Dịch vụ CNTT – hướng đi tất yếu cho ngành IT Việt Nam
Một lần nữa, chủ đề “Đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT” lại được các nhà hoạch định chính sách đưa ra bàn thảo tại Hội thảo quốc gia về CNTT và truyền thông Việt Nam 2009, diễn ra vào sáng 26/11 tại Hà Nội.
Hội thảo được đánh giá là một diễn đàn quan trọng để nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng CNTT cùng nhìn nhận, đánh giá và đưa ra các chiến lược cũng như giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành CNTT-TT trong những năm sắp tới.
Tăng trưởng trong suy thoái
Mặc dù suy thoái kinh tế trong năm 2008-2009 đã có lúc lên tới đỉnh điểm và ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác, nhưng theo ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT-TT, thì hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT Việt Nam vẫn được duy trì ở mức khá cao – từ 20-25%. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng CNTT của Việt Nam là 20%, tổng doanh thu toàn ngành đạt 6,26 tỉ USD, cao gấp 3 lần tốc độ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Đường, không phải lĩnh vực nào của ngành CNTT cũng có tốc độ phát triển như nhau. Chẳng hạn như lĩnh vực công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính, vốn chiếm tỉ trọng lớn nhưng lại có giá trị gia tăng thấp, tỉ suất lợi nhuận ít hơn nhiều so với ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) và nội dung số. Trong năm 2008, tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn được duy trì ở mức 20%, doanh thu xuất khẩu lớn - đạt 2,7 tỷ USD, và có thị trường xuất khẩu vươn tới trên 35 nước, đồng thời mang lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất.
Về ngành công nghiệp phần mềm, trong vòng 10 năm qua doanh thu CNPM Việt Nam tăng gần 19 lần, với mức tăng trung bình gần 35%/năm nhưng do suy thoái kinh tế nên năm 2009 sụt giảm mạnh. Năm 2009, ước tính lĩnh vực này vẫn tăng trưởng khoảng gần 30%, đạt khoảng 880 triệu USD và Việt Nam được xếp thứ 10 trong số những quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.
Tuy là lĩnh vực mới nhưng ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến đã bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm vừa qua, với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức trên 55%/năm, kể cả trong giai đoạn suy thoái 2008- 2009. Cũng nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này mà mục tiêu năm 2010 đạt 400 triệu USD/năm như theo Quyết định QĐ 56/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành trước 2 năm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước, ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, dự kiến đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 58% doanh thu so với năm 2008.
Như vậy, thị trường CNTT nội địa hiện nay có hai ngành phần cứng và dịch vụ nội dung số đang có dấu hiệu phục hồi và có tốc độ tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy sự phát triển nội dung số và dịch vụ trực tuyến là mạnh mẽ hơn cả.
Dịch vụ nội dung CNTT là xu thế tất yếu
Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phát biểu tại Hội thảo quốc gia về CNTT và truyền thông Việt Nam 2009 diễn ra sáng 26/11 tại Hà Nội.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, con số thuê bao mạng băng rộng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn nên đây sẽ là cơ hội phát triển rất lớn cho các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến. Đặc biệt, khi mạng băng rộng và công nghệ 3G thực sự nở rộ ở Việt Nam thì đây được coi là một công cụ hỗ trợ đắc lực và là phương tiện mới cho ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Theo Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, nếu ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trên mạng duy trì được tốc độ tăng trưởng 50% như hiện nay thì 2 năm sau, ngành này sẽ vượt doanh số của ngành công nghiệp phần mềm. Hơn nữa, với dân số 80 triệu dân nhưng việc ứng dụng CNTT trong thị trường nội địa chưa cao nên đây sẽ là nguồn cầu rất lớn đối với nội dung số và dịch vụ trực tuyến trong những năm sắp tới.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thành phố đi đầu trong việc ứng dụng và phát triển CNTT, chia sẻ rằng thị trường CNTT và nhu cầu tiêu dùng là những yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển CNTT. Vì vậy theo ông Hà, nếu đáp ứng được nhu cầu đó sẽ mang lại doanh thu rất lớn cho ngành trong bối cảnh dịch vụ CNTT đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Cũng nhận xét về khía cạnh này, ông Đường cho rằng xu hướng hội tụ Điện tử – Viễn thông – Công nghệ thông tin sẽ ngày càng sâu rộng. Điển hình như một chiếc điện thoại sẽ không còn đơn thuần là nghe gọi mà chúng còn có thể xem phim, tin tức, nghe nhạc và có nhiều chức năng khác. Vì vậy, ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến cần phải phát triển bắt kịp xu thế này và cũng là một cơ hội phát triển của chính ngành đó.
Lấy ví dụ với IBM, hãng dịch vụ CNTT hàng đầu thế giới, ban đầu người ta cũng chỉ biết tới IBM là hãng sản xuất máy chủ, nhưng sau đó hãng này đã mở rộng sang lĩnh vực phần mềm. Doanh thu phần mềm của IBM chỉ chiếm 10%, trong khi doanh thu từ mảng dịch vụ chiếm tới 65%. Điều này cho thấy nhu cầu dịch vụ của người dùng ngày càng lớn mạnh.
Hiện nay, nhiều sản phẩm CNTT truyền thống đang dần chuyển sang dịch vụ và dịch vụ CNTT đã trở thành xu hướng mới cho việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực được đánh giá là đem lại tỷ suất doanh thu hơn 75% toàn ngành CNTT-TT thế giới.
Theo VnMedia