IDG: Tăng đầu tư, mở thêm ấn phẩm CNTT, viễn thông
Hiện thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam đã lớn gấp 5 lần so với điện thoại cố định. Ảnh: THANH HẢI
IDG sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực CNTT, mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ và dự định đưa thêm nhiều ấn phẩm về CNTT, viễn thông vào Việt Nam.
Đó là thông tin được ông Patrick J. McGovern, nhà sáng lập và là chủ tịch của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) đưa ra tại cuộc gặp gỡ với báo chí Việt Nam nhân chuyến công du tới Việt Nam vừa qua. Tại cuộc gặp này, ông Patrick J. McGovern đã dành cho phóng viên Báo BĐVN một cuộc trò chuyện.
Thưa ông, nếu nhận xét về sự phát triển của CNTT, viễn thông Việt Nam, ông có thể đưa ra nhận định gì?
Hoạt động tại 95 quốc gia trên thế giới, chúng tôi thường xuyên có những nghiên cứu, đánh giá về tốc độ phát triển của thị trường các nước. Tốc độ phát triển ICT trung bình trên thế giới vào khoảng 20% và Việt Nam cũng đạt được con số đó.
Qua 16 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã có những bước tiến dài trong phát triển CNTT, viễn thông, thương mại điện tử..., tuy nhiên ấn tượng lớn nhất của tôi chính là sự phát triển của lĩnh vực viễn thông.
Hiện thuê bao điện thoại di động đã lớn gấp 5 lần so với điện thoại cố định, rồi các công nghệ như 3G (và sắp tới là 4G) cũng nhanh chóng đạt được những bước tiến khả quan ngay khi mới ra mắt. Theo nhận định của IDG, trong những năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong số những quốc gia đạt được tốc độ phát triển CNTT, viễn thông hàng đầu thế giới.
Theo ông, đâu là những lợi thế nổi bật để Việt Nam thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp CNTT, viễn thông lớn?
Ông Patrick J. McGovern.
Hiện nay, đáng chú ý là trên thế giới đang diễn ra “làn sóng” chuyển dịch của nhiều công ty công nghệ lớn để tìm kiếm môi trường hoạt động mới phù hợp hơn. Ví dụ cụ thể như tại Trung Quốc, hiện có không ít doanh nghiệp đã và đang tìm hướng di chuyển nhà máy sản xuất của họ ra khỏi quốc gia này do các điều kiện về mức lương chi trả cho nhân công, môi trường hoạt động… không còn phù hợp, gây trở ngại cho hiệu năng đầu tư.
Và với sự hấp dẫn về môi trường hoạt động, chính sách mở của Chính phủ, nhân lực chăm chỉ, có khả năng làm việc gắn bó lâu dài nhưng mức lương lại thấp hơn (trung bình, mức lương của nhân công Trung Quốc cao hơn Việt Nam là 55%, Ấn Độ gấp 3 lần), nên Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp.
Qua sự tư vấn của IDG, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã nhận ra Việt Nam là một môi trường hấp dẫn về CNTT, viễn thông.
Vậy riêng với IDG thì sao, sắp tới Tập đoàn có kế hoạch gì để đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam?
Việt Nam luôn nằm trong danh mục các quốc gia hàng đầu về mức độ ưu tiên đầu tư CNTT, viễn thông của Tập đoàn IDG. Trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi liên tục nghiên cứu để phát triển các lĩnh vực hoạt động và IDG đã đạt được tốc độ phát triển tại Việt Nam vào khoảng 35% một năm.
Tiếp nối sự phát triển này, sau quỹ IDC Venture (đã được đầu tư 100 triệu USD), đến năm 2011 và 2012 chúng tôi sẽ lập thêm hai Quỹ tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2011 Quỹ thứ nhất sẽ được đầu tư 150 triệu USD (với đối tượng hướng tới các công ty mới thành lập, họ gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường); Năm 2012 sẽ thêm quỹ phát triển với tổng mức đầu tư 250 triệu USD với đối tượng được đầu tư là các công ty đã hoạt động trên 2 năm muốn mở rộng thị trường, sản phẩm.
Đáng chú ý là bên cạnh thị trường truyền thống là CNTT, quỹ phát triển của IDG còn hướng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ… Riêng với hoạt động báo chí, chúng tôi dự định đưa thêm nhiều ấn phẩm về CNTT, viễn thông vào Việt Nam, trong đó có ấn phẩm riêng biệt hướng đến đối tượng là CEO và CIO.
Hiện nay Việt Nam đang xây dựng Đề án Quốc gia để nhằm mục đích trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. Vậy theo ông, để phát triển mạnh và bền vững, Việt Nam nên đi theo hướng nào?
Theo một nghiên cứu về GDP của các quốc gia cho thấy, có tới 40% sự phát triển của GDP được tạo ra là nhờ vào sự tăng trưởng của năng suất lao động và sự tăng trưởng đó lại chủ yếu đến từ các hoạt động giáo dục và đào tạo cho con người của các quốc gia.
Tôi nghĩ rằng trước hết Việt Nam nên tập trung vào lĩnh vực đào tạo CNTT-TT. Việc đào tạo sẽ giúp cho lớp trẻ trở thành những người biết sử dụng, sáng tạo CNTT, để có thể ứng dụng được những công nghệ phức tạp, tinh vi, và đồng thời cũng chính từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng CNTT trong nước.
Thưa ông, một trong những vấn đề gây nhức nhối đối với Việt Nam hiện nay chính là mặt trái của game online. Được biết IDG là tập đoàn hiện đang sở hữu nhiều ấn phẩm về game, ông có nhận định gì môi trường game tại Việt Nam, và Việt Nam nên đi theo những hướng nào để hạn chế những mặt trái?
Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc tiếp thị các trò chơi hiện đã diễn ra sự thay đổi lớn. Phần lớn các trò chơi được đưa lên Internet và cung cấp miễn phí cho game thủ, còn doanh nghiệp kinh doanh game sẽ trông đợi doanh thu từ nguồn bán quảng cáo, mua bán mặt hàng ảo… Nếu việc chơi game theo hướng tích cực sẽ có ảnh hưởng tốt đến tư duy người chơi, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử…
Còn nếu nói đến những mặt trái của game online, tôi khẳng định là để dẫn tới những hành vi tiêu cực chống lại xã hội, người chơi game chưa hẳn chỉ chịu ảnh hưởng từ game, mà đó còn là phim ảnh, sách truyện… Chính vì vậy, muốn hạn chế những tiêu cực thì nên thực hiện như cách chúng tôi đã làm là làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội về game để phân loại các trò chơi sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Để trẻ em không chơi những trò bạo lực thì nên hướng tới những trò liên quan đến tìm hiểu khám phá, văn hoá…
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTnews