• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

Thông tin thiết bị số và công nghệ ngày 24-04-2012

Status
Không mở trả lời sau này.

binladen1206

Active Member
Apple gặp thêm trở ngại trong việc giành lại tên 'iPad'

Cơ quan quản lý cấp cao của Trung Quốc tỏ ra đồng tình với Proview Technology rằng hợp đồng chuyển nhượng tên "iPad" của Apple vô hiệu.

ipad-1.jpg


Apple có thể mất quyền sở hữu thương hiệu iPad về tay Proview Technology. Ảnh: Siliconangle.

Fu Shuangjian, Thứ trưởng cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương Mại (Trung Quốc), vừa tuyên bố: "Hiện tại, Proview Thâm Quyến vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu iPad". Ông giải thích thêm rằng, theo luật của Trung Quốc, việc chuyển nhượng thương hiệu phải được cơ quan quản lý nhà nước này thông qua. Trong vụ tranh chấp giữa Apple và Proview, đại diện chính quyền Trung Quốc vẫn chưa cho phép hai công ty này thực hiện mua bán thương hiệu iPad.

Hai thế lực tham gia vào vụ kiện tranh chấp thương hiệu iPad bao gồm Apple và Proview Technology - một công ty thuộc thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Cả hai hãng này đều tuyên bố rằng tên "iPad" là của mình và đối thủ đang vi phạm quyền thương hiệu.

proview-1.jpg


Mẫu máy tính "iPad" của Proview. Ảnh: Macrumors.

Theo AP, trước đó, một nhánh của Proview tại Đài Loan đã đăng ký thương hiệu "iPad" từ những năm 2000 tại nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả Trung Quốc. Một thời gian sau, Apple đã mua lại quyền sử dụng thương hiệu "iPad" toàn cầu từ chính công ty con này của Proview. Tuy vậy, công ty mẹ Proview Techonology khẳng định rằng, hợp đồng sử dụng thương hiệu "iPad" của Apple không có hiệu lực tại vùng đại lục của Trung Quốc.

Năm 2011, Apple đã cáo buộc Proview vi phạm thương hiệu lên toàn án Trung Quốc nhưng thất bại. Toà án nước này phán rằng nhà sản xuất iPad không có đủ chứng cứ xác minh cho lời cáo buộc của mình. Nếu thua kiện, Apple sẽ phải chi trả cho đối thủ một khoản tiền không nhỏ. Hiện tại, hãng không những phải đối mặt với việc kháng cáo trước toà án mà còn phải chống đỡ sự tấn công của Proview ở hai vụ kiện khác tại Trung Quốc và Mỹ.

Theo Sohoa
 

binladen1206

Active Member
Google Chrome 18 là trình duyệt phổ biến nhất thế giới

avatar-31.jpg

Ngày 23/4, hãng khảo sát Internet Pingdom công bố bản báo cáo mới về thị phần của các phiên bản trình duyệt trên toàn cầu, theo đó Google Chrome 18 là trình duyệt phổ biến nhất thế giới với 25,6% thị phần.

Theo sau lần lượt là Mozilla Firefox 11 (15,8%), Microsoft Internet Explorer 9 (15,7%), Internet Explorer 8 (14,6%).

Nếu tính gộp chung mọi phiên bản thì trình duyệt Internet Explorer của Microsoft đang dẫn đầu về mức thị phần toàn cầu, theo sau là Chrome và Firefox.

Như vậy, trình duyệt “Cáo lửa” đã không còn duy trì được vị thế là á quân như trước nữa.

Ngoài ra, nếu xét riêng khu vực thị trường Bắc Mỹ, thì Internet Explorer 9 là phổ biến nhất với 21,2% thị phần, theo sau là Chrome 18 (20,2%).

Pingdom nói rằng, khi tính toàn bộ phiên bản thì tổng thị phần của Internet Explorer tại Bắc Mỹ lên tới 40,4%.

Theo Vietnam+
 

binladen1206

Active Member
Máy tính bảng: Màn hình quyết định thành bại

Chất lượng hiển thị của màn hình sẽ giúp máy tính bảng của một nhà sản xuất nổi bật giữa đám đông các đối thủ cạnh tranh.

