Giải pháp dành cho những người 'mù' 3D
Trong thực tế, vẫn có một số ít người không thể cảm nhận được chiều sâu ở những hình ảnh 3D trên màn hình.
Với tốc độ phát triển và sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà sản xuất, 3D sẽ chiếm lĩnh truyền hình và các nội dung hình ảnh trong tương lai. Ảnh: 60s.
Trong thực tế, vẫn có một số ít người (khoảng 4 đến 10%) không thể thấy được hiệu ứng từ các hình ảnh nổi. Nội dung 3D được trình chiếu, họ chỉ nhìn thấy những hình ảnh bị nhòe, hoặc là hai hình ảnh bị chồng chéo lên nhau, đi kèm với cảm giác mỏi mắt, choáng đầu. Điều đó khiến cho họ thờ ơ với thứ công nghệ đang làm các hãng sản xuất TV và điện tử hàng đầu hiện nay phải "phát điên".
Rafe Needleman, biên tập viên của tạp chí Cnet cũng là một người không thể xem được hình ảnh 3D. Mới đây, trên Cnet, vị biên tập viên này đã chia sẻ một số ý kiến và đó có thể là giải pháp dành cho những người bị "mù 3D" như ông.
Nếu nằm trong nhóm những người đó, sẽ có một giải pháp dành cho bạn. Bạn có thể tắt tính năng 3D ở trên TV của mình, xem các nội dung "phẳng" thông thường. Nếu đó là một bộ phim hấp dẫn, hãy tìm một rạp chiếu phim để có thể thưởng thức tác phẩm điện ảnh đó ở phiên bản không phải 3D. Ngoài ra, card đồ họa PC hỗ trợ 3D mới của Nvidia sẽ không không phát nội dung 3D nếu như bạn thất bại với bài kiểm tra khả năng nhìn hình ảnh ba chiều mà phần mềm của họ. Card đồ họa của Nvidia tự động chuyển về chế độ chỉ phát 2D.
Tuy nhiên, tương lai về 3D lại rất rộng mở. Ngay thời điểm hiện tại, nhiều người đã mơ tưởng đến việc truyền hình và các nội dung hình ảnh trong tương lai tất cả đều sẽ ở dạng 3D. Vậy bạn sẽ làm gì nếu muốn xem một chương trình cùng với những người có thể xem 3D bình thường hoặc bạn sẽ thưởng thức hình ảnh như thế nào khi cả thế giới hình ảnh xung quanh là ảnh nổi 3 chiều? Một giải pháp rất đơn giản được Needleman đưa ra là tạo ra một chiếc kính 3D có nhiệm vụ biến hình ảnh 3D thành hình ảnh "phẳng".
Bộ đồ hỗ trợ 3D của Nvidia. Ảnh: Eprice.
Kính 3D hoạt động dựa trên nguyên tắc bắt được hai hình ảnh chuyển động khác nhau, một hình ảnh cho mắt bên trái, một dành cho mắt bên phải, và mỗi hình ảnh đó sẽ chỉ nhận được ở mỗi mắt. Kính 3D trập hình động dựa trên việc màn lọc ở từng mắt kính sẽ tắt hoặc bật đồng thời với màn hình giúp cho mỗi mắt của người xem nhận được các hình ảnh phù hợp. Còn ở hầu hết rạp chiếu phim 3D, việc phát từng hình ảnh đến riêng mỗi mắt hoạt động dựa trên sự phân cực của cặp kính Polarize (kính phân cực). Kính sẽ có các thấu kính phân cực giúp lọc hình ảnh nào sẽ tới mắt trái, còn hình ảnh nào sẽ tới mắt phải. Não bộ sẽ tổng hợp hai hình riêng biệt nhận được ở mỗi mắt, rồi từ đó tạo ra ảo giác về chiều sâu của hình ảnh để con người có thể cảm nhận. Nhưng đó là với hầu hết mọi người, còn với những người gặp trường hợp "mù 3D", não của họ sẽ không thể tạo ra được ảo giác về chiều sâu của vật thể, hình ảnh thấy được trên màn hình. Bởi vậy, cách đơn giản nhất để có thể làm phẳng hình ảnh là để mắt phải và mắt trái cùng thấy được những hình ảnh giống hệt nhau.
Đối với kính trập hình động, hai mắt kính sẽ trập hình cùng lúc, do đó, cả hai mắt của bạn sẽ cùng nhận được một hình ảnh của mắt trái hoặc của mắt phải. Như vậy, hình ảnh ở hai mắt sẽ tương đồng với nhau. Để làm việc đó, nhà sản xuất chỉ cần bổ sung thêm một nút chuyển chế độ "chỉ dùng 2D" trên những mẫu kính trập hình động chuyên dụng của mình.
Đối với kính phân cực, giải pháp có vẻ khó hơn nhưng không phải là không thực hiện được. Nếu cả mắt kính bên trái và bên phải cùng sử dụng loại thấu kính phân cực giống nhau. Các mắt kính bên trái và bên phải sẽ cùng lọc được một hình ảnh duy nhất. Như vậy, mắt của những người "mù 3D" sẽ không nhận được những hình ảnh khác nhau nữa. Khác với kính trập hình động có thể sử dụng với nội dung 2D và 3D tùy từng trường hợp, kính phân cực dành cho người xem 3D và người không xem được 3D phải là hai mẫu khác nhau.
Needleman (bên trái), biên tập viên của tạp chí Cnet trong một buổi giới thiệu về công nghệ 3D. Ảnh: Cnet.
Đến hiện tại, Needleman cho biết vẫn chưa có nhà sản xuất nào đưa ra bình luận về những ý kiến này của ông. Nhưng theo vị biên tập viên của Cnet, giải pháp dành cho những người không thể xem 3D là rất cần thiết khi công nghệ 3D đang hứa hẹn là công nghệ hình ảnh chủ chốt hiện nay và trong tương lai.
Theo Sohoa