HuynhThanh
New Member
Edge mang luồng gió mới cho ThinkPad
Edge là một "nước cờ" mạo hiểm của Lenovo trong việc mở rộng dòng ThinkPad với thiết kế trẻ trung hơn.
Edge 13 là dòng ThinkPad đời mới do Lenovo cải tiến và sản xuất. Kế thừa sự danh tiếng cùa dòng laptop doanh nhân từng sở hữu bởi IBM, nhưng ThinkPad Edge dường như hướng tới lớp người dùng là giới trẻ năng động, thường xuyên phải di chuyển. Máy được bán ra với ba màu sắc là đen nhám, đỏ và đen bóng.
Model được thử nghiệm và cũng là sản phẩm được phân phối tại thị trường Việt Nam, có vỏ màu đen bóng cùng cấu hình chi tiết bao gồm vi xử lý điện áp thấp Intel Core 2 Duo SU7300 tốc độ 1,3 GHz (3MB cache), RAM 2GB, chip đồ họa mobile Intel GS45 Express, ổ cứng 250 GB.
Edge phiên bản màu đen xám. Ảnh: Tuấn Hưng.
So với hai model có vỏ bóng bẩy là đỏ bóng và đen bóng, chiếc máy được giới thiệu lần này có bề mặt trên bằng nhựa màu đen xám không bị dính vân tay và tạo cảm giác chắc chắn. Các góc cạnh cũng được bo tròn bằng viền màu bạc chứ không góc cạnh như dòng ThinkPad truyền thống. Edge được trang trí bằng hai logo ThinkPad ở cả mặt trên lẫn mặt trong máy. Trong đó, dấu chấm trong chữ I sẽ trở thành đèn power.
ThinkPad Edge có kích thước chi tiết 33,2 x 22,8 x 3 cm và nặng 1,7 kg với pin 6 cell đi kèm nên rất dễ dàng mang theo người trong các chuyến đi xa.
Cạnh trái và cạnh phải của máy. Ảnh: Tuấn Hưng.
Edge sở hữu khá nhiều cổng kết nối, cạnh trái bao gồm khóa Kenshington, VGA, HDMI,LAN, USB. Cạnh phải là giắc cắm nguồn, 2 cổng USB, giắc cắm tai nghe và đầu đọc 5 loại thẻ nhớ. Tuy nhiên, đáng tiếc là model này lại không sở hữu cổng trao đổi dữ liệu tốc độ cao eSATA. Thêm nữa, ổ quang cũng không được tích hợp để giảm trọng lượng và kích thước máy nên sẽ gây khá nhiều bất tiện cho người dùng.
Trong khi đó, cạnh trước không được tích hợp cổng kết nối nào mà vuốt xuôi xuống nhường chỗ cho hệ thống loa bên dưới. Do có kích thước nhỏ để ưu tiên tính "di động" và tiện dụng nên chỉ nghe được trong phòng có kích thước không lớn, chưa tới 20 m2. Tuy vậy, chất lượng âm thanh của bộ loa này cũng khá tốt, tiếng phát ra trong và rõ ràng dù bass hơi nhỏ và loa cũng không phát âm thanh stereo.
Bàn phím chiclet có độ nảy tốt nhưng cần thời gian để làm quen. Ảnh: Tuấn Hưng.
Khác hẳn so với dòng ThinkPad truyền thống, Edge được tích hợp bàn phím chiclet với cách thiết kế vuốt cong tạo điểm khác biệt. Nhưng chính kiểu thiết kế này đã làm những người mới sử dụng khó làm quen với máy. Khi thao tác trên bàn phím cảm giác bị "ngượng" tay và bấm phím không chuẩn. Tuy nhiên, độ nảy và nhạy lại khá tốt. Một điểm khác biệt nữa ở bàn phím này là Lenovo đã mạnh dạn thay đổi hệ thống nút chức năng F1, F2, F3.... thành nút thứ cấp (tức là muốn sử dụng các phím này người dùng phải ấn đồng thời cả phím chức năng Fn ở góc dưới cùng bên trái của bàn phím).
Ngoài ra, máy cũng sở hữu bàn phím chuột cảm ứng đa điểm. Qua thử nghiệm, độ nhạy của touchpad này là rất tốt, không bị dính dấu vân tay, thao tác vuốt để zoom ảnh chính xác duy chỉ có một điều đáng tiếc là hai phím chuột lún hơi sâu một chút khi sử dụng.
Loa được bố trí ở mặt dưới. Ảnh: Tuấn Hưng.
ThinkPad Edge có màn hình gương kích thước 13,3 inch độ phân giải 1.366 x 768 pixel hiển thị màu sắc rất tươi và sắc nét. Khi thử nghiệm xem video độ phân giải cao là HD và Full HD đều có thể theo dõi được từ các góc nhìn nghiêng, thậm chí là từ 90 độ. Đây có thể coi là ưu điểm của máy nếu so với các mẫu laptop màn hình gương khác thường có góc nhìn hẹp. Tuy vậy, khi sử dụng trong văn phòng với ánh đèn neon thì màn hình này vẫn bị bóng khá khó chịu, người dùng chỉ còn cách khắc phục là tăng độ sáng màn hình lên tối đa để chống lóa.