Đối với máy tính bảng (MTB), màn hình là phần cứng đắt tiền và quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng hiển thị cho tất cả các ứng dụng trên MTB. Ví dụ, theo tính toán của hãng nghiên cứu IHS iSuppli, chi phí phần cứng của Kindle Fire là 185,60 USD, trong đó riêng phần màn hình và panel (tấm nền) cảm ứng đã là 87 USD, chiếm 46,9% tổng chi phí cấu thành máy. Chính vì thế, màn hình trở thành tâm điểm của cuộc đua quyết liệt giữa các nhà sản xuất.

a1201-62.jpg

Vai trò của tấm nền

Hầu hết MTB của các nhà sản xuất tên tuổi hiện nay đều dùng màn hình LCD công nghệ cảm ứng điện dung đa điểm. Tuy nhiên, công nghệ tấm nền có thể khác nhau. Nhiều MTB hiện trang bị tấm nền IPS (In Plane Switching) cho phép mở rộng góc nhìn và nâng cao khả năng tái tạo màu sắc so với tấm nền TN (Twisted Nematic) được dùng phổ biến trước đây cho các màn hình TFT-LCD thông thường. Ưu điểm nổi bật của tấm nền IPS là phản hồi nhanh và thời gian đáp ứng đồng đều với mọi gam màu, đảm bảo xử lý nhanh lượng tín hiệu lớn mà không mất dữ liệu nhờ sử dụng dây đồng có trở kháng thấp.

Vì vậy, các tấm nền IPS giúp hình ảnh hiển thị sống động, rõ nét và ổn định, màu sắc chính xác và nhất quán cho mọi góc nhìn. Đó là điểm khác biệt với tấm nền TN chỉ có thể hiển thị màu sắc trung thực phần nào. Một ưu thế nữa của các tấm nền IPS là không để lại vệt khi ta chạm vào màn hình, thật sự lý tưởng cho các màn hình cảm ứng. Công nghệ màn hình IPS LCD có thể thấy rất rõtrên iPad 2, hình ảnh tươi sáng với độ tương phản tốt, màu sắc chính xác, ít bị đổi màu khi nhìn nghiêng.

Một biến thể của công nghệ IPS là PLS (Plane to Line Switching) được Samsung phát triển, giúp tăng độ sáng (khoảng 10%) và mở rộng góc nhìn lên tối đa. Công nghệ PLS giúp giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng hình ảnh với khả năng hỗ trợ độ phân giải lên tới 1366 x 768 pixel trên màn hình có tỷ lệ khung hình 16:9. Galaxy Tab 10.1 dùng màn hình LCD PLS gây ấn tượng nhất trong số các MTB Android có cùng kích cỡ.

Những yếu tố khác

Ngoài công nghệ tấm nền, chất lượng màn hình MTB còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Có thể thấy rõ từ việc các hãng cùng bị sức ép về thời gian trong cuộc đua đẩy nhanh sản phẩm ra thị trường nên sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Bên cạnh đó, việc đặt hàng với số lượng lớn có thể khiến các nhà máy, nhất là những nhà máy mới hình thành, cho ra lò những sản phẩm có chất lượng không được như mong muốn.

Chẳng hạn như Motorola Xoom, mặc dù cũng có độ phân giải màn hình 1280 x 800 pixel như Galaxy Tab 10.1, cao hơn iPad 2, nhưng ảnh hiển thị không sắc nét, màu sắc và độ bão hòa màu tệ hơn nhiều so với iPad 2 và Galaxy Tab, hình ảnh biến dạng khá nhiều ở góc nhìn nghiêng. Xoom cũng dùng chế độ hiển thị tự động điều chỉnh ánh sáng nền, nhưng thay đổi độ sáng theo một kiểu cách khác biệt, từ từ làm mờ màn hình dựa trên cấp độ hình ảnh trung bình giảm khoảng 60%, kết quả những hình ảnh mờ sẽ mờ hơn. Điều đó tuy giúp tiết kiệm năng lượng, nhưng lại làm phiền người dùng phải thường xuyên chỉnh độ sáng cho vừa ý.

a1201-63b.jpg

Hoặc như Asus Transformer cũng dùng công nghệ IPS, nhưng cảm biến ánh sáng môi trường hoạt động chưa tốt, nên so với iPad 2, độ phát xạ màn hình của Transformer so với ánh sáng xung quanh cao hơn, vừa tốn pin vừa gây mỏi mắt. Thêm nữa Transformer có màn hình 18-bit màu, nhưng dùng kỹ thuật giả lập để hiển thị 24-bit màu nên không thể thể hiện màu sắc trung thực như iPad 2 được. iPad 2 cũng có thiếu sót là độ rộng giải màu hạn chế, nhưng Apple đã cải thiện độ bão hòa màu sắc hình ảnh trên màn hình bằng cách tăng cường độ sáng (Galaxy Tab cũng áp dụng chiêu thức này).

