Kiện tụng,lộ hàng-chiêu bài PR mới của các đại gia công nghệ?
Tháng 4, cả thế giới công nghệ được "hâm nóng" với sự kiện iPhone 4 bản test xuất hiện ồ ạt trên khắp thế giới, tới tận Việt Nam và rồi tiếp sau đó là sự kiện Nokia N8 lộ diện.
Các đại gia đua nhau lên tiếng đòi kiện tụng các tạp chí làm rò rỉ hình ảnh nhưng đâu là sự thật hay chỉ là một cách làm truyền thông kiểu mới?.
Kiện tụng để được... chú ý
Cách tạo scandal để được nổi tiếng vốn dĩ trở thành "bài bản" trong giới nghệ sỹ thì dường như lại đang được áp dụng dần sang lĩnh vực công nghệ. Càng to chuyện, càng được chú ý và lẽ dĩ nhiên hình ảnh và thương hiệu được nhắc đến nhiều hơn.
Theo cách làm truyền thông thông thường, việc làm hình ảnh, tạo thương hiệu sản phẩm trước mỗi dịp lên kệ là chuyện đương nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, với cách làm của Apple với iPhone 4 thời gian qua, có vẻ như phương thức truyền thông thời đại mới đã có nhiều điểm khác.
Đầu tiên bằng những hình ảnh úp mở về chiếc điện thoại nổi tiếng phiên bản mới trên các trang tin điện tử và blog cá nhân. Không một lời phủ nhận hay khẳng định sản phẩm của mình cho đến khi một-cách-tình-cờ biên tập viên một trang tin công nghệ nổi tiếng mua được phiên bản iPhone 4 do nhân viên hãng đánh mất tại... quán bar.
Nokia N8 có cách làm hình ảnh hao hao với cách làm của iPhone 4.
Một câu chuyện hoàn hảo và khó có thể hoài nghi gì về việc Apple làm mất máy. Nhất là khi biên tập viên của trang tin Gizmodo kể lại căn hộ anh ở bị cảnh sát xới tung cũng như Apple gửi thư đòi máy. Mọi cặp mắt đều dõi theo về phía câu chuyện scandal này mà không biết rằng, mọi động tĩnh đều được Apple theo dõi khá kỹ lưỡng cũng như ghi nhận mọi đánh giá nhiều chiều về sản phẩm khi nó bỗng dưng... "lộ hàng".
Nào dọa kiện, nào bắt bớ, rồi bỗng dưng im tịt vừa kịp lúc iPhone 4 ra mắt, vậy là "bộ phim" iPhone 4 do "đạo diễn" Apple đã thành công mỹ mãn. Và rồi người ta quên đi ngay số phận của anh chàng biên tập viên "tội nghiệp" của Gizmodo đang phải "trình bày" với cảnh sát ra sao cũng như đơn kiện của Apple gửi trang tin điện tử này gồm những điều khoản gì.
Những tưởng sau đó sẽ phải một thời gian dài "bộ phim" này mới được làm lại thì mới đây, hãng điện thoại thị phần số 1 thế giới Phần Lan Nokia cũng áp dụng chiêu thức này với sự rập khuôn gần như 100%.
Mặc dù đã công bố những hình ảnh chính hãng trước đó về Nokia N8 nhưng trước những cặp mắt hau háu của dân công nghệ, Nokia áp dụng chiêu bài tựa như Apple đã làm với iPhone 4.
Một ngày đẹp trời, bỗng dưng trang tin Mobile-Review - website đánh giá và bình luận điện thoại uy tín nhất thế giới có được trong tay một phiên bản prototype của N8 và lẽ dĩ nhiên các chuyên gia của trang tin này không bỏ lỡ cơ hội khám phá chân tơ kẽ tóc của chiếc máy để công bố cho độc giả.
Tuy nhiên, có vẻ như cách làm của Nokia hơi khác với Apple bằng việc Mobile-Review mặc sức đưa ra những nhận định tương đối bất lợi về N8 mặc dù đây chỉ là phiên bản thử, chưa hoàn chỉnh về chức năng. Liền sau đó, chủ trang tin Mobile-Review - Eldar Murtazin cũng "được" cảnh sát khám nhà và sự việc càng "nghiêm trọng" hơn khi Nokia tuyên bố sẽ theo kiện cho sập trang tin này thì thôi.
Nhưng, cũng như Apple, câu chuyện dần hướng sang một bước khác khi người dùng có cái nhìn một cách khách quan hơn về sản phẩm thông qua các trang tin uy tín. Không ai ngờ được rất có thể sau những lời nhận xét đánh giá mang tính chuyên gia kia là những hướng đi về truyền thông đã được hoạch định trước bởi các chuyên gia Nokia.
Làm thương hiệu bằng cuộc chiến pháp lý
Hẳn mọi người không quên cuộc chiến pháp lý hồi đầu năm nay với hàng loạt lời lẽ đao to búa lớn được đưa ra từ các đại gia khi lần lượt Nokia kiện Apple, RIM kiện Motorola... Thực hư của những vụ kiện thế nào thì khó ai có thể nắm rõ tuy nhiên cái kiểu đầu voi đuôi chuột, làm rùm beng dư luận để gây chú ý một cách sắp đặt và rồi sau đó im hơi thì cũng được coi là thành công về mặt truyền thông.
Các hãng điện thoại đang lạm dụng cuộc chiến pháp lý làm công cụ PR.
Chỉ vừa đầu tuần, Apple lại một lần nữa "đá xoáy" các ông lớn trong buổi họp báo khẩn về lỗi ăng-ten ở iPhone 4. Với việc chê bai ăng-ten điện thoại các hãng khác cũng... chẳng ra gì, một lần nữa các tên tuổi như Samsung, LG, Nokia, RIM lại được lôi lên mặt báo và đặt xuống chiếu dưới so với Apple. Tất nhiên các đại gia di động cũng không để yên và lại một cuộc khẩu chiến hao giấy tốn mực lại nổ ra trên các trang tin bằng các bài phản pháo dài dằng dặc của các thương hiệu này.
Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí và các cuộc khẩu chiến đang ngày một phổ biến. Các hãng kiện tụng nhau được-mất chưa rõ nhưng cách làm rùm beng đã và đang khiến dư luận đổ xô mọi cặp mắt dõi theo và chắc chắn các thương hiệu này sẽ được chú ý đến nhiều nhất.
Rõ ràng chiến tranh thông tin đang được các hãng điện thoại áp dụng triệt để nhằm đánh bóng thương hiệu và thăm dò dư luận cho các sản phẩm mới. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người tiêu dùng, việc nhìn nhận và đánh giá sự việc một cách khách quan là yếu tố quan trọng, tránh việc bị các hãng "dắt mũi" để rồi dốc hầu bao mua lấy một sản phẩm chỉ được mẽ ngoài, dính đầy lỗi như trường hợp iPhone 4.
Theo VietnamNet