Web hoá Tài chính công để không còn 'hành là... chính'
Nếu như trung bình mỗi năm, một người dân Singapore chỉ phải mất hơn 80 tiếng đồng hồ để thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết, hoặc người dân Malaysia mất 266 tiếng đồng hồ, thì con số đó tại Việt Nam lớn hơn nhiều lần. Việc các thủ tục hành chính tại Việt Nam còn quá nhiều, rườm rà, rắc rối và gây khó cho doanh nghiệp, cho người dân là một thực tế khó phủ nhận.
Mục tiêu của ngành Tài chính là tiến đến cấp mã số thuế cá nhân và nộp thuế, lệ phí qua mạng.
Năm 2010 là năm ngành Tài chính đẩy mạnh việc hoàn thiện quy trình, giảm thiểu các thủ tục về Thuế và Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đó là lý do vì sao mà "Phát triển nền tài chính điện tử đến năm 2015" đã được lựa chọn làm chủ đề của Hội thảo Triển lãm Thường niên "Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực tài chính - Vietnam ICT in Finance 2010 (ICTF’10) lần thứ 7, diễn ra trong ba ngày, từ 22-24/9/2010 tại Hà Nội.
Các diễn giả, chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, các nước trong khu vực và Ngân hàng thế giới sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, bài học xung quanh các chủ đề chính như "Dịch vụ tài chính công điện tử" và Kế hoạch phát triển CNTT phục vụ dịch vụ công điện tử...
Bộ Tài chính đã xác định việc triển khai và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp là một nhiệm vụ cấp bách, nhất là khi theo các số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam đang tụt lại khá xa so với các nước như Singapore, Malaysia về thủ tục hành chính.
Tương tự, ngành Thuế cũng đang phải đối mặt với nhiệm vụ rút ngắn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh bằng sự minh bạch của các công đoạn trực tuyến, xây dựng hệ thống kê khai thuế điện tử, xây dựng kho cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế... Việc ứng dụng CNTT được nhìn nhận chính là mấu chốt, là chìa khoá quyết định để ngành Tài chính vừa cung cấp các dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả, vừa cải cách hành chính một cách tối ưu.
Giai đoạn thí điểm ban đầu của việc triển khai thông quan điện tử tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh khá thành công là cơ sở để nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Không chỉ doanh nghiệp được lợi từ đây khi tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu tiêu cực mà ngay các cơ quan nhà nước cũng tiết kiệm được chi phí, sức người. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2015, 80% người dân và doanh nghiệp đã có thể nộp hồ sơ khai thuế qua mạng và 90% Cục Hải quan các tỉnh, Thành phố triển khai thủ tục Hải quan điện tử.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố ICTF’10, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Bộ Tài chính cho biết hiện Bộ đang tích cực xây dựng nhóm cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia về Thu chi ngân sách, Các dự án Đầu tư xây dựng Cơ bản, Giá cả thị trường, Văn bản Pháp quy và Các đối tượng có liên quan đến Ngân sách.
Bên cạnh các chủ đề lớn trên, ICTF’10 cũng sẽ thảo luận về các giải pháp chứng thực điện tử, chữ ký số và an toàn bảo mật thông tin đối với giao dịch Thuế, Hải quan. Song song với sự kiện ICTF’10, cũng trong 3 ngày 22-24/9 sẽ diễn ra Hội nghị & Lễ trao giải Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á lần thứ 6. Đây là năm đầu tiên phạm vi ứng viên không chỉ giới hạn trong Đông Dương mà đã mở rộng ra cả khu vực ASEAN. Số lượng giải thưởng cũng tăng gấp đôi lên 20 giải cho các gương mặt lãnh đạo CNTT tiêu biểu của khu vực trong năm.
Theo VietnamNet