Là màn hình LCD nên chất lượng màn hình MTB cũng được thể hiện trên các tiêu chí: Độ phản chiếu màn hình, độ sáng và tương phản, màu sắc và cường độ sáng, góc nhìn, mức tiêu thụ điện và thời lượng pin.

Màn hình iPad 2 được người dùng và các chuyên gia thử nghiệm đánh giá có chất lượng vượt trội so với các MTB Android khác. MTB của Apple cung cấp chất lượng màu sắc hình ảnh tốt nhất và độ chính xác cao nhất, mặc dù màu sắc của nó có phần dịu hơn. Galaxy Tab 10.1 của Samsung cũng có màn hình hiển thị ấn tượng, chất lượng “ngang ngửa” với màn hình của iPad 2. Tuy nhiên, màn hình MTB Samsung có màu hơi chói, phù hợp với những hình ảnh ít “màu mè” - có thể là dụng ý của nhà sản xuất để làm nổi bật sản phẩm.

Trường hợp giá cao như Xoom mà màn hình vẫn thua các đối thủ là điều đáng ngạc nhiên, trái ngược với những màn hình chất lượng cao của những smartphone do Motorola cung cấp - có vẻ như Motorola tìm cách hạ giá thành với một màn hình giá rẻ, kém chất lượng.

Màn hình MTB tương lai ra sao

Có nhiều tin đồn xung quanh màn hình của MTB thế hệ tiếp theo. Đầu tiên phải kể đến việc dùng màn hình OLED với các ưu thế: Mỏng (do không sử dụng đèn nền), tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhanh, tuổi thọ cao... Trở ngại lớn nhất hiện nay là giá thành và lượng đơn hàng chưa cao để giảm chi phí. Thứ hai là mật độ điểm ảnh được nâng cao. Ví dụ iPad thế hệ tiếp theo được dự đoán có độ phân giải tăng lên đến 2048 x 1536 pixel với mật độ điểm ảnh lên tới 264 ppi, gấp đôi so với màn hình iPad 2 - 1024 x 768 pixel có mật độ điểm ảnh 132 ppi (các MTB Android 10 inch thường có độ phân giải màn hình 1280 x 800 pixel, mật độ điểm ảnh 149 ppi).

Trả giá cho điều đó sẽ là giá thành tăng và sức mạnh xử lý của MTB đòi hỏi phải tăng đáng kể, tốn nhiều bộ nhớ hơn và pin cũng hao tổn nhiều hơn trong quá trình sử dụng. Về mặt này chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc đua “chấm” ở lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên việc NVIDIA cho ra đời chip xử lý 4 nhân Tegra 3 sẽ tăng cường khả năng xử lý và tăng tốc đồ họa đáng kể cho MTB, gạt bỏ mối lo ngại về việc các ứng dụng đồ họa khó chạy mượt khi độ phân giải màn hình tăng cao, không những thế việc tiêu thụ pin cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhờ cơ chế huy động nhân ẩn thứ 5 khi chạy các ứng dụng “nhẹ” kiểu như nghe nhạc, giúp tiết kiệm năng lượng.

Với màn hình nhỏ hơn 7 inch, Samsung đã tung ra Galaxy Note 5,3 inch, thiết bị lai giữa smartphone và MTB, trang bị màn hình HD Super AMOLED, công nghệ giúp tăng độ sáng, giảm độ tương phản và tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với màn hình OLED.

Chú ý tỷ lệ khung hình

Cùng nhóm MTB cỡ 10 inch (đo theo đường chéo), tỷ lệ khung hình của iPad là 4:3 (~1,33), trong khi với MTB Android 10,1 inch là 16:10 (=1,6). Tuy nhiên, vì màn hình MTB Android còn có thanh hệ thống nên tỷ lệ khung hình của vùng hình ảnh lớn hơn (~1,70), gần tương đương với tỷ lệ 16:9 (~1,78) của các HDTV thông dụng. Vì vậy, MTB Android thích hợp hơn cho việc xem video màn ảnh rộng khi máy nằm ngang, nhưng xem theo chiều dọc lại không phù hợp chút nào vì quá hẹp. Tỷ lệ khung hình của iPad gần với khổ giấy letter (8,5 x 11 inch), nên hợp lí cho việc đọc theo chiều dọc. Còn khi xoay ngang, nhờ chiều cao lớn hơn, nên iPad cũng tiện cho việc đọc hơn so với các MTB Android, vì bạn sẽ bớt được động tác cuộn. Do vậy, tùy vào nhu cầu sử dụng hàng ngày, bạn hãy để ý tỷ lệ khung hình khi chọn mua MTB.

