SamSung - Người khổng lồ cầu toàn
Người Hàn quốc có câu "làm việc gì cũng phải bắt đầu từ từ", hiểu nôm na, theo cách chúng ta thường nói, là "chậm mà chắc". Bản thân câu nói này đề cao cách thức và sự bền vững, nó không hợp với những người có đầu óc phiêu lưu và càng khó dung hòa hơn với những ai luôn muốn mình là tiên phong. Cầu toàn là một đức tính quí nhưng ít được tung hô, bản thân những người cầu toàn và kể cả là những người rất nhút nhát thì chính họ vẫn thần tượng những người ưa mạo hiểm và thích thử thách. Tuy vậy, nếu nền tảng, sự bền vững là tôn chỉ cho một lối tư duy, là cứu cánh cho một chiến lược lâu dài thì cầu toàn lại là một thứ vũ khí lợi hại, vì đích cuối chắc chắn sẽ có chỗ cho người cẩn thận và biết tính toán.
SamSung là một tập đoàn triệt để với phương châm đó, họ không thích mạo hiểm và sẵn sàng nhường "ấn tiên phong" cho bất cứ ai muốn tự mình làm thí nghiệm. Tập đoàn này, mà giờ đây đã là một người khổng lồ, luôn cẩn thận với từng bước đi, không phải họ không biết tăng tốc, thậm chí đã có lúc họ tăng tốc đến chóng mặt, nhưng họ chọn đi trên con đường mà những chiến binh khác đã dọn sẵn. "Tôi không cầm cờ, anh hãy cầm nó và xông lên đi, tôi sẽ yểm trợ cho anh" đó là cách gã khổng lồ này xung trận trong cái chiến trường kinh doanh đầy khốc liệt nhằm tìm kiếm niềm tin của khách hàng. Lẽ dĩ nhiên, một người cầm cờ đủ may mắn và bản lĩnh để không bị gục ngã sẽ được tung hô như anh hùng, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào anh ta và anh ta trở thành chuẩn mực trong mọi so sánh, đây là một điều hợp lý trong số nhiều điều hợp lý mà chúng ta phải công nhận và cảm ơn vì nói cho cùng, với tư cách là khách hàng, chúng ta chỉ mong cho cái chiến trường kia thật khốc liệt để thành quả của vinh quang sẽ thuộc về chúng ta.
Tất nhiên thực tế lại không hoàn toàn như cái ẩn dụ trên khi mà người đi sau chẳng thừa hưởng được ở người đi trước, kể cả những người đã nằm xuống, bất cứ thứ gì ngoài hai chữ hèn nhát, thế nhưng ở đây, trong cuộc chiến khách hàng thường được ví von và cường điệu hóa này, người đi sau lại được rất nhiều. Nếu như học hỏi từ thất bại là bài học vỡ lòng cho bất cứ ai muốn tham gia thương trường, đôi khi để tự động viên mình thì việc chờ người khác thất bại (hoặc thành công) lại là bài học của vài người quyết không muốn mình bị vấp ngã. SamSung của ngày nay là điển hình cho triết lý này, không phải họ không đủ sức để trở thành kẻ tiên phong, mà quan trọng là họ không thích xây dựng thành công trên sự rủi ro, với SamSung, việc cần thiết là phân tích những thành công hay thất bại của các đối thủ để rút ra bài học và cũng là nắm bắt xu hướng và tâm lý khách hàng quan trọng hơn chuyện tự mang mình ra làm thí nghiệm đầy bất trắc, và theo cách họ nghĩ thì xây nhà gỗ trên núi còn hơn xây lâu đài trên cát. Ai cũng biết SamSung là nhà sản xuất các thiết bị điện tử lớn nhất nhì thế giới đồng thời cũng là đối tác cung cấp linh kiện, thiết bị cho rất nhiều những công ty lớn khác, kể cả những công ty tiên phong, từ việc này, ai đó có thể đặt câu hỏi tạo sao một công ty nào đó, mua sắm phần lớn thiết bị của SamSung rồi tạo nên một sản phẩm mang tính cách mạng, như vậy rõ ràng SamSung là một gã nông dân cần mẫn nhưng chỉ sản xuất được gạo mà không biết cách làm ra mì!? Thật ra, với SamSung, làm mì có công việc của thợ làm mì và dù SamSung thừa sức làm được mì thì điều đó cũng sẽ không có trong cơ cấu nghề nghiệp của ông nông dân này. Trong chiến lược phát triển công ty, một CEO luôn phải tỉnh táo để chọn cho mình một hướng đi và duy trì hướng đi đó, nhưng giờ đây khi mà cạnh tranh trở thành cách thức để tồn tại và bài học từ những người khổng lồ gục ngã vẫn đang còn rất thời sự và sẵn sàng chờ đến mình nếu sai lầm thì việc mạo hiểm lại càng không phải lúc để thí nghiệm, ai cũng rõ việc bẻ lái một đoàn tàu đồ sộ đang hùng dũng tiến về phía trước thì kết quả bị trật đường ray, lật tàu là gần như nắm chắc.
