: chả ai chịu nhường lại mảnh đất đó cho Apple. Và kể từ quý tư năm nay, chúng ta sẽ còn được nghe thêm nhiều câu chuyện như thế nữa”.
Theo ICTNews