Theo PCWorld
 

binladen1206

Active Member
Tìm hiểu công nghệ in-cell giảm độ dày màn hình

Trong khi on-cell có thể hình dung như chiếc bánh kẹp với nhiều lớp màn hình khác nhau, thì in-cell sẽ giảm bớt lớp màn hình ở giữa.

1B72C64E3C2132FC0A7B12F0BB1A2CA1.jpg

Ai cũng biết Apple luôn "yêu thích" những thiết bị mỏng và iPad 2012 ra đời khiến không ít người ngạc nhiên khi dày hơn 0,5mm so với iPad 2. Theo những tin mới nhất, Apple chuẩn bị ra mắt iPhone 5 (tạm gọi) và sử dụng công nghệ màn hình mới, giúp máy mỏng hơn so với công nghệ cũ.

Theo Digitimes, thay vì sử dụng màn hình kết hợp nhiều lớp riêng biệt, Apple sẽ sử dụng công nghệ hiển thị cảm ứng in-cell. Hai công ty Nhật Bản là Toshiba và Sharp sẽ là đơn vị cung cấp loại màn hình mới cho Trái táo.

Rhoda Alexander, chuyên gia phân tích của IHS cho biết, "điểm lợi của tấm in-cell là nhà sản xuất có thể sản xuất với quy trình hiệu quả hơn, cho phép tăng năng xuất trong khi giảm chi phí. Thêm vào đó, việc giảm số lượng các lớp màn hình sẽ hạ kích cỡ và độ dày của thiệt bị, giúp máy trở nên mỏng và nhẹ hơn".

Nếu iPhone có màn hình lớn cỡ 4 hay 4,3 inch như một số tin đồn hiện nay, phần kính mới (so với cỡ 3,5 inch) sẽ khiến máy nặng hơn. Do đó, Apple phải tìm cách tránh cho mẫu smartphone mới của mình bị "tăng cân".

Hiện nay, công nghệ cảm ứng on-cell của iPhone có thể hình dung như một chiếc bánh kẹp. Phía dưới cùng của màn hình là đèn nền, ngay trên đó là phần LCD, nơi chứa các điểm màu cơ bản đỏ, xanh lá và xanh dương và tiếp đến sẽ là kính rồi một tấm khác ở trên là lớp cảm ứng điện dung, và cuối cùng sẽ là lớp kính Gorilla cường lực. Trong khi đó, công nghệ in-cell sẽ giảm bớt lớp kính ở giữa, kết hợp màn LCD vào với tấm cảm ứng, trở thành một lớp duy nhất.

Theo báo cáo về màn hình cảm ứng của IHS năm 2010, cách để thực hiện ý định trên thành công là kết hợp các điện cực thường dùng để tiếp nhận thao tác chạm nhập liệu vào với nhau. Cụ thể, các kỹ sư sẽ tạo ra điện cực để xử lý tín hiệu quản lý thao tác chạm lẫn các điểm ảnh trên màn LCD.

Công nghệ in-cell hiện tại chưa được áp dụng trên các dòng điện thoại bán trên thị trường. Cũng không nên nhầm lẫn khái niệm này với công nghệ "Super" mà Samsung sử dụng, trên màn Super AMOLED và Super LCD. Cả hai loại màn "Super" này đều sử dụng công nghệ on-cell thay vì in-cell.

Cũng theo ông Rhoda, hiện nay in-cell còn là công nghệ vừa xuất hiện, nên dù đầy hứa hẹn về lợi ích lâu dài, tỷ lệ sản lượng ngắn hạn có thể là vấn đề phải xem xét. Tuy nhiên, những bước cải tiến như vậy cũng đáng để thử. Vài tháng trước khi iPad 2012 được giới thiệu, màn hình Retina của Apple cũng vấp phải nhiều nghi ngờ về hiệu quả trên sản phẩm mới.

Theo Sohoa
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top