Với những người đi trước thì trước mặt họ không có đường, họ chính là những người phát quang, là những xe ủi tuyết và chiến công đầu sẽ thuộc về họ (tuy nhiên chỉ có hai loại người làm việc này, một là những người vô cùng cam đảm và ý thức được mình là thiên tài, hai là những kẻ thậm chí chẳng thể ý thức được mình đang bị tâm thần). Nhưng còn một cách khác để tạo danh tiếng và vị thế đó là tích lũy sự chắc chắn để trở lên lớn mạnh, khi anh lớn mạnh, anh sẽ có danh tiếng và niềm tin, nhưng bằng cách nào? câu trả lời là, sau xe ủi tuyết là một con đường, hãy đi theo con đường đó nó sẽ tránh bị vấp phải đá hay sụp hố. Nguyên tắc này được SamSung thể hiện rất bài bản, nếu có một con đường quang đãng đã được dọn sạch, lập tức SamSung tăng tốc thậm chí đã có lúc người ta không còn nhận ra khoảng cách cùa cỗ xe SamSung với chiếc máy ủi tuyết cần mẫn kia, không những thế, nhờ vào những "vũ khí" mà SamSung đã âm thầm chuẩn bị, "chiếc xe" này còn trở nên nổi bật so với những "chiếc xe" khác trên con đường đã được dọn sẵn này. Nhưng SamSung sẽ không bao giờ vượt, ủi tuyết không phải là việc của SamSung, ít nhất là vào thời điểm đó, nó vi phạm tính cầu toàn tôn chỉ và kết quả SamSung sẽ giảm tốc. Nếu ai đó nghi ngờ về điều này hãy thử nhìn vào những sản phẩm di động và chiến lược Bada của SamSung sau khi iPhone đã chứng minh rằng "con đường này - con đường của multitouch và đa phương tiện, là có thể đi" và "cách thức này - cách thức của việc chủ động trong nền tảng hệ điều hành qua đó chủ động trong việc phát triển ứng dụng, là có thể tồn tại". Gần đây hơn là thành công của iPad - một xe ủi tuyết khác, đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng, khi có đường SamSung sẽ tăng tốc thật ghê gớm, cá nhân tôi thấy sản phẩm máy tính bảng của SamSung không thua kém iPad nếu không muốn nói là có phần tiện lợi hơn, đó chính là cái lợi của người đi sau nhưng bù lại SamSung đã luôn phải trả giá cho điều này, cái mất của SamSung là cái mất của sự kiêu hãnh lý tưởng.
Tôi tin rằng, tập đoàn điện tử đến từ Hàn Quốc này đang có một vị thế hết sức an toàn và bền vững, cách làm của SamSung sẽ làm cho nhiều người không hài lòng, nhất là với những người vốn đã có thành kiến, họ lý luận SamSung chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn, chỉ giỏi nối gót những hình mẫu khác, nhưng trong một thế giới như ngày nay đó lại là một kinh nghiệm đắt giá mà không phải hãng nào cũng duy trì được như SamSung, và rồi đến lượt mình, SamSung lại trở thành hình mẫu cho những công ty, tập đoàn đi sau. Ở SamSung, cái họ cần là thành công và trên hết là thành công trong bền vững nhưng vắng bóng, thậm chí, dị ứng với mạo hiểm. "Thử sai" là khái niệm không có trong suy nghĩ của họ và họ sẽ đợi cho đến khi một ai đó, một công ty, tập đoàn nào đó chứng thực cho họ con đường đó là có thể hay không thể đi, đến lúc đó SamSung mới nhập cuộc hoặc rẽ hướng. Và trên tất cả, SamSung đã khẳng định được mình dù sau này, trong các viện bảo tàng về công nghệ, người ta sẽ ít thấy hình ảnh của SamSung với tư cách là những cột mốc đánh dấu sự phát triển.
Theo tinhte