Model mới này cũng được Lenovo cung cấp công cụ quản lý máy ThinkVantage Tools với rất nhiều tính năng hữu dụng như quản lý password, update trình quản lý phần cứng (driver), quản lý pin, hiệu suất máy (tích hợp vào thanh taskbar giúp hiển thị thời gian sử dụng còn lại hoặc thời gian sẽ sạc đầy pin khi cắm dây nguồn), backup và restore dữ liệu, quản lý và chống sock cho máy.
Hiệu suất hoạt động, tản nhiệt và thời lượng pin
Edge có hai tùy chọn về bộ vi xử lý là AMD hoặc Intel. Model được bán trước mắt tại Việt Nam sẽ trang bị vi xử lý Intel Core 2 Duo SU7300 tốc độ 1,3 GHz, bộ nhớ RAM 2GB, chip đồ họa mobile Intel GS45 Express và ổ cứng 250 GB.
Với cấu hình phần cứng như trên máy đạt được 3,4 điểm khi chấm bằng hệ thống Windows Experience Index trên hệ điều hành Windows 7 Professional (32 bit) (cài đặt kèm theo máy). Đây là mức điểm không cao và dễ hiểu do máy không sử dụng card đồ họa rời nhưng đủ để chạy mượt mà giao diện đồ họa Aero Peak với tất cả các thiết lập cao nhất.
Máy đạt 768 điểm với chương trình 3DMark06. Ảnh chụp màn hình.
Khi sử dụng chương trình chấm điểm 3DMark06 để thử sức mạnh đồ họa, Edge đạt 768 điểm kém hơn một chút so với mức trung bình của dòng máy 13 inch không tích hợp card đồ họa là 857 điểm (số liệu trung bình lấy theo trang Laptopmag). Trong khi đó, nếu chấm điểm toàn bộ hệ thống bằng chương trình PCMark Vantage, model của Lenovo đạt 2.756 điểm tổng thể tương đương với mức trung bình là 2.764 điểm.
Trong thử nghiệm chơi một số game yêu cầu đồ họa mức trung bình như PES2010, máy đạt được tốc độ trung bình là 26 khung hình/giây với mức thiết lập medium, độ phân giải 1.280 x 720 pixel. Còn với game World of Warcraft ở độ phân giải 1.024 x 768 pixel, máy đạt tốc độ trung bình 29 khung hình/giây, nhưng khi tăng độ phân giải lên mức tối đa mà màn hình hỗ trợ là 1.366 x 768 pixel, Edge chỉ "kham" được game ở tốc độ 5 khung hình mỗi giây.
Chấm điểm với PCMark Vantage. Ảnh chụp màn hình.
Dù không có card đồ họa rời mà chỉ có chip đồ họa tích hợp Intel GS45 Express nhưng Edge vẫn chạy mượt mà các video chuẩn HD và Full HD 1080p. Thử nghiệm tua ở các thời điểm khác nhau, máy thao tác nhanh và thời gian trễ không lớn.
Với thử nghiệm chuyển đổi định dạng video, kết quả cũng ở mức trên trung bình và chấp nhận được. Khi convert một file video định dạng MP4 sang AVI dung lượng 114 MB, Edge 13 cần hơn 11 phút. Nếu sử dụng Oxelon Media Converter để chuyển định dạng (ứng dụng hiệu quả hơn cho các CPU nhiều lõi) máy đạt kết quả ấn tượng, chỉ mất hơn một phút.
Hệ thống quạt tản nhiệt của Edge được đặt ở bên phía cạnh trái, đây cũng chính là phần nóng nhất của máy. Mặt dưới nửa trái khi sử dụng một thời gian ngắn nóng lên khá rõ, điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới những người thường xuyên phải di chuyển và có thói quen đặt máy lên hai đùi để làm việc. Tuy vậy, phần để tay trên và bàn phím nửa trái lại được tản nhiệt khá tốt.
Chơi PES2010 ở tốc độ 26 khung hình mỗi giây. Ảnh chụp màn hình.
Với bộ pin 6 cell đi kèm, ThinkPad Edge cho thời lượng sử dụng pin khá ấn tượng. Nếu đặt ở mức thiết lập cao nhất (High Performance) và chạy các chương trình bình thường, như nghe nhạc, lướt web thì máy sử dụng được trong hơn 4 tiếng liên tục. Còn nếu để ở mức trung bình thì Edge có thể hoạt động trong khoảng 5 giờ 30 phút.
ThinkPad Edge 13 là một cỗ máy di động với thời lượng pin ấn tượng và kiểu dáng gọn nhẹ dù khả năng xử lý đồ họa chưa thật sự mạnh mẽ. Các model màu đỏ, đen bóng nổi bật và phù hợp hơn với giới trẻ hiện đại và năng động. Trong khi đó model màu đen xám sẽ đúng "gu" hơn với các doanh nhân thành đạt. Dù việc mang trong mình thương hiệu ThinkPad khá nhạy cảm và chưa thể bước qua được cái bóng quá lớn dòng laptop cho doanh nhân nổi tiếng này nhưng xét chung về tổng thể máy và giá tiền thì đây là một model đáng để sở hữu.
Theo Sohoa